Bủu Minh Ðàn.Trang Web Phục Vụ Nhơn Sanh Miễn Phí.Webmaster Trương Ngọc An   

Ý NGHĨA NGÀY 13 tháng 3

1. VỀ LÝ SỐ

                       Đức Đông Phương Chưởng Quản giải thích:
“Bần Đạo giải thích về đạo số cho chư hiền được rõ:

Ngày 13 tháng 3, Tiền Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Chí Tôn đã chọn ngày ấy phong Thánh cho tam vị Đại Thiên Phong Chức Sắc đầu tiên. Đó Là Thượng Trung Nhựt Lê Văn Trung, Ngọc Lịch Nguyệt Lê văn Lịch, Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

            Ngày 13 tháng 3 cũng là ngày Chí Tôn Thượng Phụ thâu hồi người anh cả tín hữu Cao Đài. Đó là Ngô Văn Chiêu.

            Chư hiền đệ muội còn nhớ, một thời Chí Tôn đã sắc phong cho Ngô Văn Chiêu vào chức vị Giáo Tông, nhưng người đã bái mạng không nhận lãnh. Đó cũng là lý số.

            Xuyên qua lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng trước đây, chắc một số chư hiền còn ghi nhớ, đó là những diễn tiến kế tiếp trong thời kỳ Chí Tôn đến đất nước Việt Nam nhỏ bé này khai Đạo.

            Chí Tôn đã dùng một di tích đầu tiên nơi Dương Đông Phú Quốc và đã truyền giao cho Ngô Văn Chiêu nhận lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn để làm biểu tượng thờ phượng trong đạo Cao Đài từ ấy đến nay.

            Di tích thứ hai là Vĩnh Nguyên Tự. Chí Tôn đã dùng nơi này thâu nhận những sứ đồ trung kiên làm nồng cốt ban phong Thiên sắc để nhận lãnh công việc khai đạo truyền bá giáo lý trong Tam Kỳ Phổ Độ. Nơi đây đã là nơi Chí Tôn lập các kinh điển luật pháp đạo trong buổi sơ khai.

            Di tích thứ ba là Thánh Thất Cầu Kho mà hôm nay biến thành Nam Thành Thánh Thất. Chí Tôn đã dùng nơi này Khai Tịch Đạo với nhà đương cuộc lúc bấy giờ.

            Di tích thứ tư là nơi thiền tự tại Gò Kén. Chí Tôn đã dùng nơi này Khai Minh Đại Đạo trước quốc dân bá tánh.

            Mỗi một chỗ đều có một sứ mạng, tuy riêng nhưng chung qui nó là những mắc dây xích đều có móc nối nhau để đến ngày thành tựu là Tòa Thánh Tây Ninh rồi tuần tự các nơi khác, như cây đã mọc lên, đâm tược nảy chồi đơm hoa kết quả cho nhơn sanh đồng thọ hưởng. Bần Đạo nói như vậy để chư  hiền ý thức về tiến trình của ngày sơ khai Đại Đạo.

Ngô Văn Chiêu là một anh cả trong Thập Nhị Tông Đồ đầu tiên. Ngô Văn Chiêu đã kiến nhận và tiếp lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn. Nói về lý số Thiên Nhãn là con số 1, tượng trưng cho Ngôi Thái Cực. Kế đến lập thành lưỡng nghi nơi Vĩnh Nguyên Tự. Đó là Nhựt Nguyệt Âm Dương.

Từ Thái Cực biến Lưỡng Nghi trở thành cái Pháp sanh hóa muôn loài vạn vật mà cái Pháp ấy Hộ Pháp đã tượng trưng.” 

2. NGÀY ĐỨC NGÔ KIẾN NHẬN THIÊN NHÃN

Các tài liệu Đạo sử đều ghi nhận năm 1921, sau khi được Đức Chí Tôn gợi ý tìm biểu tượng để thờ kính, Ngài Ngô Văn Chiêu đã được kiến nhận Thiên Nhãn. Tuy nhiên, ngày kiến nhận ấy là ngày nào, chúng ta chưa thấy tác giả nào đề cập đến.

            Gần đây, khi nghiên cứu Thánh giáo, Giáo Sĩ Lập Hạnh có phát hiện một chi tiết trong đoạn Thánh giáo sau:

            “Hôm nay, chư đệ tử thiết lễ kỷ niệm để nhớ ơn Thầy, và thay mặt Thầy mời chư đồng đạo các nơi quy tụ đến mảnh đất nhỏ hẹp nầy để đánh dấu lịch sử ngày Thượng Đế ban biểu hiệu cho Đạo Cao Đài trong kỳ ba ân xá.

Tiên Huynh nhận thấy lòng ưu tư và thiết tha đến ngày kỷ niệm nầy của chư hiền đệ hiền muội, nên chư hiền đệ hiền muội từ các phái đoàn các nơi, đến thành phần cá nhơn, đã vượt sóng ngàn khơi đến để tưởng nhớ và hân hoan ghi nhận nơi đã phát sinh di tích Đạo Cao Đài.”(2)

            Như có thể gián tiếp xác định rằng: ngày 13 tháng 3 năm Tân Dậu (1921) là thời điểm lần đầu tiên Đức Chí Tôn ban ân cho Ngài Ngô được nhìn thấy biểu tượng thờ kính Thượng Đế trong Kỳ Ba Đại Ân Xá.

3. KẾT LUẬN

- Từ điểm khởi nguyên ở Dương Đông Phú Quốc, Đức Ngô người đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài đã trực tiếp thọ Tâm Pháp và kiến nhận Thiên Nhãn. (13.3 Tân Dậu). Đây là Thái Cực hay “Lẽ Một”.

Đến Vĩnh Nguyên Tự, ngày 13.3 Bính Dần hai vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguỵệt được thiên phong. Aâm dương lưỡng nghi đã hình thành và chuyển pháp để phổ độ nhơn sanh.

Vì thế mục đích của Đạo Cao Đài bao gồm cả 2 mục tiêu Thế Đạo và Thiên Đạo. Người tín hữu Cao Đài chúng ta phải ý thức rõ điều này để cố gắng thực hành trong một đời tu của mình. Đức Ngô Minh Chiêu có dạy:

“Ngày nay tuy lòng người còn phân cách công truyền, tâm truyền nhưng đến một lúc nào đó sẽ thấy phải có đủ công truyền tâm truyền mới tạo Tiên tác Phật được.

Thử nhìn lại lịch sử từ ngàn xưa. Không có vị Phật Tiên nào mà thiếu trong tam công hay không tròn bổn phận làm người hiếu trung vẹn vẽ cả.(…) Chơn lý không tùy thuộc vào vị trí riêng tư nào cả mà phải có Thiên Nhơn cộng hợp mới là đúng đạo. Tuy nhiên Thượng Đế dành sẵn một chỗ trong Tam Thập Lục Thiên làm nơi an nghỉ cho hàng Tiên Thánh Thần có tâm học đạo nhưng chưa đủ quả đức để thành tựu đến cõi vô sanh, khi đã hưởng hết hồng ân lại phải do nơi sự tu tiến mà trở xuống trần gian tiếp tục tu luyện.(3)

Trở lại trang chánh