Những Tư Tưởng Về Đạo

                    

Bài 6
Ở đời loạn thì bậc thánh trí rong ruổi mà không đủ, ở đời trị thì bọn dung phu nằm dài mà có thừa. Nay ta ở vào đời không có việc gì, thì cái tài cái học của đều là vô dụng cả. Vả ta nghĩ rằng: cái gì bùng bùng thì dễ tắt, cái gì ầm ầm thì dễ nghỉ, xem sấm, xem lửa, ai chẳng cho là đầy, là nhiều, đến lúc Trời thu cái tiếng của sấm, đất giấu cái nóng của lửa, thì chẳng còn gì sót. Cái nhà cao minh có ma quỷ dòm nom ở bên cạnh để chực làm hại. Vồ chụp thì mất, lẳng lặng thì còn, ngôi cao thì cả họ nguy, tự chủ thì thân được trọn vẹn. Cho nên biết huyền, biết mặc, là giử được phần cao của đạo; bèn thanh, bèn tỉnh, đi chơi chổ thần diệu, chỉ có sự tịch mịch là giử được chổ ở của đạo đức.
Dương Hùng

“Đọc sách để xem cái ý của thánh hiền, nhân cái ý của thánh hiền để xem cái lý tự nhiên.”
Chu Hi

Bình yên là phúc. Có thừa là hại. Vật, không cái gì là không thế, mà nhất là của! Nay người giàu, tai mệt vì tiếng chuông, trống, đàn, địch; miệng ngán về vị cao, lương, rượu, chè; ý thường bị kích thích; việc thường thấy quên sót… Có thể gọi là loạn. Nghẹn ăn són đái, vì tức hơi. Như vác nặng mà đi lên dốc. Có thể gọi là khổ. Tham của mà sinh uất. Tham quyền mà sinh kiệt. Ở yên thì tả đái. Phát phì ỳ ạch. Có thể gọi là ốm. Vì muốn giàu trục lợi, cho nên đầy tai lời nguyền rủa mà không biết lánh. Còn lăn vào mà không chịu bỏ. Có thể gọi là nhục. Của chứa lại không dùng hết, bụng lẩm nhẩm tính hoài. Đầy lòng suy nghĩ, mong được thêm mà không thôi. Có thể gọi là lo. Trong thì ngờ có kẻ xin xỏ. Ngoài thì sợ có hại trộm cướp. Trong thì gác cao, tường kín. Ngoài thì không dám đi một mình. Có thể gọi là sợ. Sáu cái ấy là những hại lớn ở đời, đều quên sót mà chẳng biết xét. Kịp khi tai vạ đến, tận tình mong đem hết sổ biên của cải để chuộc lại lấy một ngày vô sự mà không thể được. Cho nên: Xem về đạt hình danh chẳng thấy, cầu về lợi thì lợi chẳng được. Bận lòng, liều mạng mà tranh cái ấy, chẳng cũng mê hoặc sao?
Nam hoa Tiên Sinh

Thầy Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử:
- Tử nay mệt về học, khốn về đạo, bây giờ muốn nghỉ để thờ vua, có nên không?
Đức Khổng Tử nói:
- Phàm làm tôi thờ vua, sớm tối kính cẩn; mà cho trọn được chức trách cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
- Vậy xin nghỉ để thờ song thân
- Lòng con hiếu thờ cha mẹ thật là vô cùng, lại có thể lấy hiếu thảo của mình cảm hóa được lòng người cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
- Vậy xin nghỉ để vui chơi với vợ con
- Đạo làm chồng phải làm gương cho vợ, lại để cho anh em và thiên hạ trông vào mà bắt chước cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
- Vậy xin nghỉ để chơi với bầu bạn
- Nghĩa bầu bạn phải giúp đỡ nhau, hết lòng hết sức với nhau, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
- Vậy xin nghỉ để làm ruộng
- Công việc nhà nông phải cày cấy gặt hái, hai sương một nắng, chân lấm tay bùn, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
- Như thế thì Tử này không lúc nào được nghỉ ư?
- Có chứ. Lúc nào ngắm thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, trông thấy cái mồ đắp chắc chắn, ngó thấy người đi đưa cách biệt hẳn mình, ấy lúc bấy giờ mới là lúc nghỉ được đó.
Thầy Tử Cống nói:
- Như thế cái chết chẳng là cái hay à! Người quân tử đến bây giờ mới được nghỉ, kẻ tiểu nhân đến bây giờ mới chịu thôi; cái chết là hay vậy!
Gia Ngữ

Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hạy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở. Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng? Hay con mình xin cá, mà cho rắn chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?
Jesus

Tranh ăn tranh uống, không có liêm sỉ, không biết phải trái, không tránh chỗ đau chỗ chết, không sợ người đông sức mạnh, mờ mờ vậy chỉ thấy lợi về ăn uống mà thôi, ấy là cái dũng của hạng cẩu trệ. Vì việc làm và điều lợi, tranh của cải, không có từ nhượng, quả cảm làm liều, tham quá độ mà trái phép, mờ mờ vậy chỉ thấy cái lợi mà thội, ấy là cái dũng của bọn đi buôn và đi ăn trộm. Khinh cái chết mà bạo ngược, ấy là cái dũng của kẻ tiểu nhân. Tuân Tử

Tang và Cốc hai người , cùng nhau chăn dê mà đều mất dê. Hỏi Tang làm gì? Thì cắp thẻ đọc sách! Hỏi Cốc làm gì? Thì cờ bạc rong chơi! Hai người công việc chẳng giống, nhưng đều là để mất dê cả! Bá Di chết vì danh ở duới núi Thu Dương! Đạo Chích chết vì lợi ở trên gò Đông Lăng! Hai người ấy cách chết chẳng giống, song đều là tàn sống, hại tính cả! Chác gì Bá di là phải mà Đạo Chích là trái? Người thiên hạ đều chết theo cả. Cái họ chết theo là Nhân, Nghĩa, thì tục gọi là quân tử. Cái họ chết theo là của cải, thì tục gọi là tiểu nhân ! Cái chết theo là một, vậy mà có quân tử, có tiểu nhân ! Đến như cái tàn sống, hại tính, thì Đạo Chích cũng như Bá di mà thôi ! Trong đó kể chi quân tử với tiểu nhân? Vả chăng đem tính mình mà toi mọi nhân nghĩa, dù giỏi như Tăng, Sử, chẳng phải hạng ta cho là hay ! Đem tính mình mà toi mọi cho năm mùi, dù giỏi như Du Nhi, chẳng phải hạng ta cho là hay ! Đem tính mình toi mọi cho năm tiếng, dù giỏi như Sư Khoáng, chẳng phải hạng ta cho là tinh tai ! Đem tính mình mà toi mọi cho năm màu, dù giỏi như Ly Chu, chẳng phải hạng ta cho là sáng mắt. Hạng ta cho là hay, không phải có ý là nhân, nghĩa đâu? Hay về đức mà thôi… Hạng ta cho là tinh tai, không phải là bảo nghe cái ngoài đâu, tự nghe mà thôi. Hạng ta gọi là sáng mắt, không phải là bảo thấy cái ngoài đâu, tự thấy mà thôi. Kìa kẻ chẳng tự thấy mà thấy cái ngoài, chẳng tự được mà được cái ngoài, ấy là kẻ được cái được của người, mà chẳng tự được cái được của mình, thích cái thích của người, mà chẳng tự thích cái thích của mình. Mà thích cái thích của người, mà chẳng tự thích cái thích của mình, thì dù Đạo Chích với Bá Di, ấy cũng là đắm đuối, thiên lệch cả. Ta thẹn về đạo đức, vì thế không dám làm bộ nhân, nghĩa mà dưới không dám làm những nết đắm đuối thiên lệch vậy.
Trang Tử

Một triết thuyết mà không giải quyết được vấn đề sinh tử, nhất là trong tất cả mọi vấn đề quan trọng của con người, là vấn đề đau khổ và chết chóc là một thứ triết học khô khan, lạt lẽo. Một triết học mà chỉ tòan là suy tư nghị luận về những khái niệm và giáo điều sẽ không đem lại một chỗ nương tựa gì cho đời sống con người, thì chẳng khác gì mang đá sỏi cho những kẻ đang cần cơm bánh.
Siddhewarananda

Trở lại Mục Lục