Luận về Đạo pháp

Trước khi thọ Cao Đài Đạo Pháp thiết tưởng cũng nên hiểu sơ qua thế nào là Đạo pháp.
Đạo là danh từ xưa nay người ta nói đến rất nhiều trong các kinh điển. Nhưng chúng tôi xin lấy lời dạy gần đây của một vị Tiên Nữ giáng cơ giải bày rất gọn gàng, dễ hiểu, đó là Đức Vân Hương Thánh Mẫu (Đàn cơ tại Cơ Quan PTGLĐĐ, Trung Thu Kỷ Mùi, ngày rằm tháng 8 Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu 3/10/1978).

ĐẠO LÀ GÌ ?

ĐẠO là danh từ gượng đặt , để biểu thị một KHÍ THỂ bao la, bao trùm khắp Trời Đất, vạn vật. Mỗi mỗi đều do KHÍ thể ấy làm sự sống, phát động, vận hành. Từ lớn là Vũ Trụ, nhỏ nhất là hạt vi trần, đều là Đạo cả. Thế nên, đâu đâu cũng đều có Đạo hết. Người giữ được Đạo thì còn, làm mất Đạo thì chết, ví như không còn hơi thở thì mạng vong vậy. Con người muốn sống còn thì không nên lìa xa cái Đạo. Nên Thánh xưa có nói : « Đạo bất khả tu du ly giả ».
Đạo là Hư Vô chi khí hay Tiên Thiên chánh khí, có trước khi có Trời Đất.
Khí Hư Vô nầy sanh ngôi Thái Cực duy nhất gọi là Thái Cực Thánh Hoàng hay Ngọc Hoàng Thượng Đế ( là Cao Đài Thượng Đế theo Đạo Cao Đài, xưng THẦY với các con).
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển THẦY có giải thích :
« Một chơn thần THẦY mà sanh hóa thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại trong Càn Khôn thế giới, nên chi các con là THẦY, THẦY là các con… Khí Hư Vô sanh có một THẦY. Các con nên biết: Nếu không có THẦY, thì không có chi trong Càn Khôn Thế giới nầy, mà nếu không có Hư Vô chi khí thì không có THẦY ( TNHT, Q1, trg 30,31).

PHÁP LÀ GÌ ?

Là phương pháp, là pháp môn, là phương tiện, là chiếc bè đưa hành giả từ Bến Mê sang qua bờ Giác, đưa đến Hư Vô, là nơi khởi nguyên của con người. Ngoài mục đích đó, không còn gì gọi là chánh pháp cả.

PHÁP MÔN VÔ LƯỢNG :

Vì chúng sanh có căn trí vô lượng. Phương tiện dầu có, nhưng hành giả có ý thức mục đích sẽ về đâu, đó là điều phải tiên quyết, vì khi thuyền tách bến thì không quày trở lại và những sóng gió rất vô tình với những ai hời hợt nặng về vị ngã phàm trần, phải uổng một kiếp nhơn sanh vừa giác ngộ. Hãy gột rửa lòng trần, lập công, bồi đức, siêng tu, siêng luyện. Tuy chậm mà mau, bằng trước bôn chôn, sau thắc thẻo, thì mau thành chậm và rớt rơi vì không nhận thức được đạo lý. Tuổi trẻ cần lưu ý điều nầy, tuổi già lại cần lưu ý hơn, vì thời gian không cho phép mình dần dà chểnh mảng.
Đức Đông Phương Chưởng Quản đã có dạy như sau :
« Thượng Đế không thể kéo dài thời gian, dễ dãi nuông chiều với những đứa con lười biếng, chậm chạp, tự ái, ích kỷ, nên đã truyền lịnh các bậc Chơn Tiên đem pháp môn thiết thực đến để dạy những ai chịu khó gia công học, hỏi và hành để tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời. Còn ai chẳng được làm theo thì cũng được tuỳ duyên phước mà thọ hưỏng ít nhiều, hoặc bị rơi ra vòng ngoài tiến hóa của Vũ Trụ trong buổi Hạ Nguơn Mạt kiếp điêu tàn để lập lại đời Thượng Nguơn Thánh Đức.
Đạo pháp là phương pháp cứu đời thực tiển chớ không phải ru ngủ hay cho ăn bánh vẽ. Hành giả nên cố gắng TÁNH MẠNG SONG TU để đạt được thực tiển ngay tại kiếp sống nầy để làm gương tốt cho hậu thế sắp tới. Nhớ rằng : mỗi đơn vị nhơn sanh đều có Thượng Đế và phép nhiệm mầu niơ nội tại. Rán công phu tu dưỡng để sớm thị hiện sự nhiệm mầu đó, trước tự cứu, sau cứu tha nhân.
THẦY có dạy đại khái là ĐẠO THẦY KHÔNG CÓ CHI LẠ, CHỈ CÓ HAI ĐƯỜNG ÂM DƯƠNG hay THẦN KHÍ, biết hiệp nhứt được thì đắc Đạo. Mà Âm Dương có hiệp nhứt được nhờ đưọc giữ TÂM KHÔNG ( tức là vô niệm) theo Phật giáo hay Vô Dục theo Tiên giáo.
Đạo THẦY giữ một chữ KHÔNG, Chữ KHÔNG gìn đặng, lục thông đắc thành.
Đức Lão Tổ có dạy : » Muôn pháp đều không ngoài LÝ ÂM DƯƠNG. Âm Dương hiệp nhứt là chứng Đạo, dầu mọi pháp môn cũng do MỘTđó mà thành, nên gọi Đạo chỉ có MỘT. Thế nên, muốn cầu Đạo phải cầu TÂM. Có TÂM mới có MỘT, HAI, chánh, tà, thiện, ác. Còn Đạo thì bàng bạc hư vô, phải dụng tâm chuyên nhứt mới hiểu được Đạo, vận hành đúng Đạo và đạt đến chỗ vô dục, vô niệm, để bảo trung thủ nhứt, qui trung quán nhứt, mà thể nhập Huyền Khung. Dầu xưa hay nay, các hàng Giáo Tổ cũng do con đường đó mà đạt Đạo.

THI :
Đạt Đạo nhờ Tâm, chẳng vọng TÂM,
Muôn đường nghìn nẻo cũng do TÂM.
Hỡi ai giữ được TÂM chuyên nhứt,
Sẽ dứt phàm trần, lộ Thánh TÂM.

TÁC DỤNG CỦA ĐẠO PHÁP :

Đạo pháp đem lại cho hành giả ba điều lợi ích sau đây :
1. Trước nhứt là điều hòa Thần Khí, an định thân tâm. Thần Khí, Thân Tâm có được điều hòa ổn định, thì con người luôn luôn tươi nhuận, khoẻ mạnh, không phải bận rộn về thuốc men.
2. Thứ hai là tâm linh sẽ được mẫn tuệ, minh linh sáng suốt để giúp hành giả tự chọn đường đi lối về, nẻo tắt đường quanh trên đường Đạo cũng như đường đời và am hiểu được những sự rủi may, tốt xấu sắp xảy đến cho mình.
3. Ba là tiếp thu được điển Thiêng liêng ban bố cho mình khi thần an trí định thì nhận được dồi dào, khiến cho thân thể cũng như tâm thần hành giả được khoan khoái, lâng lâng, nhẹ nhàng, thanh thoát. Hành giả càng tịnh định được thân tâm, lòng càng lóng được trược trần, vọng ý lần hồi tiêu tan, tánh tình càng trở nên thuần hậu, ôn hòa, sân hận cũng lần lần dứt tuyệt, để đạt được trí huệ chơn không, mà Phật gọi là trí Bác Nhã. Hành giả hội tụ được điển lành từ nội tâm phát ra lời nói êm ấm dịu dàng, dễ thương, dễ cảm đễ chinh phục được tha nhân vào đường chánh giáo.
Đó là ba điểm chánh hành giả sẽ đạt được một cách thực tiển ngay khi còn hiện tiền, còn việc thành Tiên, tác Phật, hễ công viên, quả mãn, đương nhiên kết thành quả vị. Nhưng đó là giai đoạn ở cõi siêu linh.
Về lợi ích của sự thiền định, Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch có dạy như sau :
« Thiêng liêng dạy chư Hiền nhập tịnh là để ngăn ngừa sự vọng động nội tâm và đẻ cho lòng được an định, thanh tịnh, trước là dưỡng sinh, sau là thông công cùng Thượng giới. » (TG 3/6/1972).
Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân cũng xác nhận sự lợi ích do công phu thiền định đem đến cho hành giả như sau :
« Trong hàng đạo hữu thuờng khi nghe đến lãnh vực thiền định công phu, thì đã nghĩ ngay đến vấn đề tạo Phật, tác Tiên, thoát thai Thần hóa. Nghĩ như vậy cũng đúng, nhưng chỉ đúng mới phân nửa, còn phân nửa kia phải hiểu rằng đó là yếu tố căn bản để giúp cho hành giả MỘT PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH TUYỆT DIỆU, nhưng rẽ tiền, chỉ dụng nhiệt tâm, trì chí là đạt thành tu chứng. Thứ nữa là nhờ pháp môn ấy để làm phương tiện chuyển hóa tâm hồn được thuần thành khả ái do không chấp, không câu, không nệ, không lự. Hễ lòng người không chấp, câu, nệ, lự sẽ được phóng khoáng, thuần thành thơ thới vui tươi, khoan dung từ ái, ôn hòa, phúc hậu. Đó là diện mạo của Thánh nhơn tại tiền »
(TG. 26/1/75).

BÀI :
Công phu ấy sáng lòng, thấy Tánh,
Biết tới, lui ngoại cảnh, nội tâm.
Thiền không chấp trước ôm chầm,
Tịnh là động đó, động thầm tịnh đây.

Đời thì có đổi thay chơn, ngụy,
Tâm sáng rồi biến hóa thung dung.
Dầu cho giông tố bão bùng,
Cũng trong Máy Tạo vô cùng vần xoay.

Vào thiền định : mắt, tai gìn giữ,
Vì ngó, nghe : niệm lự mới sanh.
Biết rồi các cửa đóng, canh !
Giữ cho Thần, Khí vận hành động cơ.

Sẵn khẩu quyết Thiên Thơ chỉ dạy,
Giữ trì tu, sớm giải nghiệp oan,
Chí thành giao cảm huyền năng,
Hữu cầu tắc ứng, hữu cầu tắc thông.

ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC THỌ PHÁP CAO ĐÀI :

Đức Đông Phương Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài Vô Vi đã truyền pháp cho những người có sứ mạng tiền phong, có truyền dạy như sau :
(Đàn cơ 15/9/ Giáp Dần = 29/10/1974)
« Tân pháp Cao Đài là pháp môn Đại Ân Xá, là nấc thang cuối cùng Kỳ Mạt Pháp để cứu độ nhơn sanh. Người biết giác ngộ nhập cảnh vô vi sẽ được siêu thoát, kẻ biết hồi đầu hướng htiện chưởng duyên lành vào đời Thánh Đức khỏi đọa Tam Đồ hay tán khôi trần sau Hội Long Hoa. Thế nên, những người muốn vào trường Đạo Pháp phải hội đủ ba điều kiện nầy:
1. Điều trước tiên là đến trước Cao Đài gõ cửa Cao Đài. Cửa Cao Đài sẽ mở khi người có duyên được đến. (LTS : Tức là phải nhập môn vào Đạo Cao Đài mới được thị truyền Đạo pháp).
2. Thứ hai : Phải học luật lệ Cao Đài và nhận Tôn chỉ, noi theo mục dích để đạt đến.
3. Điều sau nữa là giữ Giới Luật, Qui Điều của Đại Đạo (LTS : tức là phải giữ Ngũ giới cấm và Tứ Đại Điều Qui và thọ trai ít nhất 10 ngày trong một tháng mới được thọ pháp, theo Tân Luật của Đại Đạo có ghi rõ).
Đó là ba điều kiện tối thiểu của người muốn bước vào Chơn Đạo và sẽ được Đức Cao Đài điểm Đạo.
Đức Đông Phương Lão Tổ còn cẩn thận lưu ý chư liệt vị trước giờ đăng
đàn thọ pháp mà còn phân vân như sau :
« Hôm nay Bần Đạo muốn chư Hiền Đệ, Muội có một tâm niệm về Đạo Pháp cho rõ ràng và chấp nhận nhứt tâm tu học theo những điều kiện như trên. Nếu chưa đủ hay chưa quyết tâm thì hãy chờ đợi một ngày giờ khác khi tâm đã quyết. Điều kiện có dủ để bước vào Chơn Đạo để tránh mọi sự khảo đảo.
Chư Hiền, Đệ, Muội !
Cửa Đạo rộng mở đón rước duyên lành. Đường Đạo thênh thang, người hành giả ung dung về cõi thượng. Những giáo điều không đặt để bắt buộc hành giả vào khuôn ép mất quyền tự hữu, tự do, mà chính đó là muốn bảo trọng quyền tự do, tư hữu cho hành giả. Phương chi trong thời kỳ nầy, cực biến, cực loạn, ngụy nhiều, chơn ít, người hành giả hãy nắm lấy chơn thường sửa đoan, ngụy tạo. Đó là hành giả đã biết mình, biết người, tức là biết Đạo vậy. Đạo pháp sẽ đưa hành giả đến chỗ đốn tuyệt vạn duyên, không còn chơn, ngụy nữa. Đạo pháp giác ngộ đưa hành giả trở về nhơn bản. Người xưa học Đạo chỉ có một câu là Giác Ngộ. Từ ngàn xưa, xưa tít hay 49 năm qua, cũng chỉ tóm vào một câu mà thôi : Ai tìm được, học được : sẽ thành Đạo.
Trên đây là những điều kiện do Ơn Trên truyền dạy và những lợi ích thiết thực mà phần nhiều những người đã được thọ pháp chứng minh được những lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng.
Hành giả trước khi đăng đàn xin thọ truyền Đạo pháp phải kiểm điểm coi mình có đủ những điều kiện đó chăng ? và mình đã quyết định tâm chưa hay còn dụ dự, dần dà, sợ sẽ gặp khảo đảo nửa chừng mà bán đồ nhi phế, uổng công tu luyện nửa chừng. Chẳng những hành giả thọ pháp trì hành công phu, mà còn phải lo trau giồi tác phong đạo hạnh trong đời sống nội tâm, ngoại cảnh. Đừng vội vàng , vui thích và hiếu kỳ mong thí nghiệm pháp môn thì sẽ mang trọng tội khinh thường Đạo Pháp thì Thiên Điều không tư vị.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn có lưu ý :
« Đạo pháp thâm mật chẳng phải việc thường. Nếu trước chưa tu tập đạo hạnh, giới luật nghiêm hành mà vui càng thọ pháp rồi phế bỏ, thì tội chẳng vừa.
Có tự quyết trước nơi lòng mình thì sự tu học mới tinh tấn ».

Trở lại trang chánh