LÀM THẾ NÀO ĐỂ XỨNG ĐÁNG LÀ DÂN TỘC ĐƯỢC CHỌN

Trước tiên xin đọc lại Huấn từ năm xưa của Đức Chí Tôn Thượng Đế giải thích vì sao Ngài mở Đạo tại xứ Việt Nam nhỏ bé của chúng ta: “Các con là dân tộc Việt cũng như các dân tộc khác sanh trưởng tại quả địa cầu này. Tình thương Tạo Hóa cũng ban đồng cho các con cũng như các con khác, nhưng dân tộc các con đã đau khổ quá nhiều, non sông tổ quốc các con đã bị dày xéo lâu đời, nhưng các con được trội hơn chúng về đức tin, về lòng đạo đức ngưỡng mộ Thượng Đế và các Đấng Trọn Lành. Tình thương các con không thiếu, lòng hiếu hòa các con có thừa,
do đó dân tộc các con mới hạnh ngộ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.”
Và trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, chúng ta hãy đọc lại lời của Thầy khi vừa Khai Đạo:

“Hảo Nam Bang! Hảo Nam Bang!
Tiểu quốc tảo khai hội Niết Bàn;
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.
Thi ân tế chúng thiên tai tận,
Nhược thiệt nhược hư vạn đại an;
Chí bửu nhơn sanh vô giá định,
Năng tri giác thế sắc cao ban.”

Người Việt vốn là một dân tộc hiền lành, hiếu hòa, tôn trọng lễ nghi đạo đức thánh hiền, chỉ mong được sống trong cảnh thái bình an cư lạc nghiệp, thế mà vẫn bị phương Bắc (Trung Quốc) mấy lượt xâm lăng đô hộ, dày xéo quê hương đất nước chúng ta cả ngàn năm. Và gần đây hai đế quốc gọi là hùng cường văn minh nhứt Âu Mỹ cũng đã đến xâm lược tàn phá đất nước chúng ta cho đến đỗi cảm động lòng Trời Đất, nên Đức Thượng Đế xót thương, đích thân đến mở Đạo ở Việt Nam bằng huyền linh diệu bút.
Đây là một sự kiện hi hữu trong lịch sử tôn giáo thế giới.
Đó là một hạnh phúc lớn lao vô cùng của dân tộc Việt Nam, của nước Việt Nam được chọn làm Thánh Địa Cao Đài, mà Đức Ngô Đại Tiên, vị cao đồ đầu tiên của Đức Cao Đài Thượng Đế gọi là “cái rún của năm châu, tất cả đâu đâu cũng đổ dồn về rún. Từ Phật, Pháp, Tăng, Lão, Thích, Nho đều cũng đi vào trong ngưỡng cửa đó để nhìn chung Lý Đạo là Lý duy nhứt của Thượng Đế.”
Cho rằng nước Việt Nam là “cái rún của năm châu”, thật không quá đáng, vì nướcViệt Nam theo địa dư, nằm giữa hai dân tộc lâu đời và lớn nhất trên thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc, với số dân cao nhứt, đã có hai nền văn minh thánh triết vĩ đại đã từng sản xuất các vị Phật Thánh Tiên như Đức Phật Thích Ca, Thánh Gandhi, Đức Khổng Tử, Lão Tử, v.v… Nên từ lâu đời, dân tộc Việt Nam đã hấp thu giáo lý uyên thâm của Tam giáo: Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo qua các cuộc giao lưu để tu học, bồi dưỡng thân tâm, noi gương thánh triết của các bực siêu nhân mà an dân, trị quốc trong khuôn viên đạo đức thuần phong mỹ tục. Từ đó, trở nên một dân tộc hiền hậu biết tôn trọng nghĩa nhân, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, biết thờ Trời kính Phật,
hình thành một truyền thống đạo đức hiếu hòa với tinh thần cởi mở,
khoan dung hòa ái, chấp nhận mọi tín ngưỡng, mọi tôn giáo.
Dân tộc Việt Nam đã ghi vào trang sử nước nhà trên bốn ngàn năm văn hiến với biết bao gương trung, hiếu, tiết, nghĩa, đạo đức từ khi lập quốc. Các vị minh quân của các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đã kết nạp những vị hiền triết của Tam giáo làm quốc sư để tham cầu kế sách trị nước an dân, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân được sống thanh bình an cư lạc nghiệp.
Quả thật, dân tộc này, theo truyền thống lịch sử, xứng đáng là một dân tộc được Đức Chí Tôn Thượng Đế thương tưởng, tuyển chọn làm Thánh Địa Cao Đài để trước tiên cứu rỗi dân tộc này và từ đây phóng phát giống Đạo lành ra khắp năm châu bốn bể, độ tận nhơn loại thoát cảnh trầm luân đọa lạc, tạo nên một thế giới huynh đệ đại đồng và lập lại đời Thượng nguơn Thánh đức, sau Hội Long Hoa. Đức Chí Tôn đã hứa, chúng ta hãy dọn mình lo tu học, tự hoàn thiện hóa bản thân để dọn mình đón rước ánh linh quang của Thượng Đế. Thầy có dạy các con phải có Thánh Tâm mới hưởng được đời Thánh Đức.
Sau khi người dân Việt Nam và nước Việt Nam được chính Đức Chí Tôn Thượng Đế tuyển chọn, người tín đồ Cao Đài phải xử sự như thế nào để xứng đáng là con tin của Thượng Đế, không để cho dân tộc khác chẳng những cười chê mà còn phân bì với Thầy,
để chúng ta không đắc tội với Thầy Thượng Đế vậy.
Những đức tánh mà dân tộc Việt Nam,
con tin của Đức Thượng Đế cần phải có để xứng đáng được tuyển chọn là:
1. Thành khẩn để trọn đức tin nơi Đức Chí Tôn Thượng Đế, Chúa Tể Càn khôn vũ trụ và muôn loài vạn vật, đến nước Việt Nam để mở Đạo Kỳ Ba độ rỗi nhơn loài với danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tức đạo Cao Đài.
2. Người tín đồ Cao Đài phải thực hiện cụ thể sự thương yêu giữa các dân tộc trên thế giới, không phân biệt kỳ thị màu da sắc tóc, phải coi như anh em cùng một Cha chung là Thượng Đế, là Chúa Trời, vì chính Ngài là cha của sự thương yêu, do sự thương yêu mới có muôn loài vạn vật trên thế gian. Bất đắc dĩ, nếu không đủ sức thương yêu, Thầy dạy, cũng “đừng ghét nhau nghe à!”
3. Tín đồ Cao Đài phải nhìn nhận Vạn giáo đồng nguyên và đồng nhứt lý, tất cả các tôn giáo hiện hữu đều do một Đấng tối cao là Thượng Đế sai các vì giáo chủ thay mặt Ngài giáng trần mở nhiều mối Đạo để giáo dân vi thiện tùy theo tập quán, phong tục của các địa phương.
4. Tín đồ Cao Đài không được kỳ thị, chỉ trích các tôn giáo vì đó là những phương tiện, những chiếc đò để đưa hành giả từ bến mê sang bờ giác ngộ để giải thoát con người khỏi trầm luân; không nên câu chấp, vì chúng sanh căn trí vô lượng, phải tùy duyên hóa độ, không nên chấp hình danh sắc tướng, chỉ mượn hữu hình dẫn dắt hành giả vào cửa Đạo vô vi, như thế mới phát triển tinh thần đại đồng thế giới.
5. Môn sanh Cao Đài phải có tác phong đạo hạnh thuần thành đạo đức, gương mẫu.
Đức Lý Giáo Tông có dạy: “Người đạo Cao Đài là gương mẫu, là chiếc đò, là nhịp cầu đưa khách từ bến mê sang bến giác, là điện đài thu phát động năng thúc đẩy sự thống hiệp giáo lý, là tính chất của Tạo Hóa, kết hợp sự thương yêu cho toàn diện thế giới nhân loài.”
Người tín đồ Cao Đài phải thể hiện tính chất hiền hòa đạo đức của dân tộc Việt Nam mà Ơn Trên đã nhìn nhận, phải “xây dựng nền tảng giáo lý theo kịp trình độ văn minh khoa học hiện đại để phổ độ khắp nhân loại thế giới, mặt khác làm xiển dương Thánh ý: Dân tộc Việt Nam là dân tộc được chọn làm nền móng khai sáng cơ Đạo. Nên cần phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc, theo đường lối Tam giáo qui nguyên, vạn giáo nhứt lý và Thiên nhơn hiệp nhứt, làm nổi bật thuần túy tính chất của dân tộc mà luôn khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại.”
Dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa đạo đức, có một bản sắc riêng biệt, không bị bất cứ một nền văn hóa ngoại quốc nào từ Trung Hoa hay từ Âu Mỹ xâm nhập bằng sự đô hộ chiếm đóng, làm biến chất tính cách thuần túy dân tộc Việt Nam cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là tinh thần quốc gia dân tộc sáng chói. Mặc dầu bị Trung Quốc đô hộ cả ngàn năm, bị cưỡng ép mọi cách, nhưng văn hóa của nước Việt Nam không bị đồng hóa với văn hóa Trung Hoa, vẫn cương quyết bảo tồn phong tục tập quán nước nhà. Dùng văn tự Trung Hoa mà người Việt Nam có cái đặc tính riêng của nó, nhứt là về phương diện luân lý, hồn văn hóa Việt Nam cũng không bao giờ tiêu mất đặng,
nhứt là tinh thần đoàn kết để chống xâm lăng.Văn hóa đạo đức và văn hóa dân tộc
Việt Nam là phản ảnh của văn hóa Cao Đài, Đức Lý Giáo Tông có dạy:
“Văn hóa đạo đức có những gì tốt đẹp sâu sắc trong lãnh vực triết học, đạo lý, thần linh học, từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan, sự liên hệ giữa Trời và con người,
sự liên hệ giữa Trời và vạn vật, sự liên hệ giữa con người và con người,
sự liên hệ giữa con người và vạn vật, v.v…
Văn hóa dân tộc nói lên được tất cả những cái gì cao quí tốt đẹp của một dân tộc từ văn học, triết học, nghệ thuật, phong tục tập quán đến quốc hồn quốc túy của một dân tộc ấy.”
Quốc hồn vốn là hồn nước, là tinh thần quốc gia, là hồn văn hóa, là luân lý, triết lý và tôn giáo. Mỗi một quốc gia đều có quốc hồn, quốc túy, là đặc tính riêng của nó.
Ngay như ở dân tộc Việt Nam chúng ta, vì muốn giải phóng đất nước, cứu dân tộc khỏi họa thực dân đô hộ, các đấng Tiên Vương như hai Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị phất cờ độc lập. Vua Lê Lợi 10 năm chịu gian khổ chống xâm lăng giải phóng được đất nước khỏi ách đô hộ. Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương đã ba phen đuổi bọn Mông Cổ hung bạo đã từng chinh phục Trung Quốc và chiếm phân nửa Âu Châu. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Thanh. Ngày nay dân tộc Việt Nam hùng dũng kiên cường làm cho hai cường quốc thực dân Pháp, Mỹ phải đại bại và khôi phục lại sự thống nhứt độc lập cho đất nước và đem lại vinh quang thịnh vượng cho dân tộc.
Đó là nhiệm vụ quốc gia cứu nước, cứu dân của công dân Việt Nam; còn đối với mỗi gia đình người Việt Nam, văn hóa đạo đức thấm nhuần tinh hoa của giáo lý Tam giáo Phật, Lão, Nho. Với Nho giáo người Việt rút tinh hoa giáo lý đạo đức của Khổng Tử với đạo “Tam cang và ngũ thường”, làm nền tảng giáo dân vi thiện, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Với Lão giáo, người Việt sống tự nhiên theo Thiên Lý, giữ lòng vong kỷ vị tha hoặc quên mình vì người, thi ân không cầu báo, và không cho ai biết mình thi ân. Với Phật giáo nhập vào Việt Nam từ Ấn Độ và từ Trung Hoa, với một triết lý siêu mầu giải khổ con người thoát vòng vô minh mê muội, người Việt Nam chấp nhận cả phái Tiểu thừa (Nam Tông) và Đại thừa (Bắc Tông), phát triển Thiền Phật giáo rất tốt đẹp qua hai đời Lý Trần với các Thiền sư tiếng tăm như Vạn Hạnh Thiền Sư đời Lý,
Trần Nhân Tôn (Trúc Lâm) đời Trần.v.v…
Khi Đức Chí Tôn Thượng Đế khai minh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào năm Bính Dần (1926) cùng chư Phật Tiên phụ tá giáng cơ dạy đạo lý, ban ơn cho tín đồ Cao Đài biết bao Thánh ngôn dạy từ mọi chi tiết từ thấp đến cao để tu thân, hành đạo, giúp đời. Nhứt là Đức Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông Vô Vi ĐĐTKPĐ và Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, un đúc rèn luyện con tin Cao Đài trở nên người hiền lương đạo đức thanh cao để xứng đáng làm người tín đồ gương mẫu cho Đại Đạo qua tác phong đạo hạnh. Các Đấng chỉ dạy từ tư tưởng, lời nói, hành động để xứng danh là tín đồ Cao Đài gương mẫu,
xứng đáng là dân tộc được chọn,
không hổ thẹn với Thầy và hãnh diện trước dân tộc khác trên thế giới năm châu.     

  Trở lại Mục Lục