ĐỨC HUỆ MINH CHƠN TIÊN
TÂY THÀNH THÁNH THẤT ( CẦN THƠ )

KHỞI THỦY ĐẾN NGÀY HOÀN NGUYÊN
Tý thời, 13 rạng 14 tháng 3. Canh Tuất ( 18-4-1970)

HUỆ MINH CHƠN TIÊN, Tiên Huynh chào chư hiền hữu lưỡng đài.
Nhân ngày khánh đản của Đức Ngô Đại Tiên nên Ngài có mời Đại Tiên Trưởng đến đàm đạo cùng giúp ích cho chư hiền hữu nơi miền Tây Đô này một vài sáng kiến và phương thức hành đạo để khỏi uổng công trình khó nhọc trên thế đồ, trong sứ mạng thế thiên hành hóa.
Tiên Huynh vâng lịnh Đức Ngô Đại Tiên đến để vài lời báo tin ấy cùng chư hiền hữu. Vì thời giờ có hạn trong nhiệm vụ nên Tiên Huynh không tiện hàn huyên nhiều thêm nữa cùng quí cố hữu xa gần.
Tuy nhiên có một số lớn chư hiền hữu không biết Tiên Huynh là ai, do đó Tiên Huynh xin để lời khiêm tốn tự giới thiệu nhũ danh là Trần Văn Lược, quê ở Ban Thạch, là nguyên môn đồ của Đức ngô Đại Tiên, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, được trở về cùng với chư vị trong hàng Tiền Bối quá vãng trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Tiên Trưởng sắp đến, chư hiền hữu thành tâm nghinh tiếp, Tiên Huynh xin tạm giã từ, hẹn còn ngày tái ngộ. Thăng.
TIẾP ĐIỂN:

THI
Sóng nước trùng dương phủ cõi bờ,
Nhận chìm lữ khách, kẻ bâng quơ.
Thuyền nan không vững rồi e đắm,
Lèo bở chẳng gìn, ngại xác xơ.
Đời chẳng nên đời cho ích chúng,
Đạo không nên Đạo để dân nhờ.
Cái ta còn nặng trong tư kỷ,
E lại hoài công vạn ước mơ.

LÝ ĐẠI TIÊN TRƯỞNG THÁI BẠCH KIM TINH,

Bần Đạo chào chư Thiên mạng, chư hướng đạo và mừng chư hiền đệ muội lưỡng ban.
Chư hiền đệ muội ! Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm thoát xác của Ngô Đại Tiên, người có mời Bần đạo đến để cùng chư hiền đệ muội đàm đạo để tìm ra cái lý. Như vậy, với tư cách là một Đạo khách đối với chư hiền đệ muội, Bần Đạo mời chư hiền đệ muội đồng an tọa. Chư hiền đệ muội ! Từ lâu rồi,
nếu nhớ không lầm là đã giáp hai năm trời của người dương thế, Ngô Đại Tiên lại mời Bần Đạo giáng đến cùng dự buổi Đại lễ tương tự như hôm nay. Nói chắc hơn là đã ba năm tròn, một ngày tại Dương Đông, nơi bốn bề trùng dương bao phủ, một đêm trăng mờ, cùng chư Tiên Phật dự Đại Hội Bàn Đào nhân ngày khánh đản này.
Hôm nay, Bần Đạo cũng muốn gợi lại những gì trong tâm tư của người hướng đạo đối với tiền đồ của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Bần Đạo là một vì Tiên đắc quả trước,
chư hiền đệ muội là những vị Tiên sẽ đắc vị sau khi hoàn thành sứ mạng. Sự trước sau chỉ căn cứ vào thời gian của quả địa cầu mà tính.
Thật ra, đối với vũ trụ hư không thì không thể luận ai là trước mà ai là sau. Thử nhìn xem một tỷ dụ :
Như cây đậu, trổ ra bông trái đậu. Từ bông trái ấy rụng xuống đất, mọc mầm, lên tược trở thành cây, nhánh lá, rồi trổ ra bông trái đậu. Cứ như thế trong bánh xe luân, nào ai quyết dám chắc rằng cái nào có trước, cái nào có sau giữa cây đậu và hột đậu. Đạo lý thật là một cái lý gì thậm thâm, bất khả tư nghị, bất khả biện luận.
Từ cổ chí kim, những nhà khảo sát nghiên cứu về Đạo học đã viết ra không biết bao nhiêu là kinh điển, nhưng chỉ là căn cứ vào óc suy luận và tầm hiểu biết của mình dựa trên vũ trụ và nhân sinh, nhưng chỉ là những khía cạnh nào đó của vấn đề mà thôi. Hôm nay chư hiền đệ, muội được sự đãi ngộ của Ngô Đại Tiên,
để làm một món quà kỷ niệm đáp ứng với lòng thành của bốn phương trời qui tụ về đây dự ngày Đại lễ.
Chư hiền đệ muội ! Xuyên qua một vài việc mà Bần Đạo vừa nêu lên, để chư hiền đệ muội suy nghĩ hầu,
lưu ý đến Bổn Nguyên của mình, tìm ra từ chỗ khởi thủy đến ngày hoàn nguyên và những điều kiện cần phải có cho công cuộc hoàn nguyên. Trước khi đi dự lễ, chư hiền đệ muội khởi đầu từ tư gia hoặc địa phương,
sau khi dự lễ xong sẽ trở về cố quán, chớ không lẽ còn đi trong phương trời vô định.
Trước khi đến làm người tại thế gian, chư hiền đệ muội cũng xuất phát từ chỗ khởi thủy, mà chỗ khởi thủy ấy không phải là nhục thể của con người, mà là từ một khối Đại Linh Quang trong đức háo sanh của Thượng Đế. Các Tiểu Linh Quang từ khối Đại Linh Quang phân thân xuống trần, tùy theo nhiệm vụ và sứ mạng đã định của mỗi một đơn vị đến cõi dinh hoàn này để làm công cuộc tiến hóa trong đức háo sanh ấy. Cũng như đã nhiều lần bày giải,
những Tiểu Linh Quang ấy đã ngấm ngầm ẩn tàng từ loài khoáng sản đến thảo mộc, côn trùng, nhân loại rồi tiến đến thành Thần, Thánh, Tiên, Phật. Sự tiến hóa mau chậm tuỳ theo trạng thái của mỗi thể, từ loài chỉ có một sanh hồn, đến loài có cả sanh hồn và chí đến loài có đủ tam hồn là sanh, giác và Linh hồn. Trong một chuỗi
tiến hoá đó, mỗi một tiến trình đều là tạm mượn để mà tiến, không nơi nào là một trụ tướng bất di, bất dịch.
Trải qua một giai đoạn dài trên đường tiến hóa, những hồn ấy ví như một hoặc những người khách lữ hành, từ Đông sanh Tây, từ Nam sang Bắc đã thay đổi biết bao nhiêu lần phương tiện để di chuyển. Những phương tiện ấy từ đường thủy, bộ, đến đường hàng không. Linh hồn đối với những phương tiện ấy, đó là thể xác của mỗi giai đoạn nó đã mang. Vì vậy, Thiêng Liêng thường nói : Cõi đời là chốn phù du, là sông mê, là giả tạm. Đừng ai quá chấp ngã mà ôm chầm lấy nó để rồi hủy hoại bước đường tiến hóa.
Có người nghe nói như vậy, đương làm ăn kinh doanh sự nghiệp, đương trong cảnh phu ấm thê vinh, phụ tử tương phùng, rồi vội vàng vứt bỏ tất cả để tìm cái không. Trong lúc đó cũng có những người không tin. Mãi đắm đuối mê say ôm ghì lấy cái giả tướng ấy. Cũng ví như người lữ khách muốn đến vùng Mỹ Châu mà ôm ghì lấy chuyến tàu hỏa tốc hành từ miền Nam đến Đông Hà v.v… Hai người ấy ở hai hoàn cảnh và hai tâm trạng đều trật hết, ấy là sai lý Đạo.
Đã có lần Thiêng Liêng dạy : Chỉ có những thực tại mới phục vụ cho cái thực tại. Nhưng phục vụ để cùng biến dưỡng, cùng tiến hóa hòa nhịp với Thiên lý vũ trụ, chớ không phải phục vụ cho tư tâm, cho bản ngã, cho tư kỷ, cho tham vọng. Mượn cái giả đó để làm cái chân thật, vĩnh cửu.
Ví như có lần đã dạy : Một quyển sách vần A, B, C… không làm cho học sinh trở nên hàng bác học, nhưng muốn trở nên hàng bác học phải khởi thủy và trải qua quyển sách vần ấy.
Từ cái giả đến cái chân, phải chịu khó suy nghĩ, biện luận để áp dụng và thực thi nó cho đúng chỗ, đúng lúc. Chư hiền đệ muội vào cửa Đạo tuy là khó, nhưng cũng còn dễ hơn là giai đoạn học Đạo, hành đạo và đắc đạo.
Như đã dạy : Trong nhục thể bản thân con người đã có những thể phụ, đó là mọi sinh hoạt linh động gạn lọc cho cơ thể ấy, như thất tình, lục dục, lục căn, lục thức, lục trần, tam thi và cửu cổ.
Những danh từ đó để chỉ định những cấu thể của con người, ví như trong cơ thể con người có biết bao nhiêu tế bào cấu tạo mà thành, cũng như có biết bao nhiêu vi trùng, nếu dùng trụ sinh diệt hết vi trùng ấy thì con người cũng diệt theo. Nhưng những cấu tử trong bản thể con người, nếu biết sử dụng nó, nó sẽ giúp ích rất nhiều người,
nó sẽ giúp ích rất nhiều cho người học Đạo, hành đạo để đắc đạo. Chủ nhơn ông phải điều khiển,
nắm qui luật, hướng dẫn chúng, như người cầm lái con thuyền để đến mục đích đã định. Nếu người cầm lái không vững, gặp sóng to, gió lớn, thuyền đã xiêu dạt vào nơi vô định, có lúc sẽ bị đắm thuyền.
Còn chủ nhơn ông điều khiển những thể phụ như thất tình, lục dục v.v… chúng sẽ giúp con người đắc đạo, bằng ngược lại, chúng cũng lôi kéo con người vào vòng đọa lạc. Thử làm bảng đối chiếu sẽ thấy rõ như sau :
Khởi thủy nghe người thuyết đạo, không để ý, nghe nhiều lần, thấy hay hay, lưu ý tới, nhưng chưa biết.
Nghe thêm một thời gian, biết được lý Đạo là hay, nhưng cũng chưa tin, đến gặp một bất trắc hay cảnh ngộ ngẫu nhiên nào đó mới tin lý Đạo là đúng, là hay, nhưng chưa chịu học.
Một thời gian nghe thấy, hiểu biết và tin rồi mới chịu học. Đó là ngày đầu nhập môn vào cửa Đạo, nhưng học để hiểu chớ chưa thực hành. Học để tìm hiểu, phải làm thế nào để cầu xin Thiêng Liêng cho có hiệu quả.
Trên khoảng đường học hỏi đó, đã thấy được điều kiện cần phải có để được Thiêng Liêng phò trì, hộ hựu, ban ơn. Đó là giai đoạn hành đạo lập công.
Trong khoảng thời gian hành đạo lập công thường thường người Đạo hữu bị vấp phải các điều sau đây :
Hành để được Thiêng Liêng chấm công ban phước, hành để được tiếng khen mình là người thoát trần học làm Tiên Phật, hành để được cái danh trong hàng chức việc, hành để được cái quyền điều khiển ra lịnh nhơn sanh trong phạm vi hạ thuộc, hành để dựa vào đó có tư lợi, tư quyền, hành để được công đầy, quả đủ làm nền tảng cho sự tu học, cho sự kiến tạo lâu đài đạo đức.
Trong lúc đó có người cũng còn vấp phải những khía cạnh khác, nghĩa là dựa vào một tổ chức Đạo, chung góp tài lực, vật lực để được cái danh là hàng anh lớn, nhưng sự học đạo và hành đạo chẳng có là bao.
Cũng có những vị Đạo tâm muốn hành nhưng không có mục tiêu rõ rệt trong đời hành Đạo.
Có người đã định mục tiêu nhưng không biết có soạn thảo chương trình liên tục.
Có người khi đã soạn thảo chương trình rồi lại không có kế hoạch và phương pháp thực hành. Do những thiếu sót đó là có thủy, không chung, có tiền không hậu, làm tùy lúc cao hứng, làm tùy khi dao động, làm vì nể nang tình cảm, vui đâu chúc đó, khi thích thì làm, khi buồn hoặc không ưng ý thì bỏ dở.
Thế nên Thiêng Liêng thường nói : Gầy dựng khởi thủy cho một tổ chức tuy rằng khó, nhưng sự nuôi dưỡng liên tục để phát triển điều hòa cho đến ngày thanh công, đắc quả lại càng khó trăm muôn.
Muốn kiện toàn và thành công trong một chức hành đạo, những người trong cuộc phải tỏ ra có tinh thần thiết tha vì việc đó, phải chân thành, phải khiêm tốn, phải có tác phong Đạo hạnh, phải có mục tiêu, chương trình, kế hoạch, phương pháp thực hành và trường kỳ nuôi dưỡng.
Trong hai ngày rồi, Bần Đạo đã hội kiến thảo luận cùng với NGÔ ĐẠI TIÊN, có sự tham dự của chư vị ĐẠI ĐẠO TIỀN KHAI TÔN LINH QUÁ VÃNG. Theo đó thì chư vị rất xót thương, tội nghiệp cho sự hành đạo nơi địa phương Tây Đô này.
Không có một cuộc lễ kỷ niệm nào mà chư hiền đệ muội bỏ qua, dám chung đậu, dám tốn kém nhơn lực, vật lực, tài lực và giờ giấc nghỉ ngơi, cũng như đã hy sinh sức khỏe cho cuộc lễ được long trọng để nói lên lòng biết ơn, sự chiêm ngưỡng đối với ai nghĩ đến những ngày kế tiếp phải làm gì để nuôi dưỡng và phát triển những lời lẽ, lý thuyết như khuôn vàng, thước ngọc mà những diễn giả đã đem hết tâm tư soạn thảo thành đề tài thuyết trình.
Ôn lại mấy mươi năm qua rồi, đã có mấy mươi lần hành lễ, làm bài toán cộng, từ sự ưu tư đến sự phí tổn về vật chất ấy có đem lại kết quả được ngần nào cho hướng đi để thực hành câu : “ Thế Thiên Hành Đạo, xiển dương Chánh Pháp, phổ truyền Giáo lý, phổ độ nhơn sanh quày về đường lương thiện để thể hiện tình thương của Thượng Đế trong nếp sống an lạc, thái hòa”.
Khắp nơi nói chung, nơi này nói riêng, các cuộc lễ vẫn tổ chức, nào thống nhất qui hiệp liên chi, đoàn kết tình thương trong lúc đó sự kết quả không được mong muốn, có nơi lại trái ngược với hoài bão.
Bần Đạo thấy tại Tây Đô này, năm xưa, khởi thủy có Cao Đài Thượng Đế, Hội Giáo Chiếu Minh. Từ đó nẩy tược, đâm chồi ra nhiều tổ chức hành đạo khác như Phật Thất, Huệ Đức Thanh rồi Tam Giáo, rồi Tam Thanh, rồi Tòa Thánh Long Châu. Đến ngày giờ này thử kiểm điểm lại sự thành tựu của những phần hành đạo ấy đã đi đến đâu và như thế nào ?
Tại Tổ Đình đã có một nề nếp từ xưa, nơi này có thể mãi làm nơi chiêm ngưỡng, bái yết di tích của Đạo Trời, dầu chưa được cải tiến vì vẫn giữ theo nề nếp đã có trong buổi sinh tiền của Ngô Đại Tiên.
Nhìn lại miền Tây Đô này, đáng lý ra phải có một tổ chức hành đạo vĩ đại để làm ngọn đèn năm trăm ngàn nến cho sự phổ truyền Chánh Giáo, tiếc vì tinh thần đã ly tán vì sự chấp ngã mà ra.
Bây giờ đây, Bần đạo ngỏ lời với chư hiền đệ muội sở tại Tây Đô này, không luận riêng cho nhóm nào, lấy tư cách là một trong Tam Trấn Oai Nghiêm Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Bần Đạo lưu ý, cần nên có một Giáo Hội hay một Hội Thánh tại vùng này, không dùng danh từ mới, chỉ dùng những danh từ đã có, thí dụ như Giáo Hội Chiếu Minh.v.v… thành phần sẽ qui tụ tất cả những nhân vật của các nhóm còn lại đã và đang thiết tha vì sự hành đạo.
Hãy cố hợp lại thành một tổ chức, thành một thực thể trụ tướng, căn cứ quyền pháp Đạo luật Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Trách vụ này là phần của Thập Nhị Thiên Huyền và Võ Khúc Tinh.
Trụ tướng và vấn đề có thành hay không là do sự dung hợp chế giảm những dị đồng để hành đại sự, chớ không phải ngồi chờ trái rụng. Nếu không lưu ý và hành được, thì dầu có trăm ngàn năm sau, mỗi năm cử hành đôi ba cuộc lễ, thì sự kiện hiện tại vẫn hoàn hiện tại như mấy chục năm qua. Và Bần Đạo lưu ý chư hiền Thập Nhị Huyền Thiên còn sinh thời rằng :
Thời cuộc và hoàn cảnh không phải dễ dãi cho phép những tổ chức đau ốm, bịnh hoạn như thời gian qua đâu nghe à ! Bần Đạo để lại thêm mấy vần sau đây,
un đúc và khuyến khích tinh thần hành đạo những hiền đệ.

THIỆN TÂM BÙI THIỆN LAI :

THI
Đã từng lê gót khắp Tây Đông,
Đại Đạo Tam Kỳ để lập công.
Giáo lý phổ thông chưa được rộng,
Đạo Trời quảng bá vẫn còn nông.
Bao phen thống nhứt bao lao trí,
Mấy lúc qui nguyên mấy khổ lòng.
Nhìn lại tuổi đời sương phủ tóc,
Con thuyền hành đạo vẫn xa trông.

THIÊN HUYỀN VÂN :

THI
Muốn nên Chưởng Quản Nhị Hình Đài,
Tân Pháp Chánh truyền thật khó thay.
Công phải nên công Nam chí Bắc,
Đức cho dày đức khắp Đông Tây.
Nhọc nhằn tận tụy dìu sanh chúng,
Khổ cực hy sinh dắt chủng loài.
Thánh trước muôn đời còn sử tạc,
Nào đâu cậy phú với tiền tài.

VÕ KHÚC TINH hiền đệ :

THI
Tướng hùng điều khiển khắp muôn binh,
Nhờ được lòng dân ủng hộ mình.
Hướng đạo muốn nên trang giáo phẩm,
Khép mình Đạo luật mới nên hay.

THI
Hay dở đã từng trải mấy phen,
Bao nhiêu khổ cực, bấy sang hèn.
Thương đời, giúp Đạo từng nguy hiểm,
Bền chí đến giờ cũng đáng khen.

HỰU
Khen chẳng khen suông bởi mến hiền,
Muốn nên đại sự sánh Thần Tiên.
Đức tài, phẩm hạnh đi đôi nhé,
Chinh phục nhân tâm mới trọn hiền.

THIÊN HUYỀN MINH :

THI
Sá gì biển cả dựng nên hòn,
Mà chẳng xây đồi rất cỏn con.
Thống nhứt là cơ quan đại sự,
Tây Đô sở tại rán công bòn.

HỰU
Bòn mót lựa gì nhỏ với to,
Công khanh thuở trước cũng là trò.
Kiến tha từng hột lâu đầy tổ,
Đạo nghiệp nơi này chung trí lo.

THIÊN HUYỀN THANH :

THI
Công xưa hành đạo đã chung tình,
Phần thưởng ngày nay được hiển vinh.
Thể diện Tây Đô trang sử Đạo,
Tiếc chi giấy mực chẳng lo in.

THIÊN HUYỀN TÂM :

THI
Hòa mình đại sự rán chung hành,
Công quả mà chi tiếng lợi danh.
Dĩ vãng buồn vui vùi quá khứ,
Thiêng Liêng ngôi vị vẫn còn dành.

THIÊN HUYỀN ĐỨC :

THI
Tài đức nào đâu phải kém ai,
Hờn vì cộng tác với vô tài.
Chung tay xây dựng cơ quan Đạo,
Đẹp mặt địa phương xứ sở này.

HỰU
Nguyên nhân xuống thế sửa sang đời,
Nào phải ngồi nhìn kẻ hụp bơi.
Đem Đạo, đem tình xây Đạo nghiệp,
Dắt dìu sanh chúng thế tay Trời.

THIÊN HUYỀN QUANG :

THI
Tiền kiếp nhiều công, Đạo đức hành,
Đời nay tử ấm với thê vinh.
Chuỗi đời còn lại lo hành đạo,
Chẳng thẹn Thánh danh nghĩa của mình.

VÕ HỒNG HOÀN nghe :

THI
Thật thà chăm chỉ việc trong ngoài,
Sổ sách hằng lo sợ cộng sai.
Tâm Đạo khôn bù người trí trá,
Vui lên lập tức với đua tài.

THÔNG VÂN hiền đệ nghe :

THI
Tuổi đời chưa phải chất bao nhiêu,
Sức khỏe thương cho đã xế chiều.
Cát bụi phong trần thời ấy đã,
Qua rồi ôn lại rất buồn hiu.

HỰU
Hiu quạnh đêm trường trán gác tay,
Công trình, công quả đã cao dày.
Công phu chưa có cần tu học,
Dọn dẹp đường về khỏi lạc sai.

TỨ LINH :

THI
Không sờn lận đận khảo liên miên,
Con cái ốm đau với bạc tiền.
Tâm đạo đã gìn nay được hưởng,
Bền tâm thẳng bước đến non Tiên.

MINH MẪN :

THI
Minh tâm muốn bước thủy chung gìn,
Mẫn cán quả công đã tận tình.
Dìu dắt đàn em còn thiếu sót,
Trước Mai gìn giữ Đạo công trình.

THI
HÒA nhã đệ huynh Đạo đức hành,
LẮM phen nguy hiểm đến thân sanh.
Bền lòng không ngại gì ngăn BỬNG,
Trời Phật hộ cho kẻ giât mình.

NGUYỄN VĂN HIỀN nghe :

THI
Cây già một nhánh tược xinh xinh,
Gương Đạo song thân rán chí gìn.
Bù lại lỗi lầm xưa đã tạo,
Ơn đền, nghĩa trả với thân sinh.

HỒNG LIÊN HOA:

THI
Nghiệp trước đa mang quá nặng mình,
Liễu bồ lận đận kiếp ba sinh.
Chung tay hành đạo cùng thân phụ,
Đạo nghiệp Tây Đô quyết chí thành.

Hồng Thanh Quang, Huệ Hồng Vân, Huệ Hồng Quang, Huệ Ngạn Chơn,
Thiện Căn:

THI
Thiên tướng vai trò trước đã mang,
Lẽ đâu vì nặng gánh gia cang.
Bao nhiêu nhiệm vụ còn dang dở,
Mỗi gánh lại quăng ở giữa đàng.

HỰU
Đàng Đạo thinh thinh quá rộng dài,
Tội trừng công thưởng chẳng đơn sai.
Tây Đô Đạo nghiệp cùng nhau lại,
Chung trí, chung tâm với đức tài.

THIỆN ĐỨC hiền đệ nghe đây :

- Chiếu lòng thành khẩn vì Đạo sự của hiền đệ,
- Chiếu đề nghị của DI LẠC TÔN PHẬT,
Bần Đạo đặc ân cho hiền đệ sau đây :

BÀI
Ngày Tân Mẹo trực khai mùng bảy,
Đúng Ngọ thời vọng bái Cao Minh.
Đạo kỳ cùng với phướn linh,
Trùng trùng ân điển giáng sinh cõi trần.
Hiền Thiện Đức bổn thân hành lễ,
Hiệp Hội đồng huynh đệ đó đây.
Cùng nhau Giáo lý phô bày,
Giác đời tỉnh ngộ cơn say bụi đời.
Đàn cơ lập Tuất thời ngày ấy,
Để Thiêng Liêng ban rải huyền vi.
Cho đời hiểu Đạo là gì,
Để đời đem Đạo cứu nguy nhân loài.
Sáng mùng tám đúng ngay giờ Tý,
Nơi Hội Trường Giáo lý thuyết minh.
Đề tài then chốt thuyết trình,
Ơn Trên hứa sẽ thuận tình ban sau.
Đúng giờ Ngọ lễ hầu hoàn tất,
Hạ phướn linh đem cất yên bề.
Tiễn đưa quan khách ra về,
Vẹn tròn cuộc lễ ân phê cho hiền.
Đời xảo trá chinh nghiêng loạn lạc,
Đạo chân tình bát ngát hy sinh.
Nếu ai cũng dốc thực hành,
Trời Nam chim phượng hòa bình kêu vang.

Bần Đạo tạm ngừng bút nơi đây phần Giáo lý và Sắc lịnh.
Bần Đạo truyền xả đàn 15 phút tái cầu, đồng tử Thanh Căn thủ cơ, trấn đàn Bảo Pháp. Phái nữ đặc ân được một Chơn linh đắc Đạo giáng đàn thuyết minh Đạo Pháp, còn phái nam tùy tiện tham dự nghe học hỏi cũng tốt.
Sau cùng Bần Đạo khuyên sở tại Ban Cai Quản nên tổ chức mỗi tháng một lần thuyết minh Giáo lý để cho người đời trong Đạo đến dự. Nên trù liệu qui định một ngày nào đó sẽ có thơ mời và thông báo quảng bá trong quảng đại quần chúng.

THI
Canh tàn lời dạy đã nên xong,
Sức khoẻ cần ban cho tử đồng.
Từ giã ban ơn chung tất cả,
Hân hoan trở gót lại non Bồng.
Thăng.

Trở Lại Mục Lục