Những Tư Tưởng Về Đạo

Bài 11
Khí tụ lại mắt trông thấy được là có hình, khí không tụ lại thì mắt không trông thấy được là không hình. Lúc cái khí tụ lại, sao không bảo là không? Lúc cái khí tan ra, sao đã vội bảo là không có? Cho nên thánh nhân ngẩng lên xem, cúi xuống xét, chỉ nói biết cái cớ u minh mà không nói biết cái cớ hữu hoặc vô. Cái mà đầy trong khoảng trời đất là thế cả. Xét cái vẻ, cái vết, không có con mắt không rõ được. Lúc mà biết cái cớ của sự minh… Biết hư không là khí, thì hữu vô, ẩn hiện, thần hóa, tính mệnh, suốt là một không có hai. Nhưng biết tán tụ, xuất nhập, hình với không hình, mà suy được đến cái gốc ở chỗ nào ra, là biết rõ Đạo vậy.
Trương Tái
Thầy Tử Lộ yết kiến đức Khổng Tử
- Đức Khổng Tử hỏi: Thế nào là người trí? Thế nào là người nhân?
- Thầy Tử Lộ thưa: Người trí là người làm thế nào để cho người ta biết mình;
người nhân là người làm thế nào để cho người ta yêu mình.
- Đức Khổng Tử bảo: Nhà ngươi nói như vậy cũng khá gọi là người có học
vấn.
Thầy Tử Lộ ra, thầy Tử Cống vào, đức Khổng Tử lại hỏi: người trí, người
nhân là thế nào?
- Thầy Tử Cống thưa: người trí là người biết người, người nhân là người yêu
người.
- Đức Khổng Tử bảo: Nhà ngươi nói như vậy, cũng khá gọi là người có học
vấn.
Thầy Tử Cống ra, thầy Nhan Hồi vào, Đức Khổng Tử lại đem trí, nhân ra hỏi.
- Thầy Nhan Hồi thưa: Người trí là người tự biết mình, người nhân là người tự
yêu mình.
- Đức Khổng Tử bảo: Nhà ngươi nói như vậy đáng gọi là bậc sĩ quân tử.
Gia Ngữ

Người đói thì ăn gì cũng ngon, người khát thì uống gì cũng ngon. Như thế chưa phải là biết rõ cái thực ngon của sự ăn uống, chính sự đói sự khát làm hại vậy. Có phải sự đói, sự khát làm hại cái miệng và cái bụng mà thôi đâu, nó còn làm hại đến cả cái tâm nữa. Nếu người nào không để cho cái hại của sự đói khát làm hại được cái tâm, thì dẫu không kịp người cũng không lấy làm lo.
Mạnh Tử

Có cái sáng mà nghe thấu gồm cả mọi việc, nhưng không có cái dung mạo kiêu căng; có cái đức tốt bao bọc tất cả mọi vật mà không có cái sắc khoe khoang; cái thuyết thi hành ra thì làm cho người ta chính, cái thuyết không thi hành ra thì làm sáng rõ cái đạo, mà lui mình ẩn ở chỗ kín. Ấy là sự biện thuyết của bậc thánh nhân. Được cái tiết từ nhượng, thuận cái lý lớn trẻ, những tên kỵ húy không gọi, lời quái gở không nói, lấy lòng nhân mà nói, lấy lòng mến học mà nghe, lấy công tâm mà biện luận, không động về sự khen chê của nhân chúng, không lo làm cho đẹp mắt vui tai mà nghe, không vị nể cái quyền quí của kẻ quí hiển, không ưa truyền bá những lời thiên lệch. Cho nên có thể ở chỗ Đạo mà không hài lòng, bàn luận mà không ai cướp lấn được, hòa mà không lưu đảng, quí cái công chính mà rẻ cái bĩ lậu và sự tranh dành.
Tuân Tử

Vô vi không phải là không làm gì cả, mà đừng làm cái gì đến thái quá, vì “vật cùng tắc biến”, “vật cực tất phản”. Cái gì mà thái quá cũng đều nguy hại cả. Mục đích của bất cứ một hành vi nào là cũng đi đến một kết quả nào đó. Nhưng nếu lại đi vào chỗ thái quá, thì kết quả có khi lại còn nguy hiểm cho ta hơn là không làm gì cả. Cho nên vô vi cũng có nghĩa là bớt đi những cái gì thái quá… Bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu.
Lão Tử

Nước Trịnh có tay thầy cúng giỏi tên là Quý Hàm, biết người ta chết hay sống, mất hay còn, rủi hay may, thọ hay yểu, hẹn từng năm, từng tháng, từng tuần, từng ngày, đúng như thần. Người nước Trịnh thấy hắn đều bỏ mà chạy vì sợ biết trước ngày phải chết. Thầy Liệt thấy hắn mà lòng say, về đem việc đó mà nói với thầy Hồ rằng:
- Khi trước, tôi cho đạo của thầy là rất mực rồi. Giờ lại có kẻ còn giỏi hơn nữa.
Thầy Hồ nói:
- Ta dạy ngươi chỉ hết phần văn, chưa hết phần thực. Mi cho thế là đắc đạo
sao? Con mái hàng lũ mà thiếu con trống, đẻ sao được trứng! Mi đem Đạo chống với đời tất phải tỏ ra. Vì thế cho nên để người ta xem tướng được mi. Hãy thử cùng hắn tới đây mà xem tướng cho ta.
Hôm sau, thầy Liệt cùng hắn vào ra mắt thầy Hồ. Hắn ta bảo thầy Liệt:
- Tội nghiệp! Thầy của nhà ngươi chết rồi, chả sống nữa. Chả được vài tuần
đâu. Ta thấy lạ lắm: thấy vẻ như tro ướt.
Sau đó thầy Liệt, nước mắt sa ướt áo bảo lại với thầy Hồ.
Thầy Hồ nói:
Ban nãy, ta đem cái cõi đất cho hắn coi: mầm mống không động, không chính. Chắc hắn thấy cái vẻ “giữ kín đức” của ta mà hắn bảo ta sắp chết. Đem hắn lại coi thử lần nữa.
Ngày mai, hắn lại đến xem cho thầy Hồ, rồi ra ngoài mà bảo thầy Liệt rằng:
- May rồi! Thầy của nhà ngươi gặp được ta, có phần đỡ rồi. Chắc chắn có thể sống. Ta thấy “phần kín” của ông đã có biến đổi.
Thầy Liệt vào, đem thưa với thầy Hồ. Thầy Hồ nói:
- Ban nãy, ta đem cõi trời cho hắn coi: danh, thực không vào. Chắc hắn thấy cái cơ “Bắt đầu thiện” của ta. Đem hắn tới coi lần nữa.
Ngày kế, Thầy Liệt mời hắn ra mắt thầy Hồ, xem xong hắn ra ngoài mà nói với thầy Liệt rằng:
- Thầy của nhà ngươi khí chất không đều, ta không thể xem được. Thử để đều
lại, ngày khác ta sẽ đến coi cho.
Thầy Liệt vào, đem thưa với thầy Hồ. Thầy Hồ nói:
- Ban nãy, ta đem cái vẻ “không bên nào thắng” cho hắn xem. Chắc hắn thấy cài cơ “ngang khí” của ta nên hắn coi không được. Đem hắn lại thêm một lần nữa.
Ngày mai, hắn lại đến ra mắt thầy Hồ. Đứng chưa yên chỗ, tự lấy làm bâng khuâng mà vụt chạy mất.
Thầy Hồ nói: đuổi theo hắn coi.
Thầy Liệt đuổi theo hắn không kịp, trở về trả lời thầy Hồ rằng:
- Đã mất rồi! Hắn đã bỏ đi rồi! Tôi không còn hy vọng gặp được hắn nữa!
Thầy Hồ nói: Ban nãy ta đem cái vẻ “chưa hề ra khỏi gốc” của ta cho hắn xem. Ta cho hắn thấy ta hư không mà khoan thai. Nhân làm ra vẻ uể oải, nhân làm ra vẻ sóng trôi. Cho nên hắn sợ hãi mà trốn đấy!
Thế rồi thày Liệt tự thấy mình còn dốt, hổ thẹn vì việc mình học được ít chữ của thầy Hồ mà tưởng rằng thầy Hồ hết chữ, trở về đóng cửa ba năm không ra ngoài: thổi cơm cho vợ! nuôi lợn nuôi gà! Phá chạm gọt cho trở lại mộc mạc, lù khù riêng đứng bằng hình, rối rã vẫn phong kín, không làm tốt danh, không khoe mưu trí, không tự cho là giỏi trong công việc, không dám đứng đầu, hiểu cái lẽ không cùng, chơi ở nơi không có ai, nhận hết mọi cái chịu ở trời mà không thấy được, học cái không sắp, không đón, ứng mà không chứa… để tìm cái lẽ thắng được mọi vật mà không bị hại.
Thầy Trò – Trang Tử

Người biết “đạo” tất không khoe, người biết “nghĩa” tất không tham, người biết “đức” tất không thích tiếng tăm lừng lẫy.
Trương Cửu Thành

Bạn có từng nghe hoặc đọc qua rằng những vị Đại Chân Sư hoặc tiên tri đó lý luận những điều họ giáo huấn bao giờ chưa? Không, không có một ai trong bọn họ đã làm như thế. Họ nói thẳng họ thấy chân lý. Và chẳng những họ thấy chân lý, họ còn trưng bày nó ra. Không có sự sờ mó trong bóng tối, nhưng mà có mãnh lực của thị giác trực tiếp. Tôi thấy cái bàn nầy, không có những lý luận nào có thể làm tôi mất sự tin tưởng đó được. Đó là trực giác.
Khi họ nói thì mỗi lời nói là trực tiếp, nó có một huyền lực bên sau. Có khi họ không nói gì cả nhưng họ truyền đạt chân lý từ tinh thần qua tinh thần. Họ đến để ban tặng, họ truyền lệnh, họ là sứ giả. Điều nầy bạn nhận thấy trong đời sống của tất cả những vĩ nhân cao siêu mà thế giới sùng bái như là tiên tri. Những vị tiên tri và sứ giả đều cao cả và chân thật.
Vivekananda

Ta xây lại thấy dưới mặt trời có kẻ lẹ làng chẳng được cuộc chạy dua, người mạnh sức chẳng được thắng trận, kẻ khôn ngoan không đặng bánh, kẻ thông sáng chẳng được hưởng của cải, và người khôn khéo chẳng được ơn; vì thời thế và cơ hội xẫy đến cho mọi người. Lại, loài người chẳng hiểu biết thời thế của mình: như cá mắc lưới, chim phải bẫy – dù thế nào, thì loài người cũng bị vấn vương trong thời tai họa xẫy đến thình lình thế ấy.
Cựu Ước

Hồn nhiên không thiện, không ác là tính trời bẩm sinh. Thích thiện, ghét ác là tính người muốn thế. Bỏ thìện, theo ác là tập nhiễm thói xấu một ngày một dở. Đổi ác, làm thiện là công phu tu tĩnh một ngày một hay. Hay, dở tự mình xét lấy mình, chớ tự mình dối mình.
Đó là con dường tắt thánh hiền dạy ta mà tức là cái sổ ghi công, chép tội trong chốn u minh vậy. Ta nên cố sức. Ta nên hết sức…
Trần Kề Nho

Nối pháp Chân Tịnh Văn thiền sư thuộc đời thứ 13 của phái Nam Nhạc, Giác Phạm thiền sư bị Tần Cối trách phạt và đuổi ra Lĩnh Hải, ngài than: cây lan trồng giữa đường, quyết không có sự xanh tốt suốt bốn mùa, mà cây quế mọc trong hang sâu thì giữ được hoàn toàn sự xanh tốt quanh năm. Xưa nay người tài trí bị mất mệnh, bị sàm báng, bị tội vạ thì nhiều, còn những người biết tìm xét, biết xử sự theo sự phù trầm của đời để bảo toàn được thân mình thì ít. Cho nên, thánh nhân nói: “người có tư chất thông minh, xét người một cách kỹ lưỡng hay bị gần chỗ chết vì hay bàn việc người. Người biện bác xa rộng, hay bị nguy đến thân vì hay vạch lỗi xấu của người khác”. Chớ khá cẩn thận vậy!
Giác Phạm

Viên ngọc sáng soi được mười hai cỗ xe, không thể không có tỳ vết, ngọc bích liên thành, há khỏi không có vết đục… Người thợ mộc khéo, tùy theo gỗ mà dùng làm bánh xe hay tăm xe. Như vậy, dù gỗ cong hay gỗ thẳng, không bỏ xót mảnh nào. Người khéo cho hợp. Như vậy, ngựa dở, ngựa hay, không trái với tính ngựa. Vật còn như thế, thì người cũng như thế!
Linh Nguyên thiền sư

Trời không có thể cho hoa mùa nọ nở vào mùa kia, cho nên thánh nhân không trái thời. Đất không thể làm cho khí hậu xứ kia đổ sang xứ nọ, cho nên thánh nhân không trái tục. Thánh nhân không thể làm cho tay biết đi chân biết cầm, cho nên thánh nhân không thể dùng người trái với tài riêng. Thánh nhân lại không thể làm cho cá biết bay trên không, chim biết bơi dưới nước, cho nên thánh nhân không làm việc sái chỗ.
Vì vậy, lúc nên động, lúc nên tỉnh, lúc nên tối, lúc nên sáng, ta không nên câu nệ đường nào, thì mới là hợp đạo.
Quan Doãn Tử

Lưu Bị được Từ Thứ hiến kế đi tìm bậc hiền tài, ông gặp Thôi Châu Bình. Lưu Bị hỏi Bình về cái kế bình thiên hạ. Thôi Châu Bình đáp:
“Ông muốn hỏi tôi cái kế dẹp loạn thống nhất thiên hạ để “trường trị thiên thu” à! Như thế kể ra ông đã có lòng nhân rồi đó, thấy thiên hạ điêu linh mà chẳng nỡ ngồi bó tay, nhưng bên cạnh đó lòng tham của ông cũng đã làm cho ông mờ mắt mà dấn thân vào chỗ chết!
Từ xưa đến nay, trị và loạn có bao giờ dứt. Từ vua Cao Tổ chém rắn dấy nghĩa mà giết bạo Tần, đó là do loạn mà làm ra trị. Qua đến đời vua Ai Đế, Bình Đế thì trị được hai trăm năm, thiên hạ thái bình đã lâu nên mới sinh ra Vương Mãn soán nghịch, đó là do trị mà ra loạn. Đến chừng Quan Vũ trung hưng, sửa cơ nghiệp lại, đó là do loạn mà ra trị. Đến nay, thêm 200 năm, dân yên cũng đã lâu, nên can qua dấy động 4 phương, lúc này là lúc đang trở nên loạn đó. Chưa có thể nào làm bình định được. Nay tướng quân muốn kiếm người tài để mà thay đổi âm dương, hóa loạn thành trị, chấp vá đất trời, đổi ngôi nhật nguyệt… để lên ngôi Hoàng Đế mà cỡi cổ dân ngu à!... Tôi e chẳng phải dể đâu vì chưa phải lúc. Mà dù có đúng với thời cướp được thiên hạ, e rằng ông cũng chỉ làm cái việc vô ích mà di họa cho cái thân của ông và dòng họ mà thôi… vì luật Trời đâu có cho ai mà ngồi đó trường trị thiên thu!”
Huyền Đức (tức Lưu Bị) cãi lại: “Lời tiên sinh thật hay! Nhưng tôi là dòng dõi nhà Hán, lẽ phải khuông phò, dám đâu buông cho số mạng!
Châu Thôi Bình: “Thôi! Thôi! Tôi là người ở chốn sơn dã, đủ đâu để biện luận với tướng quân. Vâng ý ông đã hỏi, nên lỡ đã có những lời không đẹp ý. Xin chớ chấp!”
Bị đi rồi Bình nói: “con thiêu thân biết rằng chết, vẫn lao vào ánh sáng đốt nó. Đó là nghiệp chướng vậy, hỡi ôi!”
Khổng Minh nghe Lưu Bị có ý mời mình làm quân sư để mưu đoạt thiên hạ, cũng đã nỗi nóng, hét lên: “Bộ ông tưởng tôi là con vật hy sinh để mà cúng tế sao?”
Khổng Minh lúc đầu cũng hiểu cái lẽ “thiên địa bề thế, hiền nhân ẩn”, sau lại tham chút bả vinh hoa và cảm động cái tình tâng bốc “tam cố thảo lư” của Lưu Bị mà chấp nhận ra làm cái việc tranh đoạt thiên hạ… để cuối cùng chết mòn trong thất bại chua cay và tủi nhục và phải thốt lên câu nầy: “nhơn nguyện như thử, thiên lý vị nhiên”.
Tam Quốc

Chính cái giáo lý nhị nguyên tách bạch thiện ác một cách tuyệt đối của Cơ Đốc giáo (Christianism) đã biến nó trở thành quái đản. Sự đày địa ngục vĩnh cữu thật là một việc vô cùng khủng khiếp, và chỉ có Cơ Đốc giáo mới có sự đe dọa ấy đối với tín đồ của mình… Thứ địa ngục vĩnh kiếp này tắt hẳn nơi lòng con người sự khoan dung hỉ xả (của Thượng Đế thường dạy loài người), vì thế mà những người tin theo thuyết ấy đã cố gắng làm đủ mọi cách để bài trừ tội lỗi, dù phải dùng đến những biện pháp tàn nhẫn để đi đến một tôn giáo pháp đình… Cái thế giới của người Hebreux và Cơ Đốc đều nằm dưới một cái luật luân lý khắc khe. Ngay cả Thượng Đế, cái lẽ tuyệt đối ấy tượng trưng một cái thiện chống lại cái ác, nhân thế mà bất cứ một sự sai lầm nào phạm vào cái luật luân lý ấy đèu cho là một cái tội làm cho ta cảm thấy bị hất ra ngoài xã hội loài người, hơn nữa ngoài lề của sự sống, cả những nguồn gốc của sự sống (mất linh hồn). Trong khi họ sa ngã vì sai lầm (ai cũng phải có!), họ cảm thấy bị một cảm giác thống khổ siêu hình dày vò ray rứt, một mặc cảm tội lỗi báo trước một sự đày ải thiên thu, không xứng với tội lỗi của mình. Cái mặc cảm tội lỗi siêu hình ấy không thể chịu đựng nỗi, khiến người ta phẫn nộ trước một sư bất công phi lý đến độ chỉ còn có một thái độ cuối cùng là bỏ quách cái ông Thượng Đế với cái luật lệ tàn nhẫn của ông: đó là nguyên nhân sinh ra chủ nghĩa vật chất ngày nay. Một thứ luân lý tuyệt đối bao giờ cũng đi đến sự hủy diệt luân lý ấy vì sự trừng phạt quá lố không cân với tội lỗi: có ai trị bịnh nhức đầu bằng cách chặt đầu người bệnh… Đó cũng là lý do khiến nhiều người Tây phương “hậu Cơ Đốc” (post-christian), nghĩa là những người sau khi vượt khỏi giai đoạn sống trong Cơ Đốc giáo…đã dứt khoát với cái ông Thượng Đế Jehovah của họ cùng với tâm thức Thiên Chúa Do Thái giáo (conscience Judéo-Christian), để không còn vương vấn trong bất cứ một mặc cảm sợ sệt hay nỗi loạn nào nữa… Người có tinh thần tự do không thể sống nô lệ bất cứ trong một hệ thống tư tưởng nào võ đoán và cố định cả…
Đối với Lão Tử và Trang Tử, không bao giờ ta có lý mà không đồng thời vô lý, là vì cả hai đều dính liền nhau như bề mặt và bề trái của một tấm huy chương. Trang Tử nói: “Kẻ nào muốn một chánh quyền tốt mà không có xấu, một người cha tốt mà không có xấu, một giáo chủ tốt mà không có xấu… họ không hiểu gì cả về những nguyên lý của vũ trụ”.
Le Monde du Zen – Alan Watts

Xiển dương vấn dề tình dục giữa trai gái là thái quá, là không phải; cổ võ vấn đề tuyệt dục để tu đạo theo một số tôn giáo là bất cập, phi lý và phản tự nhiên. Âm và Dương cần thiết, dung hòa và quân bình nhau như thế nào đã được đạo học Đông phương và khoa học Tây phương ngày nay xác nhận:
1) Khoa học Tây phương ngày nay đã khám phá được công dụng của khí âm (ion
négatif) và đã bắt đầu dùng nó trong việc trị liệu. Những khi có gió mùa nóng như ngọn gió Foelm của dãy Alpes mang lại cho không khí quá nhiều dương khí (ion positif) thì những người già cảm thấy khó thở và đau nhức các khớp xương; kẻ bị suyển cảm thấy hơi thở nặng nề như nghẹt thở; trẻ con trở nên bất thường và dữ ác; số tội ác và tự tử gia tăng (Robert O’Brien).
2) Bác sĩ Kornbluch và những phụ tá của ông đã dùng khí âm trị cả trăm bệnh
nhân bị cảm gió hoặc bị ho suyển, kết quả có lối 63% được phần nào hoặc hoàn toàn thuyên giảm. Họ nói: bệnh nhân đến với họ, vừa mắt mũi lem nhem lòng thòng mũi dãi, tình trạng kiệt quệ vì mất ngủ, đi đúng miễn cưỡng trong một tình trạng đáng thương hết sức. Thế mà chỉ trong 15 phút đồng hồ đứng trước máy phát khí âm (generateur d’ions negatifs), họ cảm thấy khỏe khoắn thế nào, đến quyết định không chịu đi đâu nữa.
Ở Philadelphie, bác sĩ Kornbluch nhận thấy rằng khí âm làm dịu những cơn đau đớn tợn. Những người bị phỏng nặng đang đau đớn, cơn đau sẽ dịu xuống ngay sau vài phút nếu cho bệnh nhân hít hơi do một cái máy phát điện âm.
3) Bác sĩ Mcgowan: “Nhờ khí âm, các vết phỏng sẽ lành và kéo da non mau hơn, và ít để lại thẹo. Cách này còn dùng để vá thịt, và da nữa.”
4) Bác sĩ David dùng khí âm để làm dịu những cơn đau đớn dữ tợn sau những cuôc giải phẫu.
5) Khí âm gây nên ở những nơi có thác nước chảy mạnh, dòng thác đổ đã biến thành dòng dương điện, thì chung quanh lại biến thành âm điện. Dương điện có tính cách kích động, khí âm bao bọc chung quanh có tánh cách xoa dịu. Do khí âm mà người ta có cảm giác êm đềm, mơ mộng, dễ chịu, khỏe khoắn, yên tịnh khi đứng gần bên những dòng thác đổ.
6) Nhà bác học Tchijeusky (1919) cho biết khí âm làm kích thích động lực và sức hoạt động của giống chuột. Giống chiên nhờ khí âm mà lông dầy hơn. Cây trái nhờ khí âm cũng thấy tăng trưởng gấp đôi. Loài ong nhờ khí âm mà giảm mức độ chết chóc đến 15%.
Mặt khác Đạo dịch của Đông phương từ lâu đã chủ trương: Âm hút Dương, Dương hút Âm để thực hiện đạo quân bình của trời đất. Nhưng thay vì nghiên cứu người, người xưa vốn trọng nam, khinh nử… coi đàn bà như những đồ vật, tài sản mà họ có toàn quyền sử dụng… nên thay vì sử dụng những luồng khí âm tự nhiên ở bên giòng thác hay những khung cảnh thiên nhiên có nhiều khí âm để trị bệnh hoặc tươi tỉnh họ có những cách thô bạo khác, chà đạp nhân phẩm của phụ nử để mình được trẻ trung, thoải mái, cải lão hoàn dồng…
Theo P. Huard và Ming Vong: “Có một cách để cãi lão hoàn đồng mà cả Tây lẫn Đông đều biết từ xưa, là mượn sinh lực dồi dào của tuổi trẻ để bù lại sinh lực đến hồi tàn tạ của tuổi già, như các vị vua chúa ngày xưa trong cung chứa cả ngàn cung phi mỹ nữ trẻ tuổi… Cái ý nghĩ dùng hơi thở, tức là hút nguyên khí và hơi thở ấm áp của những người tuổi trẻ mạnh khỏe là do nơi thuyết “hợp khí” của Đạo gia mà ra.
Vua David ngày xưa, trong thánh kinh đã thuật, đã làm “ấm lại” đời sống già nua bệnh tật của mình bằng cách “trộm” hơi nóng của nàng Abisa trẻ tuổi.
Vấn đề quân bình âm dương là một việc thuận đạo lý. Dục lạc quá độ làm suy yếu cơ thể, mỏi mệt tinh thần. Tuyệt dục là phản tự nhiên sẽ làm tâm, sinh lý con người rối loạn. Cái lối cãi lão hoàn đồng đó của người xưa là bất nhân (tương tợ như hút máu người để sống). Dùng phương pháp của y học hiện đại để dưỡng sinh mà chăm sóc sức khỏe… ăn uống chừng mức, đừng trăm mưu ngàn kế hại người lợi mình để làm hao tổn tinh thần, trí não, biết cách nghỉ ngơi… đó là cách cãi lão hoàn đồng tự nhiên nhất. Còn cái cách của ngày xưa không khéo đó là một tà thuyết và gây tai hại cho xã hội.
Trần Minh

Trở lại Mục Lục