Những Tư Tưởng Về Đạo

Bài 8
Thanh Âm là từ lòng người mà sinh ra. Lòng người có cảm giác, mới phát động ra âm. Âm tuy thành ở ngoài, mà thực ra phát ra tự trong lòng.
Cho nên nghe âm nhạc mà biết được phong tục, xét phong tục mà biết được chí hướng, xem chí hướng mà biết được đạo đức, thịnh, suy, khôn, dại, hay, dở đều hiện ra. Âm nhạc không dấu được ai. Bởi vậy, cứ lấy âm nhạc mà nghiệm được một nước ra thế nào.
Đất xấu, thì cây cối ngẳng nghiu; nước đục, thì tôm cá gầy còm. Đời suy thì lễ nghĩa phiền mà âm nhạc dâm. Những âm dâm đãng, tà khúc, những âm trên bọc trong dâu mà dưới dân gian lấy làm thích là nước loạn, mà trên vua chua lấy làm vui, là đức suy.
Âm nhạc đã không tiết tấu, không được trang nghiêm, thuần một màu dâm đãng đã xuất ra, thời chỉ cảm được cái lòng dâm đãng tà khúc mà rồi sinh ra bao nhiêu việc tà khúc gian nguy vậy.
Cho nên, người quân tử để tâm vào đạo mà sửa lấy đức, chỉnh lại đức để làm âm nhạc, hòa nhạc để cho thành thuận, mà nhạc có hòa, thì mới chỉnh đốn được mọi việc.
Tuân Tử

Mạnh Tôn Dương hỏi Dương Tử: “có kẻ mến đời, yêu thân, cầu cho không chết có nên không?”
Dương Tử nói: có sống thì phải có chết, lẽ nào mà không chết được?
- Thế cầu sống lâu có nên không?
- Lẽ nào sống lâu được? Người ta không phải thích sống mà sống mãi được, yên thân mà thân còn mãi. Vả chăng sống lâu để làm gì? Thế tình hay dở, xưa cũng như nay; thân thể an nguy, xưa cũng như nay; việc đời vui khổ, xưa cũng như nay; biến đổi trị loạn, xưa cũng như nay; cái gì cũng đã nghe thấy, đã trông thấy, đã từng trải cả rồi, thì sống trong khoảng trăm năm cũng đủ lấy làm chán ngấy, huống còn cầu lấy sống lâu để cho khổ làm gì?
Mạnh Tôn Dương nói: nếu như thế, thì chóng chết còn hơn là sống lâu. Ta nên xông vào gươm giáo, nhảy vào nước lửa để chết ngay đi có thỏa không?
Dương Tử nói: không phải thế. Đã sinh ra đời, thì lúc sống cứ tự nhiên mặc, làm việc gì cần phải làm, cho đến lúc chết, cũng tự nhiên mặc, muốn hóa ra gì thì hóa. Lúc sống, lúc chết lúc nào cũng tự nhiên như không (mà an vui tự tại). Vậy hà tất phải quan tâm sống lâu hay chết mau mà làm gì?
Dương Tử

Một tôn giáo lý tưởng phải cung cấp nghị lực của triết lý cho nhà triết học, tấm lòng sùng đạo cho người sùng bái; đối với người theo nghi lễ, nó phải cho tất cả những gì mà sự tượng trưng kỳ diệu nhất có thể chuyển đạt đến; đối với nhà thi sĩ, nó phải có bao nhiêu tâm tình mà y có thể thâu nạp, và những sự việc khác ngoài đó nữa.
Muốn lập một tôn giáo bao la như thế, chúng ta phải đi ngược về căn nguyên của mọi tôn giáo và dung nạp chúng tất cả. Tôi sùng bái Thượng Đế với mỗi tôn giáo đó dưới bất cứ khía cạnh hình thức nào mà họ (tưởng tượng về Ngài và) thờ Ngài…
- Bạn có thể là một nhà duy lý có óc thực tế và có lương tri; bạn không cần đến hình thức và nghi lễ, bạn muốn có những sự kiện tri thức vững chắc rõ rệt và chỉ có những sự kiện đó mới làm bạn thoả mãn, thì sẽ có Thanh giáo đồ và Hồi giáo đồ, những người này không bao giờ chịu cho đặt một bức hình hoặc một pho tượng nào trong chỗ thờ của họ.
- Nhưng những kẻ khác mỹ thuật hơn. Y muốn có sự đẹp đẽ của những đường cong, màu sắc, bông hoa, hình thức; y muốn có những cây nến, những ngọn đèn với tất cả những biểu tượng và trang sức cùng nghi lễ hầu có thể sùng bái Thượng Đế. Tinh thần của y chỉ có thể am hiểu Thượng Đế qua những hình thức đó (mỹ) cũng như những nhà duy lý hiểu Ngài qua trí thức (chân).
- Lại có người sùng đạo (dạt dào tình cảm) mà linh hồn họ đang khóc lóc tưởng nhớ Thượng Đế; y không có ý tưởng nào khác hơn là sùng bái Thượng Đế và ca ngợi Ngài.
- Còn có nhà triết học, đứng riêng biệt với tất cả những người trên và chế nhạo họ; y nói: những người này thật vô lý, lại có thể có những ý tưởng (kỳ khôi) như thế về Thượng Đế được!
Họ có thể cười nhạo lẫn nhau; nhưng mỗi người trong bọn họ đều có một vị trí ở thế gian này…
Vivekenanda

Đạo học của thánh hiền không phải thành được ở chỗ vội vàng, cẩu thả, mà phải ở chổ tích lũy. Điều cốt yếu của sự tích lũy là ở chỗ chuyên và cần. Bỏ hết ham muốn, thực hành không mệt, nhiên hậu đạo lý mở rộng, tâm lương đầy đủ, có thể thông suốt hết được sự lý vi diệu trong thiên hạ.
Hoàng Long thiền sư

Độ lượng to lớn bao nhiêu thì phúc trạch cũng to lớn bấy nhiêu. Có mưu sâu độc bao nhiêu thì tai vạ cũng sâu độc bấy nhiêu.
Minh Tâm Bảo Giám

Thầy Trang sắp chết. Học trò muốn chôn thầy cho hậu. Thầy nói:
- Ta lấy Trời, Đất làm quan quách; mặt trời mặt trăng làm ngọc bích; các vì sao làm ngọc trai; muôn vật làm kẻ đưa đám. Đồ chôn ta há chẳng đủ rồi sao? Còn gì hơn thế nữa?
Học trò thưa:
- Chúng con sợ diều, quạ nó ăn thịt thầy.
Thầy Trang đáp:
- Ở trên thì làm món ăn cho diều quạ. Ở dưới thì làm món ăn cho sâu kiến. Cướp đằng ấy, cho đằng này, sao mà thiên vậy? Đem bất bình mà bình, thì cái bình ấy vẫn bất bình. Đem cái không hợp mà hợp thì cái hợp ấy vẫn không hợp.
Nam Hoa Kinh

Có đoàn dân đông cùng đi với Đức Chúa Jesus: Ngài xây lại cùng họ và phán rằng: Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống của mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.
Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc chăng? E khi đã xây nền rồi, không làm xong được, thì mọi người thấy liền chê cười và rằng: người này khởi công xây, mà không thể làm xong được! Hay là có vua nào đi đánh trận cùng vua khác, mà trước không ngồi bàn luận xem mình đem đi muôn lính có thể địch nổi vua kia đem hai muôn lính cùng theo chăng? Bằng chẳng nổi, khi vua kia còn ở xa, sai sứ xin đi hòa. Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.
Muối là giống tốt; nhưng nếu muối mất mặn, thì lấy chi làm cho nó mặn lại được? Không dùng chi được cho ruộng hoặc cho phân; người ta phải bỏ nó ra ngoài. Ai có tai mà nghe, hãy nghe!
Luca

Nói về cái lực mà không có lực, chả còn có cái gì mạnh bằng cái lực của sự biến hoá… Trời Đất không lúc nào là không biến đổi. Thế sự đã đổi mới, mà cứ tưởng là còn cũ. Chiếc thuyền từng buổi từng đổi khác, mà cứ tưởng nó vẫn như xưa. Trái núi từng ngày từng đổi khác mà cứ xem nó vẫn trơ trơ như trước. Hiện tay đang khoác tay mà lòng đã thay đổi! Đều là ở những nơi sâu kín nhất của tâm hồn. Cái ta trước đây không còn là cái ta hiện tại, cả cái ta và cái hiện tại đều qua, há có thể còn giữ mãi được cái cũ mà được đâu! Vậy mà thế nhân lại đâu biết được điều đó, cứ lại bảo rằng cái hôm nay gặp gở có thể buộc lại mà giữ mãi không mất, như thế há chẳng phải là ngu muội lắm hay sao!
Quách Tượng

Liệt Tử nghèo khổ, có khi đói khát không có gì mà ăn uống. Có người nói với vua Tử Dương nước Trịnh rằng:
- Liệt Tử là một người cao thượng, nay ở nước nhà vua mà phải bần cùng thì chẳng hóa ra nhà vua không biết quý trọng người giỏi ư?
Tử Dương nghe nói sai sứ giả đưa cho Liệt Tử vài mươi xe thóc.
Liệt Tử ra yết kiến sứ giả, vái hai vái, xin từ không nhận.
Sứ giả đi, Liệt Tử vào nhà trong. Vợ ngóng trông bực tức, tự đập vào ngực mà nói rằng:
- Thiếp nghe vợ con những bậc đạo cao, đức trọng đều được an nhàn, vui vẻ, nay vợ con
tiên sinh túng đói, vua đưa cho tiên sinh thóc gạo, tiên sinh lại từ. Thế chẳng phải là số mạng xui ra vậy hay sao?
Liệt Tử cười, bảo vợ rằng: vua mà biết ta không phải là tự chính vua biết ta, tại nghe có người nói mới biết ta. Vua nghe người nói mới biết ta mà cho ta thóc, thì lúc bắt tội ta, tất vua cũng lại nghe người nói mà bắt ta. Vì thế mà ta không nhận thóc. Vả chăng chịu bổng lộc của người, hoặc khi người mắc hoạn nạn, không liều chết giúp người là bất nghĩa. Mà nếu liều chết giúp kẻ vô đạo thì lại còn gọi là nghĩa thế nào được.
Tử dương sau quả bị nạn chết.
Liệt Tử

Đừng nói có sáng có tối. Đừng hiểu rằng tu theo Đạo là lấy sáng trừ tối, lấy bồ đề phá phiền não. Là vì phiền não tức bồ đề, chẳng khác nhau, chẳng phải hai. Nếu lấy trí tuệ phá phiền não, đó là kiến giải có hai của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Hàng trí cao, căn lớn không thể như vậy.
Đối với sáng và tối, kẻ phàm thấy có hai, hàng đại giác thấy là “bất nhị”. Tánh bất nhị ấy là thực tánh chân như. Thực tánh ấy, bình đẳng ở muôn vật, bất cứ ở đâu, ở phàm phu không bớt, ở hiền thánh không thêm, ở phiền não không loạn, ở thiền định chẳng lắng. Cái thấy bất nhị ấy chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng đi, chẳng đến, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài mà cũng chẳng ở giữa, chẳng sinh, chẳng diệt, như như chẳng động, thường trụ chẳng dời. Đó gọi là Đạo. Nếu muốn rõ chõ tâm yếu của Thiền thì lành dữ bất tất đừng nghĩ đến, tự nhiên được ngộ nhập vào tánh thanh tịnh của Tâm, tuy vắng lặng linh minh mà diệu dụng đáp ứng với thế sự thì vô cùng vô tận.
Lục Tổ Huệ Năng

Có học vấn mà không có đạo đức, thì là người ác; có đạo đức mà không có học vấn, thì là người quê.
La Tư Phúc

Trở lại Mục Lục