THẾ NÀO LÀ NỘI TU VÀ NGOẠI TU

Dặm dài gánh Đạo

Tham chiếu Thánh giáo của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ngày 10-3-1984 dạy về năm ví dụ tu thân và hành đạo, chúng tôi xin triển khai ví dụ thứ ba để chúng ta thực hành hầu không phụ lòng dạy dỗ dắt dìu của Đức Tôn Sư, ấy là vấn đề: Nội tu và Ngoại tu.Giải nghĩa đơn giản, nội tu là tu bên trong tâm nội,
thuộc vô vi còn ngoại tu là tu bề ngoài, thể hiện qua tác phong đạo hạnh, hình thức sắc diện cử chỉ bên ngoài. Kinh nghiệm cho thấy là những ai có kiên trì công phu rèn luyện nội tâm lâu năm thì ngoại thể sẽ phát lộ thuần thành đạo đức xuyên qua lời nói, sắc mặt cử chỉ và hành động. Thế nên Đức Lý Giáo Tông có dạy nội tâm tu tiến để ngoại thể thuần thành và Đức Tôn Sư Đông Phương Lão Tổ trong bài khẩu quyết ban ơn cho chư tịnh viên các cấp (Thánh giáo ngày 05-7-1981) cũng đã xác nhận:

“Diệt bên trong, bên ngoài mới dứt,
Lập chơn tâm tình thức qui hàng;
Chủ nhân chánh tọa nghiêm trang,
Nội tâm, ngoại thể tinh toàn biết bao.”

Nhị vị Tôn sư đều thiết tha khuyên dạy nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý cần phải nội tu, tức là cần thiết phải chăm lo không hề xao lãng việc tu tâm luyện tánh, luyện kỷ cho thuần thành đạo đức, diệt bên trong tức là chế ngự bảy tình sáu dục đừng cho chúng nó xúi giục nội tâm ta làm những điều xằng bậy tội lỗi. Muốn được vậy chúng ta cần tâm niệm bốn câu này của Đức Lão Tử để trừng tâm:

“Tâm đừng để giận hờn bực bội,
Tâm đừng lo gian dối riêng tây;
Tâm mình là điện thờ Thầy,
Giữ cho thanh bạch hằng ngày kỉnh tin.”

Nếu chúng ta tâm niệm luôn luôn tâm mình là điện thờ Thầy, thì chúng ta không dám để tâm suy nghĩ những điều vạy tà của thế tục, đâu có dám vọng niệm điều tham dục, danh lợi tài sắc.
Khi mà chúng ta diệt được bên trong, vọng thức đã hàng phục được thì chúng ta cảm nhận ngay đã thoát trần một cách thanh thản.
“Bảy tình sáu dục lặng yên,
Tâm hồn tươi sáng là Tiên siêu phàm.”
Chúng ta sẽ là Tiên tại tiền ngay lúc đó, các Đấng Thiêng Liêng cũng đã từng xác nhận không khác: Tiên Phật cũng thế thôi!
Làm sao nhận diện được nội tâm đã tu tiến bộ, hay nói rõ hơn nội tâm đã tu chứng? Chúng ta hãy quan sát tác phong đạo hạnh của hành giả thể hiện bên ngoài qua cách đi đứng nằm ngồi, cử chỉ, điệu bộ thanh nhã, đoan trang, điềm đạm, không cười vui lố lăng, không buồn bã bực bội, lời nói dịu dàng, êm ái, dễ cảm, dễ thương. Khi tâm có bình định được rồi thì hạnh kiểm nết na của hành giả phát hiện, biểu lộ ra ngoài nét mặt, cử chỉ thuần thành, đạo tâm chánh trực. Cho nên Ơn Trên bảo rằng tâm bình hạnh trực là vậy.

Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy cao hơn:
“Tâm bình hà lao trì giới,
Hạnh trực hà dụng tu thiền.”

Hiểu đại khái: khi hành giả (thiền sinh) đã qui phục, chế ngự được tình thức rồi, chủ nhơn ông làm chủ được bảy tình sáu dục thì nội tâm sẽ được bình lặng, thanh tịnh nhứt như trở lại như tâm xưa của xích tử (đứa trẻ mới sanh), nhận thấy bản lai diện mục của mình, chừng đó hành giả hà tất phải lao tâm khổ trí để trì giới cho nhọc nhằn, loạn nội tâm đã được bình định rồi còn đâu mà trị mà bình nữa? Nên thiền định không cần thiết nữa. Tâm hạnh đã thuần thành chánh trực quang minh thanh tịnh sẽ dễ dàng huyền đồng cùng Hư Vô Chi Khí, tức là huờn hư để hiệp nhứt cùng Thầy Thượng Đế, vì Thầy có dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: “Thầy là Hư Vô Chi Khí, không có Hư Vô Chi Khí thì không có Thầy”.
Đức Lục Tổ Huệ Năng cũng thú nhận sự chứng ngộ của Ngài qua câu trong Kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Hiểu đại khái như vầy: Đừng trụ cái tâm vào sắc thinh hương vị xúc pháp (lục trần), đừng trụ cái tâm vào nơi nào khác hơn là tâm thanh tịnh vốn nhứt như, vô sai biệt, vô phân biệt.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn cũng đã từng dạy chư tịnh viên: điều cốt yếu của sự thiền định là tịnh viên phải giữ cái tâm của mình cho được thanh tịnh vì thiền lấy sự thanh tịnh làm tông chỉ.
Là tịnh viên, chúng ta cần cẩn trọng tuân lời dạy trên để đạt được kết quả tốt đẹp cho sự tu thiền của mình.
Phương pháp luyện nội tâm, các Đấng từ ngàn xưa đã kinh nghiệm có kết quả tốt và truyền lại không ngoài việc phản tỉnh nội cầu, hồi quang phản chiếu tức là tọa thiền, hiệp ánh sáng của đôi mắt lại chiếu rọi thẳng vào nội tâm mà nhà Phật gọi là minh tâm kiến tánh (rọi sáng lòng để thấy tánh) sẽ thấy Như Lai tức là Chơn Tâm, Thiên Tánh theo Lão hay Cao Đài.
Trong lúc tọa thiền hồi quang phản chiếu hướng vào nội tâm, chúng ta hành chánh niệm bằng tâm niệm để noi theo đoạn Thánh huấn của Đức Đông Phương Lão Tổ:

“Trừ cho hết thói hư tật xấu,
Trừ cho xong hủ lậu phàm phu;
Thoát ra bốn vách trần tù,
Tham, sân, si, dục, mịt mù bốn bên.
Trừ cho được cái tên ảo vọng,
Trừ cho xong mầm mống lợi quyền;
Căn trần kết tập vô biên,
Thấy, làm, nghe, nói, đảo điên rán trừ.
Trừ ích kỷ riêng tư tính toán,
Trừ mưu đồ độc đoán độc tôn;
Cái mầm vị kỷ bảo tồn,
Có nhân có quả dập dồn nào sai.
Diệt bên trong, bên ngoài mới dứt,
Lập chơn tâm tình thức qui hàng;
Chủ nhân chánh tọa nghiêm trang,
Nội tâm ngoại thể tinh toàn biết bao.”

Chúng ta để ý “diệt bên trong” tức là nội tu, “bên ngoài mới dứt” là ngoại tu, thể hiện bên ngoài do hệ quả của nội tu, chừng đó thì “nội tâm, ngoại thể” sẽ được tinh toàn tốt đẹp biết bao.
Để kết luận, việc tu luyện nội tâm đối với người Thiên ân sứ mạng ở Cơ Quan là rất cần thiết cho việc phổ truyền giáo lý Đại Đạo, nên hai năm liền 1981 và 1982, nhị vị Tôn Sư Lý Đại Tiên Trưởng và Đông Phương Lão Tổ mới ân cần dạy dỗ, nhắc nhở nhủ khuyên cặn kẽ để cho chúng ta trở nên người hướng đạo thuần thành đạo đức làm gương mẫu cho toàn Đạo.
Đến năm nay 2001, hai mươi năm đã trôi qua, chúng ta cần vô tư tự kiểm soát kiểm điểm lại nội tâm để nhận định coi tập thể Cơ Quan của chúng ta có tiến bộ theo khoảng thời gian đi qua đó chăng? Có kính trên nhường dưới, khoan dung cởi mở tha thứ cho nhau chưa? Chúng ta nên xét nét nghiền ngẫm từ câu từ chữ để sửa mình hầu trở nên hàng thánh thiện, xứng đáng là bực Thiên ân, không phụ lòng nhị vị Tôn Sư, nhứt là lời khuyến cáo của Đức Lý Giáo Tông để kiểm điểm nội bộ Cơ Quan xem chúng ta có chia nhóm, chia phe, có phạm giới cấm, có bỏ qui điều- tức Ngũ Giới Cấm, Tứ Đại Điều Qui và Thánh Dụ Qui Điều hay không; để không phụ công lao khổ chắt chiu dạy dỗ dắt dìu trên ba mươi năm dài của nhị vị Tôn Sư và không lỗi đạo với Thầy, với sự hứa nguyện khi thành kỉnh làm lễ bái mạng trước bửu điện trước khi lãnh nhiệm vụ.
Mong sao chúng ta cùng nhau nhịp nhàng đồng tiến nội tu, ngoại tu, nâng đỡ nhau trong tình huynh đệ và tình thương Vô Cực của Thầy Mẹ cho đẹp lòng Ơn Trên và làm gương sáng cho Đạo nhà.

         Trở lại Mục Lục