NỘI GIÁO TÂM TRUYỀN VÀ NGOẠI GIÁO CÔNG TRUYỀN

Dặm dài gánh Đạo

Một số tín hữu Cao Đài còn nặng óc kỳ thị biệt phân cao thấp giữa đồng đạo, phân biệt chi này phái nọ, nào tu vô vi cao, tu phổ độ thấp, nào chỉ có chú tâm thực hành công quả cũng được trở về cùng Thầy và không tôn trọng đồng đạo tu theo Chiếu Minh Vô Vi Tam Thanh và cho là tu độc thiện kỳ thân. Môn sanh Cao Đài Thượng Đế đều tin theo lời dạy của Thầy Chí Tôn Thượng Đế ghi trong quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển hồi Thầy mới Khai Đạo năm Bính Dần (1926) và trong quyển Đại Thừa Chơn Giáo xuất bản năm Bính Tý (1936) tức 10 năm sau khi cơ phổ độ hình thành với Hội Thánh Cao Đài đầu tiên và Tòa Thánh xây dựng ở Tây Ninh.
Nếu cho rằng người tu Cao Đài không cần tịnh luyện thì tại sao ngay khi mới mở Đạo năm Bính Dần Thầy đã dạy về luyện Đạo tạo nhị xác thân thiêng liêng (périsprit) để trở về hiệp nhất cùng Thầy bằng phương pháp luyện tinh khí thần (tam bửu) hiệp nhứt. Thầy cũng đã dạy Ngài Ngọc Đầu Sư Lê Văn Lịch vốn là Lão Sư của Phật Đạo Minh Sư luyện lại đạo pháp để truyền cho môn sanh Cao Đài nào thọ trai 10 ngày một tháng đổ lên và Thầy nói Tam Kỳ Phổ Độ phải phô bày bửu pháp trong thời mạt kiếp này (TNHT).
Nhưng trước ngày Khai minh Đại Đạo năm Bính Dần (1926), Thầy đã truyền đạo pháp cho Ngài Ngô Minh Chiêu năm Tân Dậu (1921) tại huyện Dương Đông, trên đảo Phú Quốc. Ngài được Thầy phong làm Giáo Tông (anh Cả) của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và đã đắc quả vị Ngô Đại Tiên. Điều này toàn Đạo đều biết rõ.
Vì Đạo Thầy, như các tôn giáo lớn từ xưa, gồm hai phần: một là ngoại giáo công truyền, gọi là Cao Đài tôn giáo, để phổ thông đạo lý độ người mới bước đầu tiên vào tầm chơn lý; hai là nội giáo tâm truyền thuộc vô vi tâm pháp, khẩu truyền tâm thọ, là cơ tuyển độ để chọn lựa riêng những người có tính cách nguyên nhân chán đời tầm đạo gác vòng danh lợi, phế dẹp tình đời, không lưu luyến hồng trần, cầu bất sanh bất tử. Đó thuộc về khoa nội giáo tâm truyền khẩu thọ luyện Đạo tu đơn (ĐTCG, trang 264 bản in 1950), gọi là Cao Đài Đại Đạo.
Thầy cũng đã nhấn mạnh: Đạo là vô vi, vô hình, còn tôn giáo là cái cửa. Mỗi người muốn thành Phật Tiên phải chun qua cái cửa ấy rồi vô trong là Đạo.
Muốn thành đạo quả thần thông pháp nhiệm, Thầy đã dạy rõ, trước phải tu thân, chánh tâm cho chí thiện chí mỹ; phải diệt được phàm tâm thì Thánh tâm, Đạo tâm mới hiển lộ.
Đơn thơ có dạy: Muốn luyện đơn trước cần luyện kỷ, mà luyện đơn thì thậm dị (rất dễ dàng) còn luyện kỷ thì tối nan (rất khó khăn).
Thầy cũng có dạy: Nội giáo và Ngoại giáo công truyền, đức đều ngang nhau (không có phân cao thấp) tùy sứ mạng và nhiệm vụ của người Thiên ân thọ lãnh nơi Đức Chí Tôn Thượng Đế trước khi giáng trần. Ai có duyên tu theo phổ độ công truyền hoặc có duyên phước tu theo tuyển độ vô vi thì nên giữ phận mình lo tròn lời thệ nguyện, không nên chia cách, chê bai cao thấp mà tâm trung mất bình thường. Đức Chí Tôn Thượng Đế có minh giải trong đàn cơ tại Phú Quốc rằm tháng 3 Đinh Mùi (1967).
"Sau đây, lời Thầy cũng muốn trần tình, dặn dò thêm các con đang tu luyện về CHIẾU MINH TAM THANH. Dầu không ai nói, các con cũng biết rằng mỗi một chơn linh hạ phàm, khi muốn trở về với Thầy, đều cũng phải đi qua con thuyền bát nhã mà các con đang chọn cây ghép ván. Ngày xưa, Thầy đã giao bí pháp chơn truyền và trách nhiệm cho CHIÊU để dìu dẫn các con nào có hoàn cảnh, có phương tiện, có thì giờ, có cơ duyên, thì sớm lo tu luyện để chờ ngày công đầy quả đủ trở về hiệp nhứt cùng Thầy.
Trong khi đó, ngoài CHIÊU ra, còn có những con khác cũng lãnh sứ mạng trực tiếp của Thầy, đem PHƯƠNG PHÁP NGOẠI GIÁO CÔNG TRUYỀN để tỉnh ngộ và dìu dẫn các con khác còn nặng nghiệp duyên hồng trần đeo đẳng.
Sứ mạng của các con trong lớp sau này là khai sơn phá thạch, dọn rừng, cày đất, lượm cỏ trên mảnh ruộng, để cho các con có trách nhiệm về NỘI GIÁO TÂM TRUYỀN đem hột giống quí đến mảnh đất cày sẵn đó mà gieo giống. DẦU NỘI GIÁO, DẦU NGOẠI GIÁO, mỗi người mỗi việc, TRÁCH VỤ VÀ CÔNG ĐỨC NHƯ NHAU. NẾU MỘT TRONG HAI MÀ THIẾU THÌ DANH TỪ ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, TAM GIÁO QUI NGUYÊN, NGŨ CHI HIỆP NHỨT KHÔNG CÒN Ý NGHĨA GÌ NỮA."
Đức Ngô Đại Tiên cũng đã nhiều phen giáng cơ khuyên các đệ tử Chiếu Minh đừng độc thiện kỳ thân, tự cao tựđại mà Ngài phải mang tiếng “trăm dâu đổ đầu tằm”.
(Lời tâm sự của Ngài trong một đàn cơ ở Minh Đức Tu Viện)
Nếu lưu tâm nghiên cứu Thánh giáo của Ngài dạy nơi các đàn Chiếu Minh và ở Cơ Quan (Minh Đức Tu Viện) chúng ta sẽ được minh giải rõ ràng. Ngài nói:
"Ngày nay tuy lòng người còn phân cách công truyền, Tâm truyền, nhưng đến một lúc nào đó sẽ thấy phải có đủ Công truyền Tâm truyền mới tạo Tiên tác Phật được.
Người đời còn thiên về bản ngã, chỉ có những bực chơn tu, các hàng minh triết mới thực hiện câu: Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Pháp môn là phương tiện, mà tâm mới thật sự là cứu cánh. Mặc dầu bổn tâm của người đi trước không có ý lập Phái, lập Chi, nhưng người đi sau kết thành lỗi lầm độc tôn cho người đi trước. Thôi việc đã qua rồi, trăm dâu cũng đổ hết đầu tằm mà thôi! Chính mỗi người Thiên ân phải tự khắc kỷ, đừng để lệ thuộc vào phương tiện pháp môn mà theo sở dục tư hữu của mình. Đừng mê vọng non Tần núi Sở, cao thấp! Ôi tất cả đều là mộng huyễn do sở dục tư hữu của con người mà chánh pháp tức là tâm pháp, thì đâu có điều chi để nói, để nêu lên, để tranh luận. Pháp thị bổn vô pháp Chư hiền đệ muội phải thấy được chỗ huyền nhiệm ấy mới hoàn thành được sứ mạng." (Minh Đức Tu Viện, 1980)Lúc sanh tiền,
Đức Ngô Minh Chiêu thường ngâm bài thi của Ngài dịch bốn câu của

Đức Lục Tổ Huệ Năng trong Pháp Bửu Đàn Kinh:
“Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn;
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học,
Phật Đạo vô thượng, thệ nguyện thành.”
Ngài dịch như sau để dễ đọc thuộc:
ngâm
“Một là sanh chúng hằng hà,
Dốc lòng cứu vớt, lòng ta thề nguyền.
Hai là phiền não nối chuyền,
Thề nguyện đoạn tuyệt như thuyền ra khơi.
Ba là chí học chiều mơi,
Phép mầu sâu nhiệm, thảnh thơi có ngày.
Bốn là Phật Đạo công dày,
Nguyện thành chánh quả kíp tày chí ta.”
Cũng như trong bài Thập Thanh Điều Ngài truyền cho đệ tử tu theo đó:
Một khuyên giảm khẩu bớ con,
Hai khuyên chánh kỷ cho tròn hóa nhơn.
Ba khuyên giảm tánh giận hờn,
Bốn khuyên giữ lễ chớ lờn oai Tiên.
Năm khuyên kính mến người hiền,
Sáu khuyên đậy mắt lánh miền thị phi.
Bảy khuyên học chữ từ bi,
Tám khuyên hành đạo kịp thì Long Hoa.
Chín khuyên suy xét gần xa,
Mười khuyên lập nết ôn hòa độ dân.

Nếu Đức Ngô Minh Chiêu chủ trương tu Chiếu Minh là độc thiện kỳ thân, chỉ biết lo tu riêng cho mình, thì Ngài không tâm đắc câu nguyện thứ nhứt của Đức Lục Tổ Huệ Năng:
"Một là sanh chúng hằng hà,
Dốc lòng cứu vớt lòng ta thề nguyền."
Và trong bài Thập Thanh điều, Ngài dạy đệ tử ở câu thứ hai: “Hai khuyên chánh kỷ cho tròn hóa nhơn.” Hóa nhơn tức là hóa độ, cứu vớt nhơn sanh.
Câu thứ 10: “Mười khuyên lập nết ôn hòa độ dân.” Độ dân tức là độ đời, độ dân chúng.
Đức Ngô Minh Chiêu cẩn thận khuyên môn đệ mình chánh kỷ tức là sửa mình, trước lo diệt phàm tâm tục tánh cho đúng theo chánh đạo, được thuần thành đạo đức mới hóa nhơn, độ người không bị khảo đảo đó thôi. Vì Ngài chủ trương trước phải lo tự giác rồi sau mới giác tha, mới vững vàng; và muốn đắc Đạo, hành giả phải song hành cho đủ tự giác và giác tha, không thiếu sót phần nào.

"Tu thân đắc mới ra độ thế,
Muốn độ đời có dễ gì đâu,
Nêu gương chánh kỷ làm đầu,
Thuyết hành hai lẽ đạo mầu mới xong

    Trở lại Mục Lục