CHƠN DUNG ĐỨC KHỔNG TỬ

Đức Khổng Tử cùng với Đức Thích Ca Mâu Ni và Đức Lão Tử là Tam Giáo Đạo Tổ trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát sáng lập tại xứ Việt Nam để cứu rỗi nhơn loại còn đang trầm luân đọa lạc nơi chốn trần ai sông mê bể khổ.
Đức Khổng Tử sanh vào khoảng 551 trước công nguyên ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, và mất vào đời vua Ai Công, nước Lỗ, khoảng 478 trước công nguyên, thọ 73 tuổi. Ngài mất rồi, học trò thương khóc thảm thiết, ai cũng để tâm tang ba năm, lại có đến hơn 100 người làm nhà ở gần mộ Ngài đến hết tang.
Đức Khổng Tử dạy được 3000 môn đệ, trong đó có 72 vị xuất sắc, gọi là thất thập nhị hiền.
Đức Khổng Tử lấy đạo luân thường làm tôn chỉ của Đạo Ngài:
Luân là ngũ luân, năm giềng mối trong gia đình và xã hội: đạo vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em và bậu bạn. Thường là ngũ thường, gồm năm đức tánh ở nơi con người: nhơn, nghĩa, lễ, trí, tín.
Đạo luân thường do các Thánh hiền xưa để lại và chính Đức Khổng Tử san định và hệ thống hóa cho dễ giảng dạy và học hiểu.
Những sách của Khổng Giáo gồm có Tứ Thư: Đại Học, Trung Dung, Luận Tử và Mạnh Tử. Ngũ Kinh gồm có Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Nhạc và Kinh Xuân Thu.
Triết lý của Khổng giáo gồm hai phần: hình nhi hạ học và hình nhi thượng học.
Hình nhi hạ thuộc về phần công truyền, dạy cho tất cả hàng môn đệ về nhơn sinh triết học, học vấn, tu thân tề gia, xử thế tiếp vật, phục vụ nhơn sanh làm gốc.
Hình nhi thượng là phần tinh ba, tâm truyền của Khổng Giáo. Ngài chọn một số môn đệ có trình độ tri thức cao mà trao truyền đạo lý thâm sâu huyền bí của Tạo Hóa.
Bài nầy chúng tôi chỉ trình bày chơn dung của Đức Khổng Tử, Giáo chủ của Nho Giáo, gồm hai phần về tướng mạo và tác phong đạo đức của Ngài để chúng ta noi gương Ngài. Ơn Trên có dạy người tu hành muốn làm Tiên Phật thì phải học và bắt chước hành động gương mẫu của hàng Tiên Phật mới về sống chung được với các Ngài ở Bồng Lai Tiên cảnh.
1. Tướng mạo: Người cao lớn, có tướng ngũ lộ (mắt lồi, lỗ mũi rộng, lộ hầu, tai bạt, răng hở). Mặt to và có những vạch như quả dưa chín. Bàn tay hổ, ngực rùa, râu rậm, mồm rộng, miệng nói tươi, đi nhanh.
2. Tác phong: Ngài ôn hòa, nghiêm trang và kính cẩn. Uy mà không dữ, kính cẩn mà an vui tự nhiên. Lúc nào Ngài cũng khoan thai, ung dung và bao giờ cũng có cái vẻ mặt tự nhiên, tươi tỉnh an vui. Những khi ăn uống, nằm nghỉ, luôn ngay chính, kín đáo. Đối với vua quan, tới lui rất cung kính, điều gì cũng giữ cho hợp lễ phép, cẩn thận từ li từ tí để bày tỏ cái đạo của người quân tử. Lúc động lúc tĩnh đều có thể làm gương cho người bắt chước.
Ngài là người rất nhân hậu. Thấy ai đau đớn buồn rầu thì Ngài cũng động lòng thương xót. Ngồi ăn bên cạnh người có tang thì Ngài ăn không no. Ngày nào đã đi phúng điếu về thì suốt cả ngày không đàn hát (dù tính Ngài thích đàn hát).
3. Cái chí: Một hôm Thầy Tử Lộ, đệ tử ruột của Ngài, hỏi Ngài rằng: “Đệ tử muốn biết cái chí của Phu Tử thế nào?”Ngài trả lời rằng: “Lấy sự yên vui mà đối với kẻ già cả, lấy sự tin mà đối với bạn bè, lấy sự yêu mến mà đối đãi với trẻ thơ.”(Luận Ngữ, Công Dã Tràng)
4. Cách học: Ngài rất hiếu học. Ngài nói rằng: “Ta không phải là người sanh ra đã biết, chỉ là người thích đạo của Thánh hiền ngày trước, cố sức mà cầu học lấy được.”
Ngài hết lòng dạy bảo người ta. Ngài nói: “Thầm lặng nghĩ ngợi mà biết mọi lẽ, học mà không chán, dạy người mà không mỏi, ba điều ấy, ta có điều gì hơn người đâu!”Bất cứ điều gì, Ngài cũng để chí học cho hiểu, hoặc để biết điều hay mà theo hoặc để biết điều dở mà sửa mình.
Tánh Ngài rất hiếu học và không thẹn học hỏi với những kẻ khác ngang hoặc dưới mình. Ngài có cho biết: “Ta từ 15 tuổi đã có chí lo học, qua 30 tuổi mới biết rõ lễ, đến 40 tuổi thì hết mê lẫn…”
Ngài học điều gì cũng cẩn thận, không khinh suất. Ngài nói rằng: “Có người chẳng biết rõ nghĩa lý gì đã làm chứ ta thì không thế. Nghe nhiều, rồi chọn điều mà theo, thấy nhiều mà nhớ lấy, để xét cho rõ cái hay cái dở, thì cũng đã cho là biết vậy.”(Luận Ngữ, Thuật Nhi VII)
5. Cái lo: Bình sinh lúc nào Ngài cũng lo việc sửa mình cho ngay chính. Ngài nói rằng: “Đức của mình không sửa cho tốt, học của mình không giảng cho rõ, nghe điều nghĩa mà không theo được, nghe điều dở mà không sửa đổi được, đó là cái lo của ta vậy.”
6. Khiêm tốn: Ngài quả thật là một người chí thánh, chí chơn, nhưng Ngài vẫn khiêm tốn, không dám nhận mình là Thánh, là nhân. Ngài nói rằng: “Nếu bảo ta là Thánh, là nhân, thì ta sao dám đương, nhưng ta làm việc Thánh, việc nhân không chán, dạy người không mỏi, có thể bảo ta được thế mà thôi.”
7. Đối với học trò: Đức Khổng Tử rất cởi mở dễ dãi. Hễ ai theo đúng lễ thì không bao giờ Ngài từ chối dạy bảo. Sự giáo hóa của Ngài có cái chủ ý làm cho sáng cái đức sáng của người ta, chớ không phải chỉ đem cái biết của mình mà trao cho người ta. Ngài dùng cách làm cho người ta tự mình hiểu được mọi lẽ phải trái. Ngài nói rằng: “Ta có biết gì không? Không biết gì cả! Không biết gì cả! Có người quê kệch đến hỏi ta, ta không không như không biết gì, đem đầu đuôi trước sau mà nói, làm cho người ấy biết hết mọi lẽ.”(Luận Ngữ, Tử Hãn IX)
Đó thật là một cái phương pháp giáo hóa rất hay để mở rộng cái biết của người ta vậy.
Đối với học trò, không bao giờ Ngài làm việc gì mà không cho mọi người biết. Ngài bảo rằng: “Các anh tưởng ta có giấu gì các anh chăng? Ta không giấu các anh điều gì cả, ta không làm điều gì mà không cho các anh biết. Thực tế là vậy.”
Ngài ôn hòa và thành thực như thế, cho nên học trò rất đông, mà ai cũng yêu mến và kính trọng Ngài như cha sinh ra họ vậy.
Kết luận: Qua tác phong đạo hạnh trong đời sống thường nhựt, Đức Khổng Tử thấy Ngài không phải là một thường nhân mà chính là một Thánh nhân, thà chịu nghèo để sống thanh bần, không để cho danh lợi, địa vị quyền tước lôi cuốn, chi phối. Ngài thà từ quan về nhà dạy học trò bởi vì cái Đạo của Ngài thuộc vương đạo nên không được các vua chúa trọng dụng vì họ chuyên về bá đạo, thích chiến tranh, giết hại lẫn nhau, không tôn trọng đạo đức nhơn nghĩa. Tuy nhiên học thuyết của Ngài được lưu truyền khắp Á Đông, cả đến Tây Phương cũng nghiên cứu học hỏi. Ngài được sùng bái là “Vạn thế sư biểu”, tức tấm gương sáng cho ngàn đời sau noi theo.

 Trở lại Mục Lục