SỰ TU CHỨNG

Dặm dài gánh Đạo

Thánh giáo Ơn Trên thường nhắc nhở môn sanh Cao Đài hãy cố gắng đạt được sự tu chứng ngay nơi kiếp hiện tiền, vì chúng ta được may mắn sanh nhằm thời kỳ Đại ân xá do Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ ân ban khi mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đó là cơ hội ngàn năm một thuở, Thượng Đế đặc ân cho nhơn loại nếu quyết tâm tu hành theo chánh Đạo thì Tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời.Chúng tôi
cố gắng trình bày đại khái, còn phần kết luận để đem ra thực hành sẽ do quí vị đạo tâm suy nghiệm chọn lấy con đường tu tiến.
Có thể giải nghĩa đơn giản, tu chứng là tu đã được đắc Đạo, chứng minh bởi những tác phong đạo hạnh cốt cách Tiên gia Thánh Phật của các hàng tu hành chứng đắc mà chúng ta đã biết khi đọc qua Thánh kinh hiền truyện, những gương đạo đức thánh thiện như của Phật Thích Ca, Đức Lão Tử, Khổng Tử, Đức chúa Kitô (Jésus Christ), Đức Pythagore... Muốn biết vị nào đã tu chứng hiện tiền, chúng ta hãy áp dụng lời dạy xưa của Đức Phật: Muốn biết kiếp quá khứ hay kiếp tương lai của người nào chúng ta hãy xem xét kỹ đời sống hiện tại của vị đó. Như vậy chúng ta hãy quan sát thật kỹ với tâm chí thành vô tư, đời sống hiện tại của vị đó. Chúng ta cần biết vị đó tu chứng đắc quả hiện tiền chớ chúng ta người phàm mắt thịt, làm sao nhận định được tương lai của vị đó sẽ thành Thánh Tiên hay Phật được, vì đó thuộc về quyền thẩm định ở cõi hư linh của các Đấng thiêng liêng.
Chúng ta có thể hiểu theo lời dạy này củaĐức Lão Tổ để nhận định: "Dầu thấp cao, người tu hành phải cần lập chí tu học kiên trì, có học mới có thông, có tu mới có chứng."
Khởi đầu chúng ta thử định nghĩa riêng hai chữ “tu”và “chứng”. Theo Thánh giáo Cao Đài, thuần thành đạo đức, đạt đến chỗ chí chơn, chí thiện, chí mỹ mới xứng đáng đứng vào hàng Phật Thánh Tiên.

Đức Lão Tổ có dạy:
“Học Đạo để nên người thánh thiện,
Tu hành cần rèn luyện THÂN TÂM;
Có THÂN, thân chớ đọa trầm,
Có TÂM, tâm chớ lạc lầm phàm phu.”

Tu phải lo luyện trau cả THÂN lẫn TÂM, vì con người gồm có hai phần trọng yếu gắn liền với nhau: thân thuộc về thể xác hữu hình, tâm thuộc về linh hồn thì vô hình. Hai thể nầy liên hệ với nhau rất mật thiết vì linh hồn xuống thế gian để trả nghiệp và học hỏi mọi sự việc ở trần gian, phải mượn xác thân làm nơi tạm trú nên cần phải có một thể xác tráng kiện mới mong đứng vững hoạt động dễ dàng được.
Muốn tu chứng tức đắc Đạo người tu hành cần phải rèn luyện cả hai phần Thân và Tâm như lời của Đức Lão Tổ đã dạy với đại ý rằng: Tu là sửa, là luyện, là rèn. Tu phải sửa đổi, sửa những gì đã trật, đã lầm lỗi. Phải lo trừ cho hết những thói hư tật xấu, phải trừ cho xong những hủ lậu phàm phu, để thoát cho khỏi bốn vách trần tù là Tham, Sân, Si, Dục. Tu cũng phải trừ cái tật chấp cứng vào hình danh, sắc tướng, ý kiến tư riêng ích kỷ độc tôn, độc đoán.
Chúng ta hãy lắng nghe lời dạy quí báu của Đức Lão Tổ để noi theo mà tu luyện cho có kết quả:

“Trừ cho được cái tên ảo vọng,
Trừ cho xong mầm mống lợi quyền,
Căn trần kết tập vô biên,
Thấy, làm, nghe, nói, đảo điên rán trừ.
Trừ ích kỷ riêng tư tính toán,
Trừ mưu đồ độc đoán, độc tôn,
Cái mầm vị kỷ bảo tồn,
Có nhân, có quả dập dồn nào sai.
Diệt bên trong, bên ngoài mới dứt,
Lập chơn tâm tình thức qui hàng,
Chủ nhân chánh tọa nghiêm trang,
Nội tâm, ngoại cảnh tinh toàn biết bao.
Chỗ yếu lý do người chứng đắc,
Chấp hình danh vướng mắc hình danh,
Tu là khử trược, lưu thanh,
Xét soi thực tướng tịnh thanh làu làu.”

Trong thân con người có cả trược lẫn thanh, người tu hành cần phải khử trừ những cái trược, mà chỉ lưu giữ lại những cái thanh khiết mà thôi. Trược nơi đây là những cái trược do Thân,
Tâm, Khẩu, Ý gây nên. Người tu hành phải lo:
Khử những cái trược do Thân xác hành động xấu xa đê hèn tội lỗi, những hành động phàm phu tục tử. Khử những
cái trược do Tâm tư cấu tạo bởi lòng tham ái, đam mê sắc dục,
giàu sang phú quí hưởng thụ, do tánh ích kỷ, tự tôn, chấp nhứt...
Khử những cái trược do những lời nói xấu dệt thêu bất chánh đối với tha nhân.
Khử những cái trược do những ý nghĩ xấu xa đê tiện, xúi người làm điều tội lỗi, thị phi, hơn thiệt, tranh quyền đoạt vị, đam mê tửu sắc tài khí, tứ đổ tường vây hãm. Cái trược của thể xác,
theo lời Đức Ngô Đại Tiên dạy chư môn sanh của Ngài, còn có thể dùng nước sôi pha rượu trắng và dùng xà bông thơm để tẩy rửa sạch sẽ được, chớ cái trược do Thân, Tâm, Khẩu, Ý tạo nên, những hành vi trược, những lời nói trược, những tư tưởng trược không thể nào dùng nước nóng pha rượu tẩy đi được, hành giả phải nhứt tâm cương quyết dứt khoát khử trược bằng sự bền chí rắn gan khử trừ một khi niệm trược khởi mầm. Phải hằng giây hằng phút cẩn thận canh chừng dè dặt đón ngăn trước khi xảy ra sự việc.
Đến đây chúng ta tạm dừng sự định nghĩa hai chữ tu chứng và cách thức tu luyện Thân Tâm để đắc quả chứng đắc. Chúng ta sang qua định nghĩa chữ Chứng. Chứng là chứng minh, chứng thực một cách rõ ràng minh bạch, mắt phải thấy, tai phải được nghe rõ ràng chớ đừng nghe ai nói lại, thuật lại một cách mông lung tưởng tượng. Người đời tôn vinh Đức Thích Ca là Phật đã thành vì họ đã chứng minh được qua đời sống thánh thiện và giáo lý thâm diệu của Ngài truyền bá cụ thể giúp hành giả thoát được não phiền bằng những gương tốt đẹp thực tế. Nên Ngài được THẾ TÔN, tức là thế gian tôn vinh chớ không phải Thiên tôn, sau khi Ngài bỏ xác.
Thật rất khó cho chúng ta mang nhục thể phàm phu nhận xét đích thực vị chơn tu nào đã tu chứng đắc Đạo, tuy nhiên Thánh giáo Cao Đài đã giúp chúng ta nhiều ý thức như đã trích lược ở đoạn trên.
Muốn được tu chứng đắc quả tại tiền, hành giả phải trải qua nhiều kiếp, ngay như Đức Thích Ca cũng vậy. Sự khắc kỷ tu tâm luyện tánh đòi hỏi hành giả phải chịu hy sinh, trải qua nhiều đời, nhiều kiếp chịu gian lao khảo thí, như chuyện Thất Chơn Nhơn Quả, nhắc lại cách tu khổ hạnh của người xưa thấy mà ngao ngán cho những hàng sơ cơ tu tập. Muốn được tu chứng đắc Đạo không phải dễ dầu gì, thật là thiên nan vạn nan. Ngoài đời muốn đỗ đạt tạo nên sự nghiệp lớn lao còn phải trải qua bao nhiêu năm trường chịu đựng khổ cực gian lao, phải chịu hy sinh, học hỏi, kinh nghiệm thử thách, phải chịu vinh nhục thăng trầm. Muốn trở nên Thánh Tiên Phật còn khó khăn vô cùng. Đâu phải chỉ biết ăn chay trường, tụng kinh niệm Phật, in kinh bố thí giúp đỡ kẻ nghèo đói bệnh tật hay xây cất chùa thất,nhà thương, trường học... mà được chứng quả Thánh Tiên Phật,
như gương Lương Võ Đế có đắc thành quả vị chăng?
Cái khó khăn của người được tu chứng nhờ chỗ luyện nội tâm, làm chủ được Thân Tâm Khẩu Ý. Xin mời đọc và ngẫm nghĩ một đoạn Thánh giáo của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn giải thích về sự tu chứng:
“Thử kiểm điểm lại những vị chơn tu đắc Đạo, có phải dễ dàng như món đồ vật từ trong túi lấy ra đâu? Những vị ấy đã trải qua bao phen khắc kỷ để làm chủ bản tâm chơn tánh, điều khiển mọi hoàn cảnh sự vật chung quanh, kiên tâm can đảm khắc phục mọi nỗi khó khăn, từ y phục, ẩm thực, cư trú, danh vị, sự nghiệp, tình cảm chật hẹp đến mọi nỗi lạc thú ở đời. Tuy thấy bên ngoài những vị ấy nét mặt trầm ngâm, thân hình đơn giản, một mảnh bô vải che thân, xem qua thiệt là giản dị. Sự thật ra nào ai có biết được bên trong nội tâm những vị đó hoạt động rất nhiều, tranh đấu rất gay go với mọi tư tưởng bên ngoài đưa đến, mọi sự khảo thí chung quanh rào đón. Khó có một điều là tâm vững trơ trơ như đá, như trồng, sự vật là sự vật, nội tâm là nội tâm, không vì sự vật mà làm cho lay chuyển nội tâm. Đó là một điều bí yếu thành công trong thời kỳ tạo Tiên tác Phật."
Làm sao chúng ta nhận xét được sự tu chứng đắc Đạo của một vị chơn tu? Nhờ đọc nhiều Thánh giáo Cao Đài, chúng ta có thể toát yếu những điểm sau:
1. Vị đó có cư trần mà bất nhiễm trần không, như sen mọc trong bùn nhơ mà không nhiễm hôi mùi bùn! Họ không để cho sự giàu sang phú quí, danh vọng địa vị, quyền cao chức lớn lung lạc xúi giục họ tham luyến vào. Thà họ an bần để vui với đạo, sống một đời sống đơn giản bình thường không khác ai, dầu ở trong chức trọng quyền cao, như Ngài tri phủ chủ quận Phú Quốc Ngô Văn Chiêu (xem lịch sử của Ngài): hằng ngày, vẫn lo tròn bổn phận làm quan lo lắng cho dân, vẫn lo tròn nhơn đạo bổn phận đối với gia đình vợ con đầy đủ, nhưng vẫn lo tu luyện hằng ngày không bỏ sót, không khoe khoang vẻ đạo, kín ngoài rồi lại kín trong, không se sua chưng diện nên người ta không biết Ngài tu làm sao.
2. Tánh nết vị đó hiền hòa điềm đạm ung dung thư thái, lúc nào cũng trầm tĩnh, không hấp tấp bôn chôn vội vã. Cử chỉ tác phong đoan trang thuần hậu. Buồn giận ghét thương, phiền muộn không thấy phát lộ ra, gương mặt thản nhiên, tỏ ra họ đã hoàn toàn làm chủ và chế phục được nội tâm. Lời nói dịu dàng êm ái dễ thương, dễ cảm hóa tha nhân vào đường đạo đức. Lòng từ bi bác ái của vị đó phát hiện lên sắc diện, khi gặp người hoạn nạn đau khổ là mau mau tìm cách giúp đỡ cứu nguy ngay.
Đó là do kết quả của hành giả đã dày công tu luyện nhiều đời nhiều kiếp. Đức Phật Thích Ca xưa kia cũng phải trải qua con đường dày dạn kham khổ chịu đựng lắm nỗi gian nan khảo thí trui rèn.
Những vị nào đã hội đủ những hạnh đó kể như đã tu chứng đắc Đạo hiện tiền, có khác nào chư Thánh Tiên Phật đã thành, chớ không phải có nhiều phép lạ huyền bí đem phô diễn cho đời thấy mới gọi là tu chứng.
Chúng ta đem học tập đề tài “Tu Chứng” không phải để phán đoán hay phê bình những người tu hành, mà chỉ để nhìn thấy những gương hạnh sáng chói của những bực chơn tu mà noi dấu bước theo và cũng để tự kiểm xét lấy như nhìn vào tấm gương soi hằng ngày hầu trau giồi tâm đức để được sớm trở về Cung Bạch Ngọc gần gũi cùng Thầy Mẹ và các Đấng Thiêng liêng.
Nói đến sự tu chứng trong lãnh vực công phu thiền định, nếu hành giả kiên trì hành pháp nhiều tháng, nhiều năm, thì sẽ nhận xét và thấy có những ấn chứng như sau:
1. Thân thể được khỏe mạnh, ít đau bệnh, sắc diện tươi nhuận, lâu già, da mặt hồng hào, tinh thần sảng khoái.
2. Tánh tình lần lần thay đổi, bớt nóng giận gây gổ sân si, trí nhớ sáng suốt ít hay quên, có thể cho rằng nhờ thiền định siêng năng, kiên trì đầy đủ mà tâm được phát huệ.
Kiểm điểm một khóa tu thiền, Đức Thanh Hư Đạo Đức Chơn Quân có khuyên như sau:
"Lão mong ước trong số chư hiền đã thọ pháp cần tìm cho được sự ấn chứng của sự thành công là bước đầu chỉ định tâm, định thần. Nhưng cái tâm định tức là Thần trụ. Mà Thần trụ sẽ có một ấn chứng phát hiện, hoặc xua đuổi thất tình lục dục, hoặc tẩy trừ uế trược ở châu thân.(…)
Nơi đây, Lão nhìn qua, đáng khen các hiền đệ cũng như thanh niên, nơi minh đường có vẻ rực rỡ. Đó là ấn chứng của các thời công phu đầy đủ và cũng khuyên những hiền đệ hiền muội nào chưa hành đúng, chưa tìm được ấn chứng, rán bền công mà tìm sự kết quả, đừng nản lòng."
Kết luận: Tu chứng làm sao nói được hết lời, hành giả phải tự chứng nghiệm lấy không khác nào cá lội nhởn nhơ trong nước mà vẫn không biết mình đang lội trong nước.

        Trở lại Mục Lục