Những Tư Tưởng Về Đạo

                    

Những Tư Tưởng Về Đạo

Bài 2
“Học cái không học, giúp chúng nhơn hối mà trở về. Giúp vạn vật sống theo tự nhiên, mà không dám mó tay vào. “
Lão Tử

Theo cái dụng, thì cái đạo của thiên hạ chú hết cả vể sự cầu lợi; theo cái sở dục của người ta mà không biết có sự hạn chế, thì cái đạo của thiên hạ chú hết cả vể sự thoả thích; theo pháp luật thì cái đạo của thiên hạ chú hết cả về thuật số; theo quyền thế thì cái đạo của thiên hạ chú hết cả về sự tiện lợi; theo cái hư từ thì cái đạo của thiên hạ chú hết cả về biện luận; theo Trời thì cái đạo của thiên hạ chú hết cả về nguyên nhân. Mấy điều ấy đều là một góc của đạo vậy.

Tuân Tử
Thầy Khổng sang Sở, người cuồng nước Sở là Tiếp Dư, qua chơi cửa Thầy hát rùng:
“Phượng ơi! Phượng ơi! Sao đức lại suy như rứa?
Đời sau đợi chẳng được nào!
Đời trước theo sao được nữa!
Thiên hạ có đạo, thánh nhân giúp cho thành!
Thiên hạ không đạo, thánh nhân giữ lấy mình!
Đương buổi bây giờ, họa may là khỏi tội tình!
Phúc nhẹ hơn lông, chẳng ai biết chở!
Họa nặng hơn đất, chẳng ai biết lánh sợ!
Ối thôi! ối thôi! lấy Đức khoe với người!
Nguy thay! Nguy thay! Tự vạch đất mà rảo chơi!
Cỏ mê dương! Cỏ mê dương!
Ta đi mi chớ cản đường
Ta đi la cà
Chớ hại chân ta.
Gỗ núi tự làm cho chặt cành.
Dầu lửa tự làm cho đốt mình
Quế ăn được, nên người cắt.
Người người đều biết dùng cái hữu dụng
Mà chẳng ai biết dùng cái vô dụng cả.”
Trang Tử

Muốn nhân mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngu; muốn trí mà không muốn học thì bị cái che mờ làm cho cao kỳ thái quá; muốn tín mà không muốn học thì bị cái che mờ làm hại nghĩa; muốn trực mà không muốn học thì bị cái che mờ làm ngang ngạnh; muốn dũng mà không muốn học thì bị cái che mờ làm loạn; muốn cương mà không muốn học thì bị cái che mờ làm ra táo bạo, khinh suất
Khổng Tử

Đạo là do tâm ngộ, há ở việc ngồi thiền sao? Kinh nói: kẻ nào chỉ thấy Như Lai ở hình tướng ngồi hoặc nằm ắt hành tà đạo
Huệ Năng

Hãy giữ, đừng làm việc công bình trước mặt người ta, cho họ đều thấy. Bằng không thì các người chẳng được phần thưởng gì của Cha các người ở trên trời.
Vậy, khi người bố thí, đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả hình làm trong nhà hội và ngoài đường, để được người ta tôn kính. Quả thật, ta nói cùng các người, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi. Song khi người bố thí, đửng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì, hầu cho sự bố thí được kín nhiệm; và Cha ngươi, là Đấng Thầy trong chổ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.
Khi các ngươi cầu nguyện, đừng làm như bọn giả hình; vì họ ưa đứng nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên hạ đểu thấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi. Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha người là Đấng thấy trong chổ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.
Và, khi các ngươi cầu nguyện, đừng dùng những lời lập lại vô ích như người ngoại, vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm. Vậy các ngươi đừng như họ; vì cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài.
Kẻ nào ở giữa hoạt động cường liệt mà tìm thấy yên tỉnh cực độ, kẻ nào ở giữa sự yên tỉnh cao cả nhất mà tìm thấy hoạt động vĩ đại nhất, kẻ đó là một linh hồn cao thượng; kẻ đó đã đạt đến hoàn toàn.
Vivekenanda

Trời sinh ra người, khiến người sống ở cái nghĩa và cái lợi. Lợi để nuôi thân thể, nghĩa để nuôi cái tâm. Tâm không có nghĩa, không thể vui được, thân thể không có lợi, không thể yên được. Thân thể không có gì quí bằng cái tâm, cho nên cái nuôi không gì quí bằng cái nghĩa. Cái nghĩa nuôi người ta sống, lớn hơn cái lợi. Sao mà biết? nay có người lấy cái nghĩa làm lớn hơn, mà rất không có chút lợi nào cả, tuy bần và tiện cũng còn cho việc làm của mình là vinh mà lấy làm thích và vui về sự sống…Có người chỉ để bụng vào việc lợi mà không có chút nghĩa nào, tuy giàu và sang, thì cũng thẹn nhục về điều làm ác lớn. Cái ác mà sâu, thì cái họa hoạn nặng, nếu không chết ngay, thì cái tội cũng quanh quẩn bên mình, thành ra vẫn lo sợ, không thể lấy sự sống làm vui, người có nghĩa tuy nghèo mà có thể tự lạc được, và người không có nghĩa tuy giàu mà không giữ được thân. Ta xem đó thì biết thực rằng cái nghĩa nuôi sự sống của người, lớn hơn cái lợi, và hậu hơn của cải. Người thường dân không thể biết được và hay làm trái lại, bỏ quên cái lý mà đắm đuối ở cái tà, để hại thân, hại nhà. Như thế nếu không phải là những người ấy tự tính toán cho mình không hết lòng, thì là cái biết của họ không sáng vậy. Nay cầm một quả táo và một nắm vàng đưa cho đứa trẻ con, thì nó lấy táo má không lấy vàng; hay là cầm một cân vàng với viên ngọc châu đáng giá nghìn vạn đưa cho một người quê mùa, thì người ấy lấy cân vàng mà không lấy viên ngọc. Cho nên vật đối với người, nhỏ thì dễ biết, lớn thì khó thấy. Cũng như lợi đối với người thì nhỏ, nghĩa đối với người thì lớn. Vậy thì không nên lấy làm lạ, khi người thường dân xu hướng về lợi mà không xu hướng về nghĩa, bởi cái mờ tối vậy. Việc của thánh nhân là làm sáng cái nghĩa để soi rõ chổ mờ tối của người ta, cho nên dân không hãm vào chổ không hay.
Đổng Trọng Thư

Trở lại Mục Lục