Những Tư Tưởng Về Đạo

Bài 5
Dạy người ta học, không nên cố chấp về một điều thiên lệch. Người ta lúc đầu, cái tâm cái ý không nhất định, và cái tư-lự thường hay theo về một bên tư-dục, cho nên mới dạy cho phải ngồi im lặng, và vứt hẳn cái tư-lự. Học như thế ít lâu, thì cái tâm cái ý tuy định, nhưng lại chỉ huyền không tỉnh thủ giống như cành cây khô, như đống tro nguội, lại là vô dụng. Bấy giờ nên dạy người ta tỉnh sát khắc trị. Cái công phu tỉnh sát khắc trị thì không có lúc nào rỗi. Lúc vô sự thì đem những lòng hiếu sắc, hiếu tài, hiếu danh v.v.. mà xét cho kỹ, cốt để trừ bỏ cho hết bệnh căn, khiến nó không phát ra nữa. Học giả lúc ấy phải như con mèo rình chuột, mắt nhìn tai nghe, hễ thấy cái lòng tư mọc ra thì trị ngay đi, mãi cho đến khi không có lòng tư nào nữa, bấy giờ sẽ được ngay chính. Tuy nói rằng: “hà tư, hà lự”, nhưng không phải là việc lúc mới học. Lúc mới học phải lo tỉnh sát khắc trị thì cái tư lự mới thành thục. Chỉ nghĩ có một cái thiên lý, mà hễ đến được chỗ thiên lý toàn thông hết cả, ấy thế là “ hà tư, hà lự”.
Vương Dương Minh

Mỗi người phải chọn quan niệm của mình và cố gắng hoàn thành nó. Đó là đường lối để tiến triển chắc chắn hơn là theo quan niệm của người khác mà mình không bao giờ có hy vọng hoàn thành. Không phải tất cả nam nử trong một xã hội nào đều có một thứ tinh thần, khả năng và nghị lực để làm việc; họ phải có những quan niệm khác nhau và chúng ta không có quyền chê cười một quan niệm nào. Nhiệm vụ chúng ta là khích lệ mọi người trong cuộc tranh đấu để thành tựu quan niệm cao siêu nhứt của họ và đồng thời ráng sức làm cho quan niệm đó càng gần chân lý càng tốt…
Đời sống của người có gia đình cũng cao cả như đời sống của kẻ độc thân đã hiến mình cho công tác tôn giáo. Người thế, thâu hoạch và xài tiền một cách cao thượng là một sự sùng bái Thượng Đế cũng giống như vị ẩn sĩ tu hành trong gian phòng nhỏ của y đang làm trong khi cầu nguyện. Cả hai đều có một đức hạnh duy nhất là sự cung hiến và hy sinh bản thân cho người khác, trong cảm giác thành kính tất cả những gì thuộc về Thượng Đế. Những kẻ tại gia cũng không nên nghĩ rằng những kẻ từ bỏ thế gian là những lãng tử thấp kém…
Nếu là người tại gia, thì hãy hy sinh đời sống mình cho sự an vui của kẻ khác, nếu người xuất gia chọn đời sống từ bỏ thì đừng bao giờ dòm ngó sắc đẹp, tiền bạc và quyền lực.
Vivekenanda

Vua Ai Công nước Lổ hỏi Đức Khổng Tử:
- Người khôn có sống lâu không?
Đức Khổng Tử đáp:
- Có, khôn thì sống lâu, chớ dại thì sống lâu sao được! người ta có ba thứ chết, tự mình làm cho mình chết, chớ không phải số mệnh đáng chết mà chết.
Ăn uống không có chừng mực, thức ngủ không có điều-độ, làm lụng khó nhọc quá, lườì biếng chơi bời quá, người như thế phải chết về bệnh tật.
Phận là người dưới, mà can phạm người trên, lòng tham muốn không chừng, tính yêu sách không chán, người như thế thì chết về hình pháp.
Mình ngu mà kình địch người khôn; mình yếu mà khinh bỉ người mạnh, không biết lượng sức mình mà cứ giận dữ làm liều, người như thế thì chết vì binh đạo.
Ba thứ chết ấy, thực không phải là số mệnh.
Hàn-Thi Ngoại Truyện

Người tùy theo thế tình, tham cầu danh vọng. Khi được công danh hiển đạt, thì thân thể đã già yếu. Kẻ tham danh lợi ở đời, không biết học đạo, chỉ uổng công nhọc xác. Ví như cây hương đốt, khi được người ta ngửi thấy mùi thơm, thì thân hương đã hóa thành tro bụi, vì lửa nung đốt cháy liền thân hương vậy.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương

Trang Tử đi trên núi, thấy một cây lớn, cành lá rườm rà. Người thợ đốn cây đứng một bên mà không đốn. Hỏi duyên-cớ, thì thưa rằng:
- Cây này không dùng được vào việc gì hết.
Trang tử nói với các đệ tử:
- Cây này vì bất tài mà được hưởng tận tuổi trời.
Ra khỏi núi, Trang Tử ghé nghỉ nơi một nhà người quen. Người này mừngt rỡ hối trẻ giết chim đãi khách.
Trẻ thưa:
- Một con biết gáy, một con không, nên giết con nào?
Chủ nhà nói:
- Giết con không biết gáy!
Bữa sau đệ tử hỏi Trang Tử:
- Hôm qua cái cây trong núi nhờ bất tài mà sống tận tuổi trời. Rồi con chim của chủ nhơn
vì bất tài mà chết. Như ở vào địa vị của tiên sinh, phải xử như thế nào?
Trang Tử cười bảo:
- Châu này thì xử ở giữa khoảng tài và bất tài. Tài và bất tài cũng như nhau, cả hai không
có cái nào phải một cách tuyệt đối cả, thì làm sao mà phải lụy đến thân? Nên biết cỡi lên Đạo và Đức mà ngao du thì đâu còn lụy như thế! Không màng khen, không sợ chê, khi lên như rồng, khi bò như rắn, cùng hóa với chữ “Thời” mà không chịu khư theo một thái độ nào nhứt định. Khi lên cao, khi xuống thấp, lấy chữ “hòa” làm cân lượng, ngao du nơi Tổ của vạn vật, thì làm sao có thể bị lụy? Đó là phép tắc của Thần Nông, Hoàng Đế.
Đến như lấy cái tình của vạn vật mà truyền dạy về nhân luân, thì không thế. Hễ có hợp thì có tan, hễ có thành phải có hủy, hễ ngay thẳng thì bị chống đối, được tôn quý thì bị chê bai, có làm thì có sót. Giỏi thì bị mưu lật, mà dở thì bị khinh khi, vậy có thể nào mà quyết hẳn được bên nào ? Thương thay! Các đệ tử hãy ghi lấy chỉ có Đạo và Đức là nền tảng vững vàng để theo đó mà hành động thôi.
Thời nay, người tham học chỉ học phần ngọn và lãnh thụ phần da mà thôi. Họ chỉ quí tai nghe, còn mắt thì lười xem, đọc. Cứu cánh là họ không nghiên cứu được tới chổ sâu xa, vi diệu của sự học… Núi không chán cao, nên trong có nhiều hang và gom góp nhiều phong cảnh u-kỳ. Biển không chán sâu, nên lòng biển thường nạp được nước bốn phương, chin vực. Người muốn nghiên cứu đại đạo, cần phải xét tới chỗ cùng cực của lẽ cao sâu, sau mới có thể soi sáng u vi và ứng biếng không cùng vậy.
Chuyết Am Hoà Thượng

Có người gieo giống đi ra đặng gieo. Khi đương gieo, một phần giống rơi dọc đường, chim bay xuống và ăn. Một phần giống rơi vào đất đá sỏi, chỉ có ít đất thịt, bị lấp không sâu, liền mọc lên; song khi mặt trời mọc lên, thì bị đốt và vì không có rễ, nên phải héo. Một phần khác rơi nhằm bụi gai, gai mọc rậm lên, phải nghẹt ngòi. Một phần khác rơi nhằm chổ đất tốt, thì sanh trái; hoặc một hột ra được một trăm, hoặc một hột sáu chục, hoặc một hột ba chục…
Cũng thế khi người nào nghe đạo cùng nước thiên đàng, mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp điều đã gieo trong lòng mình, ấy là kẻ chịu lấy hột giống rơi ra dọc đàng. Người nào chịu lấy hột giống nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy; song trong lòng không có rễ, chỉ tạm thờì mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp sự cực khổ, sự bắt bớ, thì liền vấp phạm. Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo lắng về đời này, và sự mê đắm về của cải, làm cho nghẹt ngòi đạo và thành ra không kết qả. Song, kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt, tức là kẻ nghe đạo và hiểu; người ấy được kết quả đến nỗi một hột ra một trăm hột, hột khác sáu chục, hột khác ba chục.
Jesus

Tất cả tôn giáo có tổ chức đều là những khám cung chôn chặt tinh-thần con người
Krishnamurti

Trở lại Mục Lục