Những Tư Tưởng Về Đạo

Bài 7
Có chàng Tôn Hưu tới cửa sửng sốt hỏi thầy Biển Khánh:
- Hư này ở làng không thấy ai cho là mất nết; lâm nạn không thấy ai cho là hèn nhát. Vậy mà làm ruộng không được mùa! Ra đời không gặp vua! Làng xóm họ đuổi! Châu quận họ xua! Thì nào được tội gì với trời? Sao Hưu lại gặp số mệnh ấy?
Thầy Biển đáp:
- Riêng người chẳng rõ cách ở đời của bậc chí nhân sao? Quên gan, mật mình. Bỏ rơi tai, mắt mình. Lờ mờ thơ thẫn ở ngoài bụi nhơ. Tiêu dao với nghề vô sự. Thế tức là làm đó mà không cậy công, trưởng đó mà không tự chủ. Nay nhà ngươi sức trí để nạt kẻ ngu; sức mình để rõ kẻ bẩn; tỏ rõ như nêu mặt trời, mặt trăng mà đi. Vậy mà ngươi giữ được toàn hình xác, đủ chín khiếu, không nửa đường chết yểu về điếc, mù, què quặt, và được kể là người, thế cũng là may rồi. Lại rỗi công đâu mà óan Trời. Ngươi đi thôi!
Chàng Tôn ra, thầy Biển vào ngồi. Một lúc, ngửa mặt lên trời thở dài. Học trò hỏi:
- Tại sao Thầy lại thở dài?
Thầy Biển đáp:
- Ban nãy Hư tới, ta đem đức của bậc chí nhân bảo nó. Ta sợ nó kinh ngạc rồi đến sinh ra mê hoặc.
Học trò thưa:
- Thưa không phải! Điều mà chàng Tôn nói phải chăng? Điều mà Thầy nói trái chăng? Trái vốn chẳng mê hoặc được phải. Điều mà chàng Tôn nói trái chăng? Điều mà Thầy nói phải chăng? Hắn vốn mê hoặc mà tới đây, nào lại có tội gì?
Thầy Biển nói:
- Không phải. Xưa kia có con chim đậu ngoài thành nước Lỗ. Vua Lỗ thích nó, sắm lễ Thái Lao để mời nó ăn; tấu nhạc cử thiều để cho nó vui… Chim liền bắt đầu lo buồn, hoa mắt nhìn, không dám ăn uống. Thế tức là lấy cách nuôi mình mà nuôi chim. Ví bằng lấy cách nuôi chim mà nuôi chim, thì nên cho nó đậu ở núi rừng; bơi ở sông hồ… Nuôi nó một cách thong thả, cho nó bay ở đồng bằng.
Nay Hưu là dân thấy hẹp, nghe ít. Ta đem đức của bậc chí nhân bảo nó, khác nào đem xe ngựa kia cho chuột nhắt. Đem chuông, trống mà làm vui cho chim én. Nó lại sao không kinh ngạc?
Nam Hoa Kinh

Đạo mà không thi hành ra được, ta đã biết tại sao rồi; người trí giả thì thái quá. Kẻ
ngu giả thì bất cập; đạo mà không sáng rõ ra được, ta đã biết tại sao rồi; người giỏi thì thái quá, người không giỏi thì bất cập. Người ai chẳng ăn uống nhưng ăn uống mà biết mùi, thì ít lắm vậy.
Khổng Tử

Học đạo cũng như người trồng cây. Cây vừa tốt đã chặt, chỉ có thể làm củi đun. Cây sắp lớn đã chặt, chỉ có thể làm dùi mè. Cây hơi mạnh đã chặt, chỉ có thể làm kèo cột. Và, cây lớn già mới chặt, thì làm được rường nóc. Như thế, há không phải dụng công nhiều mà được lợi lớn chăng!
Cho nên, cổ nhân chỉ thấy đạo rộng lớn, mà không hẹp hòi, chỉ lập chí sâu xa mà không thiển cận, chỉ lập ngôn cao trọng mà không ty tiện, mặc dù có những lúc bị lận đận, khốn cùng vì đói rét hay bỏ xác nơi gò hang. Thân xác mất đi nhưng để lại đạo phong, công liệt suốt trăm nghìn năm không mất và người đời sau còn lấy đó làm pháp tắc lưu truyền.
Giả sử, nếu thấy đạo một cách nhỏ hẹp để tạm dung thân, lập chí thiển cận để cầu hợp ý người, lập ngôn ty tiện để phụng sự quyền thế, thì sự lợi ích ấy chỉ vinh hiển cho một mình, làm sao còn có những ân huệ phổ cập cho đời sau được!
Giàn Đường

Miệng đối với vị ngon đều giống nhau, người sành ăn như Dịch Nha là người biết trước cái thích của miệng ta. Nếu khiến cái miệng của Dịch Nha đối với vị ngon mà lại không giống như mọi người, tựa như giống chó giống ngựa, không đồng loại với ta, thì sao đối với vị ngon thiên hạ lại theo cái sành ăn của Dịch nha? Đối với vị ngọn mà thiên hạ theo Dịch Nha là vì cái miệng thiên hạ thích vị ngon ai cũng như ai. Cái tai nghe cũng vậy. Như tiếng âm nhạc thì ai cũng theo người giỏi đàn như Sư Khoáng. Vì cái tai người ta ai cũng như ai. Cái mắt trông cũng vậy. Đẹp như Tử Đô thì thiên hạ ai cũng chẳng biết là đẹp. Người mà không biết Tử Đô là đẹp là người không có mắt. Bởi vậy cho nên nói: miệng đối với vị ngon thì đều thích như nhau, tai đối với tiếng đàn hay thì đều nghe như nhau, mắt đối với sắc đẹp thì đều trông thấy như nhau. Thế mà có một tâm lại không giống nhau là cớ sao? Những cái mà tâm của người đều thích như nhau là những cái gì? Là cái lý, cái nghĩa. Thánh nhân là bậc đã tìm được trước ta những cái mà tâm của ta đều thích.

Cho nên lý và nghĩa làm cho cái tâm của ta thích, cũng như thịt giống thú ăn cỏ, ăn cám, làm cho thích miệng ta vậy.
Mạnh Tử

Khoa học tinh xác không gọi ta tin tưởng điều gì cả. Nhà khoa học thâu thập một vài kết quả nhờ kinh nghiệm của riêng y và dựa vào đó mà lập luận và yêu cầu chúng ta tin tưởng vào kết luận của y. Nhưng chúng ta có thể thấy ngay những kết luận được đề nghị là đúng hoặc sai (và nếu cần chúng ta có thể làm lại cuộc thí nghiệm để xác nhận lại kết quả đó).
Tôn giáo ngày nay chỉ gồm toàn những khối lý thuyết khác nhau. Những lý thuyết đó lại căn cứ vào lòng tin tưởng. Đó là lý do mà tất cả tôn giáo tranh chấp lẫn nhau…
Các bậc chân sư đều đã thấy Thượng Đế, thấy linh hồn họ, thấy tương lai họ, thấy một số chân lý mà họ đã thực nghiệm được và họ đem ra truyền giảng những điều họ thấy. Không thể an tâm thừa nhận tôn giáo bằng sự tin tưởng…
Trong bất cứ ngành tri thức nào trên thế giới, nếu có người trải qua một kinh nghiệm, thì tất nhiên là kinh nghiệm đó đã xẩy ra cả triệu lần trước rồi và sẽ còn lặp đi lặp lại vô cùng tận. Nhất trí là luật nghiêm khắc của thiên nhiên; thứ gì đã xảy ra còn có thể xẩy ra mãi mãi…
Tôn giáo chẳng phải chỉ căn cứ trên kinh nghiệm của thời xưa thôi, và người nào chưa tự mình chứng nghiệm những tri giác đó ít hay nhiều thì chưa phải là người biết đạo.
Khi người ta chưa cảm giác được tôn giáo thì bàn luận về tôn giáo là điều vô ich, sẽ có nhiều phiền nhiễu, nhiều cãi vã, chém giết quanh danh hiệu của Thượng Đế vì mê tín vào tập tục và ngu dốt.
Vivekenanda

Đời nhà Chu, có người họ Doản chí chăm làm giàu. Tôi tớ trong nhà khó nhọc, vất vã, thức khuya dậy sớm. Có một tên đầy tớ tuổi già, sức yếu, nhưng phải làm nhiều, ban ngày tối mặt, không kịp thở, ban đêm mệt lử, ngủ say, tinh thần tán loạn. Nhưng đêm nào cũng mơ màng được làm vua một nước, đứng đầu cả muôn dân, cầm quyền chủ mọi việc, ở gác tiá, lầu son, ăn của ngon vật lạ, muốn gì được nấy, vui vẻ, sung sướng thật không ai bằng. Sáng bừng mắt dậy, thì vẫn hoàn là một tên đầy tớ già, làm không kịp thở…. Có người thấy lão ta khó nhọc, lấy lời an ủi.
Lão ta nói rằng: “Đời người trăm năm, có ngày, có đêm; ban ngày, ta chỉ là một tên đầy tớ kể ra khổ thực, nhưng ban đêm, ta đã là vua cả một nước, vui sướng không ai bằng, thì còn oán hận gì nữa!”
Họ Doản gây dựng cơ nghiệp, lo lắng làm giàu, nát gan nát ruột, cứ đêm mệt đi ngủ, thì nằm mơ lại thấy đi làm đầy tớ người ta, việc gì cũng phải làm, lại gặp chủ nhà cay nghiệt quở mắng đánh đập khổ cực muôn phần, nên lúc ngủ trằn trọc thổn thức, sáng dậy mới thôi.
Họ Doản lấy làm lo, nói chuyện với bạn.
Bạn bảo: “Được cái địa vị như bác giàu có hơn người, ban ngày sung sướng vẻ vang biết là bao, đêm đến có năm mơ đi làm đầy tớ người ta, thì cũng là sướng khổ đắp đổi số phận chi thường. Nếu lúc thức, lúc ngũ cũng muốn sướng cả, thì được thế nào được?
Doản nghe bạn nói, từ hôm đó nới tay cho người ăn kẻ ở, và mình cũng bớt lo nghĩ, nên mỗi ngày bệnh ác mộng lại bớt dần.
Liệt Tử

Nước Thiên Đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó.
Nước Thiên Đàng lại giống như một người lái buôn kiếm ngọc châu tốt, khi đã tìm được một hột châu quý giá, thì đi bán hết gia tài mình mà mua hột châu đó.
Nước Thiên Đàng cũng giống như một tai lưới, thả xuống biển, bắt đủ mọi thứ cá. Khi lưới được đầy rồi, thì người đánh cá kéo lên bờ; đoạn, ngồi mà chọn giống tốt để riêng ra, đem bỏ vào rọ, còn giống xấu thì ném đi. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công bình ra, ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.
Ma-Thi-Ơ

Tại chùa Tô Châu có một nhà sư tên gọi Viên Thủ Trung tu hành đắc đạo.
Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ ba tấc, có một cái nắp đậy, mở được.
Khách đến chơi trông thấy, cười nói rằng:
- Người chế ra cái này dùng để làm gì?
Nhà sư nói:
- Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ, người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vã suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì. Như ta đây mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc trong tâm ta được yên ổn mà muôn nghìn sự tư lự đều lâng lâng sạch như không. Cái quan tài con này đủ thay lời huấn, lời giới của bậc nghiêm sư, bài trâm, bài minh treo bên chỗ ngồi vậy.
Mai Hiên Bút Ký

Không có gì giỏi bằng hay bàn, không gì yên bằng hay nhẫn, không gì hơn người bằng có đức, không gì sướng thân bằng làm lành.
Hoàng Thạch Công

Trở lại Mục Lục