CUỘC KHẢO THÍ TUYỂN SINH VÀO TU VIỆN PYTHAGORE

Trong “Lịch trình hành đạo” của Đức Lê Đại Tiên ban cho Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, nơi phần huấn luyện Giáo sĩ, Vụ trưởng, “Pythagore giáo” được sắp cùng một hạng mục với Phật giáo, Thích Ca giáo, Bà La Môn giáo, có nghĩa Pythagore cũng được xem là một tôn giáo.
Pythagore giáo xuất xứ từ Hy Lạp, chịu ảnh hưởng rất sâu sắc khoa bí truyền của Ai Cập miền châu Phi là một nền văn minh vĩ đại, có trên 6000 năm trước công nguyên với các kỳ quan kim tự tháp hùng vĩ chôn giấu xác của các Pharaon, chứa đựng những điều huyền bí mà các nhà khoa học hiện đại vẫn chưa khám phá hết. Như Bà La Môn và Phật giáo, giáo lý Pythagore nhìn nhận con người có hai phần thể xác và linh hồn. Thể xác được linh hồn tạm mượn, sau một thời gian hữu hạn sẽ bị tan rã còn linh hồn thì vĩnh cửu, bất tiêu bất diệt. Linh hồn phải chịu luân hồi chuyển không biết bao nhiêu kiếp lên xuống trần gian để học hỏi, trau luyện hầu tiến hóa cho đến toàn thiện, toàn mỹ,
và toàn chơn để trở nên những vị trời vĩnh viễn ở trên thượng giới.
Pythagore giáo có hai phần: (1) Ngoại giáo dạy về nghi lễ, nhơn đạo (hiếu thảo cha mẹ, hòa thuận anh em, bằng hữu, và làm một công dân tốt trong nước). Phải học hỏi đạo lý để trở nên con người hữu ích cho xã hội, quốc gia. (2) Nội giáo thuộc khoa học huyền bí dạy về bí mật vũ trụ, đời sống tâm linh, linh hồn và sự tiến hóa ở cõi vô hình, v.v... Thí sinh phải chịu sự thử thách khảo thí khốc liệt mới nhập được vào đạo viện Pythagore và phải vượt qua bốn cấp bực thật khổ hạnh, gian lao và nguy hiểm vô cùng.
Pythagore sau khi đã học và tham khảo các giáo thuyết với các nhà hiền triết Hy Lạp, vẫn chưa tìm thấy điều mong muốn nên ông di cư qua Ai Cập thuộc Bắc Phi, vì nơi đây nổi tiếng về các bí giáo huyền môn, mà không phải ai ai cũng dễ thọ giáo được vì có nhiều điều kiện rất gắt gao. Pythagore học đạo ở Ai Cập 22 năm, lúc Ai Cập bị Ba Tư chiếm đóng, ông cùng với một số giáo sĩ bị đày sang Babylone. Sau 12 năm ông mới được trở về Hy Lạp, tổng cộng ông xa xứ 34 năm. Ở Babylone, ông bị tập trung với nhiều giáo sĩ thông thái của ba tôn giáo lớn là Bà La Môn, Ba Tư giáo (Bái hoả giáo) và Do Thái giáo. Họ là những người cương quyết hy sinh bảo thủ tôn giáo của mình. Pythagore học được rất nhiều giáo lý cao siêu từ các vị ấy, nên sau này môn phái của ông chủ trương thống nhứt các tôn giáo. Theo ông, ngoại giáo công truyền chỉ khác phần nào về nghi thức cúng kiến chớ về nội giáo huyền môn bí truyền chỉ có một lý duy nhứt mà thôi, vì không có sắc tướng âm thinh. Ông chủ trương dung hòa tổng hợp giáo lý các tôn giáo.
Ông trở về Hy Lạp thì đất nước bị chiến tranh tàn phá, kẻ nghịch xâm chiếm. Không được tự do truyền đạo, ông sang tây nam nước Ý (lúc ấy đặt dưới sự bảo hộ của Hy Lạp) để mở đạo tại tỉnh Crotone và xây dựng một đạo viện để đào tạo môn sanh truyền bá giáo lý của ông. Đức độ và uy tín của ông lan tràn khắp các vùng gần đó. Ông đi đến đâu, nói gì, đều được chánh quyền và dân chúng nể nang, tôn trọng, coi như thánh sống.Khảo thí tuyển sinh vào đạo viện Pythagore
Muốn được thâu nhận vào đạo viện Pythagore, người thanh niên phải trải qua một cuộc khảo thí, thử thách rất gắt gao về đức tin và lòng can đảm, kiên nhẫn chịu nhục mà không nao lòng chùn bước trên đường cầu đạo. Trước cửa đạo viện,
dưới pho tượng thần Hermès, người ta đọc được hàng chữ: ESKATO BÉBÉLOI
(những người ngoại đạo hãy thối lui).
Những thanh niên muốn được nhận vào đạo viện, phải qua một thời gian thử thách và tập sự. Được cha mẹ hay một người thầy giới thiệu, người ta cho phép anh ta vào một sân vận động thể dục của giáo hội và được chọn môn thể dục nào vừa sức mình. Vận động trường nơi này không giống với ở ngoài, không có tiếng la lớn dữ dội, không có tụ tập thành toán ồn ào, không có sự khoe khoang, huênh hoang khoác lác dị hợm, không có sự biểu diễn sức mạnh vô ích trên sân cỏ, không khiêu khích lẫn nhau bằng cách khoe các bắp thịt. Ở đây, những nhóm thanh niên lễ độ và nghiêm nghị cùng đi dạo từng cặp trong sân dưới ngưỡng cửa các cổng cao rộng. Một cách nhã nhặn và giản dị, họ được mời tham gia cuộc nói chuyện như những người cùng giáo hội, không có những cái nhìn tò mò, ngờ vực hay nụ cười ranh mãnh. Người ta tập chạy đua, ném dĩa. Pythagore cấm đoán gắt gao trong đạo viện sự đấu vật vì ông cho là dư thừa và nguy hiểm, và còn là nguyên nhân làm nảy nở tánh kiêu hãnh và thù hận. Những người được chỉ định thực hành những đức tánh tốt đẹp của tình huynh đệ bằng hữu không được khởi sự bằng cách vật nhau và lăn tròn trong đống cát như loài thú dữ. Một người anh hùng thật sự biết tranh đấu với sự can đảm mà không giận dữ và phải xem sự ganh ghét làm hạ thấp phẩm giá của mình trước bất cứ kẻ nghịch nào. Người mới đến nghe những lời dạy dỗ của thầy do các tập sự lập lại và lấy làm hãnh diện truyền đạt sự khôn ngoan đó. Thí sinh được khuyến khích bày tỏ ý kiến của mình và được tự do nói nghịch lại. Nhờ sự đốc thúc đó, người thanh niên liền để lộ cái chơn tướng của chính mình. Sung sướng được có người nghe và hoan nghinh,
anh ta tha hồ nói ba hoa dài dòng và ra bộ tịch tự do.
Trong lúc đó, những vị thầy theo dõi khít khao mà không bao giờ rầy anh ta. Thình lình Pythagore đến để nghiên cứu những bộ tịch và những lời nói của anh ta. Ông để ý đặc biệt cách đi đứng và cái cười của những thanh niên. Cái cười, theo ông, biểu lộ tánh tình một cách không giấu giếm chối cãi được và không một sự che đậy nào có thể làm đẹp được cái cười của một kẻ hung ác. Ông cũng xem tướng mạo người để đoán xét một cách sâu xa tâm hồn người đó. Bằng những xét soát tỉ mỉ này, người thầy có được một nhận định rõ ràng về những môn đệ tương lai của mình. Sau vài tháng, đến những sự thử thách quyết định. Bắt chước theo sự tuyển chọn để điểm đạo môn sanh của Ai Cập, nhưng nhẹ nhàng hơn và đáp ứng với bổn tánh người Hy Lạp vì tánh họ dễ xúc động không chịu đựng được những cảnh chết chóc rùng rợn trong các hang động Memphis và Thèbes của Ai Cập. Người ta bắt thí sinh ngủ trong một cái động ở ngoại ô thành phố mà người ta tin rằng có quái vật và ma quỉ hiện hình. Người nào không có sức chịu đựng những cảnh ảm đạm của sự cô độc và đêm tối âm u mà từ chối không vào đó và bỏ trốn trước trời sáng thì bị coi là quá yếu đuối và bị đuổi ra.
Thử thách tâm linh còn quan trọng hơn
Bất thần, không được chuẩn bị trước, một buổi sáng đẹp trời, thí sinh bị nhốt trong một phòng hẹp buồn tẻ và trống trơn. Người ta đưa cho anh ta một tấm bảng đá và lạnh lùng ra lịnh, bảo tìm cho ra được ý nghĩa của một biểu tượng Pythagore thí dụ như: hình tam giác lồng trong một hình tròn có nghĩa gì? hay là tại sao hình khối 12 mặt ở trong hình cầu là con số của vũ trụ? Anh ta bị giữ hai giờ đồng hồ trong phòng ấy với một bầu nước và một ổ bánh mì khô. Sau đó, người ta dắt anh ta đến một phòng trước những người tập sự tụ họp nhau lại. Trong hoàn cảnh đó, họ được lịnh chế nhạo không thương xót người vô phúc đang bực tức và đói khát, đứng trước mặt họ như một tội nhơn. Họ bảo: Đây là người hiền triết mới. Sắc diện của anh ta sẽ sáng rỡ. Anh ta sẽ thuật lại cho chúng ta những sự tham thiền của anh ta. Đừng giấu chúng tôi những gì anh đã khám phá được. Anh sẽ thuật lại đầu đuôi những biểu tượng đó. Còn một tháng nữa dưới chế độ này và anh sẽ trở nên một vị thánh lớn.
Đó là lúc ông thầy chăm chú khảo sát thái độ và diện mạo của thí sinh. Phẫn uất vì bị bỏ đói, bị nhiếc mắng và tủi hổ vì không thể giải đáp được một công án khó hiểu, anh ta phải cố gắng rất lớn để làm chủ được chính mình. Có người khóc ngất như điên cuồng, có người trả lời với những lời lẽ thô tục, có người không tự chủ được đập bể bảng viết, giận dữ mắng tưới vào trường, vào thầy và các môn sanh của họ. Pythagore liền xuất hiện và ôn tồn, trầm tĩnh nói rằng vì các người chịu đựng không nổi sự thử thách về lòng tự ái nên được yêu cầu trở về ngôi trường nơi họ phải học lại tình bằng hữu và sự kính trọng các thầy là những đức tính căn bản nhất.
Thí sinh bị phê bình hổ thẹn ra đi và về sau có khi trở thành kẻ thù nguy hiểm cho giáo hội. Như trường hợp Cylon, sau này đã cầm đầu dân chúng chống môn phái Pythagore và làm phá sản giáo hội. Trái lại, những người nào chịu đựng nổi những sự công kích một cách can đảm, đáp trả lại những sự khiêu khích bằng những sự suy nghiệm chính đáng và sáng suốt, tuyên bố sẵn sàng chịu đựng lại 100 lần sự thử thách, để nhận được một phần nào của sự minh triết, thì họ được long trọng thâu nhận vào trường dự bị và nhận được những lời khen tặng nồng nhiệt của những bạn đồng môn mới.
Đây chỉ mới là thời kỳ thử thách đầu tiên để tuyển chọn môn sinh chính thức được vào tu học nơi đạo viện của giáo phái Pythagore. Để được nhập đạo viện, môn sinh còn phải trải qua bốn cấp bực nữa của huyền học bí truyền, còn phải gian lao khổ cực và nguy hiểm hơn mới được chính thức là một giáo sĩ của Pythagore giáo và được phép truyền đạo của Ngài.

Trở lại Mục Lục