THÀNH TIÊN TẠI TRẦN

Dặm dài gánh Đạo

Tiên ở cõi trần là hàng Chơn Nhơn theo Lão Trang, hay cũng là bực chí nhân quân tử theo Nho giáo.
Môn sanh Cao Đài có nhiều vị tu đắc quả Chơn Nhơn, chúng ta có thể tìm đọc quyển "Đại Thừa Chơn Giáo", bản in song ngữ Pháp Việt năm 1950, mục ấn chứng thiêng liêng để hiểu rõ hơn kết quả của công phu tu luyện của hàng chơn tu.Tạm giải nghĩa hai chữ Chơn Nhơn.
Chơn là chơn thật, chơn thiệt; nghịch nghĩa với giả là giả mạo, dối trá (không đúng chánh pháp chơn truyền). Chữ Chơn, được đức Linh Bửu Thiên Tôn giải rộng ra trong quyển Đại Thừa Chơn Giáo là chơn lý của Trời ban ra hay cũng có nghĩa là chơn truyền, truyền cái cơ Đạo bằng cách chơn thật rõ ràng, không ẩn núp cao xa sâu kín. Nhưng ở đây Chơn Nhơn có nghĩa về con người, con người thiệt, con người có nguồn gốc Thiên chân sáng ngời xuất phát từ Đại Linh Quang của Thượng Đế, là nguyên nhơn chớ không phải hóa nhơn tiến hóa từ thảo mộc, thú cầm lên làm người. Chơn Nhơn theo Lão Trang là bực chí nhơn, chí thánh, bực xuất chúng hơn hẳn con người thường phàm tục (phàm nhơn).Có thể gọi tóm tắt Chơn Nhơn là Tiên tử, còn phàm nhơn là tục tử.
Chơn Nhơn là danh từ mà Trang Tử dùng để cụ thể hóa người đã đắc Đạo, và sống theo Đạo, tức là con người đã giải thoát (Trang Tử tinh hoa, Nguyễn Duy Cần).
Thế nào là bực Chơn Nhơn? Là những hạng người đã thực hiện được hạnh tứ vô của Tiên gia, là bốn cái Vô (không)
:Vô kỷ, vô công , vô danh và vô vi.
Vô kỷ tức là vô ngã, là diệt được cái bản ngã, cái tư ngã, cái phàm ngã của mình, không còn thấy có ta có người, không còn phân biệt ngã nhơn nữa, vì họ đã huyền đồng cùng tạo vật, họ đã dứt được tư tâm, tư dục. Phàm tâm của họ đã chết nên Thánh tâm của họ phát hiện. Một ví dụ như khi họ đi chẩn tế cho nạn nhơn thiên tai bão lụt, người bệnh tật, họ không để lộ tông tích họ là ai hay địa vị xã hội của họ, cốt yếu giải khổ cho tha nhơn vì lòng trắc ẩn thương người.
Vô công nghĩa là không kể công, không kể ơn, khoa trương quảng cáo việc làm nhơn đạo của mình, họ không muốn ai khen thưởng, họ chỉ lo làm xong nhiệm vụ rồi rút êm trong âm thầm, không thụ hưởng, không nhận ân huệ nào.
Vô danh: hễ đã vô kỷ, không còn nghĩ đến cái ta nữa thì đâu còn thích ham danh vọng, họ không muốn lưu lại tên tuổi dấu vết cho ai biết mình nữa.
Vô vi là không phải không làm, mà vẫn phải làm những điều ích lợi cho đời một cách âm thầm, không tiếng tăm, không lộ liễu, không phô trương ầm ĩ, không để ai biết mình chủ sử hành động, như đoàn chim bay ngang qua mặt nước hồ thu gợn sóng rồi im lặng như tờ; như đoàn người đi qua một tấm kiếng to mà không để lại bóng dáng hình hài. Kìa xem mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chói rọi ban đêm, bốn mùa tám tiết được điều hòa nào ai thấy được người chủ sử.
Đó là "vô vi nhi vô bất vi" là không làm, nhưng không phải không làm gì hết. Bậc Chơn Nhơn không để tâm vọng động xao xuyến trước những biến cố bất thường, những điều hưng vong thành bại, nên hư trong đời không làm họ lay chuyển tâm tư cho đến việc sống chết.
Thiên Đại Tôn Sư Nam Hoa Kinh, Trang Tử có viết: "Vũ trụ cho ta cái hình hài, cho ta sống để ta đau khổ, cho ta già để ta an nhàn, cho ta chết để ta nghỉ ngơi. Vậy coi sống là cái phúc thì cũng phải coi cái chết là cái phúc. "
Cũng trong Thiên Đại Tôn Sư, Trang Tử viết: "Bậc Chơn Nhơn ngày xưa, không ưa sống, không ghét chết, lúc ra đi không hăm hở, lúc trở về không do dự, thản nhiên mà đi, không quên lúc khởi đầu, không cầu lúc sau chót. Nhận lãnh thì vui với đó, mà quên đi khi phải trở về. Nhờ được thế mà lòng họ luôn luôn vững vàng, cử chỉ điềm đạm, gương mặt luôn luôn bình thản..."
Sự điềm đạm của họ chí cực, mất không tiếc, được không mừng, gặp nạn lớn mà không biết kinh sợ, đó là cái Dũng của bậc Thánh Nhơn vì biết cùng thông là mạng, là Thời.
Bậc Chơn Nhơn sống thảnh thơi tự tại (Trang Tử Thiên Tiêu dao du). Muốn sống trọn tuổi đời thì phải biết phép dưỡng sinh mà phép dưỡng sinh là thuận lẽ Trời (thuận Thiên).
"Chơn Nhơn thời cổ có vẻ uy nghi mà không kiêu căng, khiêm tốn mà độc lập, nhân cách khác người mà không cố chấp, chí khí hơn người mà lòng thì hư tĩnh, không thích khoe khoang, lâng lâng thanh thoát, hân hoan, cử chỉ, nét mặt hiền hòa nên ai cũng muốn được thân cận, khoan dung đại độ nên ai cũng muốn qui phục, thích sống tự do nên không ai áp chế được; trầm mặc như đứng sau một cửa đóng; vô tâm với thế sự như một người quên hết ngôn ngữ, chỉ hành động xử sự khi bất đắc dĩ, coi đạo đức là thuận Thiên tính nên dễ dàng đạt mục đích...."
Hạng Chơn Nhơn còn thích sống gần thiên nhiên, ăn những thức ăn thiên nhiên, không làm trái thiên nhiên, sống thuận theo thiên nhiên, không cách vật cầu kỳ, sống an nhàn tự tại, thung dung tiêu sái, không bận bả danh lợi thế sự nhơn tình, không để cho buồn rầu lo nghĩ, giận ghét xâm chiếm tâm hồn làm thương tổn tánh tình, như vậy mới thảnh thơi tiêu diêu được. Không riêng gì môn đồ Lão, Trang, ngay môn đồ Khổng Mạnh thời sau cũng tâm đắc.
Như thế hàng Chơn Nhơn này của Lão Trang không khác hàng quân tử hay Thánh Nhân của Khổng Giáo là bao. Đức Cao Đài Thượng Đế trong quyển Đại Thừa Chơn Giáo, cũng dạy môn sanh thực hành cái Đạo của người quân tử mà đừng theo đứa tiểu nhơn (đàn ngày 02-9 Bính Tý, 16-10-1936) một cách đầy đủ rõ ràng, người tu Đại Đạo nên thực hành nghiêm chỉnh thì không lo gì không đắc Đạo được về hội nhập cùng Thầy Thượng Đế. Đức Chí Tôn dạy:"Trong đời,
nhơn loại thường chia ra hai hạng: quân tử với Tiểu nhơn. Vậy các con nên theo gương quân tử mà chẳng nên học thói tiểu nhơn.Quân tử là gì? Tiểu nhơn là gì?
Quân tử là một người đức tài xuất chúng, phẩm hạnh nhân cách hoàn toàn, tánh tình cao thượng. Người quân tử bao giờ cũng ung dung thư thái, ưa làm sự phải điều hay, thuận thiên lý lưu hành, đem chơn Đạo mà khuyên đời tùng lương cải ác. Tấm lòng bao giờ cũng quảng đại, vô vi thanh tịnh, không phóng túng bôn chôn mà để lòng dục khiến sai uốn bẻ đến phải bước lầm vào nẻo quấy. Mỗi việc đều xét suy đáo để, tính trước lo xa, thương người ích chúng, ham nghĩa ưa nhân, chuộng trung mến chánh. Bao giờ cũng vẫn tùy thời quyền biến mà giữ cho được hai chữ "trung dung" chớ không thái quá, không bất cập. Dầu gặp cảnh ngộ nào thì tâm chí cũng cứ an vui, không để thất tình loạn động, vì người quân tử là thực vô cầu bão, cư bất cầu an, kia mà!
Cái đức của người quân tử thường như nước vậy. Nghĩa là châu lưu khắp chảy tứ phương, gặp tròn, gặp méo, gặp dài, gặp vuông, nước cũng chìu theo được hết. Lại nước cứ từ cao chảy xuôi xuống thấp, nên người quân tử luống chịu hạ mình cho vừa lòng tất cả nhơn sanh. Tuy nước cứ tìm chỗ thấp, cứ chìu theo khuôn, cứ mềm với chúng, mà đến chừng ai muốn cho nó tiêu mòn sứt mẻ là chẳng làm sao hề hấn đến được lấy chút mảy may gì nó bao giờ! Người quân tử theo đời mà chẳng nhiễm đời, chìu người mà chẳng bợ người, tùy tục mà không đắm tục, cứ giữ tánh tình thanh bạch, tâm chí cao siêu, dẫu ai dầm cũng chẳng phai, ai giũa cũng chẳng mòn, nên bả lợi danh, mồi chung đỉnh có bao giờ trêu nhử được!
Còn đứa tiểu nhơn lại bỏ nghĩa theo lợi, lấy vạy cầu danh, tâm tà tánh độc, nết kiêu chí hèn. Nói tắt một lời là mỗi mỗi đều trái hẳn với người quân tử như trắng với đen, như Trời với vực.
Tuy nhiên, người quân tử càng trốn cái danh mà danh càng rạng tỏ, càng chìu với thế mà thế vẫn tôn sùng, còn đứa tiểu nhơn lại càng chuộng cái danh mà danh càng nhơ nhớp, càng kiêu với thế mà thế vẫn thị khinh."
Nói tóm lại, người đắc Đạo thành Tiên tại cõi trần này là con người đã giác ngộ, đã giải thoát khỏi áp lực, ảnh hưởng của vật chất chi phối như danh, lợi, sắc, tài, địa vị quyền thế sự nghiệp dầu cho danh đạo cũng vậy, như các Ngài Vạn Hạnh Thiền Sư, Phù Vân Quốc Sư ở Việt Nam. Khi làm xong nhiệm vụ cứu dân cứu nước họ trở lại với sằn dã để sống một đời sống theo thiên nhiên với hài cỏ gậy tre, sống tiêu sái, thanh đạm ung dung, không còn bị ràng buộc gì cả. Đó là cái thú duy nhứt của Tiên gia tại trần.
Trước khi các Ngài đắc Đạo, các Ngài cũng phải chịu khổ công trải qua một thời gian dài tu học, luyện kỷ vô vàn khó khăn, luyện cho được hạnh tứ vô để trở nên người đạo đức điềm đạm, không ưa sống, không ghét chết, lúc ra đi lìa bến khởi nguyên không hăm hở; lúc trở về (phản bổn huờn nguyên) không do dự, vẫn thản nhiên thanh thoát.
Tiên ở cõi trần noi theo nếp sống Đạo tự nhiên thanh bạch, cư trần mà bất nhiễm trần, không để cho danh lợi, quyền chức, tài sắc chế ngự, sống tự do, an nhàn tự toại, ung dung tiêu sái, thoát vòng thị phi thế sự nhơn tình vì họ chế ngự được thất tình lục dục.

“Sống mà được trong thanh chơn đạo,
Sống mà không điên đảo biến thiên;
Như như mặc mặc kiền thiền,
Thung dung chuyên nhứt là Tiên trên đời.
Tuy thân huyễn còn nơi trần tục,
Mà tâm thần chẳng chút nhiễm ô;
Bại thành đắc thất hữu vô,
Sang hèn thanh trược tinh thô, dữ, lành.
Đó khử trược lưu thanh là thế,
Tâm bình rồi tự thể tự do;
Non nhân nước trí tha hồ,
Tam thiên thế giới ra vô mặc tình.
Nói sao được huyền linh máy nhiệm,
Phải tự tu tự kiểm cho tinh;
Đó đường thoát hóa siêu sinh,
Có thân như chẳng, có hình như không.”

Thật quá đầy đủ tài liệu quí báu và điều kiện để người chơn tu thành Tiên tại trần không cần chờ đến thoát xác.
Vậy ai muốn thành Tiên, thành Chơn Nhơn ở cõi trần này hãy thực hành đúng theo những điều của Trang Tử kể trên. Người tu hành nào thực hành được đời sống Chơn Nhơn của Lão Trang tức là đã tu chứng tại tiền rồi. Phật Tiên cũng thế thôi, nào có khác.

 Trở lại Mục Lục