Bủu Minh Ðàn
 

 Ngũ Chi Đại Đạo (Năm Chi Đạo Họ Minh)

                   


Nói đến Ngũ Chi Đại Đạo chúng ta có thể liên tưởng đến Ngũ Chi gồm: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo.

Tuy nhiên, Ngũ Chi Đại Đạo cũng có nghĩa là năm chi đạo cùng họ Minh gồm: Minh Sư, Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiện và Minh Tân.

Nói đến Ngũ Chi Đại Đạo chúng ta có thể liên tưởng đến Ngũ Chi gồm: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo.

Tuy nhiên, Ngũ Chi Đại Đạo cũng có nghĩa là năm chi đạo cùng họ Minh gồm: Minh Sư, Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiện và Minh Tân. Năm chi đạo kể trên đều thờ Tam Giáo, xuất hiện trước Đạo Cao Đài một ít lâu và đều có mối liên hệ mật thiết với Đạo Thầy. Có thể nói các chi Đạo họ Minh này được Ơn Trên cho xuất hiện trước, hầu tạo mặt bằng, chuẩn bị điều kiện hỗ trợ tốt nhất; để đến khi Đạo Cao Đài gieo xuống, sẽ trưởng thành vững chắc trong điều kiện khó khăn của xã hội miền Nam Việt vào những thập niên đầu thế kỷ 20.

Sau đây chúng tôi xin lần lượt trình bày về sự xuất hiện của từng chi đạo, nói qua phép tu hành thờ phượng và mối liên hệ của mỗi chi ấy với Đạo Cao Đài.

CHI MINH SƯ:

Nhiều tác giả đã viết rằng Minh Sư xuất hiện tại Trung Quốc vào đầu nhà Thanh (khoảng 1620 đến 1670). Lúc ấy, các quan Võ cựu thần nhà Minh lập Thiên Địa Hội, các quan Văn lập Minh Sư, với cùng mục đích "Phản Thanh phục Minh".

Thật ra, Đạo Minh Sư đã có từ xa xưa. Vị Tổ sư đầu tiên của Minh Sư là Đức Bồ Đề Đạt Ma (Ngài là tổ thứ 28 Thiền tông Ấn Độ, truyền Thiền tông qua Trung Quốc năm 520 và trở thành Nhứt Tổ Thiền tông Trung Quốc). Lại nữa, do nhận mình là một tông phái Phật giáo nguyên thủy nên Minh Sư lấy gốc từ Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, và chọn triều đại Vua Hoàng Đế (2697 – 2597 TTL) – thời Đức Nhiên Đăng tá thế độ đời đó vào Nhứt kỳ Phổ Độ – làm niên biểu. Do vậy, trong sớ văn Minh Sư hiện nay (năm 1999) ghi năm đạo thứ 4697.

Theo bản "Tóm yếu lịch sử Phật Đường Nam Tông" thì, thuở Đức Phật Nhiên Đăng khai đạo là "Sơ hội Long Hoa", tiếp đến, mối Đạo được Phật Thích Ca làm chưởng giáo thời thứ "Nhì Hội Long Hoa". Từ đây, Thiền tông Ấn Độ bắt đầu với Đức Ca Diếp làm Nhứt Tổ, Đức A Nan Nhị Tổ, đến Tổ 28 là Đức Bồ Đề Đạt Ma.

Ngày 21-9-520, Ngài Bồ Đề Đạt Ma theo đường biển đến Quảng Đông (Trung Quốc). Truyền đạo nhiều nơi, cuối cùng Ngài đến Thiếu Lâm Tự (Lạc Dương) tham thiền cửu niên diện bích và thị tịch năm 536. Các vị tổ Thiền tông kế tiếp như chúng ta đã biết:

Nhị Tổ Huệ Khả (486 – 593)
Tam Tổ Tăng Xáng ( ? - 606)
Tứ Tổ Đạo Tín (580 – 651)
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (601 – 674)
Lục Tổ Huệ Năng (638 – 713)

Từ khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền tổ bàn cho Lục Tổ Huệ Năng, Phật giáo Thiên tông chia làm 2 phái:

- Về phía Bắc, Ngài Thần Tú truyền giáo pháp "Thật tu tiệm ngộ" ở các tỉnh : Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc…, sang đến Cao Ly, Nhựt Bổn… Gọi là Bắc Tông.

- Về phía Nam, Ngài Huệ Năng truyền giáo pháp "Đốn ngộ diệu tu" ở các tỉnh : Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây, Vân Nam … Gọi là Nam Tông.

Đến năm 713, trước khi viên tịch, Lục Tổ có di ngôn "từ Ta liễu về sau, Phật pháp truyền thừa bị đình đốn 70 năm. Sau sẽ có 2 vị Bồ Tát, một vị xuất gia, một vị cư sĩ đồng khai mở Đại Đạo".

Như vậy, Lục tổ không trực tiếp truyền tổ bàn.

Đúng như di ngôn Đức Lục tổ, qua 70 năm bị đình đốn, đến năm 784, Ngài Mã Công Đạo Nhứt người gốc Giang Tây học đạo với Ngài Nam Nhạc, thấu triệt pháp môn thiền quán. Đồng thời Ngài Nam Nhạc cùng có một đệ tử khác là vị Bạch Ngọc Cư Sĩ Phật pháp uyên thâm. Nhị vị Mã Công và Bạch Ngọc cùng song thừa Thất Tổ, khai triển Thiền môn. Thời này khắp Trung Quốc có trên 800 Thiền viện.

Ngài Mã Công thị tịch trước. Đến khi Ngài Bạch Ngọc sắp thị tịch có phó chúc truyền tổ bàn Bát Tổ lại cho Ngài La Công Húy kế thừa.
Năm 955, nhằm đời vua Hiển Đức nhà Hậu Châu, xảy ra pháp nạn. Vua hạ lệnh phá hủy nhiều chùa chiền am viện, cả nước Trung Hoa có đến 3356 ngôi bị hại. Nhiều nhà sư phải sang lánh nạn nước ta (triều Ngô Xương Văn thứ 5).

Ngài Bát Tổ La Công Húy viên tịch trong nhà lao năm 956, cũng từ đó Phật Đường Nam Tông bị đình đốn đến 700 năm.

Gần cuối triều Minh, tại tỉnh Giang Tây nơi núi Lư Sơn có ngài Huỳnh Công Đức Huy lòng hằng mộ đạo. Ngài được một vị dị nhân mật truyền tâm ấn kế thừa tổ mạng thứ 9 (năm 1623). Từ đây phái Phật Đường Nam Tông phát triển trở lại. Lúc sắp qui liễu, Ngài Huỳnh Công Đức Huy phó chúc tổ bàn lại cho Ngài Ngô Công Tinh Lâm kế thừa tổ mạng thứ 10. Tiếp đến, Ngài Ngô Công Tinh Lâm mật truyền lại cho Ngài Hà Lão Huệ Minh tiếp nối tổ mạng thứ 11.

Dòng đạo tiếp nối, Ngài Hà Lão Huệ Minh chọn Ngài Viên Lão Thối An – là người thông minh, học rộng, lại ham thích thanh tịnh – làm tổ thứ 12. Qua đến đời tổ thứ 13, Phật Đường Nam Tông một lần nữa có 2 vị đồng chấp chưởng Tổ Bàn (song thừa) đó là nhị vị: Ngài Vương Công Huờn Hư và Ngài Từ Huờn Vô. Tổ mạng thứ 14 là Y Đạo Tổ Sư. Ngài có lời mật phó cho tổ 15 là Ngài Đông Sơ Tổ Sư truyền pháp đạo xuống miền Nam. Trước hết mở đạo tại Thái Lan, sau qua Việt Nam, nhằm đời Vua Tự Đức thứ 16 (1863) – Ngài Đông Sư Tổ Sư lập tại Hà Tiên ngôi Quảng Tế Phật Đường. Ngôi chùa này do ông Ngô Cẩm Tuyền đứng ra xây dựng. Ông tu hành tiến lên bậc Đại Lão Sư (Ngô Đạo Chương). Năm 1905, Ngài Ngô Đạo Chương về Sài Gòn tạo dựng ngôi Ngọc Hoàng Điện (Đa Kao), công việc chưa hoàn tất nhưng rồi vì lý do kinh tế phải sang nhượng đi. Một vài năm sau, bổn đạo Minh Sư tại đây lập ngôi Quang Nam Phật Đường. Ngài Thái Lão Sư Trần Đạo Minh, rồi tiếp đến Thái Lão Sư Vương Đạo Thâm thay mặt Ngài Trần Tây Lâm Tổ Sư điều hành mối đạo tại Việt Nam.

Quang Nam Phật Đường (số 17 đường Trần Quang Khải, Quận 1) hằng năm vẫn lấy ngày giỗ Thái Lão Vương Đạo Thâm (30-4-ÂL) làm ngày kỷ niệm.

Theo chư vị trưởng lão Minh Sư cho biết: Mối đạo Nam Tông được dân gian gọi là Đạo Minh Sư vào thời điểm Lục tổ Huệ Năng và vị Thần Tú có sự tách biệt trong việc truyền giáo pháp Nam Tông với Bắc Tông, như nêu trên. Gọi đúng phải là phái Phật Đường Nam Tông.

Tại Việt Nam hiện nay còn tồn tại 3 chi nhánh đạo Minh Sư, tạm gọi là 3 tông:

- Tông Đức Tế: Nhánh của Đức Thái Lão Vương Đạo Thâm, có một số chùa như: Quang Nam Đường, Khánh Nam Đường (Bình Thạnh), Nam Nhã Đường (Bình Thủy – Cần Thơ); Mỹ Nam Đường (Mỹ Tho); Vận Bửu Đường (Gò Công); Nam Tôn Đường (Hội An); Hòa Nam Đường (Đà Nẵng)…

- Tông Phổ Tế: Nhánh của Thái Lão Sư Trần Đạo Quang, có một số chùa như: Linh Quang Đường (Hóc Môn); Long Hoa Đường (Cai Lậy); Phổ Hòa Đường (Mỹ Tho)…

- Tông Hoằng Tế: Nhánh của Thái Lão Sư Lâm Đạo Ngươn (thường được biết với bút danh Lâm Xương Quang). Một số chùa như Quan Âm Đường (Thâm Nhiên Long An) Quang Âm Đường (T.X Tân An); Trọng Văn Đường (Bình Điền)…

Toàn Việt Nam hiện có trên 50 ngôi chùa Minh Sư. Ngôi chùa được kể đầu tiên (bên trên) là tổ đình của Tông ấy.

Chánh điện chùa Minh Sư thờ Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và chư Phật chư Tiên (hoặc thờ tượng, hoặc thờ bài vị tùy nghi), tụng Ngọc Hoàng Tâm ấn, Bắc Đẩu Chơn Kinh, Địa Mẫu Chơn Kinh…

Pháp tu Minh Sư rất nghiêm mật, muốn tu tiến hành giả phải khép mình trường trai tuyệt dục. Bên phái nam có 9 bậc tu, từ thấp lên:

- Nhất thừa, gồm Nhất – Nhị và Tam Bộ.
- Nhị thừa, gồm bốn bậc: Thiên Ân, Chứng Ân (chữ Minh); Dẫn Ân (chữ Xương); Bảo Ân (chữ Vĩnh).
- Tam Thừa có 2 phẩm: Lão Sư (chữ Vận) và Đại Lão Sư (chữ Đạo).

Tất cả các vị Lão Sư và Đại Lão đồng công cử một vị làm chưởng môn gọi là Thái Lão Sư.

Bên nữ phái có 7 bậc, đạo danh được ban từ đầu không đổi. Phẩm cao nhất cũng có chữ Thái, nhưng pháp tu chỉ cở bậc Bảo Ân ở phái Nam.

Đệ tử Minh Sư mặc đạo phục màu đen.

Ghi chú:

• Quan Âm Đường ở Phú Quốc xưa, nơi Đức Ngô Văn Chiêu thọ giáo pháp Cao Đài thuộc tông Hoằng Tế. Đại Lão Sư Nguyễn Đạo Ngưỡng (năm nay 83 tuổi) hiện trụ trì Quan Âm Đường (Tân An) cho biết khi ông còn nhỏ, có lần đã ra Phú Quốc hộ tịnh cho Thái Lão Sư Lâm Đạo Nguơn (Lâm Xương Quang).

• Một số bài kinh nhật tụng của Cao Đài Giáo, và ngay cả của chi Minh Lý có gốc từ Kinh Minh Sư, như:

Kinh Cao Đài có: Bài Ngọc Hoàng Kinh và ba bài xưng tụng Tam Giáo Đạo Tổ. Hai bài Niệm Hương (Đạo gốc bởi) và Khai Kinh (Biển trần khổ) của Minh Lý cũng do Đức Thái Thượng và Đức Nam Cực Chưởng Giáo tả lại quốc ngữ theo Kinh Minh Sư. Sau chư Tiền Khai Cao Đài vâng lệnh Ơn Trên qua Minh Lý thỉnh hai bài kinh này (cùng một số bài kinh khác.

CHI MINH ĐƯỜNG:

Nhiều sách viết rằng tên Minh Đường là do viết gọn từ "Minh Sư Phổ Tế Phật Đường", nhưng chưa rõ mức chính xác của các tài liệu này. Các vị tu Minh Sư hiện nay hầu như không biết đến chi Minh Đường.

Danh hiệu Minh Đường được tìm thấy trong Thánh Ngôn và sử liệu do chư Tiền Khai Cao Đài để lại, dùng chỉ bổn đạo Vĩnh Nguyên Tự thuở mới quy nhập Cao Đài (1926).

Một số Thánh Ngôn và sử liệu điển hình như:

1. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển – Quyển 1 – Trang 29 có đoạn :

"Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc) Samedi, 21 Aout 1926: - Lịch, mời chư môn đệ Minh Đường của Thầy ra nghe dạy…"

(Lịch là Ngài Lê Văn Lịch – Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt – chủ chùa Vĩnh Nguyên)

2. Trong quyển Thánh Ngôn (viết tay) do ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh lưu lại có đoạn Thánh Giáo ngày 16-3-1926:

- "Trung, Cư, Tắc. Thầy dặn 3 con nội hạ tuần tháng 2 phải xin nghỉ một tuần lễ xuống ở tại chùa Minh Đường của Lịch mà học đạo thêm…"

3. Ngày 4-3-1926 (20 tháng Giêng Bính Dần) trong buổi lập đàn đầu tiên tại Vĩnh Nguyên Tự, Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long giáng đàn báo tin cho chư môn đệ biết Ngài đã đắc vị Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn. Ngài khuyên bổn đạo địa phương và gia đình quy nhập Cao Đài. Xin trích một đoạn Thánh Giáo trên:

"Lê Văn Tiểng… Lịch thính Ngã, Ngã thị nể phụ, thọ mạng Cao Đài Tiên Ông Viết Cao Đài Thượng Đế Giáo Đạo Nam Phương. Tiên nhựt Ngã thọ giáo Minh Đường. Đại Đạo thị chi nhứt dã… Ngọc Đế cảm xúc công quả thậm đa, bất lưu luân hồi tái thế, phú Thái Ất Chơn Quân độ dẫn. Thọ sắc Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn tại Tây Phương Cực Lạc…"

4. Thân mẫu Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu mãn phần ngày 28-8-1926 lúc này Đạo mới mở, chư Tiền Khai chưa rõ cách làm lễ tang đạo hữu nên thiết lập đàn cơ cầu Ơn Trên chỉ dẫn. Hôm ấy, Thầy giáng dạy:

"Trung, con tức cấp xuống Cần Giuộc biểu Tương về. Và cả chư môn đệ Thầy hội lại cho đủ mặt. Phải nhớ biểu Lịch lên, nói với nó Thầy cần bốn vị chức sắc Minh Đường cầu kinh cho mẹ Hậu…"

Bốn Thánh giáo trên, Ơn Trên đều dùng tên Minh Đường để chỉ Vĩnh Nguyên Tự Và do tôn chỉ, pháp tu, kinh kệ, phẩm trật… của chư vị Lão Sư Minh Đường tại Vĩnh Nguyên Tự đều không khác Minh Sư. cho nên, không nghi ngờ gì nữa Minh Đường là một phân nhánh của Minh Sư. Có lẽ sự khác biệt là do gốc đạo truyền qua Việt Nam, vì rằng Đức Di Minh Tử Ngô Đạo Chánh, người truyền đạo Minh Đường cho Ngài Lê Văn Tiểng (Thái Lão Sư Lê Đạo Long) năm 1876 không thấy tên trong các tiền bối Minh Sư truyền đạo buổi đầu.

Nay, Vĩnh Nguyên Tự đã là chùa Cao Đài, tên Minh Đường không còn nghe nói nữa.

Ghi chú:

· Nhiều tài liệu ghi Ngài Ngọc Lịch Nguyệt tu Minh Đường đến phẩm Chứng Ân. Nhưng, theo lời xác nhận của Đạo trưởng Bạch Lương Ngọc (trụ trì Vĩnh Nguyên Tự, hiện nay đã 90 tuổi) thì đạo hiệu của Đức Ngọc Lịch là Lê Xương Tịnh – chữ Xương – do đó phẩm đạo của ngài phải Dẫn Ân (trên Chứng Ân một cấp). Theo luật đạo Minh Sư (và Minh Đường), người tu phải đến cấp Dẫn Ân mới đủ quyền pháp phổ độ và phụ trách một ngôi Phật Đường.

· Các bài: Ngọc Hoàng Kinh và kinh xưng tụng Tam Giáo Đạo Tổ của Cao Đài hiện nay do Đức Ngọc Lịch thọ lệnh Thầy chọn từ kinh Minh Đường. Đến nay, việc sưu tầm các bản gốc chữ Hán các bổn kinh trên có khó khăn (chỉ mới tìm được gốc của bài Ngọc Hoàng Kinh và bài xưng tụng Tiên giáo). Do vậy có thể suy nghĩ về các chi Minh Sư khác nhau ngay tại đất Trung Hoa.

CHI MINH LÝ

Ngài Âu Minh Chánh (1896 – 1941) tên tục là Au Kiệt Lâm, khoảng năm 1920, muốn nghiên cứu về nhân điện (magnétisme) nên đã gởi mua tài liệu bên Pháp. Ngài nghiên cứu và học được cách chữa bệnh giúp bá tánh địa phương. Nhiều bệnh nhân trong cơn hiểm nghèo đã được trị lành. Lúc ấy, ngài đang ở nơi đường Barbier (nay là Thạch Thị Thanh). Hợp tác với nhiều thân hữu làm từ thiện, dần dần chư vị phát tâm tin tưởng Thiêng liêng. Ngài Âu Minh Chánh cùng vài người khác tìm đến một vị cao tăng bên Tàu qua, đang giảng pháp tại chùa Minh Hương Phước An Hội Quán (đường Hùng Vương), học cách cầu huyền cơ. Do cách cầu huyền cơ đòi hỏi phải thật nghiêm cẩn nên ít thành công, chư vị chuyển sang tìm học cách cầu Đại ngọc cơ.

Từ khoảng 1922, Ơn Trên hướng dẫn quý Ngài dần vào đường tu. Buổi đầu ấy chư Tiền khai Minh Lý Đạo gồm 6 vị:

Nguyễn Văn Miết (Minh Thiện) (1897 – 1972);
Nguyễn Văn Xứng (Minh Giáo) (1891 – 1957);
Lê Văn Ngọc (Minh Truyền) (1887 – 1965);
Võ Văn Thanch (Minh Trực) (? – 1976);
Nguyễn Văn Đề (Minh Đạo) (? – 1961);
Âu Kiết Lâm (Âu Minh Chánh) (1896 – 1941)

Các vị luân phiên nhau tổ chức cúng tại nhà vào các kỳ Sóc Vọng và tạm dùng vài bài kinh Minh Sư (bài Niệm Hương, Khai Kinh, Ngọc Hoàng Kinh…) chữ Hán Việt. Một lần, chư vị có than cùng nhau rằng: "Nghĩa lý chữ Nho rất cao sâu nên lời Thần Tiên để lại trong kinh sách bấy lâu nay, người đời ít ai, thông hiểu những điều mầu nhiệm. Chớ chi Ơn Trên cho kinh bằng chữ quốc âm, dầu bực nào cũng dễ hiểu và thực hành được"

Chẳng ngờ Ơn Trên chấp nhận lời cầu xin này. Đức Thái Thượng Đạo Quân trong lần giáng cơ sau đó dạy rằng: "Chư nhu tụng kinh chữ không thông nghĩa lý, nên ta cho kinh Nôm. Kinh này vắn tắt, cũng tiện cho chư nhu đọc".

Đêm 27-11 Giáp Tý (23-12-1924) (năm, tháng, ngày, giờ đều thuộc Tý), Minh Lý Đạo Khai Minh.

Trước đó một ngày, vào 22-12-1924, nhằm ngày Đông Chí nhứt dương sơ phục, Đức Thái Thượng giáng tả bài Tặng Thiên Đế (diễn nôm từ bài "Đại La"). Nhiều bài kinh khác (gốc Minh Sư hay kinh mới) đều được chư Thiên tiếp tục ban bằng chữ quốc ngữ, thí dụ như:

- Ngày 11-1-1925, Đức Đạo Tổ cho bài Thông Minh Chú (Gốc là bài Cửu Thiên Đại La; Thân phi bạch y … của Minh Sư).

- Ngày 21-6-1925, Đức Lý Thiết Quả cho bài kinh Thái Dương

- Từ ngày 19-4-1925 đến 21-11-1925, qua nhiều buổi đàn, Đức Đạo Tổ, Phật Nhiên Đăng, Phật Quan Âm, Đức Nam Cực Chưởng Giáo v.v.. tả bài kinh Sám Hối.

Sau khi bài kinh Sám Hối ban xong, Đức Văn Tuyên Vương dạy chư Minh Lý môn sanh rằng trong khi chưa tạo dựng được nơi cúng lễ riêng, phải tạm mượn một ngôi chùa để làm chỗ tu tập lễ bái, tu học, tụng các bài kinh Ơn Trên đã ân ban. Chư vị sau đó được vị Giáo Thọ trụ trì Linh Sơn Tự (đường Cô Giang) vui lòng cho mượn chùa làm nơi lễ bái Phật Trời, tụng kinh Sám Hối. Cũng chính do mượn chùa, các đạo hữu phải tránh các ngày Sóc Vọng – nhường cho gia chủ – nên lệ cúng hằng tháng vào các ngày 14 và 30 âm lịch còn giữ đến nay.

Từ đó, Minh Lý môn sanh quyết tâm xây ngôi chùa riêng. Nhờ ông Trần Kim Ký hiến đất vùng Bàn Cờ (lúc ấy trước chùa chỉ là một con hẻm đất, sau mới mở thành đường Cao Thắng) cùng quí bà Ba Ngỡi, Huỳnh Thị Ngôn… giúp một phần tài chánh, ngày 10-8-1956 chùa đặt viên đá đầu tiên. Chùa gác đòn dông ngày 15-9-1926 và đến cuối tháng 1-1927 việc xây dựng hoàn tất. Ngày 2-2-1927 khai buổi cúng đầu tại chùa mới. Như vậy, Minh Lý môn sanh đã mượn Linh Sơn Tự từ 9-1925 đến tháng 2-1927.

Chùa cất xong, Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng đàn, ban đạo hiệu chùa là Tam Tông Miếu. Qua 2 đợt trùng tu năm 1941 và 1957, Tam Tông Miếu mới có dáng như ngày nay.

Tam: là Tam thể đồng nhứt; Tam giáo đồng nguyên.
Tông: là thừa kế, tiếp nghiệp của Tổ truyền.
Miếu: là tòa ngự của các Đấng Thiêng Liêng tại thế.

Chánh điện Tam Tông Miếu thờ Tam Cực: Vô Cực (Diêu Trì Kim Mẫu); Thái Cực (Ngọc Hoàng Thượng Đế); Hoàng Cực (Hồng Quân Lão Tổ). Cấp thứ nhì thờ Tam Giáo Đạo Tổ. Cấp thứ ba thờ Tứ Đại Bồ Tát. Cấp thứ tư thờ Ngũ Vị Tinh Quân cùng nhiều bàn thờ khác từ trong ra ngoài…

Năm 1972 bổn đạo Minh Lý phát triển thêm ngôi Bát Nhã Tịnh Đường ở Long Hải (chuyên để luyện tu).

Đến nay, chư Minh Lý môn sanh, với đạo phục màu đen truyền thống, tiếp tục hành đạo theo giáo lý và giáo pháp đã được truyền dạy từ xưa. Nhiều môn sanh mới đã gia nhập Minh Lý Thánh Hội, kế thừa mối đạo Tam Tông.

Ghi chú:

· Buổi đầu mở đạo Cao Đài, Ơn Trên ban lệnh chư Tiền khai gồm quí ngài Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Vương Quan Kỳ đến Minh Lý Thánh Hội thỉnh các bài kinh:

- Niệm Hương (Đạo gốc…)
- Khai Kinh (Biển trần khổ…)
- Kinh Sám Hối (Cuộc danh lợi…)
- Kinh Xưng Tụng Công Đức (Hào Quang Chiếu…)
- Kinh Cầu Siêu (Đầu Vọng Bái…)

Đồng lúc ấy tại Minh Lý, Ơn Trên đã ban lệnh truyền kinh.
Thời điểm chư Tiền Khai Đại Đạo qua thỉnh kinh chưa xác định chính xác được vào ngày nào. Nhưng gói trong khoảng tuần lễ từ 18-1-1926 (là ngày Ngài Lê Văn Trung gia nhập nhóm Hai của chư vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc..) đến 27-1-1926 (ngày Thầy khen chư vị "Tụng kinh hay") (theo Đạo Sử của Tiền Khai Hương Hiếu).

Và, có điều trước nay nhiều người lầm là chư Tiền khai không thỉnh kinh tại Tam Tông Miếu. Đơn giản là vì năm 1926 ấy Tam Tông Miếu chưa cất. Minh Lý Hội còn tạm nơi chùa Linh Sơn.

Ngôi nhà Ngài Âu Kiệt Lâm (Âu Minh Chánh) – là địa điểm tiếp các bài kinh Minh Lý Đạo – xưa ở đường Barbier (Lý Trần Quán – Thạch Thị Thanh ngày nay) trong một ngỏ nhỏ. Ngôi nhà xưa bằng gỗ, khá rộng, nay không còn. Vị trí cuộc đất nay thuộc nhà số 78/2 Võ Thị Sáu, Quận 1.