Những Tư Tưởng Về Đạo

Bài 4
Người trí, kẻ ngu, người hiền, kẻ bất hiếu, như nước và lửa không thể cùng chung một đồ đựng được, và cũng như mùa lạnh mùa nóng, không thể nào là cùng một mùa được. Đó là cái phần đã định sẵn vậy.
Người hiền trí thì thật thà, mềm dẻo, ngay thẳng, phúc hậu, họ mưu làm những việc đạo đức nhân nghĩa. Khi họ nói ra lời gì, làm việc gì, họ chỉ sợ không hợp nhân tình và không suốt vật lý. Ngược lại, những kẻ bất tiếu thì gian, hiểm, dối, nịnh, cậy mình, khoe tài, ham muốn, cầu lợi, và hết thảy việc gì không tốt họ cũng đều chiếu cố tới…
Trí, ngu, hiền, bất tiếu đã có sự hơn kém như thế, há không biết lựa chọn ư?
Viễn Công Hòa Thượng

Họa có thể sinh ra phúc và phúc có thể sinh ra họa. Họa sinh ra phúc vì khi người ta ở vào chổ tai ách, tha thiết nghĩ về sự được an và sâu xa tìm cầu lý giải thoát, nên kính cẩn sợ hãi, để tâm vào việc làm, do đó phúc sinh ra là thích đáng vậy. Phúc sinh ra họa, vì khi người ta ở vào chổ an lạc, thái bình sẽ phóng túng trong sự xa hoa, dục lạc, dông dở-trong sự kiêu mạn, lười biếng; do đó càng nhiều sự sơ sót khinh người, nên họa sinh ra là thích đáng vậy.
Thánh nhân (Lão tử) nói: “Gặp nhiều nạn mới thành chí, không gặp nạn dễ mất mình. Được là đầu mối của mất. Mất là lý lẽ của được”.
Thế mới biết, phúc không thể thường may gặp, được không thể thường hy vọng. Ở vào lúc có phúc biết lo đến sự tai họa thì phúc ấy giữ được. Thấy được biết lo mất, thì được ấy hẳn tới. Cho nên, người quân tử, an không quên nguy, trị không quên loạn vậy.
Linh Nguyên Thanh Thiền Sư

Thầy Khổng cùng khốn ở giữa khoảng Trần, Sái, bảy ngày không nấu ăn. Canh rau nấu suông… vẻ mặt rất mệt. Vậy mà đàn, hát ở trong nhà.
Nhan Hồi nhặt rau… Tử Lộ, Tử Cống nói với nhau:
-Thầy ta hai lần bị đuổi ở Lổ, tước dấu ở Vệ; bị chặt cây ở Tống; cùng ở Thương, Chu; mắc vây ở Trần, Sái… giết cả thầy chả ai làm tội. Tịch thu nhà thầy nữa, chả ai ngăn cấm. Vậy mà còn đàn với hát, chưa từng dứt tiếng. Người quân tử mà lại vô sỉ đến thế sao?
Nhan Hồi không có câu gì để đáp lại, vào thưa với Thầy Khổng. Thầy Khổng đẩy cây đàn, ngậm ngùi mà than:
-Tử Lộ và Tử Cồng là hạng nhỏ nhen. Bảo chúng vào đây, ta nói với chúng.
Tử Lộ, Tử Cống vào. Tử Lộ thưa:
-Như thế này, đã có thể gọi là cùng rồi…
Thầy Khổng nói:
-Nói thế là nghĩa gì. Người quân tử, thông về đạo thế gọi là thông, cùng về đạo thế gọi là cùng. Nay Khâu ôm đạo nhân nghĩa, mà mắc cái vạ của đời loạn, nào làm chi mà cùng. Cho nên xét trong lòng mà không cùng về đạo, thì lâm vào hoạn nạn cũng không bỏ mất đức. Trời rét đã đến, sương, tuyết đã sa, ta lúc ấy mới biết thông, trắc là xanh tốt. Cái ách ở Trần Sái, có lẽ là cái may cho Khâu chăng?
Thầy Khổng điềm nhiên, lại với đàn mà gảy với hát. Tử Lộ hăng hái, cầm mác mà múa…
Tử Cống nói:
-Tôi không biết trời là cao, đất là thấp… Bậc đắc đạo đời xưa, cùng cũng vui, thông cũng vui. Cái để vui không phải là cùng hay thông. Sẵn đạo đức đây thì cùng, thông là rét, nắng, gió, mưa đắp đổi.
Nam Hoa Kinh

Nói khéo làm loạn cái đức, điều nhỏ mọn mà không nhịn thì hỏng việc lớn. Nương tựa vào điều lợi mà làm là hay sinh ra nhiều điều oán. Mình tự trách mình nhiều mà trách người ít, thì xa được điều oán giận. Không đoán trước là người ta dối mình, không đoán phỏng là người ta không tin mình, thế mà khi lâm đến việc lừa đảo, thì biết trước ngay, thế là người giỏi vậy. Phú quý thì ai cũng muốn, nhưng không lấy đạo mà được, thì không nhận; bần tiện thì ai cũng ghét, nhưng không lấy đạo mà làm cho khỏi, thì không bỏ.
Khổng Tử

Đạo chẳng có thể nghe được, nghe được không còn phải là nó nữa; Đạo chẳng có thể thấy được, thấy được không còn phải là nó nữa. Có thể nào lấy cái Trí mà hiểu được cái hình dung của cái không hình dung được chăng? Vậy thì, không nên đặt tên cho Đạo.
Trí Bắc Du

Mỗi công việc chúng ta làm, mỗi một điều mà chúng ta nói, mỗi ý tưởng mà chúng ta suy tư ra, đều để lại một ấn tượng trên yếu tố tinh thần. Phẩm tính của mỗi người được chỉ định bởi tổng số ấn tượng đó. Nếu ấn tượng tốt lấn lướt hơn thì phẩm tính trở nên tốt; nếu ấn tượng xấu lấn luớt hơn thì nó trở nên xấu. Nếu một người luôn luôn nghe những lời nói xấu, suy tư những tư tưởng xấu, làm những hành vi xấu, thì tinh thần y sẽ đầy những ấn tượng xấu và chúng sẽ ảnh hưởng tư tưởng và việc làm của y dầu y không ý thức chút nào về sự kiện đó. Rồi y sẽ là một người xấu có nhiều hành vi hung ác không thể cưỡng lại được. Tương tự như thế nếu y suy gẫm tư tưởng tốt và làm hành vi tốt, thì tổng số ấn tượng đó sẽ tốt và chúng sẽ bắt buộc y làm việc tốt, dầu y có muốn hay không. Dầu y muốn làm việc ác đi nửa, tinh thần y, tức tổng số khuynh hướng của y, sẽ không cho phép y làm như thế.
Khuynh hướng sẽ làm cho y hồi đầu lại. Y hoàn toàn chịu ảnh hưởng của khuynh hướng tốt. Khi gặp trường hợp như thế, người ta nói rằng phẩm tính tốt của một người đã được xác định.
Vivekenanda

Trong những ngày hư không của ta, ta đã thấy tất cả điều này: Người công bình tuy công bình cũng phải hư mất; và kẻ hung ác tuy hung ác lại được trường thọ. Chớ công bình quá, cũng đừng làm ra mình khôn ngoan quá; cớ sao làm thiệt hại cho mình? Cũng chớ nên hung hăng quá, và đừng ăn ở như kẻ ngu muội; cớ sao ngươi chết trước định kỳ? Ngươi giử được điều này, ấy là tốt; mà lại cũng đừng nới tay khỏi điều kia; vì ai kinh sợ Đức Chúa Trời ắt tránh khỏi mọi điều đó.
... Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con người chuyên làm điều ác. Vì kẻ có tội làm ác một trăm lần vẫn được trường thọ; dầu vậy, ta biết rằng kẻ kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời, sau rốt ắt được phước. Nhưng kẻ ác chẳng sẽ được phước, cũng sẽ không được sống lâu, vì đời nó giống như bóng qua; ấy tại nó không kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời… Khi ta chuyên lòng để học biết sự khôn ngoan, để hiểu mọi việc làm ra trên đất, thì ta thấy: có người ngày và đêm không cho mắt ngủ, cũng thấy mọi công việc của Đức Chúa Trời, mà hiểu biết người ta không thể dò được mọi việc làm ra dưới mặt trời, dầu chịu cực nhọc ngần nào đặng tìm biết, cũng chẳng tìm được; và dầu cho người khôn ngoan tưởng rằng sẽ chắc biết, thì cũng chẳng tìm được.
Truyền Đạo

Trở lại Mục Lục