Những Tư Tưởng Về Đạo

                    

Những Tư Tưởng Về Đạo

Bài 3
Học giả trông đạo mà chưa thấy, thì tất phải lấy sách mà học để xét cho cùng lý. Khi đã thấy rồi, ắt cũng phải khảo cứu trong các sách để có chứng nghiệm trong thực tế. Đời nay sự dạy đạo mất, chỉ còn có cách là sở dĩ mà duy trì cái tâm, thế mà rẻ rúng kinh sách, cho là cám bã, không xem, không xét, thì còn làm sao mà học được!...Cái đạo thống của thánh hiền tản mác ra trong sách vở, chỉ vì cái tông chỉ của thánh hiền không sáng rõ ra, cho nên cái truyền của đạo thống tối đi.

Nước Lổ có kẻ cụt chân, là Thúc Sơn Vô Chỉ, cập kiểng đến ra mắt Trọng Ni. Trọng Ni (Khổng tử) nói:
- Nhà ngươi không cẩn thận, trước kia đã mắc vạ như thế, dù nay có đến, kịp đâu nữa?
Vô Chỉ nói:
- Tôi chỉ vì không biết điều nên, điều không, và khinh dùng thân tôi, vì thế tôi mất chân. Nay tôi lại đây, vì hãy còn một chân quý… thế nên tôi mong giữ cho nó toàn vẹn. Kìa, Trời không cái gì là không che, Đất không cái gì là không chở, tôi lấy thầy làm Trời, Đất… Nào biết thầy mà còn như thế!
Thầy Khổng tử nói:
- Thì ra Khâu này hẹp quá! Sao thầy không vào chơi? Xin đem những điều được nghe mà giảng với thầy…
Vô Chỉ ra về. Thầy Khổng nói:
- Các con em cố gắng lên! Kìa Vô Chỉ là kẻ cụt, còn mong học để bù lại cái xấu của nết trước. Huống chi là người đức còn toàn vẹn!
Vô Chỉ nói chuyện với Lão Đam (Lão Tử):
- Khổng Khâu chừng chưa phải bậc chí nhân! Hắn dạy làm chi lao nhao những học trò! Hắn lại còn mong nổi tiếng về những lẽ lém luốc, huyền hoặc. Không biết đối với bậc chí nhân thì lấy thế làm gông, cùm cho mình.
Lão Đam:
- Sao không bảo ngay cho hắn lấy chết, sống làm cùng một điều, lấy nên chăng làm cùng một xâu. Cởi gông, cùm cho hắn, có được không?
Vô Chỉ nói:
- Trời bắt tội hắn! Cởi sao được!
Nam Hoa Kinh

-Tất cả những kẻ đang nô đùa với tâm linh. Họ chỉ mới có một chút hiếu kỳ được giác tỉnh, một chút nguyện vọng trí thức nhen nhúm trong người họ, nhưng họ chỉ mới đứng mé ngoài của chân trời tôn giáo. Đến một thời điểm nào đó họ mới có một sự khát vọng chân thành về đạo đức. Và đây là một định luật huyền bí; Khi mà linh hồn đã bắt đầu nhiệt tâm muốn đạo đức, thì người truyền đạo lực phải và chắc chắn sẽ xuất hiện đặng giúp linh hồn đó.
Vivekenanda

Biết mà học không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui say mà học… Học mà cứ buổi buổi tập luôn thì trong bụng lại không thỏa thích hay sao? Mình học giỏi mà người ta không biết, cũng không lấy làm tức giận, thế không phải là quân tử hay sao? Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an, làm công việc thì mau mắn, nói điều gì thì cẩn thận, tìm người có đạo mà theo học để chất chính ngôn ngữ và hành vi của mình. Được như thế mới có thể gọi là người hiếu học… Học mà không chủ cầu danh, cầu lợi, thì mới thật là cái học của người quân tử.
Khổng Tử

Ngọc không dũa không thành vật, người không học không biết đạo. Nay biết được xưa, sau biết được trước; hay bắt chước, dở tự răn. Xem qua sự lập thân nổi tiếng ở đương thời của các bậc tiền bối, ít có ai là không do sự học vấn mà thành đạt được. Hòa Thượng Đại Giác Liển

Trong trời đất, thực có những vật dễ sinh. Nhưng nếu một ngày mà mười ngày lạnh, thì cũng chưa thấy vật nào có thể sinh được. Diệu đạo vô thượng rõ ràng ở nơi tâm và ngay trước mắt mình, nên cũng dễ thấy được. Song, điều cốt yếu là chí phải bền, làm phải tận lực, thì ngay nơi mình đứng, ngồi cũng có thể mong đợi là đạt đạo được. Nếu một ngày tin, mười ngày ngờ, sớm siêng tối nản, thì không những ngay trước mắt khó thấy, mà sợ rằng suốt đời cũng vẫn xa cách diệu đạo vậy.
Viễn Công

Ta là người truyền đạo, đã làm vua Y-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem. Ta chuyên lòng lấy sự khôn ngoan mà tra khảo mọi việc làm ra dưới Trời; ấy là một việc lao khổ mà Đức Chúa Trời đã giao cho loài người để lo làm. Ta đã thấy mọi việc làm ra dưới mặt trời; Kìa, thảy đều hư không, theo luồng gió thổi…
Ta chuyên lòng học biết sự khôn ngoan và biết đó lại là sự ngu dại điên cuồng… vì nếu sự khôn ngoan nhiều, sự phiền não cũng nhiều; ai thêm sự tri thức ắt thêm sự đau đớn… Ta thử điều vui sướng và nếm sự khoái lạc… ta làm những công việc cả thể: ta cất nhà cho mình, trồng vườn nho cho mình, lập cho mình vườn cây trái và vườn hoa; ta đào hồ chứa nước và tưới rừng; ta có nhiều tôi trai, tớ gái; ta có bầy bò và chiên; ta cũng thâu chứa bạc vàng; ta lo sắm cho mình nhiều con hát trai và gái; ta có nhiều vợ và hầu. Như vậy ta trở nên cao trọng hơn hết thảy những người ở trước ta tại Giê-ru-sa-lem… Tuy vậy, ta ghét đời sống, vì mọi việc làm ra dưới mặt trời đã làm cực nhọc cho ta, thảy đều hư không, theo luồng gió thổi. Ta cũng ghét mọi công lao ta đã làm ở dưới mặt trời, vì phải để lại cho người sau mình. Vả ai biết rằng người ấy sẽ khôn ngoan hay ngu dại? …Ta thất vọng vì phải để lại cơ nghiệp cho kẻ chẳng hề lao khổ, cực lòng mà làm việc ở đưới mặt trời? Vì các ngày của người trở thành buồn rầu; đến đỗi ban đêm lòng người cũng chẳng được an nghỉ. Đều đó cũng là hư không… Ta xem thấy đều đó cũng bởi tay Đức Chúa Trời mà đến… Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan, thông sáng, và vui vẻ cho kẻ nào đẹp lòng Ngài; nhưng Ngài khiến cho kẻ có tội phải lao khổ mà thâu góp chất chứa, để rồi ban cho người đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Truyền Đạo - Cựu Ước

Trở lại Mục Lục