Huyền Diệu Cảnh

XXI. LUYỆN KỶ LUẬN

Tu luyện kim đơn, trước hết phải luyện kỷ (là sửa mình cho đầy đủ tinh, khí, thần).
Dù cho hành trú, tọa, ngọa (đi, đứng, nằm, ngồi) cũng chẳng quên việc luyện kỷ. Thứ nhứt đừng cho dâm niệm khởi động. Lại phải đoạn dứt những tình dục ta đã nhiễm khi trước. Muôn việc đều phải bỏ tuyệt hết. Phải bỏ cái tánh tham lam, giận hờn, sự ngây dại, tình ân ái, việc giàu sang, đường danh lợi. Luyện sao trong lòng đặng trong ngần như khí thái hư vậy. Một điểm tà niệm chẳng khởi, một mảy trần gian không nhuốm. Trong lúc luyện, hễ niệm tưởng, ấy là bịnh. Mà bịnh chẳng lành là tại nơi thuốc chẳng hay. Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác trì (là biết chậm).
Cho nên có lời nói như vầy: Muốn tu thân cho đặng làm khách trường sanh, thì phải luyện sao cho cái tâm tánh mình như cái tâm tánh của người đã chết rồi vậy.

XXII. ÐIỀU TỨC LUẬN

Nghĩa điều tức khó nói cho rõ đặng. Người học đạo hễ mạnh mẽ siêng năng tập luyện thì ngày sau tự nhiên biết rõ đặng. Ðiều tức là cái tâm và hơi thở chẳng lìa nhau, phải đi cặp với nhau hoài. Khi thời giờ đến,
thì thần nó biết. Nếu không biết là bởi tâm tức xa nhau.
Ðiều là cách thở lúc tấn dương hỏa, thối âm phù, khi mộc dục, ôn dưỡng. Một hơi thở ra và một hơi hít vô, gọi là hơi thở nhứt tức. Cái tâm và cái hơi thở cứ nương nhau hoài. Thần (tâm) không rời khí (hơi thở), mà khí cũng chẳng rời thần, chẳng mau, chẳng chậm. Thần khí đều dùng hết thì âm dương mới hiệp lại một. Nếu thở mau thì nôn quá, nếu dễ động, chẳng hội điều. Còn thở chậm quá, thì nó theo khí hữu tướng, cũng chẳng hội điều đặng. Vậy nên sanh bệnh nặng, vì không hội điều.
Phải thở cho mau mà không động, phải thở chậm rãi mà không ngừng, mới trúng phép chơn tức của chánh đạo. Chẳng thấy có mà không giúp sức cho hơi thở, đừng thấy không mà quên phức đi. Cái lý nó thì là chẳng có, chẳng không. Chẳng thở ra, chẳng hít vô là một hơi thở thiên nhiên. Chơn hỏa hầu tự nhiên tịnh định. Tịnh định hoài không thôi. Luyện được như vậy rồi, lâu lâu mới được "an". An ấy là hòa. An rồi cái lý xung hòa ắt đặng. Chơn tức ở trong mình, chớ nó không có hình tượng chi hết, như không không vậy. Tuy chẳng thở, mà thiệt là có hơi thở.Như-Lai Tạng nói: "Biết đặng chơn không,
thiệt là tại tánh người, rồi sau mới đặng điều chơn tức".
Như điều chơn tức chẳng đặng, thì rốt cuộc khó đại tịnh.
Lại nói rằng: ban ngày đồng đi, chẳng trước, chẳng sau, ban đêm đồng ngưng, chẳng thông cũng chẳng lìa. Luyện đặng dường ấy thì biết đạo rồi.

 Trở lại Mục Lục