Nhị Nhơn Đồng Tâm Kỳ Lợi Đoạn Kim

                                     Đạo Lý 15, Huờn Cung Đàn 15.11 Bính Ngọ (25.12.1966)

                                                       Nhị Nhơn Đồng Tâm Kỳ Lợi Đoạn Kim

THI
        Thích, Nho, GIA, Lão vẫn đồng nguyên,
    Chung sức nên đạo thống truyền;
     Hoằng hóa GIÁO dân tin chánh pháp,
Tự cường CHỦ động gội ơn Thiên.

      Ta chào chư Thiên ân, chư đạo tâm nam nữ. Ngày này khắp trên mặt địa cầu đều để lòng ghi nhớ ơn Ta. Ta sẽ ban nhiều phước lành cho nhơn loại. Nơi đây cũng như khắp trong nền Chánh Pháp Cao Đài đều dâng lễ mừng Ta. Ta sẽ làm cho nước này, dân này, được nhiều an ủi và lành mạnh thêm mãi. Chư Thiên ân an tọa.

      Này chư hướng đạo ôi ! Khắp trên hoàn cầu, nơi nào cũng bị họa đời dày xéo, người người đương rên rỉ, lầm than, phập phồng lo sợ từng giờ, từng phút, chưa biết ma tử thần đến lúc nào.

      Oi ! Cảnh đời quá điêu linh, điên đảo, nước nước tranh giành, mà đưa đến cho con người một cuộc máu xương khói lửa ngút trời. Khổ vì xác thịt, vì ăn, vì mặc, vì lợi, vì danh, vì chỗ đứng nơi ngồi, vì màu da sắc tóc, loài người xô đẩy nhau. Chẳng những vậy, mà còn phe phái, xu hướng khác nhau, đã gây nên tang tóc cho đời. Thậm chí tôn giáo cũng vì tín ngưỡng không đồng mà xô xát nhau, làm cho tinh thần xáo trộn. Cái họa đời to tát, rồi đây nó sẽ xô nhơn loại vào hố gươm đao, vào nơi chiến địa. Nếu Đạo Trời không ra kịp, thì cõi dinh hoàn này chắc chắn sẽ thành tro bụi.

      Đạo Trời lần ba hoằng khai để cứu vãng tình trạng nguy vong của nhơn loại mà tái lập cuộc thế giới an bình. Thượng Đế chọn đất Việt làm Thánh địa, chọn dân Việt làm tiền phong khai đạo, nói lên những lời thiết tha bằng tình thương lẽ thật và sự sống đời đời.

      Cái sứ mạng trọng đại này, cái quyền pháp vinh hạnh này, chư hướng đạo đã chịu ơn Trời, đảm đương công vụ, hầu thay gánh cho Chí Tôn ở dưới cõi này. Làm sao đây ?

      Đạo lớn lao thì trách nhiệm cũng quá chừng to tát, đâu phải một người làm xong, mà cần hiệp sức nhau, chia sớt nhau, để cùng lo cùng tính. Kẻ trong người ngoài, nơi nào cũng có mặt con nguời hướng đạo, hầu nói lên cái tôn chỉ dung hòa bình đẳng, hầu mọi người, mọi nơi được nhận định nguồn gốc là Đạo có một không hai, để lấp bằng các hố chia rẽ bất bình, xô đổ những thành trì ngăn ngại phân ranh màu sắc, tín ngưỡng.

      Chư hướng đạo nên dừng nghỉ một vài phút để kiểm điểm việc làm của quyền pháp, vì sao mà chưa cảm hóa được người ? Vì sao mà mỗi ngày còn chia xẻ ra từng manh mún, làm cho Thánh Thể của Thầy mỗi nơi mỗi đoạn. Nền đạo hầu như ngưng trệ, các bộ máy đã tê liệt lắm rồi ! Trông lại đàng sau bao nhiêu người đương yêu cầu,

mong mỏi Thần cứu chuộc cho họ thoát khỏi đau thương.

      Nền đạo hiện tình, mỗi nơi mỗi nhóm, mạnh ai nấy lo, mạnh ai nấy làm, không tương quan mật thiết. Đã đành chia ra để hoạt động, chia trong nguyên tắc quyền pháp, thì có hại gì đâu ! Cũng như một cây thước chia thành mười tấc, mỗi tấc chia ra mười phân, mỗi phân còn chia nhỏ từ ly. Sự chia của cây thước là để làm công dụng cho thiên hạ rập ràng,

thì sự chia đó có hại gì đâu, mà còn lợi gấp ngàn gấp trăm.

      Song sự chia của nền đạo trong hiện tình, chẳng được y theo khuôn thước, nên chỗ vầy chỗ khác, như đã thiên sai vạn biệt lắm rồi ! Chưa nói cứu đời, mà tự mình đã lâm vào cảnh chia ly thống khổ.

      Xét ra thì tự mình đã mâu thuẫn lấy mình. Mình tự mâu thuẫn mình, thì còn ai tin mình ? Nên chi người hướng đạo phải có trách nhiệm làm sao để vãn hồi, tìm các giải pháp hữu hiệu, để sớm phục hưng,

đem nhau về một. Công đức đó mới xứng đáng của cái tên “hướng đạo”.

      Làm được vậy thì đẹp lòng Thầy, mà mãn nguyện cho nhơn sanh, thì phước lành mới chảy đến muôn loài vạn vật. Song quyền pháp đâu phải Trời không đủ kềm chế, huyền diệu Thầy đâu không đủ sửa đương, mà để cho chư hướng đạo và nhơn sanh lập lấy công, tu lấy hạnh hầu trở nên Tiên, Phật, Thánh, Thần.

      Sự chia ra cũng có lợi: nhờ vậy mà mối Đạo được lan tràn rộng lớn, mà cũng được yên ổn cho nội bộ, ở chỗ chánh quyền không lo và không cần lưu ý. Chính quyền nào cũng muốn phân ra để trị, mà ý Thầy cũng tự nhiên tùy theo hoàn cảnh và trình độ của chư hướng đạo, mà sự chia ra để giúp cho mối lo lớn cho những tay ưu tư vì Đạo, nên người hướng đạo mới thiết tha hoài bão, đeo đuổi mục tiêu duy nhứt cho đến cùng.

      Nên từ lâu đã nhiều phen lập hội này, hội nọ, để kêu gọi những người vì Đạo vì Thầy, cộng tác nhau mà xây dựng. Song lập rồi lại phế, phế rồi lập lên, hết keo này, đến keo khác, nhưng chưa đi đến đâu.

      Mặc dù chưa kết quả, song đó là trường thi chọn lựa lòng công tâm hạnh của chư hiền, mà chư hiền cũng có dịp bày tỏ lòng mình với nhơn sanh, cho Thượng Đế chứng minh. Ngặt vì đường lối chưa khế đồng, chưa trúng đích.

      Muốn hiệp nhứt, mà hiệp bằng một cách đơn độc, bắt buộc ai cũng làm, cũng nói cũng đi một đường, một kiểu như nhau, thì vạn đời chưa chắc kết quả. Muôn loài vạn vật đều khác nhau.

      Cá thì ở nước sông. Chim thì ở non ở núi. Bắt cá thả lên rừng, bảo chim vào ở biển, thì làm sao không loạn ?

      Phương chi nhơn tình mỗi người mỗi ý, hóc hiểm khó khăn, mà muốn biết lòng người đâu phải không cực tâm nghiên cứu, mà suốt tận đáy lòng của thiên hạ. Song lấy mình để xét người ai đói cũng muốn ăn, lạnh cũng muốn mặc, nhọc cũng muốn nghỉ, thì mình với người khác chi. Đem mình mà áp dụng vào người, thì ai không theo, ai không đồng.

      Ngặt phải về một chỗ, phải làm một việc, phải nói một lời thì kẻ nông phu không sao viết ra bài, người học trò làm sao canh tác nỗi ? Nên việc làm tuy khác nhau, mà tâm hồn vẫn được như nhau, là đều chung trong lợi người, lợi việc.

      Hôm nay, Ta đến để góp một vài ý kiến về việc tương hệ với bạn đồng đức đồng tâm,

hầu kết nên tràng thương yêu, mà chung cùng nhiệm vụ.

      Đây là một đoạn trong Hệ Từ Dịch truyện, Đức Khổng Phu Tử nhấn mạnh về việc đồng tâm, đại đồng của thiên hạ. Ta nên lấy đó để hành đạo, giữ đạo mà xây dựng quyền pháp tương lai, cứu vãng lại nội tình hiện tại.

      Hệ Từ viết: Đồng nhơn tiên hào đào nhi hậu tiếu. Tử viết: Quân tử chi đạo, hoặc xuất, hoặc xử, hoặc mặc, hoặc ngử, nhị nhơn đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim. Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan.

      Đồng nhơn tiên hào đào nhi hậu tiếu. Câu này ở hào ngủ, quẻ Đồng Nhơn. Nói đến đồng nhơn thật rất khó khăn. Song thời thế đã đến, thì dầu ai không muốn đồng cũng không được. Đồng Tâm là người này người kia, tuy không ở chung với nhau, mà tâm sự vẫn đồng như nhau.

      “Tiên” là trước. “Hào đào” là kêu rêu than thở. “Hậu” là sau. “Tiếu” là cười. Nghĩa là nói đến sự đồng tâm, trước vì sao mà phải kêu rêu than thở. Kêu rêu than thở là vì hai người đồng với nhau, mà chưa ngộ hợp cùng nhau, là vì trung gian có hào Cửu Tam, Cửu Tứ ngăn trở, nghĩa là bị người ta phá, bị người ta gièm pha giành giựt.

      Nhưng lẽ phải cuối cùng cũng được ngộ hợp nhau mà vui cười, sung sướng. Nói đến đồng tâm giữa người này với người kia, mà còn khó như vậy, huống chi khối này khối nọ, làm sao dễ được ?

      “Quân tử chi đạo” là đạo người quân tử ở chỗ đồng tâm, để mưu toan việc đạo, việc đời, mà lo cho nhơn loại.

      “Hoặc xuất, hoặc xử, hoặc mặc, hoặc ngử” nghĩa là: Kẻ ra gánh vác việc đời, làm công việc nọ việc kia; kẻ thì ở yên một chỗ, ẩn dật tu hành, kẻ lại im lặng mà làm thinh, còn kẻ thì khua chuông giục trống cảnh tỉnh người đời. Tuy xuất (ra làm quan) với xử (hoặc ẩn dật) khác xa, Ngử (nói), Mặc (nín) trái hẳn, song cũng đều lo cùng một mục đích như nhau. Tuy hoàn cảnh địa vị khác nhau, nên mới có kẻ ẩn người hiện, kẻ nói người làm thinh, vì thời và vị không giống nhau. Song đem đổi hoàn cảnh của người này cho người kia, thì họ cũng làm như nhau không khác.

      Đây nói cái đồng tâm, mà cái tích (việc thấy hiện bên ngoài) bất đồng. Tâm là tinh thần. Tích là hình thức. Tích mà đồng, tâm không đồng, thì người quân tử không hề làm; mà mặc dầu tích không đồng, tâm đồng, là đạo lợi cho thiên hạ. Nên mỗi người đã đồng tâm rồi, thì chia nhau mà lo, kẻ làm việc nọ, người làm việc kia, ai cũng cúc cung tận tụy. Các tận sở năng của mình, dầu ở xa ngàn dặm, những việc làm giống nhau, như khuôn in rập.

      “Nhị nhơn đồng tâm kỳ lợi đoạn kim” Nghĩa là: Người này cùng người kia mà đồng tâm nhau rồi, thì núi cũng xô ngã được, biển cũng lấp bằng được. Người người đều cảm mà hóa theo, thì khác nào một đoạn sắt chặt một cái là đứt làm đôi. Sức mạnh của đồng tâm ghê gớm làm gì lại không được ? Dầu cho Trời đất cũng vui nghe mà giúp đỡ. “Đồng Tâm chi ngôn, kỳ xú như lan”. Nghĩa là: lời nói của người đồng tâm, tuy không ngọt ngào, mà ai cũng thích, tuy không nồng nàn mà ai cũng say, cảm đến người đến vật. Lời nói thống thiết chân thành, mùi vị ngọt ngào, dầu sự thơm của hoa lan cũng chỉ đến chừng đó là cùng.

      Sự đồng tâm tác hợp nhau, để lo xây dựng Đạo Trời. Đạo Trời cũng mưu tính, cải tạo loài người, tái lập cuộc đời đại đồng thế giới. Mục đích ai là người có trách nhiệm trong nền Tân Pháp Đại Đạo phải hướng vào đó mà tu sửa, mà mở mang.

      Song thế giới bước đến đại đồng, trước phải đặt móng đắp nền ở gần, rồi mới đến xa, nghĩa là: phải xây dựng đại đồng trong đạo. Người nọ lấy thương yêu làm mục đích, lấy lẽ thật làm nền tảng, cột chặt lấy giải đồng tâm.

      Hãy xét quẻ Đồng Nhơn trong sáu hào:

             Hào sơ thì “Đồng nhơn vu môn” Nghĩa là: đại đồng với người không phải ở trong nhà mà nói đại đồng, cần phải ra khỏi cửa, để đồng cùng xóm giềng, làng nước, giao du chỗ nọ, chỗ kia, mà kết tình bằng hữu,

để cùng nhau chung lấy nhiệm vụ đại đồng.

      Đến hào Lục Nhị, thì “đồng nhơn vu tông”, nghĩa là: hào này đồng nhơn là đại đồng với trong tông tộc, phe phái hệ thống của mình mà thôi. Đồng nhơn như thế cũng quá hẹp chật, chưa đúng với đại đồng, nên người hướng đạo coi hào này, mà cần mở rộng phạm vi liên kết với bạn bè ở nhiều tôn giáo, học thuyết rải rác khắp mọi nơi.

      Đến hào Cửu Tam, thì cũng muốn đồng với người, song đồng ấy là giành kéo về mình, làm của riêng cho mình, nên núp ở chốn bụi gò mà rình để giựt Lục Nhị (hào âm).

      Đến hào Cửu Tứ cũng vậy song muốn được Lục Nhị, phải cỡi lên Cửu Tam, nghĩa là: trèo lên thành mà coi động tịnh. Hai hào này ở trong quẻ Đồng Nhơn, mà đồng bằng cách giành giựt, tham lam, thì người hướng đạo của Ta không nên bắt chước.

        Đến hào Cửu Ngũ, thì trước phải kêu rêu than thở, sau dùng đến đại binh, mới trừ được trung gian phá hoại, mà hai bên mới hội ngộ hợp nhau, vui cười sung sướng. Oi ! đồng tâm mà khó như vậy, phải dùng toàn lực đại vũ, mới đi lên thành công. Điều đó, nhà đạo chắc không làm, vì chi mạnh cho bằng đạo đức ? Nên nói:

Lấy đạo đức làm nền xu huớng,

Lấy cảm tình làm tướng giục binh.

      Song cũng nhớ rằng: Việc làm dầu nhỏ, dầu lớn, cũng bị điều trở ngại. Ta phải đề phòng, mà cũng phải gắng công bền chí.

      Đến hào Thượng Cửu, thì Đồng Nhơn vu giao”. Vu là đi. Giao nghĩa là giao du, giao du ở gần nhà mình, nước mình, thì cũng hẹp chật. Chỉ có lời Soán Từ là Đồng Nhơn vu dã. Đồng Nhơn mà vu dã (ra đồng trống) thiệt rộng lớn mênh mông, không bờ bến. Đâu phải ra khỏi cửa hay ở trong tông phái mình mà thôi, còn kết thân tình huynh đệ đại đồng khắp chỗ, đồng hoang hẻo lánh, đâu còn lựa chọn so cân.

      Vậy hôm nay, Ta cần đặt lại vấn đề, để rồi ngày tới đây đặt mối tương quan, để thành một mối đồng tâm, mà chia lo việc đạo, gánh vác việc đời, hầu đem lại một khối bình đẳng duy nhứt, không còn ranh giới rẽ riêng.

      Hôm nay, Tượng quẻ “Thái” giữa đàn gồm đủ bên dương bên âm, âm dương tương hội, đạo pháp khai thông, thì trách nhiệm ngày tới đây: Các hiền như Huỳnh Đức, Thiên Huyền Minh, Kiến Minh, cùng nhau đặt lại một chương trình cũng cố lại nền tảng lại cho vững chắc, mà kiến trúc một lâu đài mới mẻ, để làm cơ chỉ cho muôn đời.

      Hôm nay, cũng có mặt quí vị Minh Lý, mà cùng nhau đặt lấy vấn đề chung, theo lời của Ta thì tốt đẹp biết chừng nào ! Thiên Hoa, Nghi Dung, hiền và hiền muội gắng sức chung tâm cộng sự với quyền pháp, tu sửa tâm thân,

để hầu ngày mai đương hành trách nhiệm.

      Nơi đây, gắng công một lần nữa để hoàn thành sứ mạng, mặc dầu đã trải qua nhiều trở ngại, song cuối cùng cũng được kết quả. Lòng đạo đức cứ tiến không lùi, dầu chưa làm xong, sau có người kế tiếp như Ngu Công bạt núi, Chim Tinh Vệ lấp biển. Được hay không là ở Trời, còn bổn phận làm nên cố gắng./.

Trở Lại Mục Lục