ĐẮC NHỨT

Nhân ngày mùng chín tháng Giêng là Khánh Đản của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, là Thầy, là Đại Từ Phụ, chúng tôi xin phép Thầy nêu lên hai chữ Đắc Nhứt tức là Được Một, vì được một là được tất cả, được Đắc Đạo, được hiệp nhứt với Thầy, Đại Từ Phụ, là mục đích tối hậu của người chơn tu mộ Đạo thuần thành đạo đức.
1. Định nghĩa theo kinh Đại Thừa Chơn Giáo
Đức Linh Bửu Thiên Tôn trong quyển Đại Thừa Chơn Giáo (phần Khai Kinh, giải nghĩa bốn chữ “Đại Thừa Chơn Giáo”) có giải thích như sau:
“Chữ Đại là chữ nhơn với chữ nhứt.
Chữ Nhơn là người, viết hai phết, tức là âm dương hiệp nhứt, mà âm dương hiệp nhứt thì phát khởi càn khôn, hóa sanh vạn vật.
Và nhơn là người, hễ người biết tu luyện cướp đặng cơ mầu nhiệm của Tạo Công thì là đắc nhứt. Nhơn mà lại đắc nhứt nữa (chữ nhơn thêm chữ nhứt là chữ Đại), thì vĩnh kiếp trường tồn, diên niên bất hoại. Đắc nhứt là gì? Nghĩa là đặng Một. Một tức là cái pháp độc nhứt vô nhị, cái pháp kín nhiệm huyền vi của Tiên Phật, khẩu truyền tâm thọ,
để cổi xác phi thăng, siêu phàm nhập thánh. Có câu: Thiên đắc nhứt:
thanh, Địa đắc nhứt: ninh, Nhơn đắc nhứt: thành. Trời đặng Một ấy mà khinh thanh.
Đất đặng Một ấy mà bền vững. Người đặng Một ấy mà trường tồn.”
Cái phép kín nhiệm huyền vi để siêu phàm nhập thánh thoát kiếp luân hồi muốn thọ được người tu hành phải bước lên hàng Thiên đạo đại thừa trường trai tuyệt dục, tuân nghiêm giới luật, vừa tu khổ hạnh vừa lập đức bồi công, thực hành tam công (công quả, công trình và công phu) cho đầy đủ. Thường là hàng nguyên căn, căn trí sâu dày, đại hùng đại lực, quyết tâm cầu tu giải thoát, thệ nguyện bất thối chuyển cho đến ngày công viên quả mãn đắc Đạo. Đó là cơ tuyển lọc chọn Thánh phân phàm của Thầy cho đời Thượng Nguơn Thánh Đức trong tương lai.
2. Định nghĩa theo Đạo Đức Kinh
Trong Đạo Đức Kinh của Đức Lão Tử, chương 39 cũng có giải về hai chữ Đắc Nhứt như sau:
“Tích chi đắc nhứt giã: thiên đắc nhứt dĩ thanh, địa đắc nhứt dĩ ninh, thần đắc nhứt dĩ linh, cốc đắc nhứt dĩ doanh, vạn vật đắc nhứt dĩ sinh, hầu vương đắc nhứt dĩ vi thiên hạ trinh…”.
Ông Nguyễn Duy Cần dịch: “Đây là những vật xưa kia được Đạo . Trời được Đạo mà trong, Đất được Đạo mà yên, Thần được Đạo mà linh. Khe ngòi được Đạo mà đầy, vạn vật được Đạo mà sinh, vua chúa được Đạo mà làm chuẩn tắc cho thiên hạ. Những cái đó đều nhờ Đạo mà được vậy.”
Ông Huỳnh Kim Quang ở California (Mỹ) có dịch trong cuốn sách “Đức Đạo Kinh” của ông xuất bản năm 1994, ông dịch hai chữ Đắc Nhứt là nhứt thể, đoạn ấy như sau:

“Từ ngàn xưa muôn vật vốn hàm ngự Nhứt Thể.
Trời do đạt được Nhứt Thể mà trong xanh.
Đất do đạt được Nhứt Thể mà yên lành.
Thần do đạt được Nhứt Thể mà linh hiển
Hang động do đạt được Nhứt Thể mà đầy,
Vua, quan do đạt được Nhứt Thể mà ổn định được
thế nước, lòng dân.
Cùng kỳ lý, điều ấy có nghĩa rằng:
Trời nếu không trong xanh, e rằng sẽ băng hoại.
Đất nếu không yên lành, e rằng sẽ chấn động.
Thần nếu không linh hiển, e rằng sẽ mất năng lực.
Hang động nếu không đầy, e rằng sẽ khô cạn.
Vua quan nếu không cao quí, e rằng sẽ sụp đổ.”

Chính vì vậy, quí phái lấy bần tiện làm nguồn cội, cao sang lấy thấp hèn làm cơ bản.
Vì vậy Thánh nhân không muốn long lanh như ngọc, chỉ muốn được như đá sỏi.
Cho nên các vị minh vương đời xưa thường tự xưng mình là quả đức, quả nhân để tỏ vẻ hạ mình làm gương cho dân chúng.
3. Định nghĩa theo Thánh huấn của Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ
Về hai chữ Đắc Nhứt, chúng ta rất hữu phước được Đức Chí Tôn Thượng Đế dạy rất rõ ràng, dễ hiểu, đầy đủ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ngày rằm tháng 3 Tân Hợi (10-4-1971):
Đây là điều quan trọng nhứt, chúng ta cần tịnh tâm lắng nghe Thầy dạy:
“Trong thế tam tài, Trời mà đặng Một thì đàng Đạo yên ổn trong lành, soi sáng nuôi dưỡng muôn loài vạn vật không giây phút nào ngừng nghỉ, từ thỉ chí chung. Đất khi đặng Một, thì vạn vật mới sinh tồn nhờ bởi sự ổn định luôn luôn. Nếu không ổn định bình yên thì con người, thì vạn loại bị sự tiêu diệt bởi sụp đổ nghiêng chinh. Còn nhơn, tức con người đặng Một, thì con người trở nên thông suốt sáng láng, hiểu được mọi sự mọi vật từ gần tới xa, từ việc đã qua tới việc sẽ đến. Đối với người thì gây được tình thương, tạo được thế giới thanh bình thạnh trị. Đại để là như vậy.
Còn Thầy khai Đạo, muốn cho các con đắc Nhứt, chẳng những về phương diện hữu thể mà thôi, mà cả về phương diện siêu thể tinh thần là phần chính yếu vậy.”
Hữu thể thuộc về vật chất hữu hình, còn siêu thể thuộc về tinh thần vô vi huyền nhiệm, tuy không thấy, không rờ đụng được, mà là chơn không diệu hữu, trường tồn vĩnh cửu. Ví như xác phàm này là vật chất hữu hình, hữu hoại; còn linh hồn là điểm linh quang của Thượng Đế bất tiêu bất diệt tối linh hiển hích. Vì Thầy là hư vô chi khí, muốn hiệp nhứt với Thầy thì con người phải tu luyện sao cho tam bửu, tinh khí thần nơi người (nhơn thân) hiệp thành một khí thuần thành huờn hư đồng khí thể với Thầy mới huyền đồng được. Thầy đã khẳng định là muốn được trở về hiệp nhứt cùng Thầy thì phải tu luyện làm sao cho có được nhị xác thân thiêng liêng để linh hồn khi lìa xác nương theo đó mà phản bổn huờn nguyên về với Thầy.
Ngay từ ngày mới khai Đạo trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Thầy dùng chữ périsprit của Thần Linh học để ám chỉ cái xác thân thiêng liêng đó.
Thầy muốn chúng ta Đắc Nhứt về phương diện siêu thể tinh thần là phần chánh yếu, tức là luyện sao cho được kim thân Thánh thể hư vô tinh khiết mới trở về hiệp nhứt được cùng Thầy. Thầy đã xác nhận: Thầy là hư vô chi khí, nếu không có hư vô chi khí thì không có Thầy. Nếu không có Thầy thì không có chi trong càn khôn thế giới nầy. Nhị xác thân chỉ là một khí thể đồng nhứt với khí thể của Thầy.
Muốn hiệp nhứt được với Đức Chí Tôn Thượng Đế phải có chìa khóa mở cửa Đạo, hiệp được với Đạo, tức hiệp với Thầy. Chiếc chìa khóa đó là cái pháp độc nhứt vô nhị, bí nhiệm huyền vi của Tiên Phật chỉ khẩu truyền để cổi xác phi thăng xuất phàm nhập thánh theo lời giải thích của Đức Linh Bửu Thiên Tôn trong kinh Đại Thừa Chơn Giáo.
Nhưng muốn được cái chìa khóa đó, Thầy dạy chúng ta:
“Các con! Trước khi các con gọi rằng được Một, thì các con đã được nhiều lắm rồi. Được nhiều đến nỗi các con không làm sao chứa đựng hết,
khiến cho lòng con luôn luôn bận rộn, khiến cho trí não các con luôn luôn căng đầy,
khiến cho thân thể các con triền miên gian khổ. (...)
Đắc Nhứt không có nghĩa là con chỉ tôn thờ một tôn giáo, một lý tưởng cao đẹp nào đó. Đắc Nhứt không có nghĩa là các con chỉ dự một nhiệm vụ làm cho tới ngày cởi bỏ xác phàm. Đắc Nhứt cũng không phải các con chỉ có một lòng một dạ yêu Thầy mến Đạo, tỏ ra rất thuần thành. Nếu các con xét thấy mình chỉ được ngần ấy thì chưa đủ được Đạo hay Đắc Nhứt đó con. Vì nếu con cứ một lòng bảo vệ tôn chỉ, lý tưởng của mình cho tới cùng, không một trở lực nào ngăn cản, nếu bị kẻ khác xâm phạm danh dự hay quyền lợi thì tỏ thái độ đối kháng, ấy là chưa được Đắc Nhứt quá lắm vậy!”
Kính bạch Đại Từ Phụ, như vậy chúng con phải làm sao mới được Đắc Nhứt theo Thánh Ý? Và Đức Chí Tôn đáp lại: “… Thế thì các con cũng cứ giữ một lập trường, một tôn chỉ, một con đường đã chọn đi! Các con cứ nhứt tâm vì Thầy vì Đạo đi, các con cứ một việc làm mà hằng tiến đi. Và trên những con đường, những phương hướng ấy mà các con làm, vì Đạo không vụ ở lợi cho mình. Hễ đi tới là quay về trước mặt, không ngó lại mà tiếc rẻ những việc chung quanh, tức là các con mạnh dạn cởi bỏ những phàm tánh, vọng ý còn đeo đẳng lòng con, mặc dầu phàm tánh vọng ý ấy chỉ dùng cho sự luyện Đạo thành Tiên tác Phật. Vì những thứ ấy là những lượn ba đào trên mặt trùng dương biển cả. Nếu biển cả cứ nổi dậy những sóng to dồn dập, thì nó sẽ ở vào trạng thái đa diện, không còn nhứt diện phẳng lì nữa. Khi lòng con như lượn sóng luôn luôn khơi dậy, thì khi ấy chưa được sự Đắc Nhứt.”
Nghiên cứu lời dạy của Thầy ở trên, chúng tôi hiểu muốn được tâm Đắc Nhứt, chúng ta phải mạnh dạn cổi bỏ dứt khoát những phàm tánh vọng ý còn đeo đẳng nơi lòng, tức là phải sạch lòng trống không, vô niệm vô dục, triệt phá tất cả những gì còn vướng bận tâm tư, không còn chấp nhơn, chấp ngã, chấp danh, chấp đạo, chấp pháp như theo lời khuyên của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn trong một khóa tịnh.
4. Muốn đắc nhứt tâm phải tham thiền
Muốn Đắc Nhứt hay phối Thiên hay hiệp nhứt với Thầy phải luyện cho được cái Tâm Đắc Nhứt.

“Đắc Nhứt Tâm rồi thế mới yên,
Muốn tâm Đắc Nhứt phải tham thiền;
Tham thiền tâm sẽ hòa muôn vật,
Hòa ấy làm nên Đạo phối Thiên.”

Như vậy, muốn Tâm đắc nhứt phải tham thiền. Tham thiền thì phải quán xét nội tâm để diệt trừ vọng niệm để cho tâm thanh tịnh lặng lẽ thấy được chơn như bản tánh. Tham thiền bằng phương pháp diệt tam tâm, trừ tứ tướng mà Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và các Đấng đã từng khuyên người chơn tu phải thực hành để đạt được tâm chơn không hay tâm hư mới hội nhập được cùng với khí hư vô của Thầy và hiệp nhứt với Thầy vì Thầy là hư vô chi khí. Tham thiền cho diệt được ba tâm: quá khứ tâm dứt bỏ mọi niệm lự, hiện tại tâm không có nghĩ gì cả, tương lai tâm đừng vọng tưởng,
để có được tâm không hay tâm chơn như đồng thể với tâm Phật, tâm Trời.
Nên Thầy có dạy trong Đại Thừa Chơn Giáo:
“Thầy truyền có một chữ Không,
Chữ Không làm đặng lục thông chứng thành.”
Còn trừ tứ tướng: ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, và thọ giả tướng để tâm không còn vướng mắc với bản ngã ích kỷ, độc tôn, không còn sân si, mừng vui giận hờn, thương ghét để đạt được thuần chơn vô ngã. Cốt yếu là diệt cho được thất tình lục dục mới đạt được tâm hư tức tâm không, tâm đắc nhứt, tâm chơn như.
“Các hàng giáo chủ cũng do tâm đắc nhứt mà thành Tiên tác Phật! Nhứt là cực của Vô cực, là đại bản thể, là Chơn Như. Người học Đạo chỗ tâm truyền là đó. Ngàn kinh muôn điển đạo thơ cũng nhắm vào đó.”
Như vậy, muốn tâm đắc nhứt phải tham thiền. Mà tham thiền cốt yếu là giữ tâm cho được yên lặng, thanh tịnh mới thần giao cách cảm với Thượng Đế. Hãy nghe Thầy dạy:
“Con ôi! Sự yên lặng để Thần giao cách cảm, để các con tìm thấy con trong Thầy và Thầy hằng ngự trị với đức hiếu sinh trong vạn vật. Yên lặng tức là quán triệt tất cả những cái gì mà trần gian không nói được, không sờ mó được, không nghe thấy được. Yên lặng để tìm thấy cương vị của các con trong sứ mạng to tát giữa thời Phổ Độ Kỳ Tam. (…) Yên lặng để điều ngự khỏi truân chuyên.
Yên lặng để chuyển phong ba trở thành bình địa.
Sự yên lặng rất cần dùng ấy, con phải biết giá trị của phút giây yên lặng đó.”
Xin kết luận với hai đoạn Thánh giáo dạy về hai chữ Đắc Nhứt của Đức Lý Đại Tiên Trưởng và Đức Đông Phương Lão Tổ:
1. Đức Lý Giáo Tông dạy: “Lời xưa có nói: Đắc Nhứt vạn sự tất. Nghĩa là được một sẽ được tất cả. Một là chi? - Một là Đạo. Đạo bao gồm hàm súc cả quá khứ hiện tại và vị lai của sự lý trong cõi đời. Thiếu Đạo là thiếu Một. Một đã bỏ mất, thì dầu có bao nhiêu cũng là mộng ảo, không cội, không nguồn. Trên năm mươi năm dạy dỗ, Thánh ngôn Thánh giáo rất nhiều, chung qui cũng nhằm dạy lẽ Một đó mà thôi.”
2. Đức Đông Phương Lão Tổ dạy bổ túc về pháp môn: “Pháp môn vô lượng. Tuy nhiên muôn pháp đều không ngoài một lý âm dương. Âm dương hiệp nhứt là chứng đạo. Dầu mọi pháp môn, khí công luyện hình, công phu tuyệt kỷ, cũng đều do chỗ Một đó mà thành. Nên gọi là Đạo chỉ có Một. Nếu còn nghĩ có hai ắt không phải là chánh đạo.
Thế nên muốn cầu Đạo phải cầu tâm. Có tâm mới có một hai, chánh tà, thiện ác.
Còn Đạo thì bàng bạc hư vô. Phải dụng tâm chuyên nhứt mới hiểu được Đạo,
vận hành đúng Đạo và đạt đến chỗ vô dục, vô niệm để bảo trung thủ nhứt,
qui trung quán nhứt, các bậc chơn tu cũng do con đường đó mà đạt Đạo.”
Đức Diêu Trì Kim Mẫu cũng đã xác định lời dạy của nhị vị Tôn Sư:

“Con hỡi đường nào đạt đạo cơ?
Chỉ đường Trung Nhứt phục nguyên sơ;
Ngàn xưa Giáo Tổ đều do đó,
Chứng quả độ đời tỉnh giấc mơ.”

Các hàng Giáo Tổ của Tam Giáo (Nho, Lão, Thích) đều thực hành triệt để đường Trung Nhứt đó mà đắc đạo, đắc nhứt thành Tiên Phật để độ đời.

Đức Khổng Tử dạy chấp trung quán nhứt.
Đức Lão Tử dạy thủ trung đắc nhứt.
Đức Thích Ca dạy bảo trung qui nhứt.

Đó là con đường duy nhứt để phối Thiên, tịch diệt niết bàn hay vào Bạch Ngọc Kinh của Thầy.
Nếu chẳng chấp trung, chẳng quán nhứt, thì làm sao nên Thánh được như Khổng Tử. Nếu chẳng thủ trung, chẳng đắc nhứt, thì làm sao mà thông huyền như Lão Tử? Nếu chẳng bảo trung, chẳng qui nhứt thì làm sao thiền quán được để thành Như Lai? Nên Đức Diêu Trì Kim Mẫu bảo rằng chỉ có con đường trung nhứt mới phục nguyên sơ trở về nguồn cội.
Đức Ngô Đại Tiên có khẳng định trong một Thánh giáo rằng không có vị Phật Tiên nào không chứng minh được kết quả công phu hiện tiền của mình mà thành Đạo cả. Chính Đức Đại Từ Phụ cũng phán quyết rằng dầu cho một vị Đại La Thiên Đế giáng phàm mà không tu luyện cũng khó trở về ngôi xưa vị cu

 Trở lại Mục Lục