TƯỞNG NIỆM
ĐỨC NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ
NGÀY MÙNG 9 THÁNG GIÊNG

Đức Chí Tôn Thượng Đế giáng trần mở Đạo vạch cho nhơn sanh hai con đường: một là để phản bổn hoàn nguyên trở về cõi trường tồn chánh giác, tức là Bạch Ngọc Kinh nơi Thầy ngự, mà đạo Phật gọi là niết bàn cực lạc; hai là, nếu không sớm được trở về với Thầy, thì cũng sẽ được hưởng đời Thượng nguơn Thánh đức hạnh phúc an lạc thái bình để tiếp tục tu hành đến ngày công viên quả mãn. Thầy đã hứa sẽ lập ở thế gian này một cõi đời Thượng Nguơn Thánh đức sau Hội Long Hoa tức là ngày phán đoán đại đồng nhơn loại theo Kitô giáo.
Chúng ta hãy bình tâm lắng nghe lời dạy đầy sự thương yêu hòa dịu của Đức Từ Phụ trong đàn cơ ngày mùng 01 tháng Giêng Ất Tỵ (02-02-1965) tại Nam Thành Thánh Thất:
"Hôm nay Thầy đến với các con để vỗ về an ủi, cùng chan rưới điển lành cho các con, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, lớn bé, nguyên nhân cùng hóa nhân,
để các con hấp thu linh điển đó mà bình tâm sáng suốt, chọn một con đường đi,
khỏi lo chông gai hiểm trở. Đó là con đường Đạo.
Tự giác, giác tha, bác ái, khoan dung, vậy thì nơi đây, các con hãy trút tất cả những tâm tư, những buồn tủi,những giận hờn, những đau khổ, để Thầy an ủi, vỗ về, xoa dịu nỗi tâm tư.
Lòng Tạo Hóa từ bi bao trùm vạn vật,
mở lượng khoan dung, dang tay từ ái, đón rước tất cả sanh linh,đứa phải,
đứa trái cũng là con cái của Thầy."
Có đứa con nào có lòng hiếu thảo, có dạ thương Thầy mến Đạo mà không xúc cảm trước những lời dịu dàng từ ái chứa đầy sự khoan dung, tha thứ, truyền cảm sâu sắc của một Đấng Cha lành, nhứt là vị đó là Đấng Chúa tể càn khôn vũ trụ vạn vật, Đấng Đại Từ Phụ của nhơn loại lại còn tự xưng mình là Thầy các con một cách thân mật để dìu dắt, an ủi, vỗ về,
dạy dỗ cho nên Người không khác nào một người Cha ở thế gian.
Ngoài ra, chúng ta rất diễm phúc được chính mình Thầy xác nhận mượn đất Việt Nam để mở Đạo Kỳ Ba và ban ân huệ cho chúng ta được thái bình, âu ca lạc nghiệp bằng việc lập đời Thượng nguơn Thánh đức, một tiểu Niết Bàn tại thế, trong bài thi năm Bính Dần khai Đạo 1926:

"Hảo nam Bang! Hảo Nam Bang!
Tiểu Quốc tảo khai hội Niết Bàn;
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,
Hảo phùng Thượng Đế ngự trần gian.
Thi ân tế chúng thiên tai tận,
Nhược thiệt nhược hư vạn đại an;
Chí bửu nhân sanh vô giá định,
Năng tri giác thế sắc cao ban."
Ngày rằm tháng Giêng năm Bính Ngọ (04-02-1966),
Thầy xác minh một lần nữa tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý:
“Chính mình Thầy đến chốn Nam Bang,
Mượn đất đem gieo mối Đạo vàng;
Tưới nước vun phân Nho, Thích, Lão,
Nâng cành sửa lá Pháp hòa Tăng.
Muôn dân cộng hưởng trong màu sắc,
Một nước âu ca vạn nẻo đàng;
Biết phận thì con lo vẹn phận,
Chờ khi tái tạo cõi dinh hoàn.”

Chúng ta có thể hiểu như vầy: Chính đích thân Thầy Thượng Đế đến trần gian nước Việt Nam này để gieo mối Đạo vàng và tưới nước vun phân Tam giáo Nho, Thích, Lão tức là làm sống lại, làm tươi sáng lại, và chấn hưng chơn truyền của Tam giáo vì lâu đời và bị phàm tâm canh cải làm thất lạc chơn truyền của các Đấng Giáo chủ đã thay mặt Thầy truyền Đạo hướng dân vi thiện vào Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ. Nên Thầy chủ trương qui Tam giáo đem trở về nguồn gốc thuần nhứt mà căn bản duy nhứt là Đại Đạo, là Thượng Đế, là Thầy.
Trong đàn cơ tại Minh Đức Đàn, ngày mùng 10 tháng 7 Ất Tỵ (06-8-1965), Thầy lặp lại lời dạy:
"Các con rất diễm phúc mà được gặp đích thân Thầy đến mở Đạo tại góc đất Việt Nam này, đem chánh pháp phổ truyền, đem lòng từ bi ân xá, để các con nào sớm giác ngộ cùng giác tha những kẻ còn đứng ngoài vòng đạo giáo trở về mái nhà lương thiện, cùng nhau hấp thụ điển lành cùng đạo lý, để làm động lực thúc đẩy bản thân, thi hành công đức, phổ độ chúng sanh được thuần lương thiện mỹ, hầu tái lập đời thượng nguơn thánh đức."
Như vậy, bổn phận mỗi môn sanh của Đức Cao Đài Thượng Đế là phải vừa luyện kỷ tu thân và hành đạo, bồi công lập đức song hành tự giác hay tự độ cùng giác tha hay độ tha nhân, tức phổ độ chúng sanh, hoàn thành sứ mạng song song mới mong trở về cõi trường tồn chánh giác hoặc hưởng đời Thượng nguơn Thánh đức.
Đời Thượng nguơn Thánh đức ví như đời vua Nghiêu Thuấn thuở xưa bên Trung Hoa, nhân dân được sống trong cảnh thái bình, an cư lạc nghiệp, hạnh phúc, nhà nhà khỏi đóng cửa then gài, của rơi không sợ trộm cắp vì con người còn thiện lương thuần hậu, chất phác, không tranh lợi quyền lấn đất, không tham lam ích kỷ, biết thương yêu nhau như huynh đệ một nhà, dìu dắt giúp đỡ lẫn nhau trong cảnh thái bình an lạc.
Nhơn ngày Vía của Đức Chí Tôn Thượng Đế, chúng ta cũng nên nhắc lại lời đại nguyện thiết tha của Thầy để thương Thầy càng nhiều, chúng ta cố gắng làm đúng theo lời Thầy dạy vừa nêu trên cho xứng đáng là đứa con hiếu thảo,biết thương Thầy trọng Đạo.
Ngay từ buổi đầu khai Đạo, trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, Thầy đã dạy rõ:
"Mỗi phen Thầy đến lập đạo thì là phải cam đoan và lãnh các con chẳng khác nào kẻ nghèo lãnh nợ. Các con làm tội lỗi bao nhiêu, oan nghiệp bấy nhiêu Thầy đều lãnh hết.
Các con đặng thong dong rỗi rảnh chẳng lo tu đức mà sửa mình,
lại còn cả gan trước mặt Thần Thánh Tiên Phật, gây thêm tội lỗi nữa, thiệt là đáng giận."
Và ai mà không động lòng khi nghe Thầy than:

"Cao Đài tá thế đến phàm gian,
Bạch Ngọc Huỳnh Kim cũng chẳng màng;
Chìu lụy đòi phen xem quá tục,
Nghĩ không đổ lụy phải cười khan.
Cười khan mà khóc bởi thương bây,
Chẳng mất một con, nghiệt cả bầy;
Biết phận Già không chờ chống gậy,
Nương theo con dại mới ra vầy."

Chúng ta đều thấm thía xót thương Thầy vô cùng khi nghe những lời than thở thiết yếu của một Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ vì từ bi thương xót con cái mà đoan thệ với chư Phật Thánh Tiên, trong khi Thầy là Chúa tể vạn linh đủ đầy quyền năng thưởng phạt những đứa con nghịch tử phản Thầy, phá Đạo. Thầy đã nói, Thầy là Đấng Chí Tôn chủ trương khai sáng nền Đạo cũng buộc mình cam đoan mà lãnh các con.
Chúng ta lại càng cảm động khi nghe Thầy thố lộ lòng Từ Phụ thương con cái vô ngần. Thầy đánh thức lương tâm của những đứa con còn lạc lầm:
"Các con ôi! Thầy lấy đức háo sanh mà dìu dắt các con, chẳng khác nào như kẻ làm cha nâng niu dạy dỗ một trẻ bé, trông mong cho nó mau trưởng thành hầu lưu danh truyền nghiệp cho có tên tuổi với đời."
Sau cùng chúng ta hãy chú ý nghe lời Thầy cốt yếu như sau: “Thầy dạy con, con giác ngộ tầm tu, tu luyện đạo, Thầy mới thể độ ra khỏi chốn âm phù về nơi cực lạc."
Như thế Thầy đã minh xác rằng muốn giải thoát luân hồi sanh tử để được về hội hiệp cùng Thầy ở Bạch Ngọc Kinh hay Niết Bàn cực lạc, người tu hành cần phải luyện Đạo tức là công phu, còn công trình và công quả (tam công) là để xây đắp nền tảng vững chắc, trợ giúp phần công phu luyện đạo cho được công viên quả mãn thì mới đắc Đạo, đắc Nhứt, hiệp nhứt với Thầy.Thầy cũng đã
thường nhắc nơi Thánh Ngôn Hiệp Tuyển và trong Đại Thừa Chơn Giáo rằng: dầu cho bực Đại La Thiên Đế hay Đại Giác Kim Tiên giáng trần mà không luyện đạo cũng không được phục hồi ngôi vị đặng. Không có vị Phật Tiên nào đặng thành mà không qua
cửa ải công phu luyện đạo, khá khắc cốt ghi lòng mà giữ vững đức tin nơi Thầy,
nơi chánh pháp của Thầy truyền để tu luyện.
Thầy đã từ bi dẫn nẻo chỉ đường, giờ chỉ cần chúng ta phải cương quyết tự lập vị cho mình chớ Thầy không thể bồng ẵm mình được. Thầy đã cho chúng ta hay trước rằng:
"Thầy đã nói cho các con hay trước rằng: nếu các con không tự lập ở cõi thế này là cái đời tạm của các con, thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên đặng. Ấy vậy cái vấn đề tự lập là vấn đề các con phải lo đó.”
Với Tam Kỳ Phổ Độ Thầy mở cuộc Đại ân xá và đã xác định: "Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại càn khôn thế giới, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng.”Vậy chúng ta cũng nên nhớ lời Thầy đã dạy rằng:
Mở một mối Đạo chẳng phải là sự thường tình, mà sanh nhằm đời đặng gặp một mối Đạo cũng chẳng phải dễ. Chúng ta nên khắc cốt ghi tâm cố gắng mà tu thân hành đạo và chịu khổ cực công phu luyện đạo nghiêm túc để thoát kiếp luân hồi sanh tử trở về hiệp nhứt cùng Thầy và chư Thánh Tiên Phật, mà muốn luyện đơn trước phải cần luyện kỷ cho thuần thành:
“Các con ơi! Luôn luôn lúc nào và bất cứ ở đâu cũng vậy, các con phải kiểm điểm và tâm niệm rằng mình là người có Đạo, mang một hoài bão cao cả, một lý tưởng cao cả trong sứ mạng thế Thiên hành hóa giáo dân vi thiện, đem Đạo cứu đời. Mình phải nói gì, phải nghĩ gì và phải làm gì để thực hiện cái hoài bão lý tưởng của người sứ mạng đó.
Thầy đã từng dạy các con: Thầy sanh trưởng bảo tồn các con. Thầy đến Việt Nam nầy mở Đạo dạy dỗ các con, Thầy không đòi hỏi các con để làm những gì đem lại lợi ích riêng tư cho Thầy, Thầy luôn dạy các con phải thực hành đạo lý cho các con cái của Thầy, nghĩa là phải giác ngộ cho nhau, thương yêu dạy dỗ đùm bọc cho nhau, để cùng nhau được sống trong cảnh thái hòa, cùng hưởng hạnh phúc với nhau mãi mãi…"Người chơn tu sở dĩ chịu hy sinh không thụ hưởng hạnh phúc
về vật chất và chấp nhận mọi kham khổ khảo thí là cốt để cầu tu giải thoát nghiệp lực luân hồi sanh tử mà Đạo pháp là phương tiện. Vậy chúng ta hãy nghe Thầy giải đáp để hiểu rõ Đạo là chi:
“Thượng Đế vị nhân sanh mà khai đạo pháp để con cái của Thầy học hỏi mà hành theo đúng chánh pháp đến ngày công quả viên mãn sẽ trở về hiệp nhứt cùng Thầy.
Lúc bấy giờ các con là Thầy, là Phật Tiên Thánh Thần...
Đó là đường lối tuyệt đích của Đạo.” (Huấn từ Đức Chí Tôn, tr.15)
Nhắc lại lời Thầy dạy năm xưa nhơn lễ kỷ niệm thoát xác của Đức Ngô Minh Chiêu, Thầy dạy:
“Thầy và các Phật Tiên Thần Thánh đã từng cho các con biết trước từ trên bốn mươi năm qua rằng: Hoàn cầu vũ trụ sẽ đến như những biến chuyển ngày nay và còn thảm khốc càng ngày càng hơn thế nữa, nên đã hối thúc, dặn dò kêu gọi các con phải rán lo tu và tu trong chánh đạo, chánh tín, chánh tâm."
Giờ nay đã trên 37 năm qua mà hiện tình trên thế giới vẫn còn căng thẳng như chiến tranh đã xảy ra ở Nam Tư, ở Apganistan (Taliban), ở Trung Đông giữa hai dân tộc Palestine và Do Thái, cứ giết qua lại, trả thù lẫn nhau chưa dứt; tình trạng căng thẳng giữa hai cường quốc có vũ khí hạt nhân Ấn Độ và Pakistan...cộng với bao thiên tai bão lụt, hạn hán, núi lửa tái phát, tai nạn trên không dưới biển...chứng minh những lời tiên tri của Ơn Trên trước kia đã hiển hiện. Thế nên chúng ta hãy cố gắng lo tu thân hành đạo lập đức càng nhiều hơn nữa với niềm tin vững chắc là:

“Trên có Đức Chí Tôn dẫn lối
Dưới Phật Tiên, tiền bối hộ trì;
Đệ huynh thuận thảo cùng đi,
Bên con có Mẹ lo gì không nên."

Và Đức Lý Giáo Tông cũng có khuyên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý chúng ta nên tự thắp đuốc mà giải quyết mọi đạo sự với trí tuệ tập thể trong tinh thần dân chủ cộng với sự hăng hái hành đạo và công năng đại định thu thập được nhờ công phu thiền định thì không có điều gì khó khăn cả và đừng nên ỷ lại vào tha lực của thiêng liêng.
Huấn từ của Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ dạy từ năm Bính Dần khai Đạo 1926 rất nhiều, chúng tôi chỉ trích một số ít để chúng ta cùng tưởng niệm công đức vô biên và lòng từ bi vô lượng của Đức Từ Phụ nhơn ngày Vía của Thầy và cũng để ôn lại, kiểm điểm lại bước đường tu thân hành đạo đã qua để cùng nguyện với Đức Từ Phụ cố gắng đem hết tâm tư sức lực của mình để thực hiện nghiêm túc Huấn từ của Thầy đã ân ban. Để kết thúc, xin được nhắc lại lời dạy thiết tha của Thầy để chúng ta thương yêu,
kính trọng Thầy càng nhiều hơn nữa:
"Thầy đã đưa tay đến với các con, các con phải đưa tay tới với Thầy. Thầy sẽ dìu dắt các con đến gần Thầy và trở về cùng Thầy. Thầy cùng các con là Một, sống trong lẽ thiên nhiên, trong mùa xuân vĩnh cửu."
Nghe những lời thương yêu thiết tha này của Thầy, chúng ta xúc động và sung sướng vô ngần, khiến chúng ta càng thương Thầy vô cùng. Vậy để tạ ơn Thầy, chúng ta đồng cùng nhau thành tâm nguyện với Thầy dưới sự chứng kiến của Phật Tiên Thánh Thần, quyết tâm thực hành nghiêm túc những lời vàng ngọc của Thầy đã ân ban.

“Thương con dạy dỗ đã bao điều,
Thương mến anh em rán dắt dìu;
Trên vạn nẻo đời còn khốn khổ,
Đó là Thiên sứ, trẻ cưng yêu."
Chúng con xin đội ơn Đại Từ Phụ.

Cầu xin Đức Từ Phụ và Đức Từ Tôn Kim Mẫu ban hồng ân dồi dào cho nhơn sanh tránh khỏi cảnh tương tàn tương sát lẫn nhau như hiện tại đã diễn ra trên thế giới, sớm tái lập đời Thượng nguơn Thánh đức cho nhơn loại đồng chung hưởng cảnh thái bình an lâc  

 Trở lại Mục Lục