Những Tư Tưởng Về Đạo

         

Bài 14
Hoàng Đế làm vua 19 năm uy danh khắp mọi nơi. Nghe thấy Quãng Thành ở trên núi Không Đồng, đến ra mắt thầy mà thưa rằng:
-Tôi nghe nhà thầy hiểu về chí đạo. Vậy dám hỏi phần tinh túy của chí đạo. Tôi muốn lấy tinh khí của Trời Đất giúp năm giống thóc để nuôi dân. Tôi lại muốn sắp đặt Âm Dương, để mọi loài có sống được thỏa thích. Làm cách nào cho được như thế?
Thầy Quãng Thành nói:
Ta chỉ nghe phòng giữ thiên hạ, không nghe có trị thiên hạ. Phòng nghĩa là sợ thiên hạ đắm đuối mất tính. giử nghĩa là sợ thiên hạ dời đổi mất đức .
Từ khi mi trị thiên hạ, hơi mây không đợi họp đã mưa: cỏ, cây không đợi vàng đã rụng; ánh sáng mặt trời, mặt trăng càng hoang hủy thêm; mà lòng kẻ nịnh thường hau háu vậy. Lại sao đủ để nói chuyện chí đạo.
Xưa kia cũng thế, vua Nghiêu trị thiên hạ, khiến thiên hạ hơn hớn, ai nấy vui tính mình, thế mà cũng không yên. Vua Kiệt trị thiên hạ khiến thiên hạ chật vật. Ai nấy khổ tính mình, thế là không vui. Không yên, không vui, không phải là đức. Vui quá lệch về Dương, giận quá lệch về Âm. Âm Dương bất hòa làm loạn lòng dân. Lại có kẻ tin việc thưởng phạt có thể tròn cái đạo trị. Nhưng đem cả thiên hạ mà thưởng kẻ thiện hắn còn cho là không đủ. Đem cả thiên hạ mà phạt kẻ ác, việc đó cũng không rồi. Cho nên thiên hạ dù hẹp cũng không thể thưởng phạt. Việc trị nước lại tùy thuộc vào việc chiêu hiền đãi sĩ chăng? Kẻ sáng mắt lại thường đắm đuối về sắc. Kẻ tinh tai lại đắm đuối về tiếng. Kẻ nhân, nghĩa lại làm lọan đức và trái lý. Kẻ chuộng lễ thì khéo mà giả dối. Người chuộng nhạt thì quyến luyến về dâm. Người trí thì giảo quyệt. Bậc thánh thì chuộng cái hoang đường. Tám cái món ấy làm loạn thiên hạ mà ai ai cũng tôn trọng nó và thương tiếc nó; không biết bỏ nó mà còn chạy mộng để nói nó, quỳ gối để dâng nó, trống hát để múa nó. Đó là tám cái món không giúp được Chí Đạo. Người quân tử có cái quý nhất của Đạo là không gì bằng không làm. Nếu mi hiểu Đạo thì dám đâu mà nói trị thiên hạ.
Hoàng Đế hỏi:
Không trị thiên hạ, sao tốt được lòng người?
Thầy Quãng Thành đáp:
Trời Đất có làm gì đâu mà muôn vật vẫn tự sanh, tự diệt. Con người tốt, xấu há có phải do người làm được, vậy tại sao ngươi lại muốn nhúng tay vào, mi có lớn hơn trời, đất? Việc mi muốn trị thiên hạ là vô ích. Hơn nữa mi nên cẩn thận, chớ trêu vào lòng người! Lòng người đè thì xuống; nâng thì lên; lên xuống bất thường nên từ và ác không chừng; mềm, cứng, rắn, sắc, chạm, gọt… vô đỗi. Nó nóng sém lửa, nó lạnh đóng băng, nó mau như chớp, nó sâu tựa hang gò, nó động tịnh không biết đâu mà dò cho được. Cái ngông nghênh không thể bỏ hoặc lấy được, có lẽ chỉ có lòng người mà thôi! Xưa Nghiêu, Thuấn lấy nhân, nghĩa trêu vào lòng người mà đùi không thịt, chân không lông, khổ cả năm tạng, hao khí huyết để khuôn thiên hạ vào phép tắc, đày Hoan Dâu ra Sùng Sơn, đuổi Tam Miêu ra Tam Nguy, lư Cung Công ra U Đô… thế mà vẫn không trị được thiên hạ. Kế đến ba đời Vương dưới có Kiệt, Chích, trên có Tăng, Sử, Nho, Mặc… Thiên hạ lại càng ầm ầm loạn lớn. Đó là cái lỗi ở chỗ trêu vào lòng người. Vì thế mà kẻ hiền giả phải nấp ở dưới núi lớn ngàn thẳm mà ông vua muôn xe lại luôn luôn lo sợ ở trên miếu đường. Đời bấy giờ kẻ chết gối lên nhau, kẻ bị xiềng xích chen chúc nhau, kẻ bị tội giết nhìn ngó nhau. Bọn Nho, Mặc cùng chen chân, thích cánh ở giữa đám gông,cùm. Phải chăng việc trị thiên hạ chẳng rèn giũa nên xiềng xích? Nhân, nghĩa chẳng đục chạm nên gông cùm? Lại biết đâu Tăng, Sử chẳng là hạng bung xung cho Kiệt, Chích?
Hoàng Đế nghe xong trở lui, về triều bỏ việc trị nước, đắp nhà riêng, chiếu bằng tranh thô… ở riêng một mình hơn 3 tháng suy gẫm lời thầy Quãng Thành, rồi lại sang đón thầy Quãng Thành hỏi lại cái đạo trị thiên hạ.
Thầy Quãng Thành vỏn vẹn đáp:
Trời, Đất tự có công việc. Âm Dương tự có chỗ chứa. Giữ gìn mi cho cẩn thận. Vật tự nhiên mà hóa.
Về triều đúng một năm sau, Hoàng Đế lại đến gặp thầy Quãng Thành mà hỏi tiếp về cái Đạo trị thiên hạ.
Thầy Quãng Thành đáp:
Lông bông không biết cầu gì ngông nghênh không biết đi đâu! Lăn lóc chơi để xem cái vô cùng, ta nào biết chi!
Hoàng Đế lại thưa: Tôi cũng tự lấy mình làm ngông nghênh mà tôi đi đâu thì dân họ lại đi theo. Tôi đây chẳng bỏ được dân… xin cho nghe một lời.
Thầy Quãng Thành vừa đáp vừa bỏ đi: Việc làm đúng lương tâm, tận nhân lực rồi tri thiên mệnh, còn trị hay loạn hãy để đời sau xét xử.
phỏng theo Nam Hoa Kinh

1- Nơi nào có tâm bồ đề phát khởi, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì tâm bồ đề là quyến thuộc của Bồ Tát
2- Nơi nào có thâm tâm, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì đó là nơi xuất sinh các thiện tri thức.
3- Nơi nào có chứng nhập các trụ địa (Bhumi), nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì là nơi sinh trưởng hết thảy các ba la mật.
4- Nơi nào có phát đại nguyện (pháp môn vô lượng thệ nguyện học- Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn- Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ- Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành), nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì nơi đó là nơi thi hành công hạnh.
5- Nơi nào có đại từ, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì đó là nơi phát triển bốn nhiếp pháp (Bố thí nhiếp- ái ngữ nhiếp- lợi hạnh nhiếp- đồng sư nhiếp).
6- Nơi nào có chánh kiến, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì là nơi trí tuệ siêu việt trỗi dậy.
7- Nơi nào Đại Thừa quãng bá, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát vì là nơi hết thảy các phương tiện thiện xảo được vận dụng.
8- Nơi nào có giáo hóa chúng sanh, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì là nơi hết thảy chư Phật giáng sanh.
9- Nơi nào có phương tiện trí, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì là nơi nhận biết rằng hết thảy các pháp đều không sanh.
10- Nơi nào có tu tập hết thảy các Phật Giáo, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì là nơi mà hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai giáng sinh
Sinh Địa Đích Thực của Bồ Tát

Từ nguyên tử cho đến sinh vật cao siêu nhất, tất cả đều hoạt động. Mặt trời, mặt trăng, trái đất, hành tinh, tất cả đều đang cố gắng bay thoát khỏi ràng buộc. Những mãnh lực ly tâm hay cầu tâm của thiên nhiên quả thật là tiêu biểu của vũ trụ chúng ta. Hãy làm việc không ngừng, nhưng hãy từ bỏ mọi quyến niệm về việc làm. Khốn khổ do quyến niệm chớ không phải do việc làm. Một bức họa đẹp và đắc tiền nhất của người khác cháy không làm cho ai khổ cả trừ người chủ của nó. Người chủ của nó khổ chỉ là vì quyến niệm. Câu “tôi” và “của tôi” nầy gây ra tất cả khốn khổ. Với cảm giác “sở hửu”, lòng vị kỷ cùng đến và vị kỷ mang theo khốn khổ. Đừng khi nào nói “của tôi”: con tôi – nhà tôi – thân thể tôi… vì trước đây không có và sau nầy không còn. Đừng có ý: tôi phải chiếm giữ cái đó mãi mãi vì tất cả đều qua đi. Bất luận việc tốt, việc xấu hoặc không tốt không xấu, nhiệm vụ chân chính của người hiểu biết là không bị quyến niệm và hiến dâng mọi việc cho Thượng Đế.
Vivekenanda

Tế Thượng Đế, Trời Phật, Quỷ Thần là lấy sự tận thành để tỏ cái lòng tôn kính chứ không phải tế để cầu lấy cái phúc riêng cho mình như những người thường vẫn tin tưởng. Quỉ thần thông minh chính trực có lẽ nào lại thiên vị ai bao giờ. Người ta ở đời cứ theo cái lẽ công chính mà làm, đừng làm việc gì tàn bạo gian ác. Việc bổn phận của mình thế nào thì mình cứ cố gắng mà làm cho trọn vẹn, rồi sẽ có quỷ thần chứng giám cho, hà tất phải nay cầu nguyện, mai cầu nguyện mà làm gì? Khổng Tử khi đau nặng, học trò Ngài là thầy Tử Lộ xin cầu nguyện thượng hạ thần kỳ để Ngài chóng khỏi, Ngài nói rằng: “Ta cầu nguyện đã lâu rồi”. Ý nói rằng chung thân Ngài chỉ có theo lẽ trời mà làm việc nhân, nghĩa, như thế là lúc nào Ngài cũng đã cầu nguyện rồi. Nếu ai là người bất nhân, bất nghĩa, làm những điều trái đạo, phải tội với Trời thì dẫu có cầu nguyện quanh năm cũng không ích gì. “Phải tội với Trời còn cầu nguyện vào đâu được”.
Theo Luận Ngữ

1/ Kẻ học đạo nên vì đời mình mà tiếc danh, không nên vì đời mình mà mua danh. Có học thức, chuộng khí tiết, lấy hay cho phải cẩn thận, uy nghi phải trang trọng, ấy thế là tiếc danh.
Tưng bốc lẫn nhau, a dua những kẻ quyền quí, làm ra kiểu cách khác thường, lờ mờ hai mặt, ấy thế là mua danh.
Người tiếc danh thì yên lặng mà hay, kẻ mua danh thì rực rỡ mà dở.
2/ Kẻ học đạo nên vì con cháu gây phúc, không nên vì con cháu cầu phúc.
Nghiêm giữ phép nhà, chuộng sự tiết kiệm, chất phác, dạy cho chúng biết chữ, cho chúng có nghề, chứa nhiều âm đức, ấy thế là gây phúc.
Mua nhiều cửa nhà, ruộng đất, giao kết với những người quyền thế, tranh lợi nhỏ mọn với dân, mua công danh cho con cháu, ấy thế là cầu phúc.
Người gây phúc thì thanh đạm mà lâu dài, kẻ cầu phúc thì nồng nàn mà ngắn ngủi.
3/ Kẻ học đạo nên vì một nhà mà dùng của, không nên vì một nhà mà hại của.
Giúp cho họ hàng, làng nước, tiêu rộng rãi về việc học, cứu kẻ khốn cùng, chăm làm việc nghĩa, ấy thế là dùng của.
Ăn mặc hoang, xướng hát nhiều, yến hội luôn, tu tập lắm đồ châu báu, ấy thế là hại của.
Người biết dùng của tuy thiệt mà vẫn có thừa, kẻ không biết dùng của tuy thừa mà vẫn thiếu.
4/ Kẻ học đạo nên vì thiên hạ nuôi thân, không nên vì thiên hạ tiếc thân.
Bớt thị dục, giảm lo phiền, ít phẫn nộ, tiếc ẳm thực, ấy thế là nuôi thân.
So kè lợi hại, xa tránh khó nhọc, tham quyền cố vị, chỉ chăm việc vợ con, nhà cửa, ấy thế là tiếc thân.
Người nuôi thân thì im lặng mà to, kẻ tiếc thân thì thỏa thê mà nhỏ.
Trung Động Sơ

Lấy đá mài, tuy không thấy nó mòn, nhưng có lúc thấy nó hết. Trồng cây, vung bón cây tuy không thấy nó cao, nhưng có lúc thấy nó lớn. Chứa góp công đức, tuy không biết lúc nào nó đầy, nhưng có lúc đắc dụng. Bỏ nghĩa trái lý, tuy không biết sự xấu của nó, nhưng có lúc sẽ chết vì nó. Người học đạo nếu như suy tính kỹ lưỡng được những lời nói trên và noi theo thực hành, quyết định thành bậc đại khí và mỹ danh vang dội. Đó là đạo lý xưa nay không thay đổi vậy.
Linh Nguyên Thiền Sư

Đây là hai sự thật mà con người nói chung (kể cả các bậc thánh), không bao giờ chấp nhận: Họ không biết gì cả. Họ không là gì cả
Giacomo Leopardi

Người có mệnh quý, thì cùng học với người ta, mà chỉ một mình mình hiễn đạt, cùng làm quan với người ta, mà chỉ một mình mình được thăng. Người có mệnh giàu, thì cùng tìm mà chỉ có một mình mình được; cùng làm mà chỉ có một mình mình nên. Mệnh nghèo khó thì trái thế: khó đạt, khó thăng, khó nên… cho nên tài cao hạnh hậu vị tất đã giử được phú quí, trí quả đức bạc vị tất đã phải bần tiện… Mệnh nghèo mà có dùng sức làm nên giàu, đến khi giàu là chết; mệnh hèn mà có lấy tài năng làm nên sang, đến khi sang là phải thối… Vậy không nên lấy sự hiễn đạt mà cho là tài giỏi và lấy sự bần cùng mà cho là ngu dại… Ngồi ở chỗ tôn, chỗ hiễn vị tất là hiền, ngồi thấp chức nhỏ vị tất là ngu…
Vương Sung

Khổng Miệt là cháu Đức Khổng Tử. Bật Tử Tiện là học trò Đức Khổng Tử, hai người cùng làm quan một thời.
Đức Khổng Tử qua chơi Khổng Miệt, hỏi rằng:
Từ khi ngươi ra làm quan được những điều gì, mất những điều gì?
Khổng Miệt thưa: “Từ khi tôi ra làm quan chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: việc quan bận, không còn thì giờ học tập, vì thế mà học vấn không tấn tới; bổng lộc ít, không đủ chu cấp cho họ hàng, vì thế mà họ hàng không thân thiết; công việc nhiều không thể đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà ăn ở với bầu bạn không trọn vẹn.”
Khổng Tử nghe không bằng lòng.
Sau Ngài đến chơi Bật Tử Tiện, lại hỏi như hỏi Khổng Miệt.
Bật Tử Tiện thưa: “Từ khi tôi ra làm quan chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: những điều trước học nay đem ra thực hành vì thế mà học càng rõ; bổng lộc dù ít, cũng có thể chu cấp ít nhiều cho họ hàng vì thế mà họ hàng càng gần; việc làm quan tuy bận song cũng bớt được ít thì giờ đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà bầu bạn càng thân.
Đức Khổng Tử nghe nói khen rằng: Tử Tiện thật là người biết làm quan
Gia Ngữ

Bất cứ nơi nào anh thấy có một sự cáo chung to tát, hãy yên chí rằng nơi đó sắp có một sự khởi đầu to tát. Khi mà tâm trí anh kinh hoàng trước những cuộc tàn sát thương tâm khốc liệt, hãy tự an ủi rằng nơi đó cũng sẽ có một cuộc sáng tạo mênh mông vĩ đại mới. Thượng Đế luôn luôn ở đó, ở trong giọng nói dịu dàng bình tĩnh, mà Ngài cũng có mặt ở những nơi khói lửa mịt mù và giông tố bão bùng. Sự hũy diệt càng to lớn bao nhiêu, thì sự sáng tạo càng có được nhiều hy vọng hoạt động tự do bấy nhiều… Kẻ nào hy vọng quá mạnh, cũng sẽ tuyệt vọng quá mau. Đừng hy vọng, cũng đừng lo sợ gì cả. Hãy vửng lòng tin nơi Thiên Lý
Mercure de France

Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét. Vì các ngươi đoán xét người ta thế nào, thì họ cũng đoáan xét lại thế ấy: các người lường cho người ta mức nào, thì họ cũng lường lại cho mức ấy… Hỡi kẻ giả hình ! Trước hết phải lấy cây đà trước mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.
Ma-thi-ơ

Thần Ác (Shiva) sở dĩ đã cướp đoạt sinh lực mà thần Brahma đã ban cho thần Vishnou, không phải để tiêu diệt sinh lực ấy, mà để làm cho nó trẻ trung lại.
Basile

Hoa có rụng, trái mới sinh. Trái mà không rụng thì làm gì có được những mùa hoa trái khác sắp đến sau nầy, cũng như ngay cả mùa xuân ấm áp, và tưng bừng nhựa sống kia cũng là do sự chết lịm của mùa đông giá buốt tạo thành.
Andre Gide

Hêt

Trở lại Mục Lục