Những Tư Tưởng Về Đạo

        

Bài 13
Không tức giận vì muốn biết, thì không truyền mở cho. Không tức giận vì không nói rõ ra được thì không bày vẽ cho. Vật có bốn góc, bảo cho biết một góc mà không suy ra ba góc kia, thì không dạy nửa.
Luận Ngữ
Học trò lão Đam, có người là Canh Tang Sở riêng hiểu đạo của Lão Đam, sang Bắc, ở núi Úy Lũy. Ở ba năm, miền Úy Lũy khá to!
Dân ở Úy Lũy nói với nhau rằng:
_Thầy Canh Tang lúc mới đến, chúng ta bâng khuâng lấy làm lạ. Nay chúng ta; ngày tính ra thì không đủ! Năm tính ra thì có thừa! Có lẽ thánh nhân chăng? Các bác! Sao ta không cùng nhau lập đền đài mà thờ phụng?
Thầy Canh Tang nghe chuyện, quay mặt sang Nam bẽn lẽn. Học trò lấy thế làm lạ.
Thầy Canh Tang nói:
_ Các con! Có lạ gì ta? Kìa hơi Xuân tới mà trăm loài cỏ xanh! Thu vừa sang mà muôn vật báu thành! Kìa Xuân cùng Thu phải rằng không có đức gì mà được thế sao? Ta nghe bậc chí nhân ngồi trơ trong căn nhà đất, mà trăm họ rông cuồng, không biết là đi đâu… Nay dân miền Úy Lũy, lén lút muốn dân cỗ bàn cho ta ở giữa đám hiền nhân! Ta có lẽ là hạng người lếu láo thế sao? Vì thế mà ta lấy làm bẽn lẽn.
Học trò thưa:
_ Không phải thế! Kìa trong rạch một tầm, một trượng, cá lớn không có chỗ dong thân mà ếch nhái là giỏi! Trên gò một bước thú lớn không có chỗ ẩn hình, mà cầy, cáo là hay! Vả chăng tôn người hiền; cất người tài; lấy thiên và lợi làm đầu; thì từ xưa Nghiêu, Thuấn đã thế rồi, huống chi là dân Úy Lũy! Thầy cũng nghe họ thôi!
Thầy Canh Tang bảo:
_ Các con lại đây! Kìa giống muông lìa khỏi núi thì không khỏi cái lo bẫy lưới. Loài cá vào bờ, mắc cạn và mất nước, thì kiến bọ có thể làm khổ được. Cho nên chim, không chán cao; cá không chán sâu. Mà con người giữ toàn xác và cái sống của mình, giấu thân mình, cũng không chán sâu xa, kín đáo mới thôi. Vả lại hai vua Nghiêu Thuấn ấy đâu đáng để ngợi khen. Về việc làm của họ, khác nào khoét láo tường, vách, mà trồng cỏ bồng, cỏ tranh! Lần từng sợi tóc mà chải đầu! Đếm từng hạt gạo mà thổi cơm! Len lén vậy, lại đâu đủ để giúp đời! Cất người giỏi thì dân khuynh loát nhau mà giành lấy. Dùng người khôn thì dân tìm cách ăn trộm lẫn nhau. Mấy cách ấy, chẳng đủ để cho dân thuần hậu. Đối với danh lợi, dân nó siêng năng lắm vì thế mà con có kẻ giết cha! Tôi có kẻ giết vua! Ban ngày ăn trộm! Giữa trưa khoét ngạch! Ta bảo các con cái gốc loạn lớn tất sinh ra ở khoảng đời Nghiêu Thuấn. Mà cái ngọn còn mãi đến sau nghìn đời. Sau nghìn đời, tất có chuyện người với người ăn thịt lẫn nhau!
Nam Vinh Trừ sửng sốt ngồi ngay lại mà rằng:
_ Như Trừ này tuổi đã luống rồi, sẽ học tập vào đâu để kịp được lời nói ấy?
Thầy Cang Tang đáp:
_ Toàn lấy xác người. Giữ lấy sự sống của ngươi. Đừng khiến ngươi lo nghỉ miệt mài. Như thế ba năm, thì có thể kịp được lời nói ấy… Nhưng xét lại tài ta nhỏ, không đủ để hóa ngươi, ngươi sao chẳng sang Nam ra mắt thầy Lão!
Trang Tử

Trình bày một giáo lý nào, dù sự trình bày ấy có thuận lợi cho giáo lý ấy bực nào, cũng không có nghĩa là người ta mong ước nó được thừa nhận. Các bậc uyên thâm về đạo học, chính họ có mong ước được như thế không? Tuyệt đối là không, vì sự truyền giáo là điều mà họ kỵ nhất.
Ngày nay triết học tôn giáo thường bị người ta chối bỏ, xếp vào một xó là do nó quá trơ trẽn bộc lộ và tự cao tự đại thái quá, nó đâu còn giống như một vị cao tăng ở ẩn trong núi sâu, đốt lên một điểm lửa thiêng liêng, khiến cho mọi người hướng về mà ngưỡng vọng, trái lại nó giống như một nhà truyền giáo đứng ở ngả tư đường phố đông đúc phát truyền đơn, kéo níu người nghe lung tung… Khiến cho người ta có cảm giác rằng tôn giáo cũng thô bỉ tục tằn không thể chịu nổi, chẳng khác gì anh đứng trung gian dắt mối ở thị trường. Triết học tôn giáo ngày nay đang bị hãm vào cái hố bùn lầy nầy mà chẳng thế nào rút chơn ra được.
Thu Giang

Tôn giáo luôn luôn là một việc cá nhân. Mỗi người đều có thể có ý kiến riêng của mình về tôn giáo, và muốn nghĩ sao thì nghĩ, Thượng Đế không khi nào trách ai cả…
Song thân tôi đều là những tín đồ rất thành kính của Ki-tô giáo. Cứ nghe ba tôi cầu kinh mỗi buổi tối thì biết lòng mộ đạo của người ra sao. Tôi là con một vị mục sư, đã được hưởng những tiện lợi của giáo dục trong giáo hội, hấp thụ được những sở trường của nó mà cũng đã đau khổ về những sở đoản của nó. Tôi đã luôn luôn mang ơn về những sở trường, còn sở đoản thì tôi đã chuyển ra thành sức mạnh cho tôi… Hồi nhỏ người ta cấm tôi vô hý viện Trung Hoa, cấm tôi nghe hát Trung Hoa và tôi không được biết chút gì về thần thoại cùng cố sự của nước tôi. Sau khi vô trường nhà dòng, thì tôi quên hết ít đoạn trong Tứ Thư mà ba tôi đã dạy tôi. Như vậy có lẽ mà lại hay vì sau này khi đã hấp thụ một nền giáo dục Âu Tây, tôi nghiên cứu lại cựu học với một tinh thần mới mẻ và với những hứng thú của một thanh niên phương Tây khám phá được những cái kỳ diệu của phương Đông.
Tới thời thiếu niên _ tuổi đó thường là mộ đạo nhất _ bỗng phát ra một sự xung đột giữa lòng tôi và óc tôi: lòng tôi thì cảm thấy những cái đẹp của đạo Ki-tô và óc tôi thì muốn lý luận về mọi sự. Cũng lạ là tôi không bao giờ bị giày vò, thất vọng như Tolstoy mà đến nỗi xuýt muốn tự tử. Trái lại, trong mỗi giai đoạn, tôi thấy mình là tín đồ của một đạo Ki-tô thống nhất , sống hòa hợp với tín ngưỡng, chỉ hơi khoáng đạt, tự do hơn các tín đồ khác, chấp nhận ít giáo điều hơn họ. Vả chăng lúc nào tôi cũng có thể suy nghĩ lại về bài thuyết giáo trên núi. Những câu như: “Các con hãy coi những bông huệ trong ruộng”, ý tưởng đẹp quá, nên thơ quá, tất phải là đúng. Do đó mà tôi ý thức được một đời sống Ki-tô giáo trong nội tâm, nó làm tăng nguồn sinh lực của tôi lên.
Còn những giáo nghĩa thì nó trốn đi đâu mất một cách đáng kính, và nhiều cái thiển cận làm cho tôi phát chán. Tín điều “nhục thể phục hoạt” trong giáo nghĩa đã bị bác bỏ từ lâu, vì ở thế kỷ thứ nhất người ta không thấy Chúa giáng lâm lần nửa, mà xác của các thánh đồ nằm yên trong mộ chứ không sống lại; vậy mà điều đó vẫn y nguyên còn nằm trong bộ “Tín Điều của Thánh Đồ”, (Symbole des Apotres). Đó là một trong những cái thiển cận tôi kể làm thí dụ.
Rồi sau tôi vô ban Thần học; đây mới là chốn thiêng liêng nhất. Tôi được biết thêm về tín điều. “Nử đồng trinh sanh con” là một vấn đề mà các vị khoa trưởng các viện thần học ở Mỹ còn chưa tin, còn đương bàn cãi, mỗi nhà đưa ra một kiến giải. Thế mà các tín đồ Trung Hoa nhất định phải chấp nhận tín điều đó rồi mới được phép làm lễ rửa tội. Tôi bực mình về điểm đó lắm. Có vẻ như người ta thiếu thành thực, dù sao thì cũng thiếu công bằng.
Tôi tìm đọc thêm những sách cao hơn, đọc những bài bình luận thông thái về những vấn đề vụn vặt, và tôi thấy rằng một quan niệm như trên về thần học chẳng có giá trị gì cả. Kết quả là tới kỳ thi tôi bị loại… Như vậy tuy rủi mà hóa may cho tôi. Nếu lúc đó tôi cứ tiếp tục rồi, sau nầy khoác áo mục sư thì không biết làm sao tôi có thể thành thực với tôi được. Nếu người ta cho tôi là phản nghịch thì chỉ có mỗi lần đó, lần tôi bất bình rằng sao các nhà thần học có quyền nghi ngờ một tín điều mà các tín đồ lại bắt buộc phải tin.
Thời đó, tôi đã tới giai đoạn coi các nhà thần học là kẻ thù lớn nhất của Ki-tô giáo. Tôi không sao hiểu nổi hai mâu thuẫn sau đây:
Thứ nhất: Các nhà thần học xây dựng tất cả tín ngưỡng về đạo trên một quả táo. Nếu ông A Đam không ăn một quả táo cấm trên vườn Thượng Đế thì không có tội ác nguyên thủy, mà không có tội ác nguyên thủy thì không cần phải chuộc tội. Mà tín điều đó, theo tôi, trái hẳn với giáo huấn của đấng Ki-tô, Ngài không hề nói tới tội ác nguyên thủy và sự chuộc tội, tuyệt nhiên không. Với lại, cũng như nhiều người khác ở thời đại này, tôi không nhận thấy mình có tội ác nguyên thủy, tôi không tin điều đó. Tôi chỉ biết rằng nếu Thượng Đế chỉ yêu tôi bằng phân nửa má tôi yêu tôi thôi thì không khi nào Ngài đày tôi xuống địa ngục cả. Đó, trong thâm tâm tôi nghĩ như vậy, cho như vậy là đúng rồi, khỏi bàn gì nữa, và tôi không vì bất kỳ một tôn giáo nào phủ nhận sự thực đó.
Thứ hai: Mâu thuẫn thứ nhì, theo tôi, còn vô lý hơn: Khi ông A Đam và bà Eve, trong tuần mật, lỡ ăn một trái táo thì Thượng Đế nổi giận tới nỗi bắt con cháu hai ông bà đời kiếp kiếp phải chịu tội chỉ vì một lỗi nhỏ của tổ tiên; nhưng tới khi cũng những đứa con cháu đó của hai ông bà giết người con độc nhất của cũng vị Thượng Đế đó thì Ngài lại vui vẻ đến nỗi tha tội cho hết. Ai muốn giảng gì thì giảng, đưa những luận cứ gì thì đưa, tôi không thể nào chấp nhận sự vô lý đó được.
Tuy vậy, sau kỳ thi, tôi vẫn còn là một tín đồ nhiệt tâm, và tôi tự nguyện dạy Thánh Kinh mỗi ngày Chủ Nhật ở Thanh Hoa học hiệu, một trường không phải là của giáo hội, làm cho nhiều giáo viên đồng sự ngạc nhiên. Buổi học Thánh đản làm cho tôi đau khổ, vì buổi đó tôi phải kể cho trẻ em Trung Hoa nghe về đời sống các Thiên Thần ca hát dưới ánh trăng trên Thiên Đường, điều mà tôi không tin một mảy may. Mọi sự đã quyết định từ trước rồi, tôi bỏ hết các tín điều mâu thuẫn, mà chỉ giữ lại một lòng yêu: Tôi yêu Thượng Đế vô cùng sáng suốt, Ngài đã cho tôi được vui vẻ bình tĩnh.
Có lần tôi biện luận với một bạn đồng sự, tôi bảo: “Nhưng nếu không có Thượng Đế thì còn ai làm điều thiện nữa và thế giới sẽ điên đảo mất”. Ông bạn theo Khổng giáo của tôi đáp: “Tại sao lại như vậy? Chúng ta phải sống một đời sống hợp đạo chỉ vì chúng ta là những con người hiểu đạo, thế thôi”. Nghe lời giảng đó về sự tôn nghiêm của đời sống con người, tôi cắt hết những liên lạc với đạo Ki-tô và tôi thành một dị giáo đồ (ngoại đạo) từ hồi đó.
Bây giờ đối với tôi, mọi sự minh bạch lắm. Thế giới của người bị Ki-tô giáo gọi là ngoại đạo là một thế giới giản dị. Họ không giả định một điều gì cả, họ chuyên lập luận trên sự thực của đời sống và nhờ vậy làm cho đời sống hấp dẫn hơn, người đó không cần làm điều thiện để tự biện hộ cho mình, họ có thể yêu nhau được mà không cần một vị ở trên trời nào bắt buộc cả. Theo tôi, đạo Ki-tô làm cho đạo đức hóa ra khó khăn, rắc rối một cách vô ích, mà làm cho tội lỗi hóa ra tự nhiên, thích thú (rửa tội). Theo tôi, chỉ có người ngoại đạo là có thể cứu tôn giáo ra khỏi thần học, khôi phục được tính cách giản dị và đẹp đẽ của tín ngưỡng, hồi phục được sư tôn nghiêm của tình cảm trong tôn giáo.
Vì đâu mà những thuyết lầm lẫn rắc rồi về thần học đã biến đổi những chân lý giản đị thành một cơ cấu cứng ngắc, kỳ dị, để cho giai cấp tế sự lợi dụng? Ai bảo là một người ngoài Ki-tô giáo không tin tôn giáo là lầm: chỉ khác một điều nầy là những người đứng ngoài hay rời khỏi Ki-tô giáo luôn luôn tin ở Thượng Đế mà họ gọi bằng nhiều cách khác nhau, Đấng Tạo Vật, Đấng Hóa Công v.v… và để Đấng ấy ẩn sau một vừng hào quang bí mật…

Tôi ngạc nhiên thấy các nhà thần học bạo gan và ngạo nghễ khoa trương làm sao! Dám khoe là nhận thức rõ ràng được một đấng “siêu việt”, dám cho đấng đó có tính cách nầy, tính cách nọ, khi mà sự nghiệp sáng tạo của đấng đó mênh mông mà nhân loại chỉ mới biết được một phần cực nhỏ… Tệ hơn nữa các nhà truyền giáo còn dám rêu rao là tôn giáo của họ là một thứ độc quyền thương mãi cứu rổi tín đồ, một thứ độc quyền có chấp chiếu chứng thư của Thượng Đế, người mà họ mãi mãi không bao giờ biết được.
Những Quan Hệ với Thượng Đế - Lâm Ngữ Đường

Có gì cấm cản ta không cho ta vừa cười vừa nói đến chân lý?
Horace

Có một vị chân tu, từ bỏ tất cả mọi của cải thế gian, chỉ còn giữ lại hai cái sà-rong để thay đổi thôi.
Ngày kia, được một ông vua trong xứ mới đến một khu rừng ven đền vua để đàm luận về Đạo.
Trong khi nói chuyện về Đạo, bỗng đền vua phát hỏa cháy rực đỏ trời. Nhà vua vẫn cứ bình tĩnh ngồi yên chăm chú nghe luận đàm; trái lại vị cao tăng kia, cặp mắt dớn dác, cứ dòm chừng mãi đám cháy…
Là vì, hồi sáng nầy ông có phơi cái chăn gần đó.
Truyện Cổ Ấn Độ

Đạo của thánh nhân như trời đất nuôi muôn vật, và không có vật gì là không đầy trong Đạo ấy. Đạo của chúng nhân như: giang, hà, núi, sông, gò, hang, cỏ, cây, côn trùng… đều chỉ dung chứa hết cái sức của nó mà thôi. Và nó không biết ngoài lượng của nó ra thì vũ trụ này vật gì cũng đầy đủ đạo ấy!
Vậy, có hai đạo ư? Không, do sự thấy được có nông, sâu và thành tựu có lớn, nhỏ mà thôi.
Hối Đường thiền sư

Có người thợ vẽ, vẽ cho vua nước Tề
mấy bức tranh.
- Vua hỏi: vẽ cái gì khó?
- Thưa: vẽ chó, vẽ ngựa khó.
- Vẽ cái gì dễ?
- Vẽ ma, vẽ quỉ, vẽ thiên thần, vẽ thánh, vẽ Thượng Đế dễ.
- Sao lại thế?
- Chó, ngựa ai cũng trông thấy, vẽ mà không giống thì người ta chê cười, cho nên khó vẽ
- Các đấng kia vô hình, không ai trông thấy, tùy ý muốn vẽ thế nào cũng được, không sợ ai bẽ, cho nên dễ vẽ.
Chuyện Cổ

Người ngu nhất là kẻ mà suốt đời không nói cũng không làm một điều gì ngu cả.
Miguel de Unamuno


Ngày nay người ta chỉ có thể tìm thấy Phật pháp ở một nơi nào không có bóng dáng của Phật giáo.
Một thiền sư u mặc

Trở lại Mục Lục