Những Tư Tưởng Về Đạo

 

Bài 12
Trong đời có cái rất vui, hay là không có? Có cái sống đúng nghĩa hay là không có? Nay nên cư xử như thế nào?
Kìa kẻ giàu, sang, thọ, giỏi, là những cái mà thiên hạ quý. Thân yên, ăn ngon, mặc tốt, sắc đẹp, âm nhạc, là những cái mà họ thích. Nghèo, hèn, yếu dở, là những cái mà họ khinh. Thân không được yên rỗi, miệng không được ăn ngon; xác không được mặc tốt; mắt không được nhìn sắc đẹp; tai không được nghe âm nhạc, là những cái mà họ lấy làm khổ. Nếu không được thì rất lo và sợ.
Kìa kẻ giàu, khổ thân, gắng làm, chứa nhiều của lại không có thì giờ để dùng. Nọ kẻ sang, đêm ngày nghĩ ngợi mưu kế hay dở hao tâm tổn não, những lo là lo. Kẻ sống thọ thì miệt mài lao tâm lao lực, khổ làm chi rứa! Hạng liệt sĩ được thiên hạ cho là hay! Chưa đủ để tránh nạn chết non. Ta chưa rõ cái hay ấy có thực hay cho hắn không? Nếu cho là hay, sao không còn dịp cho hắn sống sót? Nếu cho là chẳng hay, sao lại có thể làm cho người còn sống ngợi khen là hay? Lại có tục ngữ: “ Can thẳng chẳng nghe, mau lui chớ cãi!” Tử Tư cố cãi cho nên tàn hại mất xác. Không cố cãi thì không có cái danh là trung thần. Vậy trung tốt hay là không tốt?
Nay những cái mà người đời làm, cùng những cái mà họ lấy làm vui, ta lại chưa biết cái vui ấy có quả là vui chăng? Hay chẳng vui? Ta coi những cái mà người đời lấy làm vui, đem cả lũ mà xô tới, hấp tấp tranh giành như không thể dừng được, và đều nói rằng vui. Ta chưa hề lấy thế làm vui; cũng như chưa hề lấy thế làm không vui. Quả có vui hay không có?
Ta cho không làm mới thật là vui, thì lại là cái mà người đời cho là rất khổ. Cho nên nói rằng: Cái vui lớn nhất không có vui; cái danh lớn nhất không có danh. Lẽ phải trái ở đời quả là chưa thể định được. Tuy vậy không làm có thể định được phải trái. Rất vui, sống trọn vẹn cho mình, chỉ có không làm -hoạ là còn đủ tánh mạng. Xin thử nói lẽ ấy: trời không làm vì thế trong; đất không làm vì thế yên. Cho nên hai cái không làm hợp nhau, mà muôn vật đều hóa sinh. Chạng vạng lờ mờ! phải chăng không từ đâu mà ra? Lờ mờ, chạngvạng! phải chăng không hề có tăm dạng? Lúc nhúc muôn vật, đẻ ra từ chổ không làm. Cho nên nói: Trời, Đất không làm đấy, mà không gì là không làm! Người ta ai có thể không làm mà làm được?
Nam Hoa Tiên Sinh

Học cho rộng chưa bằng biết cho rõ, biết cho rõ chưa bằng làm cho đúng. Tri với hành hai cái cùng phải có, như có mắt mà không có chân thì không đi được. Có chân mà không có mắt thì không thấy gì. Luận trước sau thì trí là trước, luận nặng nhẹ thì hành là nặng. Lúc mới biết mà chưa làm được là cái biết còn nông, đến khi đã làm được thì cái biết lại sáng thêm hơn và có cái ý vị khác ngày trước. Kẻ đi học lo không biết học, khi biết học rồi mà biết cái đáng chọn, lại lấy làm khó, chọn được rồi mà có cái dũng lực để thực hành, trong không lo cái tư kỷ, ngoài không bị tập tục sách nhiễu, lại khó hơn nữa.
Chu Hi

Có một vài bạn thân ngạc nhiên tại sao tôi lại học chi những khoa học “huyền bí”. Thú thật, hiện giờ chúng tôi không còn mặc cảm gì nữa đối với các thứ học ấy, trái lại chúng tôi còn hãnh diện được học những môn học đó nữa là khác! Trước hết óc tò mò của chúng tôi quá mạnh: các bậc đại giáo chủ của những tôn giáo lớn được thế giới sùng kính như Jesus Christ, như Thích Ca, như Mahomet… há đã chẳng từng làm các phép lạ thần thông và đã giảng giải về các vấn đề mà cho mãi đến nay còn được xem là bộ môn huyền bí đó hay sao? Không có một hiện tượng lạ nào đã xẩy ra và hiện xẩy ra trước mắt lại làm cho chúng tôi thản nhiên được. Hơn thế chúng tôi tin rằng những kẻ mà suốt đời không bao giờ biết ngạc nhiên và đặt câu hỏi, kẻ ấy đành chịu làm kẻ đần độn suốt đời. Tôi cho lời nói này của Albert Einstein rất xác đáng: “Người mà không quen cảm thông với sự huyền bí, đã mất cả cái quan năng biết ngạc nhiên, biết say đắm trong niềm tôn kính trước những gì huyền bí, con người ấy kể như con người đã chết rồi. Huống chi với tình trạng khoa học tiến bộ mau lẹ gần như vượt bực ngày nay, kẻ nào còn nhân danh một lý lẽ nào để miệt thị các khoa học huyền bí là mê tín dị đoan, chính họ mới “lạc hậu” còn hơn những người thường nữa!” Tôi cho rằng lời nhận xét này của bác sĩ Jules Regnault rất đáng nghiền ngẫm: “khoa học ngày nay phải chăng là một thứ huyền bí học bị lột bộ mặt huyền bí của nó?”
Thu Giang
Tất cả những tinh thần yếu ớt và chưa mở mang trong mọi tôn giáo hoặc mọi xứ chỉ có một đường lối để thương yêu lý tưởng của họ; đó là bằng cách ghét mọi lý tưởng khác; điều này giải thích vì sao một người tận tụy với quan niệm của mình về tôn giáo, lại có thể trở thành kẻ cuồng tín la hét khi y vừa thấy và nghe điều gì về một quan niệm nào khác. Loại tình yêu đó cũng có chỗ hơi giống với bản năng của con chó giữ tài sản của chủ không cho ai cướp giựt.
Vivekenanda

Tôn giáo sẽ trở thành độc tài và vô nhân đạo khi nó không còn có những kẻ thù của nó nữa.
M. Maeterlinck

Người ta sinh ra trong vũ trụ này, bẩm theo khí âm dương mà thành hình. Tự mình nếu không phải là bậc thánh, theo sức bi nguyện, xuất hiện nơi thế gian để giáo hóa người, thì tâm lợi dục tựa hồ không thể bỏ được. Chỉ có bậc thánh nhân biết không thể bỏ được lợi dục của con người, nên trước đem dọa đức để chính tâm, sau lấy nhân, nghĩa, lễ, trí để giáo hóa con người. Ngày tới, tháng đến, dần dần khiến lợi dục không thắng được nhân nghĩa, lễ, trí, mà đạo đức được hoàn toàn vậy.
Hòa Thượng Phật Nhãn

Người ta sở dĩ đến nỗi phạm phải nghìn muôn tội lỗi là chỉ vì cái bệnh “chỉ biết có mình”. Vì cớ mình chỉ biết có mình, mình mới suy tính thiên phương bách kế; chỉ muốn cho mình giàu, chỉ muốn cho mình sang, chỉ muốn cho mình sống, chỉ muốn cho mình vui, chỉ muốn cho mình yên, chỉ muốn cho mình thọ, còn người ta nghèo hèn, nguy khổ, lụn bại, chết chóc, nhất thiết là chẳng nghĩ gì đến cả. Bởi thế mà thiên lý đến tuyệt duyệt, tuy có hình người, kỳ thực không khác gì cầm thú.
Ví bằng trừ bỏ cái bệnh “chỉ biết có mình”, tâm địa rộng rãi công minh, giàu, sang, nghèo, hèn, vui , khổ, sống chết đều cùng chung với cả loài người, thì ai nấy đều hả lòng mà thiên lý giữ được trọn vẹn. Thế là thân ta cùng với muôn vật là nhất thể vậy.
Tiết Huyên

Tô Đông Pha, một thi hào Trung quốc đời Tống, cũng là một nhà Phật học uyên bác, có một người bạn chí thân, sư Pháp Diễn. Am của sư Pháp Diễn ở bên tả ngạn sông Dương Tử, còn nhà của Tô Đông Pha ở bên hữu ngạn.
Ngày kia, Tô Đông Pha đến thăm bạn, nhưng bạn đi vắng. Không có gì làm khi ngồi không, ông lấy giấy viết lên mấy câu: “Tô Đông Pha con nhà Phật vĩ đại mà cả 7 ngọn gió hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ không làm gì lay chuyển được một gang tay". Viết xong bỏ đó ra về.
Khi Pháp Diễn về, đọc mấy hàng chữ trên đây, bèn lấy bút ghi thêm: “Nói bậy! Những gì anh viết lên đây, không có giá trị bằng một tiếng địt của ta nữa!” Rồi cho người đem trả tờ giấy ấy cho Tô Đông Pha. Giận đỏ mặt, Tô Đông Pha tức tốc xuống thuyền, vượt qua sông to, đến tìm Pháp Diễn vừa nắm tay vừa mắng lớn:
_ Anh là hạng người gì mà dám ăn nói thô lỗ với tôi như thế, tôi không phải là một Phật tử quan trọng và trung thành với đạo hay sao? Tại sao anh lại có thể mù quáng đến thế!
Pháp Diễn nhìn bạn, mỉm cười, bình tĩnh đáp:

_ À! Thì ra nhà đại thi hào Tô Đông Pha, người Phật tử vĩ đại cho rằng cả 7 ngọn gió lớn còn không thể làm anh lay chuyển được một gang tay, vậy mà chỉ bị có một tiếng địt nhẹ kia lại có thể thổi anh từ bên kia sông bay tuốt đến đây, sao lại lạ thế nhỉ?
Thiền Truyện

“Những triết gia Đông phương vừa là nhà luân lý đạo đức, vừa là nhà chính trị tôn giáo… Tôn giáo của họ thường lẫn lộn cả thần thoại, thi văn mà cũng vừa có những lối lý luận đanh thép: triết gia Đông Phương là một con người tòan diện và muôn mặt.”
E. Tomlin

Nếu các ngài nương tựa vào những quyển sách của phái tả hay phái hữu hoặc vào những sách thiêng liêng, các ngài chỉ nương cậy vào ý kiến, dù là ý kiến của Phật, chúa Kitô, của chủ nghĩa tư bản, cộng sản hay bất cứ ý kiến nào. Tất cả cũng chỉ là ý tưởng, những ý tưởng, chứ không phải là chân lý… Nếu chúng ta có thể tự khám phá ra sự thực của vấn đề thì chúng ta có thể suy nghĩ và hành động một cách độc lập ngoài tất cả những ý kiến của kẻ khác… Người ta không có thể nào phủ nhận một sự kiện. Người ta chỉ có thể phủ nhận ý kiến về sự kiện.
Krishnamurti

Để giải cứu dân Y-sơ-ra-en ra khỏi đời sống nô lệ, Đức Chúa Trời hiện ra cùng Môi-se trong bụi gai cháy và truyền lệnh cho ông bảo phải nói với vua Pha-ra-ô buông tha dân Y-sơ-ra-en. Môi-se e ngại không ai tin ông ta được Đức Chúa Trời phái đến nên tỏ ý đó cùng Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời bèn làm một số phép lạ sau đây:
1) Bảo Môi-se liệng cây gậy của mình xuống đất, nó hóa ra một con rắn; rồi nắm đuôi nó, rắn hóa lại thành cây gậy.
2) Bảo Môi-se đạt tay vào lòng, tay nổi phung trắng như tuyết, đoạn đặt tay trở lại vào lòng, tay trở lại bình thường
Đức Gie-hô-va phán tiếp: Nếu khi nào ngươi làm hai pháp thuật kia rồi mà họ chẳng tin và vâng theo lời người, thì làm phép lạ thứ ba là làm nước sông biến thành máu và tràn ngập trên mặt đất.
Môi-se lại e ngại miệng mình nói không giỏi. Đức Gie-hô-va phán: Ta sẽ ở cùng miệng ngươi và dạy ngươi những lời phải nói.
Để chứng minh quyền năng của Đức Chúa Trời trước mắt Pha-ra-ô, Môi-se đấu phép với các Bác sĩ và những Pháp sư của xứ Ê-díp-tô. Mỗi người đều liệng ra một cây gậy, cùng hóa thành rắn. Con rắn của Môi-se nuốt tất cả rắn khác. Như vậy pháp thuật của Môi-se đã thắng pháp thuật của những pháp sư khác. Nhưng Pha-ra-ô vẫn chưa tin đó là quyền năng pháp thuật của Đức Chúa Trời.
Đức Gie-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Pha-ra-ô đã rắn lòng từ chối không để cho dân Y-sơ-ra-en đi, nhà ngươi hãy làm các pháp thuật khác bằng cây gậy thần thông kia cho đến khi Pha-ra-ô khuất phục. Môi-se vâng lời tiếp tục làm các pháp thuật khác:
1) Nước ở khắp nơi của xứ Ê-díp-tô đều trở thành máu, cá thì chết, sông thì hôi thúi.
2) Sông sanh ra lúc nhúc ếch nhái, bò lên nhà, phòng ngủ, giường, lò bếp, lên mình của Pha-ra-ô và dân chúng của xứ Ê-díp-tô
3) Bụi bặm đều hóa thành muỗi tràn ngập xứ Ê-díp tô. Các thuật sĩ của Pha-ra-ô làm như thế không được.
4) Nhà của người Ê-díp-tô đều bị ruồi mòng bu đầy, và khắp trên đất nữa.
5) Súc vật bị dịch lệ: trâu, bò, ngựa, lừa, lạc đà chết hết, còn súc vật của dân Y-sơ-ra-en chẳng chết một con nào.
6) Tro hòa thành bụi gây nên ghẻ chóc cương mủ người và súc vật khắp cả xứ Ê-díp-tô. Các thuật sĩ của Pha-ra-ô cũng đều bị ghẻ chóc.
7) Mưa đá rơi xuống trên cả xứ Ê-díp-tô, trên mình người, súc vật và khắp rau cỏ ngoài đồng.
8) Cào cào tràn vào xứ Ê-díp-tô, cắn xả rau cỏ và mọi vật chi trên đất mà trận mưa đá kia còn để xót lại.
9) Xứ Ê-díp-tô bị tối tăm trong ba ngày ba đêm, không ai có thể thấy ai. Nơi dân Y-sơ-ra-en ở thì có ánh sáng.
10) Hết thảy con trưởng nam trong xứ Ê-díp-tô sẽ chết, từ thái tử của Pha-ra-ô, cho đến con cả của các người đời, cho đến mọi con đầu lòng của súc vật nữa.
Qua mười đợt cứng lòng, Pha-ra-ô khuất phục trước quyền năng pháp thuật của Môi-se, do Đức Chúa Trời hậu thuẫn, ông đành giải phóng dân Y-sơ-ra-en giao cho Môi-se dẫn ra khỏi xứ Ê-díp-tô.
Các cuộc đấu phép thần thông trên cho thấy: các thuật sĩ, các bác sĩ, các thầy pháp của vua Pha-ra-ô đều có tài thần thông hóa phép, họ đã thử thách đấng tiên tri Môi-se của Đức Chúa Trời đến 10 lần bằng phép tắc và cả 10 lần đều chịu thua. Như vậy những đấng tiên tri của Đức Chúa Trời phải có phép thần thông cao cường và khuất phục được những người ngoại đạo. Ngày nay mấy thầy tế lễ có đủ pháp thuật để làm cho những người ngoài đạo họ thấy được pháp thuật bằng cách nhân danh Đức Chúa Trời hay không? Hay họ lại tự hào là mình chẳng cần làm phép lạ vì không thể làm được!
Xem chuyện Môi-se Cựu Ước T.C.G.

Những người theo đạo Phật cho rằng chỉ có chư La Hán, Duyên Giác, Phật mới chứng được lục thông, những kẻ tu hành ngoại đạo hoặc chư thiên, chư thần chỉ có thể chứng đến ngũ thông mà thôi. Như vậy, người tu theo Phật là rốt ráo nhất vì ngoài ngũ thần thông của các ngoại đạo còn chứng thêm một cái thần thông khác là lậu tận thông. Như vậy thần thông của Phật thắng trùm tất cả. Năm phép thần thông đầu và lậu tận thông đó như sau:
1- Thiên nhãn thông: thấy mọi vật trong vũ trụ.
2- Thiên nhĩ thông: Nghe mọi tiếng khắp nơi.
3- Túc mạng thông: Biết chuyện đời trước của người, của mình, biết luôn cả đời này và đời sau.
4- Tha tâm thông: Biết được tâm người
5- Thần túc thông: Phép đi khắp nơi trong nháy mắt, phép biến hóa tùy ý.
6- Lậu tận thông: Phép trong sạch hoàn toàn, nhà đạo dứt hết các trìu mến, chấp trước, không còn chấp pháp, không còn chấp ngã (cái ta)
Kinh Phật thường cho rằng oai lực thần thông của chư Phật, chư Bồ Tát, thinh văn, duyên giác đều hàng phục được tà ma ngoại đạo, kể cả ma vương… Ngày nay người ta tu hành rất giỏi nên thiếu phẩm hạnh thường tự cho mình là cao, dè xiểm người khác là thấp, là tà, không có được một chút nhỏ thần thông nào, sợ ma, thua tà… Nhưng lại rất ngạo mạn với chư Thiên, chư Thần là những người mà họ tự cho là thua họ. Ôi, quả thật là lời nói hết sức huênh hoang và không đi đôi với việc làm!
Sảo Ngữ

Trở lại Mục Lục