XUÂN TÂM, XUÂN ĐẠO PHÁP

Dặm dài gánh Đạo

Trong Thánh giáo Cao Đài, các Đấng Thiêng Liêng thường khuyên chư môn sanh nên tìm hưởng cái Xuân tâm hơn là cái Xuân cảnh vì Xuân cảnh thuộc về hữu hình, cái mát dịu của tiết Xuân, cái vẻ đẹp muôn màu thắm tươi của cây cỏ, lá hoa đua nhau khoe vẻ đẹp xinh, nhưng chỉ đem lại cho con người một mùa Xuân hữu hạn. Sau tiết Xuân thì những nét xinh tươi đẹp đẽ của hoa lá phải tàn rụi cũng như khí hậu mát dịu cũng bị chuyển sang mùa Hạ với nóng bức bực bội. Thế nên, Ơn Trên khuyên chúng ta nên tìm hưởng cho được cái Xuân tâm, đó mới là mùa xuân trường tồn vĩnh cửu thiên niên bất hoại, bất tiêu bất tán.
Vậy làm sao có được cái Xuân tâm quí báu ấy?
Trước hết, người tu phải tự giác, phải nhận thức được cái chơn giả, hư thiệt của cuộc đời vật chất hữu hình phù phiếm mà mùa Xuân mát dịu xinh tươi phải bị thay đổi xóa bỏ bởi mùa hạ nắng chan khó chịu. Sự hưởng thụ của thể xác nào có được lâu bền, bị giới hạn nào ai có thể cưỡng lại được? Biết được cái phù phiếm hào nhoáng, tội gì ta phải vọng cầu đeo đuổi, bám víu vô ích cho cực thân nhọc trí! Hành giả phải giữ sao cho tâm mình được bình thản, an nhiên, không cầu mong, không dục vọng, không đắm mê để khỏi bị thất vọng não nề chua xót khi ước nguyện không thành vì không đủ phương tiện để đua đòi mua sắm loè loẹt cái Tết đời như mọi người, để không tủi thân vì thua kém người. Người chơn tu không thích se sua đua đòi mua sắm, giành giựt tranh chấp cao thấp, nghèo giàu sang hèn nên họ không bận tâm xao xuyến và giữ được bình thường tâm nên tâm được thanh tịnh. Hành giả sẽ nhận được sự thoải mái của thân tâm trong thiên nhiên giữa mấy ngày Xuân rộn rịp của thế nhân. Hành giả vẫn cứ thưởng Xuân cảnh, nhìn xem cảnh thiên nhiên, ngắm hoa tươi đua sắc thắm muôn màu của cảnh vật mà Tạo Hóa đã sẵn dành khi tiết Xuân sang cho mọi người. Hưởng được cái Xuân tâm nầy, hành giả không tốn tiền mua sắm, không chạy vay mượn trả góp vốn lời sau mùa Xuân mệt mỏi. Ta hãy nhắp chén trà sen, dùng bánh mứt trái cây mua sắm tùy theo hoàn cảnh gia đình, vui vẻ cởi mở hàn huyên với thân quyến trong tình thân mật, đó là một hạnh phúc không tốn kém, không vất vả ngược xuôi. Đó là cái Xuân tâm hay Xuân Đạo đem lại cho tâm hồn một sự bình thản an nhiên thanh thoát không vướng mắc ràng buộc bởi ngoại cảnh chi phối tâm tư hành giả. Hành giả thấy lúc nào cũng có mùa Xuân nơi mình trong khi công phu hành pháp hô hấp dương khí vào người. Theo Cao Đài, dương khí đây là Tiên Thiên hạo nhiên chi khí hay Hư Vô Chi Khí, là khí tạo ra chúa tể càn khôn vạn loại. Đức Chí Tôn Thượng Đế đã bảo rằng Hư Vô Chi Khí là Thầy, không có Hư Vô Chi Khí là không có Thầy (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển và Thánh giáo Cơ Quan).Muốn hòa hiệp cùng
Thầy thì phải tu luyện cách nào cho thu liễm được Hư Vô Chi Khí, vừa bảo vệ được mạng sống khỏe mạnh, vừa tiếp xúc thường xuyên với Thầy Thượng Đế để thọ thiên điển soi sáng tâm linh mẫn tuệ, lại có tác dụng đẩy lui tà khí.

Đức Lão Tổ có dạy:
“Khi Khí ấy trở thành chánh khí,
Khiến cho loài tà mị lánh xa;
Bấy giờ Ta mới thật Ta,
Cao Đài nội tại Ta là chủ ông.”

Đây là chỗ mà Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn bảo là xây cất Ngôi Cao Đài nội tại huyền nhiệm vĩnh cửu để ở yên tu luyện và Ngài còn dạy thêm: “Chư đệ muội muốn xây cất tòa Cao Đài huyền nhiệm vĩnh cửu thì phải triệt thoái những ý thức sai biệt, yêu ghét, thân thù, phiền não, kinh cụ để Thần được linh hoạt mà đem Khí thể tiên thiên, tinh hoa lưỡng cực xây đắp nên ngôi Cao Đài nội tại của chư đệ muội.”, tức là đầy đủ Tam bửu là Tinh, Khí, Thần.
Nếu tâm ta luyện được giải thoát như thế thì ta đạt được cái Xuân tâm vĩnh cửu để hưởng thụ miên viễn, hà tất phải đợi chờ tiết Xuân đến. Khi ta thu liễm được Tiên Thiên Khí (Hư Vô Chi Khí) ta tựu vị được Dương Thần thì theo lời dạy của Đức Đông Phương Lão Tổ:“Lúc nào cũng có mùa Xuân nơi mình”. Chính đó là Xuân tâm mà người chơn tu cầu được, thay vì Xuân cảnh. Lúc ngộ được chỗ bí yếu đó, ta mới thấy được đạo pháp huyền nhiệm quí giá vô cùng mà ham tu, mê luyện, không biếng lười giải đãi.
“Đã biết rằng Xuân là ấm áp đẹp đẽ hy vọng canh tân, nhưng nếu chỉ có Xuân thì Xuân cũng không thấy quí. Sở dĩ thấy quí vì có Hạ, có Thu, có Đông. Vì Hạ là diệu năng của Xuân, Xuân sanh thì Hạ trưởng. Thu là tiềm năng của Xuân. Có sanh, có trưởng phải có thâu kết. Đông là đức tiềm phục của Xuân để tiếp tục phát sanh. Như vậy có mùa nào mà không có Xuân.”

  Trở lại Mục Lục