VÀI ĐẶC ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO

1. Không như các tôn giáo khác, Phật giáo không nói đến sự hiện diện của một Đấng tối cao, toàn tri, toàn năng, tạo hoá ra càn khôn vũ trụ với muôn loài vạn vật. Đức Phật Thích Ca chú trọng đến việc cứu khổ chúng sanh thoát khỏi tứ khổ (sanh, lão, bịnh, tử) của kiếp người hiện đang sống trên thế gian nầy – đó là điều thực tế cần giải quyết – và tránh trả lời những câu hỏi về Thượng Đế mặc dầu Ngài gốc là đạo Bà La Môn, một tôn giáo nhìn nhận có Thượng Đế Phạm Thiên (Brahman) là chúa tể muôn loài vạn vật chúng sanh.
Phật lấy ví dụ: Một người đang trúng một mũi tên, bị thương nặng mà không để cho người ta băng bó, trị thương liền, lại bắt người ta phải trả lời cho ông biết người bắn ông là ai, ở đâu, mũi tên từ đâu bắn đến và có tẩm thuốc độc không…
2. Phật vì lòng từ bi thương xót chúng sanh nên quyết tâm tìm ra phương pháp giải thoát con người ra khỏi những hệ lụy đau khổ của cuộc sống nơi trần gian, đồng thời chấm dứt vòng luân hồi sanh tử. Phương Pháp đó là Tứ Diệu Đế (bốn chơn lý cao thượng: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế) do chính Ngài đã chứng nghiệm bằng con đường Trung Đạo, cũng là đường lối tu hành (không thái quá cũng không bất cập) của Khổng giáo ngày xưa và Cao Đài giáo ngày nay, sau sáu năm lìa bỏ ngôi báu, dứt hẳn luyến ái thê nhi để vào rừng sâu tham thiền nhập định. Trước đó, Ngài tu theo phương cách kham khổ ép xác, nhưng Ngài không tìm thấy được đạo lý nhiệm mầu, nên thay đổi, chọn con đường Trung đạo là không thụ hưởng món ngon vật lạ nhưng cũng không hành xác khổ thân để phải bị mất sức làm ảnh
hưởng đến sự sáng suốt, minh mẫn của tinh thần.
3. Đức Phật dạy các đệ tử phải noi theo gương Ngài, phải tự lực. Thay vì van vái cầu khẩn đấng thần linh nào đó trợ lực thì kiên gan, trì chí, nhẫn nại để quán xét nội tâm chính mình (tức là tọa thiền) như Ngài đã thực nghiệm, đã giác ngộ mở được trí huệ sau 49 ngày thiền định thâm sâu. Nhờ Ngài kiên quyết thệ nguyện, nếu không ngộ được đạo lý nhiệm mầu Ngài không rời khỏi cội cây bồ đề dầu thịt nát xương tan.
4. Đức Phật khuyên đệ tử không nên lãng phí thì giờ và năng lực trong những học thuyết không lợi ích cho sự tiến bộ về tâm linh và thực hành đạo đức. Thế nên Ngài không giải quyết những vấn đề siêu hình, cũng không đề cập đến giáo lý bí truyền mặc dầu Ngài đã đắc quả chánh đẳng chánh giác Thích Ca Như Lai Phật.
5. Phật giáo có một chủ trương duy nhứt rõ ràng và thực tiễn là chấm dứt sự khổ cho chúng sanh. Phật khuyên các môn sanh hãy chú trọng ngay đời sống hiện tại, dứt bỏ mọi luyến ái, không hối tiếc những việc đã qua, cũng không khao khát vọng tưởng đến việc tương lai sắp đến.
Điểm đặc biệt của Đức Thích Ca, một nhà cách mạng vĩ đại của lịch sử tôn giáo thế giới, là đã phá tan được bốn giai cấp của chế độ đương thời Ấn Độ để giải phóng cho giới cùng đinh nghèo khổ.
Bốn giai cấp ấy gồm: thứ nhứt là giới Bà La Môn, thứ nhì là hàng vua chúa, thứ ba là giới tư bản thương gia, và sau cùng là giới nghèo khổ đói rách bị xã hội Ấn Độ khinh khi ruồng bỏ mà người Anh gọi là hạng không thể đụng chạm tới (intouchables). Đức Phật Thích Ca thâu nạp chung tất cả các đẳng cấp: vua chúa, quí tộc và cùng đinh dân giả vào hàng môn đệ bình đẳng ngang nhau trong cùng một giáo đoàn Phật tử.
6. Một điểm đặc biệt khác nữa là trì bình khất thực. Chính Đức Phật Thích Ca đã dám hy sinh từ chối mọi vinh hoa sang trọng để mặc áo vải bô, đi chơn không, đầu trần, và hằng ngày Ngài đích thân ôm bình bát đi khất thực. Hễ thập phương bá tánh bố thí vật gì thì nhận lấy, không được chê khen từ chối.
Quả thật là một đức nhẫn nhục vô cùng cao cả, từ tột đỉnh ngôi cao mà chịu hạ mình xuống dưới bực thấp hèn bình dân để ôm bình bát ăn xin. Đó là một sự hy sinh bản ngã quá lớn lao, khó thực hành, trừ phi là một vị Phật, Bồ Tát mới có thể thực hành được với tâm trạng bình thản. Đây là cách tập hạnh nhẫn nhục trong pháp môn Lục Độ Ba La Mật của Bồ Tát Đạo.
7. Đức Phật Thích Ca còn khuyến khích môn sanh của Ngài thực hành Tứ vô lượng tâm, mở hoát bốn cái tâm từ, tâm bi, tâm hỉ và tâm xả đối với mọi người, dầu cho đó là kẻ nghịch thù. Nhờ tuân hành lời dạy của Phật, nên trải qua trên 2500 năm, nhơn loại chưa bao giờ thấy máu đổ giữa các chi phái của đạo Phật hay giữa Phật giáo với các tôn giáo khác trên khắp thế giới.
8. Hơn nữa, trong Phật giáo không để cho quyền lực ép buộc con người phải theo Phật giáo hoặc mua chuộc quyến rũ bằng danh vị lợi quyền.
9. Đức Phật Thích Ca không khuyến khích môn sanh thờ phượng hay cúng kiến, giết thú để tế lễ cầu xin thần linh hộ trợ. Chính Ngài dạy trong kinh Kim Cang: “Nếu dùng sắc tướng âm thinh để cầu Ta, đó là tà đạo chớ không thấy được Như Lai.”
10. Về đức tin, Đức Thích Ca dạy môn sanh đừng vội tin lời nói của bất cứ người nào dầu là của Phật cũng vậy, nếu không hội đủ ba điều kiện: lời nói phải chơn thật dịu dàng dễ thương, đúng đạo lý, và phải phải hữu ích cho mọi người.
Phật giáo chính là một tôn giáo nhân bản (vị nhân sinh) và chỉ mưu cầu hạnh phúc hiện tại cho con người, lo giải thoát con người thoát vòng tứ khổ luân hồi với giải pháp thực tế là phải tự giác để tự cứu lấy mình với giáo thuyết cốt yếu là Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, chớ không nhờ người khác hay cầu khẩn thần linh một cách mê tín dị đoan bằng âm thinh sắc tướng.

 Trở lại Mục Lục