KHAI XUÂN
Tý thời, đêm 30 tháng 12 năm Nhâm Tý - Đại Đạo 47 (02.2.1973).
THI
THÀNH cơ chỉ Đạo lập thân tu,
HOÀNG xuất trần mê thế thượng phù,
BỔN cảnh lai lâm chân diệu xứ,
LAI truyền
Đại Thánh điểm công phu.
Tôn Thần chào mừng chư Thiên Mạng. Tôn Thần thừa lệnh Đại Thánh báo cơ. Thăng...
THI
QUAN sơn tư nhuận Khí xuân thiên.
THÁNH đức đồng tôn nội thể huyền,
ĐẾ chuyển hồng quang Khai diệu bút,
QUÂN y thừa Mạng Đạo tâm truyền.
HỰU
Truyền kiếp trần gian một chữ tu,
Học thông hành đúng lắm công phu.
Nếu còn hờ hững tâm chưa định,
Rồi mãi mơ màng trí khó thu.
Biết việc xét mình dung dị hóa,
Thuần chơn vô ngã tự nhiên phù.
Nay xuân chan rưới tình muôn loại,
Đạo dẫn hồn xuân bước viễn du.
Bần Đạo mừng tất cả đàn tiền, tịnh tâm an tọa.
THI BÀI
Bước viễn du bố ban sanh lực,
Cho muôn loài nhuận đức phục nguyên.
Âm dương tiến thoái hồn nhiên,
Hàm dinh tư dưỡng cơ huyền hóa công.
Nay xuân đến khai thông niên độ,
Hiệp thần xuân tiếp phổ Đạo trường.
Khởi đề giáo huấn kỷ cương,
Cho nhơn sanh biết mở đuờng tâm tu.
Bấy lâu đã cần cù theo Đạo,
Đã chung đồng gầy quả tạo công.
Trải qua bao cuộc thử lòng,
Lòng hằng giữ Đạo, ý không đổi dời.
Nay cần phải chiều nơi tu chỉnh,
Cho rõ ràng tự tĩnh thân tâm.
Công phu hồi tưởng suy tầm,
Học thông chánh lý, hành thâm chân truyền.
Người Chức Sắc đương nhiên hữu trách,
Trách nhiệm là thanh bạch chánh chân.
Tạo thành minh đức tân dân,
Tương ưu, tương tế, tương lân, tương hòa.
Người Tín Hữu trong nhà đạo đức,
Ghép mình theo mẫu mực tu thân.
Trọn công nuôi dưỡng tinh thần,
Tín thành nhuận sắc, nghĩa nhân thường hành.
Trong tổ chức phải rành tổ chức,
Thực thể còn hậu nhựt noi gương.
Thiệt hư cần phải tinh tường,
Ngôn hành tương ứng, lập trường chánh trung.
Nay đàn xuân lời chung điểm hóa,
Ban ân hồng cho cả nhơn sanh.
Đạo trường quyện tỏa hương lành,
Câu kinh nghĩa đạo thường hành sớm trưa.

Hôm nay Bần Đạo thừa lệnh Đức Chí Tôn chuyển lập cơ đàn, nhằm tiết xuân dương khai thái, vạn vật hồi xuân, vốn có diệu ý.
Về cơ xử thế, Nhơn Đạo thường hành, chư hiền nam nữ đã học qua Tiểu và Trung Thừa, chỉ cần có điều: học thông hành đúng là được chứng quả vào bậc hiền nhân thiện tín, nhưng vẫn còn trong vòng nhân quả luân hồi vì chưa bước qua khỏi ngưỡng cửa âm dương biến hóa, tức chưa đạt được cơ giải thoát tâm linh, siêu sanh liễu tử của nền chân pháp Đại Đạo.
Giờ đây Bần Đạo lược giải một số điểm trong bài:
1. Biết việc xét mình dung dị hóa:
Biết việc: theo Khổng Giáo gọi là cách vật, tức là học hỏi cho đến chỗ tận cùng của mỗi sự vật, không còn nghi ngờ lầm lẫn. Biết việc đến chỗ tận cùng gọi là chân trí. Có chân trí mới có chân ý. Chân ý là vị chân sư trong người.
Xét mình dung dị hóa: Kiểm điểm lại mình đã làm đuợc gì tương ứng với sự hiểu biết để dung hóa với đạo lý, với tâm hồn, với bản thân, tạo thành một thuần thể hồn nhiên của nội tâm. Được như vậy thì một cử chỉ, một lời nói, một việc làm đều thuận lẽ tốt đẹp.
2. Học thông chánh lý, hành thâm chân truyền:
Học cho thông suốt chân lý Đại Đạo để thực hành đúng với chân truyền.
Chánh lý là lý âm duơng. Cô dương bất sanh, cô âm bất trưởng. Tu hành là phải Tánh Mạng song tu. Chân truyền là dĩ Thần ngự Khí nhi thành Đạo.
3. Tín thành nhuận sắc, nghĩa nhân thường hành:
Tín thành: là đức Lễ cao tột. Công phu tu luyện đức tín thành là điểm quan trọng nhất. Vì có trọn đức tín thành mới vượt qua mọi gian khổ, mới quyết tâm cần mẫn công phu, mới mong thành đạt kết quả.
Nghĩa nhân thường hành: theo Thiên Đạo là ra công thí pháp, còn gọi là công đức Trúc cơ. Trước công phu Trúc cơ về công đức thí pháp phải tu luyện. Minh Đường Trúc Cơ là tu về Nhơn Đạo.
4. Ngôn hành tương ứng, lập trường chánh trung:
Lời nói ứng hiệp với việc làm. Lời nói việc làm đi đôi đó là đức hạnh cần thiết của người tu.
Lập trường chánh trung là không thiên lệch vào một đối tượng nào của thế giới Hậu Thiên mà nhất là không còn ngã chấp.

THI
Trung chánh là thần bất tử khai
Cổ kim duy lý bảo tâm hoài
Đạo truyền nay chuyển sang nguyên mới
Thoang thoảng hương trời tâm tự lai.

Tâm tự lai: là chơn tâm, đạo tâm trở lại. Bởi vì thường nhựt sanh chúng phải giao động trực tiếp vào cuộc sống đa dạng, biến chuyển theo thường tình ngã chấp. Do đó mà đạo tâm xa dần.
Hương trời: là vị hương xuân thiên, mùa xuân. Khí tiết dương sanh, chuyển phục sức sống cho muôn loài, do đó ảnh hưởng đến tâm thần con người được lắng dịu yên tĩnh, nghĩ ngơi không xáo trộn mà chân tâm lai phục. Người tu cần giữ cái tâm lai phục này thường xuyên là gần Đạo vậy.

THI
Đạo vốn hư vô lại thể hình,
Dạy người hồi phục lý nhơn sinh,
Cho dù kẻ ngộ, người chưa ngộ,
Thống Đạo truyền thừa phải biện minh.
Thăng...

                                                                 Trở Lại Mục Lục