HÃY NHÌN NHỮNG PHO TƯỢNG LỘ THIÊN CỦA ĐỨC QUÁN THẾ ÂM

Nhân lễ Kỷ niệm Ngày Thành Đạo của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát 19 tháng 6 vừa qua tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, trong không khí trang nghiêm của buổi lễ và lắng nghe bài thuyết trình của Giáo sĩ Kim Dung về Đức Bồ Tát, tôi chợt nhớ đã có lần trong dịp đến thăm một ngôi chùa Phật, đứng trước tượng Đức Quan Thế Âm uy nghi, hiền hoà dưới ánh nắng mặt trời ban mai, trong chiếc bạch y tay rộng màu trắng tinh khiết thanh bạch. Gương mặt Bồ Tát tỏa sáng với đôi mắt đầy vẻ từ ái như chiếu nhìn để quán xét hết nỗi khổ đau và với đôi tai rộng dài để lắng nghe hết tiếng than thở cầu cứu của toàn thể chúng sinh đang đắm chìm trong bể trầm luân sinh tử. Một tay Bồ Tát cầm bình tịnh thủy đựng nước cam lồ rải khắp thế gian dập tắt mọi thứ phiền não tham sân si để giải khổ cho nhơn loại vì phải lặn hụp trong cảnh vô minh; một tay Ngài nắm nhành dương liễu tượng trưng cho sự kiên nhẫn chiều người hòa mình độ chúng bằng cách hóa trang nam nữ đa dạng, giàu nghèo đủ hạng tùy duyên cứu độ nhơn loại khắp thế giới.

“Một nhành dương liễu đến Kỳ Ba,
Rưới giọt cam lồ giải nạn ma;
Tận độ quần linh sang bến giác,
Thọ truyền chánh pháp cõi ta bà.”

Pho tượng Đức Bồ Tát không hiểu vì sao con người thường đem đặt lộ thiên giữa trời nắng mưa sương tuyết một cách vô ý thức. Nhưng phải chăng điều này cũng để chứng minh hữu hình Bồ Tát đã hy sinh vì sanh chúng mà không nghĩ gì cho bản thân mình, chịu gian khổ hóa thân nhiều kiếp nêu gương đạo đức hy sinh cao thượng của một vị Bồ Tát muôn thuở muôn phương mà nhơn loại hằng chiêm ngưỡng tôn kính.
Một nhận xét nữa là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát luôn đứng hoặc ngồi trên một tòa bông sen, là thứ hoa có tiếng là tinh khiết, mọc trong bùn nhơ mà không bị hôi tanh mùi bùn. Đức Bồ Tát có ý khuyên chúng ta bắt chước Ngài cư trần mà bất nhiễm trần. Sống ở giữa trần ai đầy lạc thú vinh hoa phú quí, mà không để bị nhiễm ô thói hư phàm tục, do bả lợi danh câu thúc, chìm đắm trong sắc, tài, tửu, khí để rồi phải chịu lẩn quẫn trong vòng nghiệp quả luân hồi. Bồ Tát khuyên chúng ta phải tự giải thoát dứt bỏ mọi đam mê luyến ái làm con người bị vô minh che lấp bản linh chơn tánh quên mất con đường phản bổn huờn nguyên phục hồi cựu vị.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu có khuyên:
“Muôn cánh hoa sen trổ cõi đời
Nhờ bùn sen mới được xanh tươi;
Gương sen khiết tịnh, hương sen nức,
Phiền não bồ đề cũng thế thôi.”

Nói tóm lại, nếu người tu hành chúng ta ngắm nhìn một pho tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát xây dựng một cách trang nghiêm, chúng ta sẽ trực nhớ để tập tành theo gương vong kỷ vị tha, từ bi bác ái độ người qua dung mạo hiền hòa của Ngài thì đường Tiên nẻo Phật không đâu xa vì chính Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã dạy chúng ta rằng muốn được làm Tiên Phật phải tập luyện cho được những đức tánh của các Đấng ấy, mới gần gũi được các Đấng ấy.
1. Nhìn bạch y của Bồ Tát ta cố giữ thân tâm mình cho được thanh khiết trắng trong không nhơ bợn.
2. Nhìn gương mặt của Bồ Tát chúng ta phải tập lòng từ bi, bác ái, để phát tiết ra ngoài sự hiền hòa, vui vẻ, cởi mở để cảm hóa tha nhân.
3. Nhìn bình tịnh thủy của Đức Bồ Tát rưới nước cam lồ với nhành dương liễu để luôn giữ lòng an nhiên thanh tịnh kềm chế mọi phiền não tham sân si dục để đạt đến sự giải thoát tâm hồn.
4. Nhìn nhành dương liễu dịu dàng cuốn theo chiều gió để tập tánh kiên nhẫn hòa mình độ chúng nhân.
5. Nhìn Đức Bồ Tát đứng hay tịnh tọa trên đóa hoa sen tinh khiết để luôn nhủ lòng không để ô nhiễm bụi trần ai, không bị câu thúc trong bả lợi danh, mồi vật chất.
Được như vậy, chúng ta sẽ là Tiên tại thế dễ dàng gần gũi các Đấng Phật Tiên.
Ngoài ý nghĩa thể hiện qua hình dáng truyền thống được con người tạc nên tượng thờ nói lên lý Đạo dạy người noi theo, đến Tam Kỳ Phổ Độ, với cương vị Nhị Trấn Oai Nghiêm đại diện cho Phật giáo trong Kỳ Ba, Đức Quan Thế Âm đã ban ân đầy đủ Thánh huấn dạy một cách rành rẽ, đầy đủ cách tu thân luyện tánh, và công phu luyện đạo từ thấp đến cao để thể hiện sự tận độ của chánh pháp Đại Ân Xá Kỳ Ba của Đức Chí Tôn Cao Đài Thượng Đế. Bồ Tát đã hoàn thành sứ mạng của mình với 12 đại nguyện. Công đức của Ngài vô lượng, không bờ bến, cứu độ trong cùng khắp thế giới chúng sanh, muôn loài đều được thọ hưởng ân sủng của Ngài. Để đáp lại trong muôn một ân đức sâu dày đó, người tín hữu Cao Đài ý thức được trách nhiệm phải noi theo con đường của Ngài mà tự giác, giác tha, để Ngài trọn đại nguyện trở về ngôi vị Phật nơi cõi thiêng liêng.
Xây dựng nhiều pho tượng đẹp đẽ để kỉnh thờ, tỏ lòng ngưỡng mộ công đức của Ngài là điều rất tốt, nhưng nếu chúng ta còn biết thực hành theo lòng từ bi, bác ái, vị tha, cứu thế độ đời theo như lời dạy khuyên quí báu của Ngài truyền lại qua kinh điển Thánh ngôn, Thánh giáo, có lẽ Ngài sẽ vui lòng vô cùng, vì chính Ngài đã từng dạy rằng Phật Tiên không vì người đời hiến dâng lễ phẩm mà ban phước, mà chỉ dụng lòng thành kỉnh chí tâm biết lo tu thân tâm hành chánh đạo, noi gương các Đấng Phật Tiên để trợ khó giúp nghèo, đỡ nâng cứu trợ những người lâm hoạn nạn, già nua, cô đơn, bệnh tật, chớ Trời Phật đâu có thiếu chi mà đem cúng hiến, vì:


“Phật Tiên đâu ưa nịnh, ưa dua,
Mà đem lễ vật đến chùa,
Đặt điều kiện để bán mua Phật Trời.”  

   Trở lại Mục Lục