TÂM HẠNH ĐỨC TÀI

về việc đào tạo nhân sự, Đức Lý Đại Tiên Trưởng Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có dạy Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo như sau:
“Nhân sự được đào tạo phải có tầm vóc nhơn loại, vượt khỏi ngưỡng cửa Cao Đài. Do đó, đòi hỏi hội đủ tâm, hạnh, đức, tài để thực hiện sứ mạng lớn lao của Cơ Quan. (…) Nếu chỉ đào tạo nhân sự chung thì chưa đủ với sứ mạng trong tương lai.”
Lớp đào tạo tu sĩ được khai mạc hôm mùng 01 tháng 9 Nhâm Ngọ nhằm mục đích đào tạo hàng tu sĩ đặc biệt để truyền bá giáo lý Đại Đạo “theo đường lối Tam Giáo quy nguyên, vạn giáo nhứt lý và Thiên nhân hiệp nhứt khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại.” (cũng là lời dạy của Đức Lý Giáo Tông).
Muốn gánh vác sứ mạng trọng đại đó, nhân viên của Cơ Quan cũng như hàng tu sĩ đặc biệt này phải hội đủ bốn điều kiện tâm, hạnh, đức, tài mà trách nhiệm giáo dân vi thiện đòi hỏi phải có, hành giả phải tự rèn luyện cho thành bửu bối để làm hành trang hành đạo cho được dễ dàng và thông suốt vượt mọi thử thách.
Thử mổ xẻ vấn đề rèn luyện như thế nào?
Xin sắp lại từ dễ đến khó theo trình tự: Tài, Đức, Hạnh và Tâm.
Làm sao rèn luyện được con người có tài?
Tài là tài năng, tài trí, thông minh, sáng suốt học mau, hiểu lẹ, giải quyết dễ dàng mọi vấn đề khó khăn vướng mắc.
Muốn có tài, phải đi học trong các trường từ tiểu học đến đại học, học văn chương, triết lý, luân lý, đạo đức, khoa học và tham dự đủ các cuộc thi ra trường để nhận các bằng trung học, tú tài, cử nhân, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư....
Muốn đỗ đạt thành tài, người học trò phải dày công, siêng năng, chịu khổ cực học hành bền chí ngày đêm, năm này qua năm kia, thật là gian nan, phải có chí lớn, cương quyết kiên trì không nản chí mới đạt địa vị cao. Nhưng có tài, người đạo đức không ỷ tài,
cậy tài mà xem thường người kém tài hơn mình vì thiếu phương tiện,
không may duyên theo đuổi học vấn đến đích mong muốn. Có tài rồi phải có hạnh,
cần rèn luyện hạnh đức cho được thanh cao.
Hạnh là hạnh kiểm, tánh tình nết na phải cho thuần hậu, tác phong đạo hạnh khiêm cung hòa ái. Theo lịch trình hành đạo của Cơ Quan: Tu sĩ là người đang thời kỳ giác ngộ, lập tâm hành đạo tẩy xú khai thanh, hằng lo tu học rèn luyện và công quả trên cương vị giáo dân vi thiện. Về đạo hạnh tác phong, phải có khác biệt hơn người thế tục, trang nghiêm, thuần hậu, cẩn hạnh, cẩn ngôn, khiêm cung từ tốn.
Người tu sĩ, hay nhơn viên Cơ Quan là hàng đã giác ngộ, đã học hỏi Thánh ngôn, Thánh giáo, đọc qua kinh điển thánh hiền của tứ giáo: Nho, Gia, Thích, Lão và đã tuân thủ giới luật Đại Đạo là Ngũ giới cấm, Tứ đại điều quy; thông suốt mục đích, tôn chỉ, lập trường của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo và Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tất hiểu đây là khuôn viên mẫu mực phải tuân theo, là những nấc thang tiến hóa mà hành giả cần phải leo trèo để trở thành Hiền Thánh, Tiên Phật. Người tu hành nhận thức được, nếu tác phong đạo hạnh của mình thuần khiết sẽ được xã hội kính nể, yêu vì, cảm hóa tha nhân dễ dàng trên đường giáo dân vi thiện và phổ truyền đạo lý.
Lời nói êm ái, dịu dàng; cử chỉ hành động khiêm cung hòa nhã, cố gắng sao cho thuyết và hành đều phải đi đôi, hành động việc làm đúng với những lời trình giảng mới thuyết phục được nhân tâm. Ngược lại thuyết trình viên bị xem thường và đánh giá như là diễn viên trên sân khấu đều giả danh, giả nghĩa, không phải chơn đạo đức.
Đức tức là công đức giúp đời, vì lòng từ thiện thương người, muốn chia sớt khổ đau với đồng bào, chia cơm sẻ áo, an ủi giúp thuốc men cho bệnh nhân. Trong đạo gọi là bồi công lập đức, xây nền công quả âm chất không vụ lợi, cầu danh, với tinh thần vô vi nhi vô bất vi của Lão Tử. Vô vi không phải là không làm gì hết mà làm một cách thản nhiên, cần phải làm những gì ích lợi cho người mà không để lại dấu vết tiếng tăm. Đó là vốn liếng, nền tảng để tu sĩ tiến lên hàng Hiền Thánh, Tiên Phật.
Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy có dạy về đạo đức như sau: “Đạo đức là cái khuôn mẫu cho loài người phải nương đó mà sửa mình đặng mở trí hóa thông minh sáng suốt hoàn toàn tánh cách cho đến chí thiện, chí mỹ. Chớ con người mà bỏ xa đạo đức đi rồi khác chi kẻ quáng làng, cặp nhãn quang mờ tối, có biết đường nào mà đi cho khỏi sa hầm sỉa hố?”
Tâm nơi đây là tâm đạo hay đạo tâm. Tâm tức tánh do Trời phú ban cho con người vốn trọn lành, hồn nhiên thanh tịnh. Vì vào thế gian, linh tánh bị nhiễm mùi trần tục, đắm mê vật chất mà gây lắm điều sai trái tội lỗi tạo nên nghiệp lực luân hồi để trả vay vay trả không bao giờ dứt. Thế nên người tu, nhứt là tu sĩ và nhơn viên Cơ Quan phải cần tu luyện thân tâm cho được thuần thành đạo đức, phải lo diệt phàm tâm thì đạo tâm mới hiển lộ vì phàm tâm tử, đạo tâm mới sanh.
Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy có dạy: “… tâm con người có khi động, khi tịnh, lúc ưa đạo đức, thuận thiên lý hữu hành, còn có hồi lại thích vật chất, dẫy đầy lòng nhơn dục, gây mãi tội tình, cũng có sáng suốt trí huệ thông minh mà cũng có ngu hèn đần độn dốt nát. (…) Nhưng người phải nhớ lấy đừng cho lòng dục nó dấy lên, tội tình gây mãi. Cái tâm là thiện, là sáng suốt, nhưng bị vật dục ngoài đưa đẩy vào làm cho choán cái thanh quang, sanh lòng quấy quá, mà cái tâm tức là tánh. Tánh tức tâm. Người quân tử bao giờ cũng giữ cái tâm cho thanh bạch tinh an, không cho phúng túng, chạy bậy ra ngoài.”
Ơn Trên thường bảo tâm con người có khi là Phật, có lúc lại là ma, cách nhau chỉ đường tơ kẽ tóc mà được siêu thăng hay bị đọa lạc cũng do nơi tâm nên người tu phải thận trọng gìn giữ cái tâm từng sát na mới được.
Trong bốn điểm tâm hạnh đức tài, việc rèn luyện cái tâm cho được thuần thành đạo đức, chí thiện chí mỹ là khó khăn hơn hết, là quan trọng nhứt của một đời người tu hành, hàng tu sĩ, Thiên ân phải hội cho đủ mới mong hoàn thành sứ mạng phổ thông giáo lý để hướng dân vi thiện và hoằng dương chánh pháp của Chí Tôn Thượng Đế.
Để giúp quý vị một phương pháp bồi dưỡng tâm, chúng tôi trích lời dạy của Đức Đông Phương Lão Tổ để quý vị học thuộc lòng và hồi quang phản chiếu, quán tưởng nội tâm mà rèn luyện tâm cho được thanh khiết:

“Đây phương pháp thực hành bồi dưỡng,
Bồi dưỡng tâm quán tưởng vào tâm,
Xét lòng trừ khử lỗi lầm,
Học hành đạo lý sưu tầm nguồn vui.
Tâm không thể lấp vùi tham dục,
Tâm không suy thế tục vạy tà,
Tâm hằng bác ái vị tha,
Tâm hằng chánh trực, nhẫn hòa, thuần lương.
Tâm đừng để giận hờn bực bội,
Tâm đừng cho gian dối riêng tây,
Tâm mình là điện thờ Thầy,
Giữ cho thanh bạch hằng ngày kỉnh tin.
Hằng bồi dưỡng tâm bình hạnh trực,
Giữ đừng cho vọng thức lấn quyền,
Bảy tình sáu dục lặng yên,
Tâm hồn tươi sáng là Tiên siêu phàm.
Tâm mà được công tham tịnh định,
Ấy là nguồn dưỡng tánh tồn tâm,
Xác thân do đó khởi mầm,
Sống vui sống khỏe khỏi tầm linh đơn.
Hằng ngày phải luyện thân, luyện kỷ,
Sự uống ăn ngủ nghỉ có chừng,
Những điều đắc thất vong hưng,
Bại thành ngoại cảnh xin đừng động tâm.
Tâm dấy động là nguồn bệnh hoạn,
Tâm khổ đau là bạn tử thần,
Tâm hồn thanh thản lâng lâng,
Ấy là diệu dược thuốc thần linh đơn.”
Để kết thúc, xin ghi nhớ lời khuyên của Đức Lý Giáo Tông:
“Tài với đức đổi trao phụng sự,
Tâm với tài bực thứ không hai.
Có tâm mà lại có tài,
Đức, tâm, tài đủ Đạo Thầy hoằng dương.”

   Trở lại Mục Lục