THẦN LINH HỌC VỚI GIÁO LÝ CAO ĐÀI

Qua quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển của Tòa Thánh Tây Ninh, người tín đồ Cao Đài được Đức Chí Tôn Cao Đài Thượng Đế cho biết nguyên do có cơ bút để lập Đạo tại Việt Nam Kỳ Ba này.
Thần Linh Học với giáo lý Cao Đài
Tham chiếu “Lịch trình hành đạo”của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, phần vụ trưởng cần phải nghiên cứu và tìm hiểu về: Phật Đạo, Bà La Môn giáo, Thích Ca giáo, Pythagore và phải hiểu về Thần Linh Học. Chúng tôi đã viết rồi về Pythagore, nay xin soạn thảo về Thần Linh Học.
Đêm 27-10-1926 (17-9 Bính Dần) có người Pháp hầu đàn cơ, Đức Cao Đài giáng dạy:
“Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát giáo Đạo Nam Phương: Nhơn loại hiện chịu đau khổ bởi nhiều cuộc tai biến, Thầy đã sai Allan Kardec, Flammarion cũng như Elie và Thánh Jean Baptiste là những bực Tiên Thánh báo tin ngày giáng sinh chấn động của Chúa Cứu Thế Jésus, nhưng chúng nó, đứa thì bị hành hạ, đứa khác bị giết chết, bởi ai? Cũng bởi loài người. Chính con của Thầy cũng bị các con giết mất... Nay Thầy phải tự tìm lấy một phương pháp huyền diệu hơn để thâu phục các con. Các con sẽ không còn chối cãi nữa được trước Tòa Phán Xét chung rằng Thầy không cứu vớt nhơn loại bằng những phương pháp công hiệu!”
Phương pháp công hiệu mà Thầy dùng đây là Thần Linh Học (spiritisme), một phương pháp huyền diệu hơn khoa học hiện đại để Đức Chí Tôn và chư Phật Tiên Thánh Thần khỏi mượn xác phàm để giáng trần dạy Đạo, mở Đạo mà chỉ dùng thánh linh (saint esprit) của các ngài mà thôi qua trung gian đồng tử (médium) để nói hoặc viết những lời dạy dỗ khuyến tu. Đạo Cao Đài được sáng lập và truyền bá mau lẹ ở Việt Nam là qua trung gian các đồng tử hay tiền bối phò loan thủ cơ chấp bút viết ra Thánh giáo được phổ truyền từ năm Khai Minh Đại Đạo (Bính Dần, 1926) đến nay rất dồi dào để người nương theo tu hành. Các vị tiền bối đọc sách Thần Linh Học của ông Allan Kardec xuất bản và áp dụng thể thức để cầu cơ buổi ban đầu để giao tiếp với các Đấng vô hình: Thầy và chư Phật Thánh Tiên. Phương pháp thông công này cũng được Thầy xác nhận trong đàn cơ đêm 15-12-1926 (TNHT, Quyển 1): “Thầy há chẳng có lời tiên tri rằng Thần Linh Học là một nền Đạo tương lai sao?”
THẦN LINH HỌC
Một cách tổng quát, Thần Linh Học là môn học nghiên cứu về các hiện tượng phát hiện giữa người sống và người đã quá vãng qua trung gian của các đồng tử là những người có khiếu đặc biệt để tiếp nhận những tin tức từ thế giới vô hình bằng lời nói hay chữ viết. Thần Linh Học đã có từ lâu nhưng được tổ chức có hệ thống khoa học vào khoảng thế kỷ 19. Ở Mỹ có Andrew Jackson Davis (1826-1910), Edgar Poe, sang qua Anh, kế vào Pháp mà người có uy tín là Rivail, dưới danh xưng là Allan Kardec (1804-1869). Mộ phần ông tại nghĩa địa Père Lachaise ở Paris, được người ngưỡng mộ đến thăm viếng và đặt hoa quanh năm đến nay.
Chúng tôi xin trích đăng lời giải thích của ông Allan Kardec, vị sáng lập ra Hội Thần Linh Học Pháp theo quyển Le Livre des Esprits mà chúng tôi có dịch và đăng vào tập san Cao Đài Giáo Lý xuất bản ở Munich (Đức): “Những Tiết Lộ Của Thần Minh”.
Theo ông Allan Kardec, một số các vị thần minh trình bày giáo lý của Thần Linh Học cho ông viết ra sách là các vị Thánh đã từng sống trên thế gian này như Saint Jean, Saint Louis, Saint Augustin, v.v… Ông viết: Chúng tôi ôn lại vắn tắt những điểm nổi bật của triết lý mà chư thần minh đã truyền bá cho chúng tôi để giải tỏa những điểm thắc mắc của một số người, đó là:
1. Về Thượng Đế: Thượng Đế là Đấng vô thỉ, vô chung, vĩnh cửu, bất diệt, vô hình, là Đấng duy nhứt toàn năng, công bình, toàn thiện và đức háo sanh của Ngài vô cùng, vô lượng. Ngài sáng tạo nên càn khôn vũ trụ gồm tất cả vạn loại chúng sanh động và bất động, vật chất hữu hình và vô hình phi vật chất. Những loài vật chất lập thành thế giới hữu hình, thấy được và những loài phi vật chất lập thành thế giới vô hình, nghĩa là thế giới của các thần linh.
Thế giới vô hình là thế giới thông thường nguyên thỉ, bất diệt đã có lâu đời và tồn tại vĩnh viễn luôn luôn.
Thế giới vật chất hữu hình không quan trọng, chỉ ở vào hàng phụ thuộc. Sự hiện hữu của nó bị đình chỉ hay không bao giờ tồn tại, không thể làm biến đổi được tính chất của thế giới thần linh.
Các thần linh khi giáng thế trần mang tạm một cái vỏ vật chất là xác thân hữu hình, khi chết, họ lìa bỏ xác thân và được tự do giải thoát.
2. Về con người: Trong số những loài mang thể xác, Thượng Đế chọn loài người để cho những linh hồn đã đạt được sự tiến bộ đến mức nào đó nhập vào xác thân con người. Nên con người đứng vào hàng thượng đẳng chúng sanh, biết đạo đức và thông minh hơn các loài vật khác.Linh hồn là chơn linh nhập vào xác thân hình hài là cái vỏ bọc bên ngoài.
Trong con người có 3 vật thể: (1) Xác thân hữu chất, hữu hình tương tợ như của loài thú vật mà sự hoạt động giống nhau; (2) Linh hồn phi vật chất, vô hình. Linh hồn nhập vào tạm trú nơi xác thân như nhà trọ trong khi còn ở trần gian; (3) là sợi dây liên lạc giữa linh hồn và xác thân làm trung gian cho thế giới vật chất và thế giới tinh thần.
Như vậy con người có 2 trạng thái:Với xác thân,
nó hoạt động theo thú tánh vì bản năng của nó, với linh hồn, nó hoạt động như một thần linh (périsprit).
Sợi dây liên lạc hay nhị xác thân nối liền xác thân và linh hồn, là một lớp áo bao bọc bán hữu hình (xem TNHT, đàn ngày 08-6 Bính Dần, 17-7-1926): Chơn Thần là nhị xác thân thiêng liêng, chết làm tiêu diệt cái lớp áo thô kệch bên ngoài và nó sẽ giữ lại cái lớp áo thứ nhì để làm một thể phách éther vô hình đối với chúng ta trong tình trạng bình thường, nhưng nó có thể cho chúng ta bất chợt thấy được và rờ đụng được như đã có xảy ra với các hiện tượng hiện hình của thần linh ma quỷ.
3. Về thần linh: Không phải là một trừu tượng mập mờ, mà chỉ có tư tưởng mới nhận thức được, đó là một thực thể có giới hạn mà trong vài trường hợp chúng ta có thể cảm nhận được bằng tai, mắt và đụng chạm rờ mó được.
Các đấng thần linh thuộc nhiều hạng khác nhau và không đồng đều tùy theo quyền năng, trí thông minh, sự hiểu biết và đạo đức của họ.
Những đấng sắp vào hàng đầu là những thần linh thượng đẳng, trội hơn các đấng khác do đức tánh tốt lành, sự hiểu biết rộng rãi của họ và sự gần gũi với Đức Thượng Đế. Tình cảm họ trong sáng, tính họ ưa thích làm điều thiện.
Đó là những thiên thần hay thần minh tinh khiết.
Có những hạng thần linh khác xa lần sự toàn thiện, đó là những hạng thần linh hạ đẳng còn mang nặng những tính xấu xa, tham mê phàm tục như là tánh ghen ghét, tánh si mê, tánh đố kỵ, tánh kiêu căng và họ ưa thích làm những điều tội ác.
Trong số đó có những hạng không tốt lắm và cũng không xấu lắm, dường như là những việc làm thông thường của họ là gây rối ren và quấy phá vô trách nhiệm hơn là làm điều ác,
tà vạy. Đó là hạng thần linh trung đẳng.
Chư thần linh không trụ vĩnh viễn vào một hạng hoài. Tất cả đều phải lo tiến hóa trải qua những trình độ của các đẳng cấp thiêng liêng. Sự tiến hóa đó đạt được nhờ sự luân hồi tái kiếp và sự bắt buộc đối với những kẻ phải trả nghiệp của họ đã gây tạo và đối với những người khác được giao sứ mạng thiêng liêng giáng trần.
Đời sống vật chất ở thế gian là những thử thách mà họ phải gánh chịu, xuyên qua nhiều kiếp luân hồi cho đến khi nào họ được trọn lành hoàn toàn. Đó là loại rây để sàng sảy, thanh lọc họ mà sau đó họ được ít hay nhiều thanh khiết hơn.
Khi lìa khỏi xác phàm, linh hồn trở về với thế giới của chư thần linh mà từ đó họ ra đi để lập lại một đời sống vật chất mới; trong thời gian đó linh hồn ở trong tình trạng thần linh đi lang thang không có định sở, sau một thời gian dài hay ngắn
Vì linh hồn phải trải qua nhiều kiếp luân hồi nên chúng ta kết luận là tất cả chúng ta đều trải qua nhiều kiếp, nhiều hay ít hoàn hảo hơn hoặc ở thế giới này hoặc ở thế giới khác.
Chư thần linh luôn luôn hóa thân vào loài người và là một sự sai lầm nếu tưởng rằng linh hồn hay thần linh hóa thân vào xác của một con thú. Những kiếp sống khác nhau của thần linh ở thế gian là luôn luôn tiến hóa, chớ không bao giờ thoái hóa. Sự tiến hóa được mau lẹ tùy theo những nỗ lực mà con người gắng sức để đi đến sự tận thiện, tận mỹ.
Những đức tánh tốt của con người là những đức tánh tốt của thần linh hiện thân,
như vậy người tốt là hiện thân của thần linh tốt và người xấu xa là hiện thân của thần linh không trong sạch.
Linh hồn đã sẵn có đặc tính riêng của nó trước khi chuyển kiếp và nó giữ lại sau khi lìa bỏ xác phàm.
Khi trở về với thế giới thần linh, linh hồn gặp lại những người mà nó đã biết khi ở thế gian và tất cả những tiền kiếp sẽ hiện ra nơi trí nhớ của nó với những kỷ niệm của tất cả những việc tốt hay việc xấu mà nó đã tạo nên.
Chơn linh giáng trần bị ảnh hưởng bởi vật chất. Người nào mà vượt qua khỏi ảnh hưởng đó bằng sự nâng cao và thanh lọc được linh hồn tương tợ như các thần linh tốt mà họ sẽ được sống chung một ngày kia. Người nào mà để cho dục vọng xấu xa chế ngự và vui thích trong sự thỏa mãn những ham muốn đê hèn, thì giống như những thần linh bẩn thỉu để cho thú tánh lấn áp.
Chư thần linh chuyển kiếp ở trong nhiều thế giới khác nhau trong càn khôn vũ trụ. Những thần linh không chuyển kiếp hay lang thang không ở nơi nào nhứt định, họ ở cùng khắp không gian và ở bên cạnh chúng ta, họ thấy chúng ta. Đó là cả một dân số vô hình hoạt động chung quanh chúng ta.
Chư thần linh gây ảnh hưởng luôn luôn trên thế giới tâm linh và cả trên thế giới hữu hình, họ tác động trên vật chất, trên tư tưởng và hình thành một trong những quyền lực của thiên nhiên, tác động cụ thể của một số hiện tượng, đến nay chưa giải nghĩa được hay giải nghĩa không đúng và chỉ có thể tìm được một giải đáp thuần lý với khoa Thần Linh Học mà thôi.
Những sự liên lạc giữa thần linh và con người thì thường xuyên. Những thần linh tốt khuyên chúng ta làm lành, nâng đỡ chúng ta trong những thử thách khảo đảo của đời sống và giúp chúng ta chịu đựng bằng sự can đảm và sự nhẫn nhục. Những thần linh xấu xúi chúng ta làm điều quấy, đối với họ, họ cho là thích thú khi thấy chúng ta thất bại, ngã quỵ để chúng ta đồng hóa nhập bọn với họ.
Những sự tiếp giao của thần linh với con người có khi bí ẩn hoặc phô bày. Những sự giao tiếp bí ẩn xảy ra với ảnh hưởng tốt hay xấu mà họ tác động đến chúng ta trong khi chúng ta không hay biết, chỉ có chúng ta cần phải suy xét để phân biệt những cảm hứng tốt hay xấu. Những sự tiếp giao được phô bày bằng chữ viết, bằng tiếng nói hay sự biểu lộ hữu hình, thường thì qua trung gian đồng tử để cho thần linh dùng làm phương tiện.
Thần linh biểu lộ thình lình hoặc có sự kêu gọi hay khẩn cầu. Người ta có thể gọi cầu tất cả thần linh. Những thần linh xuất phát từ những người tối tăm cũng như những thần linh xuất phát từ những nhân vật nổi tiếng, danh vọng nhứt chẳng cần thuộc vào thời gian nào mà những người đó đã sống, những vong linh của cha mẹ chúng ta, của bạn bè hay của những kẻ thù chúng ta. Chúng ta có thể nhận được qua những chữ viết hay tiếng nói, những ý kiến khuyên bảo, tin tức về hoàn cảnh của họ ở thế giới bên kia, về cảm nghĩ của họ đối với chúng ta, cũng như những tiết lộ mà họ được phép cho chúng ta biết.
Chư thần linh thường hay đến với chúng ta vì lý do có cảm tình, và tính cách đạo đức của giới gọi cầu họ, thần linh thượng đẳng hay thích những buổi họp mặt nghiêm chỉnh vì nơi đó tình yêu thương được tràn ngập và tấm lòng chơn thật ham muốn học hỏi để tự thăng hoa tiến hóa. Sự hiện diện của các ngài làm cho thần linh hạ đẳng phải xa lánh. Trái lại họ nhập vào tự do và hoạt động tự do trong giới người tầm phào bá láp hay chỉ do sự hiếu kỳ và đâu đâu những bản năng xấu xa đó cũng gặp gỡ nhau. Thay vì nhận được những ý kiến tốt, những tin tức hữu ích, người ta chỉ nghe toàn những chuyện vô ích, vô giá trị, những điều láo xược, những sự giễu cợt hay giả mạo, chúng thường hay mượn tên các đấng cao thượng để dễ bề gạt gẫm dẫn dắt chúng ta lầm lạc vào đường bàng môn tả đạo. Sự phân biệt thần linh tốt hay xấu hết sức rất dễ dàng: lời nói của các đấng thượng đẳng luôn luôn đúng đắn, cao thượng, chứa đựng đạo đức tối cao, vượt qua mọi ham muốn đê hèn thấp thỏi, những lời khuyên bảo của họ đầy sự minh triết tinh khiết và luôn luôn có mục đích lợi ích cho con người, giúp con người thăng hoa.
Còn lời nói của thần linh hạ đẳng trái lại không có mạch lạc đầu đuôi, mâu thuẫn, thô lỗ và tục tĩu nữa. Có khi chúng muốn nói những điều tốt và đúng đắn, nhưng chúng chỉ thường nói những điều không đúng, vô lý có tánh cách ranh mãnh và ngu xuẩn. Chúng lợi dụng sự khờ khạo và đùa giỡn với những người hay hỏi chúng bằng cách đề cao tánh kiêu ngạo, chiều theo những điều ham muốn và những ước vọng giả tưởng.
Nói tóm lại, những sự giao tiếp nghiêm chỉnh đúng với ý nghĩa của nó, chỉ có được trong những tổ chức nghiêm chỉnh, nơi mà nhân viên điều hòa hợp với nhau và đồng hiệp nhứt tư tưởng để làm điều tốt lành. Giáo lý của thần linh thượng đẳng, nói tóm tắt cũng như giáo lý của Đấng Christ trong Phúc Âm: “Hãy làm cho người khác những điều mà chúng ta muốn người khác làm cho chúng ta như vậy.” Có nghĩa là hãy làm điều phải và đừng làm điều quấy. Con người tìm thấy trong nguyên lý đó, cái qui tắc tổng quát để xử sự trong mọi hoạt động dầu nhỏ nhít. Họ nhắc chúng ta biết rằng tánh ích kỷ, tánh kiêu căng, dục vọng và si mê đưa chúng ta gần với bản năng thú vật vốn thích vật chất. Con người ở trần thế này lìa bỏ vật chất bằng cách rời xa những sự vui chơi vô lý và phát triển tình thương nhân loại, sẽ gần với bản năng thiêng liêng. Mọi người chúng ta phải tìm làm cái gì có ích lợi tùy theo khả năng và phương tiện mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta. Kẻ mạnh và quyền thế phải có bổn phận đỡ nâng và bảo vệ kẻ yếu, bởi vì kẻ nào lợi dụng sức mạnh và quyền lực của mình để đàn áp đồng loại là phạm luật Thiên điều.
Sau cùng, chư thần minh dạy chúng ta rằng ở thế giới thần linh không có gì giấu được, tánh ích kỷ sẽ bị phơi trần và tất cả sự xấu xa tệ hại đều bị phát hiện. Sự phát hiện được rõ ràng không thể giấu giếm những lúc chúng ta hành động tội lỗi. Đó là những sự thưởng phạt dành sẵn cho chúng ta; mà chúng ta không biết được khi còn ở thế gian. Nhưng thần linh cũng dạy cho chúng ta biết rằng những tội lỗi mà chúng ta đã phạm không phải không thể tha thứ được và có thể được xóa bỏ do sự ăn năn chuộc tội. Con người có nhiều cách chuộc tội trong những kiếp sống khác nhau để giúp cho họ tiến hóa, tùy theo ý muốn và sự gắng sức của họ trên con đường tiến hóa để đi đến chỗ tận thiện, tận mỹ, toàn hảo. Đó chính là mục đích cuối cùng của con người.
Ông Allan Kardec kết luận như sau: Đó là sơ lược triết lý Thần Linh Học, do sự sưu tập và kết hợp những lời giáo huấn của chư thần linh thượng đẳng truyền dạy.
Giáo lý Cao Đài do Đức Chí Tôn Thượng Đế và chư Phật Tiên Thánh Thần giáng cơ truyền dạy, cũng qua trung gian đồng tử bằng lời nói hay bằng chữ viết
để độc giả và điển ký chép lại.
Chư thần linh truyền đạt triết lý Thông Linh Học cho ông Allan Kardec cũng là những vị thánh triết phương Tây như các Thánh Saint Jean, Saint Louis, Saint Augustin, v.v... nên giáo lý rất minh triết cao thượng, cho chúng ta biết ở thế giới vô hình có nhiều vong linh hạ đẳng mà giáo lý Cao Đài gọi là lũ quỷ ma nó chực chờ để thử thách phá khuấy người tu còn háo danh, tham quyền chức, địa vị lãnh đạo. Như ở Cao Đài giáo gặp phải quỷ vương lạm dụng cơ bút, giả danh Tiên Phật để phá đạo, khảo thí chức sắc tín đồ nhẹ dạ, chúng cũng giả xưng danh các cấp cao gạt gẫm người tu để lập công với quỷ vương. Học giáo lý Thần Linh Học, chúng ta lại càng trân trọng giữ mình hơn mặc dầu Thầy cũng cho biết là Thầy đã thả lũ quỷ vương cắn xé các con, nhưng Thầy đã cho bộ thiết giáp che thân là đạo đức các con.
Giáo lý Thần Linh Học cũng nhìn nhận là con người phải chấp nhận luật luân hồi chuyển kiếp theo triết lý Đông Phương để học hỏi những kinh nghiệm, để luôn luôn tiến hóa theo Thiên luật, nếu không sẽ bị thoái hóa và đào thải nơi u minh địa. Triết lý Tây Phương gặp triết lý Đông Phương nhờ Thần Linh Học với phương pháp thông công giữa hai giới sắc không; vô vi hợp tác với hữu hình để người tu hành được học hỏi thêm về cõi vô hình bất tiêu, bất diệt, là nơi linh hồn trú ngụ vĩnh viễn trường tồn.
Bích chương cổ động Hội Nghị Thông Linh Học Thế Giới lần thứ Tư, kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Allan Kardec, tổ chức tại Paris, Pháp, 2004
Giáo lý Thần Linh Học còn cho biết con người ở thế gian vẫn luôn luôn có thần linh hộ mạng, giúp đỡ tránh làm điều tà vạy và khuyến khích làm việc thiện từ như giáo lý Cao Đài chủ trương Thiên nhân hiệp nhứt, nhưng đồng thời cũng luôn luôn có những thần linh xấu chực chờ xúi biểu, đốc thúc con người gây tội lỗi, để bị đày đọa luân hồi. Hãy khôn ngoan chọn lấy chánh đạo, vì thế con người cần phải tu, như lời khuyên của Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Đại Tiên Trưởng

  Trở lại Mục Lục