ĐỨC CHÚA JÉSUS CHRIST ĐẾN VỚI ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Trong đàn cơ đêm lễ kỷ niệm Đức Giê Su Ki Tô (Jésus-Christ) giáng sinh, 24 tháng 12 năm 1965 tại Huờn Cung Đàn ở Vĩnh Hội - Saigon, Đức Gia Tô Giáo Chủ cho bài thi:

“Thích, Nho, GIA, Lão một đường về,
Chánh tín TÔ bồi thoát muội mê;
Độ thế GIÁO dân tùy mỗi xứ,
Một trời CHỦ tể khắp tư bề.”

Khoán tâm bài thi, ta đọc được danh xưng của Ngài là Gia Tô Giáo Chủ.
“… Jésus Christ, ta chào các hướng đạo Việt Nam, tín đồ của Thượng Đế. Ta lấy làm vui mừng đến chứng lễ Giáng Sinh của Ta ở lòng tốt đẹp của các người, và cũng vui mừng nhìn thấy một dân tộc nhỏ đã đứng lên nói được sự thương yêu, tình nhơn loại trong hòa đồng đạo giáo trên thế giới ngày nay và cũng sẽ nói những đám cỏ non xanh rờn rợn, những dòng suối mát trong lành đang lâng lâng chảy. Thiên sứ sẽ mang các cổ xe chở đoàn chiên từ đông sang tây, từ nam sang bắc để kêu lên những tiếng vui mừng ngoan ngoãn, dưới sự phát ban công bình của Đức Chúa Trời tức Thượng Đế mà không còn ai giành giựt cắn xé nhau nữa. Thượng Đế cứu thế sẽ đến với các ngươi, bàn tay lành đổ phép mầu cho các ngươi được sáng suốt trong luật công bình của Thượng Đế.
Ta muốn nói: các Đấng cứu thế ngày xưa đã hy sinh với lẽ công bình, thì ngày nay không có khác. Ta hy sinh trong sự công bình của Đức Chúa Trời cũng như các hướng đạo Việt Nam đã và sẽ hy sinh trong luật côngbình của Trời, tức Đấng Cao Đài cứu thế ngày nay vậy!
Hy sinh để làm sáng tỏ lẽ công bình cho thế gian, cho nhơn loại.

Chính Ta đã hiến mình thọ khổ,
Cho loài người biết chỗ công bình,
Dù rằng giáo chủ toàn linh,
Cũng do các luật công bình mà thôi.
Ta là một trong trường nhơn loại,
Cùng thế gian Ta phải gánh gồng;
Thà cam chịu đổ máu hồng,
Gương hy sinh để nhắc lòng hy sinh.”

Nơi câu đầu của bài thi, Đức Gia Tô Giáo Chủ minh xác là bốn tôn giáo lớn hiện hữu: Thích là Thích giáo hay Phật giáo, Nho là Nho giáo hay Khổng giáo, Lão là Lão giáo hay Tiên giáo đều cùng đi chung một con đường là dắt đưa nhơn sanh về nẻo đạo, trở về với Đức Thượng Đế Chúa Trời. Ngài lại xác nhận: Ta muốn nói các đấng cứu thế ngày xưa (như đức Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử…và chính Ngài) đều đã hy sinh trong lẽ công bình của trời để cứu thế, độ dân; cũng như ngày nay các hướng đạo ở các tôn giáo hiện hữu không có khác sứ mạng, chỉ có khác là thời gian xưa và nay, nhưng mục đích duy nhất là cứu đời độ thế mà thôi! Thế nên tôn chỉ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ngày nay là qui nguyên tam giáo, Gia Tô giáo nằm trong Thánh giáo nên chỉ kể có ba, hay muốn nói rõ hơn là tứ giáo "Thích, Nho, Gia, Lão một đường về".
Câu thứ ba trong bài thi: "Độ thế giáo dân tùy mỗi xứ", có nghĩa là các Đấng Giáo Tổ khi xưa lãnh sứ mạng của Thượng Đế giáng trần, tùy theo dân tộc của mỗi xứ, phong tục tập quán của mỗi địa phương mà hướng dân vi thiện, tránh làm điều ác, thương yêu dẫn dắt giúp đỡ lẫn nhau trong tình huynh đệ, anh em một nhà, để sống trong cảnh thái hòa an lạc, vì thời xưa các nước xa cách nhau chưa có phương tiện liên lạc giao thông mau lẹ, dễ dàng như ngày nay. Giờ đây thế giới đã tiến bộ rất nhiều với máy móc điện tử, truyền thông TSF, internet.v.v…
Thánh giáo Đức Cao Đài Thượng Đế cũng đã minh xác việc này trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1: “Vốn từ trước Thầy đã lập ra ngũ chi đại đạo là: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo. Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy Chánh giáo, là vì khi trước: càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng.
Càn khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau,
nên Thầy mới nhất định qui nguyên, phục nhất."
Đức Giê Su Ki Tô (Jésus Christ) là ai?
Thánh giáo của Đức Cao Đài Thượng Đế - Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, có minh xác trong đàn cơ đêm Noël 1925 như sau:
“Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát giáo Đạo Nam phương.

Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên;
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

Đêm nay, 24 Décembre, phải vui mừng vì là ngày của ta xuống trần dạy Đạo bên Thái Tây (Europe). Ta rất vui lòng mà thấy đệ tử kính mến ta như vậy. (…) Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa".
heo đó, chúng ta biết được Đức Giê Su Ki Tô chính là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế chiết phần lớn Đại linh Quang của Ngài để giáng trần mở đạo cứu thế bên Thái Tây hai ngàn năm về trước, bởi thế nên Ngài giáng cơ xưng là Ngôi Hai Giáo Chủ - người tín đồ Thiên Chúa Giáo gọi người là con một của Đức Chúa Trời là đúng như vậy.
Người tín đồ Cao Đài cần phải hiểu giáo lý của Thiên Chúa Giáo (hay Gia Tô giáo) cũng như của Tam giáo (Thích, Khổng, Lão) để hòa đồng cùng với mọi tôn giáo trên thế giới trong tinh thần Vạn giáo nhất lý của Đại Đạo.
Vì phạm vi nhỏ hẹp của bài này, chúng tôi chỉ xin trình bày đại cương, khái quát giáo lý của Gia Tô giáo.
Cũng như Cao Đài Giáo có bửu kinh Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (TNHT), Thiên Chúa Giáo có Thánh Kinh La Bible - Quyển Thánh Kinh này do 4 vị tông đồ của Đức Chúa Kitô kết tập lại những lời giảng dạy của Chúa hồi Ngài còn sanh tiền là các Thánh: Mathieu, Jean, Paul và Luc. Sau này, vào năm 1945 người ta còn tìm được trong vùng Nag Hansnadi ở Ai Cập 114 bài viết (logion) của Thánh Thomas ghi lại những lời dạy của Đức Giê Su Ki Tô mà Ngài đã trực tiếp nghe được còn gọi là Sermons sur la montagne, đó là căn bản giáo lý của Thiên Chúa Giáo và làm bài học trên bước đường tu thân hành đạo giúp đời rất thực tiễn.
Về việc làm phước, mà Tam giáo gọi là làm phước thiện, thể hiện lòng từ bi bác ái mà Cao Đài gọi là công quả trong pháp môn Tam Công (Công Quả, Công Trình và Công Phu), Đức Chúa Giê Su Ki Tô dạy môn đệ Ngài như sau: “Khi các con làm phước, các con đừng thổi kèn trước mặt con như những người giả đạo đức ở trong nhà thờ và đứng ngoài đường để cho thiên hạ biết và tâng bốc các con. Sự thật, Ta nói cho các con biết, chúng nó có phần thưởng của chúng. Nhưng con, khi con làm phước, tay trái của con không cần phải biết những gì tay phải của con đã làm, để cho việc thiện con làm được thực hiện trong sự kín đáo. Cha của con vẫn thấy trong sự kín đáo đó và sẽ ban thưởng cho con."
Tam giáo cũng dạy tương tợ làm phước như vậy là âm chất, bố thí trong sự kín đáo âm thầm không ai hay biết, không quảng cáo, không khoe khoang,
không cần được đền ơn với tinh thần vô vi, vô ngã, vô danh gọi là âm chất.
Về việc cầu nguyện và cúng kiến, Đức Chúa Giê Su Ki Tô dạy: “Khi con cầu nguyện, con đừng làm như những người giả đạo đức vì chúng nó thích đứng mà cầu nguyện trong nhà thờ và ở các ngã đường để cho thiên hạ thấy chúng đang cầu nguyện. Sự thật, Ta nói với các con, chúng nó vẫn có phần thưởng của chúng. Nhưng với con, con hãy vào trong phòng của con, đóng cửa lại mà cầu nguyện. Cha các con đang ở đó, trong sự im lặng và kín đáo vẫn thấy con làm việc đó và sẽ ban thưởng cho các con.
Khi con cầu nguyện, đừng lập đi lập lại những lời trống rỗng như người ngoại đạo chỉ nghĩ đến việc được ban ơn và nói chuyện rất nhiều.
Các con đừng nên làm giống như họ vậy! Bởi vì Cha các con ở trên trời biết các con
cần những gì trước khi các con cầu xin với người.” (Mathieu VI)
Đối với Tam giáo thì cầu nguyện linh ứng hay không cốt ở tấm lòng chân thật, chí thành, chí kỉnh thì tự nhiên có sự cảm ứng của thiêng liêng: hễ người nguyện điều lành thì trời ắt tùng theo để ban điều lành: nhơn hữu thiện nguyện, thiên tất tùng chi.
Về việc hiến cúng lễ phẩm, Đức Giê Su Ki Tô còn dạy: “Nếu con đem phẩm vật đến hiến dâng trên bàn thờ mà sực nhớ đến người anh em còn có điều gì chống đối con, thì con hãy để lại đó, và con hãy trở về hòa giải với người anh em con đã, rồi sau đó con hãy trở lại mà dâng hiến phẩm vật đến thiêng liêng. " (Mathieu V)
Về việc xét người, xét mình, Đức Giê Su Ki Tô có dạy: “Con đừng xét xử ai hết để khỏi bị ai xét xử lại mình; bởi vì cách thức các con xét xử, các con sẽ bị xét xử lại y như thế và những phương tiện mà các con sử dụng sẽ được người sử dụng lại cho các con - Tại sao con thấy cọng rơm trong mắt của người anh em con mà con không thấy cây đà to lớn trong con mắt của con? Hay cũng như con nói với người anh em rằng: hãy để tôi lấy cọng rơm trong con mắt của anh ra mà con đã không thấy cây đà trong con mắt của chính con. Giả đạo đức! vậy con hãy tháo gỡ cây đà trong mắt của con ra đã và sau đó hãy lấy cọng rơm trong mắt của người anh em".
Chúng ta hãy nghe Chúa Giê Su Ki Tô dạy về việc ném đá một người phụ nữ (Mathieu VII): Trên đường truyền giảng đạo, đến một nơi, đức Giê Su Ki Tô gặp một đám đông đang bu lại bắt tội và liệng đá vào một người đàn bà đang rên rỉ, than khóc, Chúa liền bảo họ hãy ngừng tay và nói lớn cho cả bọn cùng nghe: “Các ngươi tự xét mình coi trong đời đã có bao giờ làm lỗi chăng? Nếu ai xét thấy trong đời mình chưa hề làm điều lầm lỗi thì hãy liệng đá vào người đàn bà này!” Đám người kia đang nhốn nháo bỗng nhiên yên lặng tỏ vẻ suy nghĩ rồi sau đó từ từ kéo nhau đi hết.
Hãy thương yêu và cầu nguyện cho kẻ thù. Đức Chúa Giê Su Ki Tô dạy:
“Đây Ta cũng nhắc lại những lời dạy của Ta khi xưa với các tông đồ rằng: Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con vậy. Và các con hãy yêu thương những kẻ ghét các con và làm ơn cho những kẻ bắt bớ vu cáo các con để xứng đáng là con của Cha trên trời. Là Đấng đã làm cho mặt trời mọc, soi người lành người dữ, làm mưa xuống cho người công chánh và người tội lỗi. Và các con không nên phán xét ai để khỏi bị phán xét. Bởi luật vô hình không ai thoát khỏi ngày phán xét đại đồng cả và thế gian dù người chết cùng người sống cũng thưởng phạt rất đúng mức công bình .”
Ngài cũng dạy chư môn đồ: nếu các con chỉ thương những người thương các con thôi thì có gì xứng đáng ở các con đâu! Những quan lại thâu thuế có làm gì khác hơn con đâu! Và nếu các con không chịu đón tiếp người anh em các con thì các con có làm gì khác thường đâu! Chính người ngoại đạo cũng làm như vậy không khác - các con hãy trọn lành như Đức Chúa Trời của các con trọn lành vậy!
Đức Cao Đài Thượng Đế là Cha của Đức Ki Tô cũng dạy: “Thầy là Cha của sự thương yêu, kẻ nào ghét sự thương yêu là không được gần Thầy.” Và còn căn dặn: "Thầy cấm các con từ đây, nếu không đủ sức thương yêu nhau thì chẳng đặng ghét nhau, nghe à!” (TNHT
Sự thương yêu đối với môn sinh Cao Đài rất quan trọng, nếu không thực hành bằng được thì không thể trở về được Bạch Ngọc Kinh, nơi mà Phật giáo gọi là Niết Bàn và là chốn Thiên đàng của Thiên Chúa giáo.
Thầy có dạy: “Sự thương yêu là chìa khóa mở Tam Thập Lục Thiên, Cực Lạc Thế Giới và Bạch Ngọc Kinh. Kẻ nào ghét sự thương yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa luân hồi.”(TNHT 2)
Thầy còn nhắc thêm: “Thầy có dạy các con: không thương được kẻ ghét con thì không gần được Thầy. Các con muốn gần Thầy, hiệp cùng Thầy thì bỏ lòng thương ghét, lấp nẻo thị phi, đoạn dứt nhân quả. Bao nhiêu đó làm tánh Đạo các con sáng ngời. Các con sẽ hóa giải mọi khó khăn khổ não để hiệp cùng Thầy.”
Thầy thường dạy: “Con Thầy thì phải giống Thầy ; Giống Thầy ở chỗ đủ đầy thương yêu". Đức Chúa Giê Su Ki Tô là con một của Thượng Đế lẽ dĩ nhiên là giống Thượng Đế (tel père tel fils) những lời dạy của Ngài cũng từ nơi Đức Thượng Đế truyền cho.
Đức Chúa Ki Tô dạy về sự nhẫn nhục. Ngài dạy môn sanh như sau: "Theo cựu luật, lấy mắt trả mắt, và lấy răng trả răng, để trừng phạt. Nhưng Ta, Ta nói với các con đừng có chống đối với kẻ hung bạo! Trái lại kẻ nào đánh má bên phải của con thì con hãy đưa má trái cho nó đánh nốt. Nếu có kẻ chống đối hay đòi lấy thêm cái áo ngự hàn (manteau) của con và nếu có kẻ muốn ép con làm một ngàn việc cho nó thì con hãy làm hai ngàn. Hãy cho người nào xin con và không nên ngoảnh mặt với những ai muốn mượn tiền con.” (Mathieu V)
Tam giáo cũng có dạy: Đừng lấy oán trả oán mà phải lấy ơn trả oán thì oán mới dứt, phải thi ân bố đức. Phật, Tiên đều dạy thực hành hạnh bác ái từ bi.
Về việc khắc kỷ tránh làm tội lỗi: Đức Chúa Giê Su Ki Tô có dạy như sau: “Nếu con mắt phải của con làm cho con sa vào tội lỗi, thì con hãy móc nó ra và liệng nó ra xa khỏi mình con, thà là để một phần thân thể con chết đi hơn là cả xác thân con phải sa vào địa ngục! Nếu cánh tay mặt của con làm cho con phải sa vào tội lỗi, thì con hãy chặt bỏ và liệng nó đi nơi khác, bởi vì tốt hơn, thà để một phần thân thể của con chết đi hơn là giữ vẹn tấm thân mà phải đọa đày vào địa ngục".
Theo Chúa Giê Su Ki Tô, nếu cần phải móc mắt, chặt tay để diệt trừ tội lỗi thì cũng phải cương quyết hy sinh mà thực hiện, vì tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa Thượng Đế là Đấng trọn lành, đại từ, đại bi. Thà rằng đau đớn xác thân còn hơn là để linh hồn không được toàn vẹn, bị nhơ bẩn, ô uế vì tội lỗi do xác phàm xúi giục!
Qua lời dạy của Đức Giê Su Ki Tô mà chúng tôi vừa nêu, chúng ta thấy Chúa đặt nặng vấn đề trau giồi tâm linh hơn là vật chất. Ngài khuyên chúng ta lo khắc kỷ sửa mình và hãy kín đáo làm những việc phước đức vì Thượng Đế vẫn công bình xét thấy để ban ơn. Ngài muốn ta được trọn lành, trọn tốt và trong sáng để được về gần gũi với Đức Chúa Trời Thượng Đế, vốn công bình, đại từ, đại bi thương yêu nhân loại.
Chúa Giê Su Ki Tô đã dạy rất nhiều, chúng tôi chỉ tạm trích những lời dạy cốt yếu để học và noi gương hy sinh cứu thế của Ngài.
Trước khi chấm dứt, chúng tôi xin đọc lại những lời kêu gọi thiết tha của Ngài đến dân tộc Việt Nam trong dịp đàn cơ nhân ngày giáng sinh tại Thánh thất Bàu Sen (Chợ Lớn):

“Ta đến với một mùa Đông đầy gió rét,
Để hy sinh cứu rỗi cho nhơn loài;
Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi,
Để cất tiếng từng hồi gọi đàn chiên lạc lõng.
Chúa Cứu thế muôn đời còn mãi sống,
Sống muôn đời và mãi sống muôn đời;
Việt Nam ơi! Hồng Lạc ơi!
Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị.”

Hỡi dân tộc được chọn, dân tộc được thương yêu. Một hân hạnh lớn lao, một hãnh diện to tát chư hiền được đem ra từ một dân tộc của một quốc gia trong muôn vàn quốc gia mà Đại Từ Phụ điểm nhuận. Trách vụ cam go chỉ giao cho người chí khí.
Mọi thử thách sẽ định giá cho thành quả của sự vụ mai sau.”
 Xin cảm đội ơn Chúa và cầu xin Chúa ban rải ơn lành cho toàn thể nhân loại được bình an hạnh phúc

  Trở lại Mục Lục