Những Tư Tưởng Về Đạo

Bài 10
Vua Nghiêu đến chơi đất Hoa. Viên quan giử bờ cõi đất Hoa chúc rằng:
- Xin chúc nhà vua sống lâu.
Vua Nghiêu nói: Đừng chúc thế.
Viên quan lại chúc: Xin chúc nhà vua giàu có
Vua Nghiêu nói: Đừng chúc thế
Viên quan lấy làm lạ hỏi: Sống lâu, giàu có, lắm con trai, người ta ai cũng muốn, một mình nhà vua không muốn, là cớ làm sao?
Vua Nghiêu nói: Lắm con trai thì sợ nhiều; giàu có thì công việc nhiều; sống lâu thì nhục nhã nhiều. Ba điều ấy không phải là những điều gây nên đức hay cho mình, nên ta từ chối.
Viên quan nói: Nhà vua nói như thế, thực là một bực quân tử. Nhưng Trời sinh ra người, mỗi đứa cho làm một việc, thì có lo sợ gì? Giàu có mà biết đem của chia với người ta, thì còn công việc gì? Ăn uống có chừng mực, ngủ có độ, trong bụng lúc nào cũng thư thái tự nhiên, thiên hạ hay ra, thì cùng hay với thiên hạ , thiên hạ mà dở thì làm cho thiên hạ hay, trăm tuổi nhắm mắt về cõi rất vui, một đời không có tai họa gì, thì còn nhục nhã làm sao được ?
Viên quan nói xong, lui ngay. Vua Nghiêu còn muốn nói nửa thì cho theo không kịp.
Trang Tử thuyết

“Xưa kia những cây ở trên núi Ngư sơn thường rườm rà rất đẹp. Vì núi ấy ở vào bờ cõi của một nước lớn, rìu búa chặt mãi đi, thế thì những cây ấy có đẹp được nữa không? Những cây ấy đã bị chặt rồi, ngày đêm nghỉ ngơi mưa móc tưới vào, lại đâm chồi ra. Song trâu dê lại đến phá hại, cho nên núi ấy mới trụi đi như ngày nay. Người ta thấy núi ấy trụi cả cây, bảo là núi ấy không mọc cây được. Há phải cái tính của núi như thế hay sao?
Cũng thế, người ta dẫu thế nào mà lại không có cái bụng nhân nghĩa. Người nào để bỏ mất cái lương tâm thì cũng như lấy rìu búa mà chặt cây vậy. Cứ ngày ngày chặt phá đi, thì cây còn đẹp thế nào được nữa. Cái lương tâm của người ta ví như mầm cây, ngày đêm nghỉ ngơi và lại có cái khí yên lặng buổi sáng thì lòng hiếu ố của mình cùng hơi gần như của mọi người. Song những việc làm trong ban ngày lại làm hư hỏng đi, rồi cứ hỏng đi hỏng lại mãi, thì cái khí ban đêm không đủ mà giữ cho còn lại được, thì người với cầm thú có xa gì? Người ta thấy giống với cầm thú thì cho là không có cái tánh tốt gì. Há có phải là bản tính của người ta như thế hay sao?
Cho nên, nếu được cái nuôi, thì không có vật gì là không lớn lên; nếu mất cái nuôi, thì không có vật gì là không mất đi. Bởi vậy giữ lấy thì còn, bỏ đi thì mất… Đó là cái lương tâm của người ta vậy.”
Cáo Tử, thượng

Tính người là cái ta không thể làm ra được, nhưng có thể hóa đi được. Tính tốt là không phải tự nhiên ta có được, nhưng có thể làm cho có được. Chú ý làm lụng, tập thành thói quen để hóa cái tính. Cái tập tục đổi cái chí, yên lâu đổi cái chất… Người thường mà tích thiện và toàn được nhiều thiện, thì gọi là thánh nhân.
Ai có cầu thì rồi mới được, có làm thì rồi mới nên, có tích mãi lên rồi thì mới cao, có nhiều cái thiện rồi mới là thánh, cho nên thánh nhân là người tích nhiều đức hạnh. Người ta tích việc cày cấy mà làm kẻ nông phu, tích việc đục đẽo mà làm người thợ, tích hàng hoá mà làm người buôn bán, tích lễ nghĩa mà làm người quân tử. Con người làm thợ không đứa nào là không nối nghề của cha, dân trong nước không ai là không quen theo lối ăn mặc của mình. Ở nước Sở theo lối của nước Sở, ở nước Việt theo lối nước Việt, ở nước nào thì theo lối của nước ấy, ấy không phải là thiện tính, nhưng là thuận theo cái tích tập mà khiến ra như thế… Phàm người ta ai cũng muốn làm điều tốt và ghét điều xấu, thích cái yên và vinh và ghét cái nguy và nhục, song chỉ có những người có đảm lược mới thực hiện được những điều mình thích, kẻ hạ nhân thì càng ngày càng xa những điều mình thích và gây thêm những điều mình chẳng thích.
Nho Hiệu

Ngư giả rũ cần câu, câu cá trên bờ sông Y Thủy, Tiều giả đi qua, đặt gánh củi nghỉ vai, ngồi trên hòn đá mà hỏi Ngư giả: “ Tất là củi của ta giúp được việc cho cá của bác, có phải không?” Ngư giả: “Phải” Ta biết rằng ta hửu dụng cho bác đó vậy. “Củi đợi lửa nhiên hậu mới là dụng” Thế nào là dụng, có thể được nghe chăng? “Dụng là nói cái cao diệu của vạn vật, có thể lấy ý mà hội, không có thể lấy lời mà truyền. Dẫu thánh nhân cũng không thể lấy lời nói mà truyền ra được” thế nào là dụng, có thể được nghe chăng? “Dụng là nói cái cao diệu của vạn vật, có thể lấy ý mà hội, không có thể lấy lời mà truyền. Dẫu thánh nhân cũng không thể lấy lời nói mà truyền ra được “Thánh nhân đã không thể lấy lời nói mà truyền ra được, thế thì kinh không phải là lời nói của thánh nhân đó hay sao?
- Thời đã qua rồi mới nói, thì nói gì mà nói!”
Hai người mới bẻ củi nướng cá, cùng nhau ăn thỏa thích mà bàn việc đạo…
Tiều giả: Bác dùng đạo gì mà được cá?
Ngư giả: Ta dùng sáu vật là: cần trúc, dây tơ, phao nổi, đồ chìm, lưỡi câu, mồi câu. Đủ sáu vật ấy là việc người, được cá với không được cá là việc Trời. Nếu sáu vật ấy không đủ mà không được cá là không phải tại Trời mà tại người vậy…
Ngư giả: Tiểu nhân có thể tuyệt hết được không?
Tiều giả: Không thể được. Không có âm, thì dương không thành, không có tiểu nhân thì quân tử không thành. Duy trong khoảng đó, có thể khiến cho bên thịnh bên suy vậy. Đời trị thì quân tử sáu phần, tiểu nhân bốn phần, tiểu nhân vốn không thắng được quân tử vậy. Đời loạn thì khác thế. Quân tử thường làm hơn nói, tiểu nhân thường nói hơn làm. Đời trị thì kẻ sĩ đích thực nhiều, đời loạn thì kẻ sĩ dua nịnh nhiều. những người đích thực ít khi không thành sự, những kẻ dua nịnh ít khi không bại sự.
Tiều giả: người có tài, có kẻ lợi cho đời, có kẻ hại cho đời, là cớ sao?
Ngư giả: Có người có tài mà chính, có người có tài mà không chính. _ “Vậy sao không chọn người mà dùng?” Chọn người làm tôi là ở ông vua, chọn vua là ở nơi kẻ làm tôi. Kẻ hiền kẻ ngu đều loài nào theo loài nấy. Có vua là Nghiêu, Thuấn, tất có bề tôi giúp Nghiêu, Thuấn; có vua là Kiệt, Trụ, tất có người tôi giúp Kiệt, Trụ.
Ngư Tiều Vấn Đối

Phàm mọi sự đều có thì tiết; mọi việc dưới trời đều có định kỳ. Có kỳ sanh ra, và có kỳ chết; có kỳ trồng, và có kỳ nhổ vật đã trồng; có kỳ giết, và có kỳ chữa lành; có kỳ phá vỡ, và có kỳ xây cất; có kỳ khóc, và có kỳ cười; có kỳ than vãn, và có kỳ nhảy múa; … có kỳ tìm, và có kỳ mất; có kỳ giữ lấy, và có kỳ ném bỏ; có kỳ xé rách, và có kỳ may; có kỳ nín lặng, có kỳ nói ra; có kỳ yêu, có kỳ ghét; có kỳ đánh giặc, và có kỳ hòa bình…
Kẻ làm việc lao khổ có được ích lợi gì về việc của mình không? Ta đã thấy công việc mà Đức Chúa Trời ban cho loài người là để loài người dùng tập rèn lấy mình… dù vậy, công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến lúc cuối cùng, loài người không thể hiểu được. Vậy, ta nhìn biết chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui vẻ, và làm lành trọn đời mình. Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công lao mình… Điều chi hiện có, đã có ngày xưa; điều gì sẽ xẫy đến, đã xẫy đến từ lâu rồi…
Ta lại còn thấy dưới mặt trời, trong nơi công đàng có sự gian ác, và tại chốn công bình có sự bất nghĩa. Ta bèn nói trong lòng rằng; Đức Chúa Trời sẽ đoán xét kẻ công bình và người gian ác; vì ở đó có định kỳ cho mọi sự mọi việc… Khi người thấy trong xứ có kẻ nghèo bị hà hiếp, hoặc thấy sự phạm đến kẻ chánh trực, sự trái phép công bằng, thì chớ lấy làm lạ; vì có kẻ cao hơn kẻ cao vẫn coi chừng, lại còn có Đấng cao hơn nữa…
Có một tai nạn dữ mà ta đã thấy dười mặt trời ấy là của cải mà người chủ dành chứa lại, trở thành hại cho mình; hoặc vì cớ tai họa nào đó, cả của cải này phải mất hết; nếu người chủ sanh được một con trai, thì để lại cho nó hai tay không… Mình lọt ra khỏi lòng mẹ trần truồng thế nào, ắt sẽ trở về thế ấy, và về các huê lợi của sự lao khổ mình, chẳng có vật gì tay mình đem theo được. Điều này cũng là một tai họa lớn; người ra đời thế nào, ắt phải trở về thế ấy. Vậy, chịu lao khổ có ích lợi gì chăng? Lại trọn đời mình sống trong sự tối tăm, phải nhiều sự buồn rầu đau đớn và phiền não…Đó là kỷ phần của những kẻ chỉ biết theo đời mà quên Đức Chúa Trời… Kìa có những người mà nắm trong tay mình sự giàu có, của cải, sự sang trọng, đến đỗi mọi sự lòng người ước ao, chẳng thiếu gì hết; nhưng Đức Chúa Trời không cho họ có thế ăn lấy, bèn là một người khác được ăn… Dầu họ sanh được trăm con trai, và sống nhiều năm cho đến cao niên trường thọ, mà lòng chẳng tránh được lo âu phiền não, và chết chẳng được chôn; ta nói đứa con chết yểu còn hơn người ấy… Mọi sự lao khổ của loài người là vì miệng mình và sự chất chứa, song không bao giờ họ được mãn nguyện… Sự khôn ngoan và ân phước của Đức Chúa Trời cũng như gấm vóc và tiền bạc có thể che thân vậy; nhưng sự khôn ngoan và ân phước thắng hơn, vì nó giữ mạng sống và linh hồn cho người nào đã được nó… Trong những ngày thời thạnh hãy vui mừng, trong những ngày tai nạn hãy coi chừng; vì Đức Chúa Trời đặt ngày này đối với ngày kia, hầu cho người đời chẳng thấy trước đặng điều sẽ xẫy ra sau mình… giàu cũng như nghèo cả thảy há chẳng về chung một chỗ sao?
Cựu Ước – Thánh Kinh T. C. G.

Trời đất, mặt trời mặt trăng ngày xưa, cũng như trời đất, mặt trời mặt trăng ngày nay. tính tình vạn vật ngày xưa, cũng như tính tình vạn vật ngày nay. Trời đất mặt trời mặt trăng vẫn không thay đổi và tính tình vạn vật cũng vẫn không thay đổi, tại sao chỉ riêng có đạo là thay đổi? Ôi, vì người truyền đạo (có cao, có thấp và hiểu đạo chưa đến nơi!), họ chán cũ, vui mới, bỏ đây lấy kia. Như người muốn đến nước Việt; họ không đi xuống phương Nam, hoặc đi nữa chừng rồi lại đi ngược về phương Bắc. Vì thế họ chỉ làm mệt tâm khổ thân và dù rằng chí của họ càng siêng, mà đạo thì họ không bao giờ hiểu đến cội nguồn được, cũng giống như người khờ kia, mang tiếng là tìm nước Việt mà suốt đời không biết nước Việt như thế nào!
Chuyên Nhất _ Hoàng Long Hòa Thượng

Có hai con đường; con đường của người ngu muội, tin rằng chỉ có một con đường duy nhất đi đến chân lý và tất cả đường lối khác là sai; và con đường của người hiền trí, chấp nhận rằng nhiệm vụ và luân lý có thể biến đổi tùy theo cơ cấu tinh thần hoặc tầng lớp khác nhau của đời sống hiện tại của chúng ta. Điều quan trọng là cần phải biết rằng có cấp bậc về nhiệm vụ và luân lý. Rằng nhiệm vụ trong một tình trạng của đời sống, ở một hoàn cảnh nào, sẽ không phải và không thể là nhiệm vụ của tình trạng khác và hoàn cảnh khác.
Vivekenanda

Danh và thân, cái nào quý hơn? Thân và của, cái nào trọng hơn? Đặng và mất, cái nào khổ hơn? Vậy nên, thương nhiều ắt tổn nhiều, chứa nhiều ắt mất nhiều. Biết đủ, không nhục. Biết dừng không nguy, có có thể lâu dài… Không họa nào lớn bằng không biết đủ, không hại nào to bằng muốn đặng. Bởi vậy, biết đủ trong cái đủ, mới luôn luôn đủ… Đạo trời thì bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu.
Lão Tử

Tại sao bạn giết tôi? _ Ủa, không phải tại bạn ở bên kia sông sao? Bạn ạ! nếu bạn ở phía bên này sông thì giết bạn tôi là kẻ sát nhân và đó là điều bất công _ nhưng nếu bạn lại ở phía bên kia thì giết bạn tôi là một kẻ anh hùng và như thế là đúng chớ! _ Cái đúng ở bên này dãy núi Pyrénées thì ở bên kia là sai vậy.
Pascal

Nhan Uyên Đông sang Tề. Thầy Khổng có vẻ lo.
Tử Cống bỏ chiếu tiến đến hỏi: “Con dám hỏi tại sao thầy Đông sang Tề mà thầy có vẻ lo, sao vậy?”
Thầy Khổng đáp: “Mi hỏi hay đó! Người xưa có câu: túi nhỏ không bọc nổi cái lớn. Giây ngắn không đụng được giếng sâu. Thế thì mệnh thành có nơi, hình vừa có chỗ. Ta sợ Hồi thuyết vua Tề về đạo của Nghiêu, Thuấn, Hoàng Đế; rồi lại thêm những lời của Toại Nhân, Thần Nông v.v… Nó vói cao mà không đủ sức. Không đủ sức thì nó tìm cách mê hoặc người ta. Mê hoặc mà người biết được thì phải chết. Hơn nửa còn có thêm lẽ này: Xưa kia chim biển đậu ở trên cánh đồng nước Lỗ. Vua Lỗ ngự ra chuốc rượu cho nó ở nhà Thái miếu, tấu nhạc cửu thiều để làm cho nó vui, sắp trâu bò để làm món ăn… Chim liền nhớn nhác, không dám ăn một miếng, không dám uống một chén, rồi vỗ cánh bay mất. Đó đâu phải là cách nuôi chim. Chim nó thích gì? Nó muốn được: đậu ở rừng, chơi ở đồng ruộng, bơi trên sông hồ, ăn bằng tôm cá, theo ý thích mà dừng, ung dung mà đậu… Nó cứ có người nói là sợ, vậy còn tìm cách léo nhéo bên nó làm gì? Lại còn bày trò tấu nhạc, chim nghe thấy mà bay, muông nghe thấy mà chạy. Cá nghe thấy mà lặng xuống, người bất chợt nghe thấy thì xúm quanh mà xem.
Cá ở nước mà sống, người ở nước mà chết. Chúng tất khác nhau và yêu ghét khác nhau. Cho nên Thánh nhân đời trước không giống nhau về tài, không đồng nhau về việc… mà Uyên Đông thì nhìn hẹp, thấy cạn… Ta sợ y thuyết bất thành mà lại tự chuốc họa!
Trang Tử

Sống bảy mươi năm đã mấy người!
Trước thì tuổi trẻ, sau già lão.
Thì giờ quãng giữa được bao lâu?
Lại còn viêm lương cùng phiền não.
Hoa quá mùa xuân, hoa kém tươi;
Trăng quá mùa thu, trăng kém sáng.
Hoa tươi trăng sáng, ta ngâm nga.
Rượu năm, ba chén say chuyến choáng.
Tiền của càng nhiều, càng oán to,
Quan chức càng cao, càng nhọc xác.
Quan to, tiền nhiều, lòng những lo,
Chỉ tổ làm đầu chóng bạc.
Xuân đi, hạ lại, thu sang đông,
Chóng như thoi đưa, như nước chảy.
Vừa tiễn buổi sáng, chuông chiều kêu,
Đã báo rạng đông, gà gáy sáng.
Ta thử tính xem người nhản tiền,
Một năm đã thấy khuất vô số.
Lô nhô nấm đất cánh đồng hoang,
Quá nửa không ai người tảo mộ
Đường Bá Hổ

Trở lại Mục Lục