TỨ DIỆU ĐẾ VÀ CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO CỦA PHẬT GIÁO
Tứ Diệu Đế

Tứ Diệu Đế là bốn chân lý cao thượng căn bản của Phật giáo. Bốn chơn lý nầy do Ngài Cồ Đàm Sĩ Đạt Ta đích thân phát hiện sau 49 ngày thiền định thâm sâu dưới cội cây bồ đề ở giữa rừng sâu bên cạnh sông Lilani gần núi Vương Xá. Trước đó, suốt sáu năm trường, cùng với năm đạo sĩ, Ngài tu khổ hạnh ép xác kham khổ mà không thấy kết quả. Cho đến một hôm Ngài kiệt sức, ngất xỉu, bất tỉnh. Rồi Ngài tỉnh táo và khỏe khoắn trở lại nhờ uống một tô sữa pha với mật do bà vợ của ông Senani đem cho. Sau đó Ngài nhận ra rằng: tu khổ hạnh, ép xác cũng như cung phụng thái quá thể xác với món ngon vật lạ là hai thái cực không đem lại kết quả khả quan cho người tu hành tìm Đạo, nên Ngài chọn con đường Trung đạo là không thái quá, cũng không bất cập, ăn uống bình thường trở lại, nhờ đó tinh thần và thể xác được phục hồi khương kiện, giúp Ngài thiền định hữu hiệu.
Năm người đạo sĩ thấy Ngài đổi cách tu hành nên lìa bỏ Ngài đi xuống gần Bénarès để tiếp tục tu theo phép khổ hạnh. Còn Ngài nhứt định ngồi lại cội bồ đề và nguyện lớn: “Nếu ta ngồi đây mà không tìm ra đạo lý nhiệm mầu, không tìm ra lẽ huyền bí của vũ trụ vạn pháp thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không rời bỏ chỗ ngồi này.”
Sau khi đắc ngộ bốn chơn lý cao thượng, Ngài đi tìm 5 người bạn đạo sĩ để cho biết, bốn chơn lý diệu mầu ấy nhờ tri kiến trực giác mà chính Phật chứng ngộ được chớ không nhờ một ai chỉ dẫn. Bốn chân lý cao thượng ấy là:
1. Khổ đế (dukkha) là chơn lý về sự đau khổ hay phiền não vì có xác thân tứ đại nầy con người phải chịu trong vòng tứ khổ (sanh khổ, bịnh khổ, già khổ và chết khổ), không một ai trên thế gian nầy tránh khỏi cả.
Vì mưu sinh con người phải chạy lo cho sự sống còn nên phải chịu khổ vì nó. Đức Phật nhận thấy rằng ở thế gian ảo ảnh vô thường tạm bợ nầy không thể có hạnh phúc vĩnh viễn trường tồn, mới vui đó rồi lại buồn; theo hạnh phúc vật chất chỉ là một thỏa mãn tạm thời, khi ta vừa được thì nó lìa ta, dục vọng không bao giờ thỏa mãn được trọn vẹn vì luật biến dịch vô thường luôn luôn không ngừng nghỉ. Nói tóm tắt, chính cái xác thân này là nguồn gốc của sự khổ. Ta cần phải quan sát phân tách tỉ mỉ tận tường để nhận chân cái thật tướng của cái mà ta gọi là ta của ta. Thật ra chỉ đều là giả tướng, giả tạm vô thường, không bền bỉ. Biết vậy, tại sao chúng ta cứ ôm chầm, bám víu để rốt cuộc buông xả cho khổ thân? Nhà Phật gọi đó là vô minh, mê muội tối tăm nắm cái khoen đầu của thập nhị nhơn duyên để dẫn đến cái khoen cuối cùng là tử.
2. Tập đế là chơn lý cao thượng thứ hai: nguồn cội của đau khổ là ái dục hay luyến ái, bám víu.
Theo kinh Pháp cú, Phật dạy: “Do ái dục phát sanh lo âu. Do ái dục phát sanh sợ sệt. Người đã trọn vẹn thoát khỏi ái dục không còn lo âu, càng ít sợ sệt.”
Ái dục là một năng lực hùng mạnh luôn luôn ẩn ngầm trong mọi người, mọi chúng sanh và nguồn cội của bao nhiêu điều bất hạnh trong đời. Chính ái dục làm cho ta bám víu sự sống dưới mọi hình thức và do đó lôi cuốn ta phiêu bạt trong vòng luân hồi.
Cả hai khổ não và ái dục chỉ có thể tận diệt bằng cách đi theo con đường Trung đạo mà Đức Phật đã vạch ra để thành đạt hạnh phúc Niết bàn tối thượng.
3. Diệt đế là chơn lý cao thượng thứ ba, là sự chấm dứt toàn vẹn mọi hình thức đau khổ, tức là Niết Bàn, là mục tiêu của người tu hành. Mục tiêu này phải được thành tựu bằng cách tận diệt ái dục, từ bỏ mọi sự luyến ái với thế gian.
Chơn lý Diệt đế phải được chứng ngộ bằng cách trau dồi Bát chánh đạo là tám con đường chánh.
4. Thứ tư là Đạo đế, là con đường Trung Đạo của Phật giáo. Trung đạo vì nó tránh xa hai cực đoan của sự tu hành, một là ép xác khổ hạnh, hai là hưởng thụ sung sướng vật chất.
Bát Chánh Đạo – con đường Trung đạo
Bát chánh đạo (Đạo đế) gồm 8 yếu tố sau đây:
Chánh kiến là sự thấy biết chơn chánh, hiểu được nghĩa lý của Tứ diệu đế,
bốn chơn lý cao thượng về sự khổ.
Chánh tư duy là suy nghĩ chơn chánh.
Chánh ngữ là lời nói chơn chánh, hiền hòa.
Chánh nghiệp là hành động công minh, không gây khổ đau cho kẻ khác.
Chánh mạng là mưu sanh một cách chánh đáng, không vi phạm quyền lợi kẻ khác.
Chánh tinh tấn luôn luôn nghĩ, nói và làm những việc tốt lành càng tiến bộ hơn.
Chánh niệm là sự nhắc nhở thường xuyên, để không xao lãng việc nỗ lực diệt khổ đau.
Chánh định (thiền định) là sự lắng đọng tâm tư để được sáng suốt, yên tĩnh làm khai mở những năng khiếu siêu việt hầu cởi mở các vòng dây oan nghiệt, phiền não, đau khổ triền miên tức là giải thoát khỏi luân hồi sanh tử.Bát chánh đạo,
là con đường Trung đạo của Phật giáo, nhờ đó mà Đức Phật đã đắc quả Như Lai, vĩnh viễn hưởng cảnh Niết Bàn cực lạc     

  Trở lại Mục Lục