Huyền Diệu Cảnh
LỜI TỰA

Bởi Đại Đạo sanh ra trước khi có Trời, Đất, nên ngôi Diêu Trì Kim Mẫu là cái gốc của đại đạo, là dòng dõi của Trời đất, là cha mẹ của các vì Tiên, Phật, là tổ của muôn Phật. Trời Đất bởi trong cái khí hạo nhiên mà sanh ra, do âm dương ngưng tựu mới có khí ôn nhiệt rồi khí ấy huân chưng mà sanh ra muôn loài.
Trước hết sanh ra Tứ Đại Bộ Châu là: thủy (nước), hỏa (lửa), mộc (cây) và kim (kim thạch), kêu là Tứ Lão ở bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Sau mới sanh ra tại chính giữa Huỳnh Lão là thổ (đất). Thổ khí xung lên trên Trời, chính giữa đại tinh mà hoá ra Đạo Khí kim quang ở trên hạ xuống bao trùm Huỳnh lão trung ương, mới có hơi hô hấp. Ấy là cái khí huyền huyền thánh mẫu. Công thành ngũ lão hiệp với ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ) mà biến ra muôn vật, và sanh dưỡng các loài. Bởi thuỷ, hoả, thổ, ba lão tại nơi đảnh núi chiếu giúp kim lão, mộc lão đặng an lư lập đảnh và hạ luyện thất thất chi nhựt (49 ngày) mới sanh ra anh nhi trạch nữ mộc công Kim mẫu mỗi vị đều bảo dưỡng Anh Trạch. Anh Trạch lại hôn phối với nhau mà sanh ra hai trai, hai gái. Bốn đứa ấy lớn lên mới phối hiệp cùng nhau, thì Anh Trạch lại thối vị, nương theo cha mẹ mà tu luyện.
Bởi đó cái gốc của nhơn loại mới hưng vượng, biến sanh ra thiên hạ cho đến đời Bàng Cổ. Bàng Cổ là vua đầu tiên trong loài người. Ông ấy mở đường, làm cầu cho tiện bề giao thông qua lại, sau mới sanh ra Tam Hoàng (Thiên hoàng, Địa hoàng, Nhơn hoàng). Ba ông này cũng đắc đạo tu chơn mà về cõi thánh.
Kế sau nữa là Phục Hy, Huỳnh Đế, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Võ Vương (nhà Hạ), Thang Vương (nhà Thương) đều đặng chơn truyền. Tới đời nhà Châu thì ông Lý Đam (là Lý Lão Tử hay Lý Đạo Quân) xuất thế dạy Đại đạo. Ấy là một ông làm đầu trong Tam Giáo. Qua thời Trung Châu lại có đức Thích Ca ra đời tại Ấn độ (Thiên trước) mà lập ra đạo Thích. Đến rốt nhà Châu, lại có đức Khổng tử ra đời lập nên đạo Nho, và truyền cho đến ông Nha Uyên, ông Tăng tử, ông Tử tư, ông Mạnh tử.
Bốn vị thánh này đều được tâm truyền, cho nên khi ông Mạnh tử chết rồi,
thì đạo Nho bế lại, vì không còn ai ra gánh nổi mối đạo.
Qua đến đời nhà Hán, nhà Đường, Đại đạo lại hưng thạnh cho nên người tu hành thành Tiên vô số. Đến triều Lương thì Đại đạo lại suy vi.
Sau có ông Đạt Ma qua xứ Đông lâm mà truyền đạo Phật cho Nhị Tổ là Thần Quang (Huệ Khả),
Tam Tổ Phổ-Am (Tăng-Xáng), Tứ Tổ Tào Đồng (Ðạo Tính), Ngũ tổ (Huỳnh Mai - Hoàng Nhẫn), Lục tổ Huệ Năng. Truyền đến Lục tổ Huệ Năng thì đạo Thích bế lại nữa.
Đến triều nhà Tống, nhà Ngươn, Đại đạo được phục hưng lại. Sĩ dân đắc đạo thành chơn hơn mười mấy muôn người. Còn bực bạc trạch có hơn tám ngàn nhà. Tới đời nhà Minh thì Đại đạo lại suy vi nữa, cho nên ít thấy người đắc đạo thành chơn.
Ta nay thình lình đặng hồng phước gặp chơn nhơn chỉ điểm tánh mạng căn đề, mới rõ cách tu luyện chắc chắn. Đã hơn 10 năm ta đã xem trong đơn kinh thấy lời nói rõ ràng, chỉ mối Đại đạo chỗ thiệt giả, nên ta mới đặng minh tâm kiến tánh. Nay ta làm sách này tên Huyền Diệu Cảnh,
chia ra làm 3 thiên. Trong sách tuy lời nói siểng lộ, chớ cơ quan nhiệm mầu đều nói thiệt hết, nói nhiều chỗ tột lý, suy xét tột chỗ, chơn truyền chỉ ngay, thiên cơ bày rõ.
Từ xưa đến nay, trong Tam giáo thánh thơ, tuy là ngàn kinh muôn điển, mà huyền lý sâu sa, hoặc bày, hoặc giấu. Chẳng nói phải luyện phép chi trước, phép chi sau, không nói khúc giữa phải luyện phép chi. Lời nói lộn xộn. Trong sách tuy có chú giải mặc dầu, mà không phân biệt đầu đuôi. Luận về Châu thiên, không nói cách nào là Đại Châu thiên, cách nào là luyện Tiểu Châu thiên. Còn nói qua dược miêu, cũng không nói rõ ràng là tiểu hay đại dược, nội hay ngoại dược. Chẳng chỉ cách bá nhựt trúc cơ, thập ngoạt hoài thai, tam niên nhũ bộ, cửu niên diện bích. Lời nói không phân biệt rõ ràng, thì hậu thế làm sao thấu đáo đặng mà hiểu nghĩa lý. Vậy thì có thể nào mà hiệp mấy phép lại mà dùng. Bởi lý do đó nên đời sau, nhiều kẻ hiền sĩ bị lầm lạc, nên dụng tâm uổng công mà rốt lại cũng vô ích.
Không làm làm sao biết đuọc sanh tử là việc lớn trong Trời đất. Ta thấy vậy, không lẽ làm ngơ, dạ ta chẳng đành, e ngày sau kẻ hiền sĩ, thánh chơn bị đoạ lạc vào bàng môn tả đạo, nên ta làm sách này để lại cho đời sau coi theo đó mà tu luyện. Ta tỏ bày hết chơn thiệt, khẩu khuyết. Lời ta nói ra chắc, văn ta viết ra thiệt. Chơn khuyết đều lộ ra hết, không giấu lời nào. Điều chi thuở nay cổ thánh chưa nói lậu ra, ngày nay ta làm sách này đều nói ra hết. Vậy thì bộ sách này trong thiên hạ rất quí trọng. Người phàm mà nghe được, hiểu sách này thì tỉ như có cái linh quang, nương theo đó mà tiến lên thượng thiên, thánh vức. Cũng vì một ngòi viết mà ta quét 3600 đạo bàng môn, 96 giống ngoại đạo. Cũng bởi lời ta nói mà mấy ngàn đạo ấy bị rả rời, cả trăm phe giả dối bị bỏ hết.
Phải suy xét kỹ lưỡng lời ta nói, xem cho chắc chắn hình ta vẽ trong sách này. Trong ấy đều chỉ rõ phép tu luyện, cứ noi theo đó mà hạ thủ công phu.
Làm cho kẻ hậu thế khỏi mê muội, khỏi lầm lạc theo bọn bàng môn tả đạo, vì sách này coi mà làm bằng chứng đặng khỏi lạc vào cửa manh sư (thầy mù) huyền hoặc. Từ xưa đến nay, các vì Cổ-Thánh Tiên, Phật không nói lộ ra trong các sách sự bí pháp, tâm truyền của Đại đạo rất cao quí. Nay ta nói lậu ra hết. Nên kẻ hậu hiền gặp được sách này thì là tam sanh hữu hạnh.
Người nào có công, thành chí suy xét cho thấu đáo mấy lời nói huyền diệu trong sách này, rồi cầu chơn sư chỉ bày phép tu luyện, thì thành Tiên, Phật nào có khó chi.
Ta nguyện sao trong hàng thiện sĩ,
mỗi người đều có sách này, đặng hiệp cùng lời nói của ta, lấy lòng từ bi mà cứu vớt sanh linh khỏi lầm lạc.
Triều Đại Thanh, đời vua Đồng trị, năm thứ năm, tháng hạnh, ngày rằm, người ở huyện Ngô Hưng, núi Biền Sơn, tự là Lý Trần Tử tên là Lý Xương Nhơn, làm lời tựa trên.
Phụng dịch ngày 12 Mars 1927 (Đinh Mẹo, tháng hai, ngày mùng chín).    

 Trở lại Mục Lục