THỬ TÌM HIỂU THẾ NÀO LÀ ĐỜI NGHIÊU THUẤN

Thánh giáo Cao Đài thường nhắc cho môn sanh Cao Đài việc Đức Chí Tôn Thượng Đế sẽ tái lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức cho nhơn loại được hưởng sau đại hội Long Hoa sàng sảy, chọn lọc người hiền lương, ví như các đời vua Nghiêu Thuấn thuở xưa ở Trung Hoa vào thời thượng cổ.
Chúng ta thử tìm hiểu thế nào là đời Nghiêu Thuấn để có một quan niệm xác thật về nguơn Thánh đức.
Căn cứ vào Sử Ký của Tư Mã Thiên (Đế Nghiêu, Đế Thuấn và Hạ Vũ truyện), căn cứ vào Tân Tăng Gia Phê Cương Giám Bổ Chú, căn cứ vào Thư Kinh Đại Toàn (Thiên Nghiêu điển, thiên Thuấn điển và Thiên Vũ cống) thì tình hình xã hội thời Nghiêu Thuấn đại khái như sau:
Đời Nghiêu Thuấn xuất hiện ở Trung Hoa vào khoảng hơn bốn nghìn năm. Đó là thời kỳ xã hội còn bán khai chưa có tổ chức giai cấp, các vị này chỉ là tù trưởng chưa phải là vua đúng danh nghĩa. Sau khi ông Nghiêu chết, ông Thuấn là người hiền đức được dân cử lên thế và ông Vũ là người trợ tá cho ông Thuấn được bầu lên thay sau khi ông Thuấn mất. Lúc đó còn truyền ngôi vị cho người hiền chớ chưa truyền ngôi vị cho con cái như sau này chế độ quân chủ lớn mạnh.
Vua Nghiêu lúc nào cũng dốc lòng chăm lo đời sống của nhân dân. Khi có một người đói, ông cho là tại nhà vua nên dân đói, khi có một người rét, ông cho là tại vua nên dân phải rét. Khi có một người phạm tội, ông cho chính là nhà vua không biết dạy dỗ dân nên dân mới sa vào vòng tội lỗi. Vua nhận trách nhiệm của mình đối với nước. Đó là cách cư xử nhơn từ phúc hậu của Vua Nghiêu nên dân chúng rất cảm mến; đức của ông sáng ngời tỏa rộng khắp mọi nơi, thấm nhuần khắp dân chúng, nên không cần hình phạt răn đe bỏ tù mà dân được sống an bình thạnh trị. Truyền thuyết kể rằng có người dân phạm lỗi đến trình ông, ông vẽ một vòng tròn bảo đứng tại chỗ, thế mà người dân đó răm rắp tuân theo không dám cãi, cứ đứng yên tại chỗ đó hoài, đến tối ông quên, đi xa sực nhớ lại, ông vội vàng trở lại tha đi và xin lỗi. Nhà dân cư ở không cần đóng cửa then gài vì không có kẻ trộm cắp, của tiền rơi rớt không ai lượm lấy. Quả thật là một xã hội thánh đức thuần lương.
Vua Nghiêu không truyền ngôi cho con là Đan Chu vì ông cho rằng con mình không đủ đức tài, ông chọn ông Thuấn là người tài đức lên thay ông trị vì thiên hạ.
Vua Nghiêu chết, trăm họ thương xót đau buồn nên ba năm liền, dân không ai chơi nhạc.
Vua Thuấn lên thay cũng hết lòng chăm lo hạnh phúc cho nhân dân lấy khổ sở của dân làm khổ sở của chính mình, lấy hạnh phúc trăm họ làm hạnh phúc của chính mình, không lo lợi riêng mà chỉ lo ích chung cho xã hội, đó là đức tánh cao quí của bực Thánh nhân. "Vong kỷ vị tha” là quên mình lo cho người khác. Đó cũng là hạnh chơn tu hàng Thiên đạo đại thừa của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Theo sử ghi lại, đức của vua Thuấn ban rải khắp nhơn gian. Nhà vua cày ruộng ở Linh Sơn, người dân Linh Sơn đều nhường nhau bờ ruộng, nhà vua chài lưới ở đầm Lôi Trạch, người Lôi Trạch đều nhường nhịn nhau chỗ ở. Nhà vua làm đồ gốm ở Hà Tân, đồ gốm ở Hà Tân đều đẹp đẽ.
Thời vua Nghiêu, vua Thuấn trẻ con ở ngoài đường, ngoài ruộng dắt tay nhau mà ca rằng:
"Cho dân có gạo ăn, chẳng ai nhờ công to của nhà vua. Không cần biết gì, chỉ cần thuận theo phép tắc của nhà vua."
Thế nên, nhân dân rất yêu kính và nhớ ơn Vua Nghiêu, Vua Thuấn. Xã hội thời ấy dân sống rất an nhàn hạnh phúc trong sự thái bình, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, không thù nghịch giết hại lẫn nhau vì họ đều đủ cơm ăn áo mặc và nhà ở, không lo sợ trộm cắp.
Thời Nghiêu Thuấn hẳn là thời của Thượng nguơn Thánh đức, con người còn giữ tánh nết hiền hòa thuần hậu, không tham vọng, không đam mê vật chất phù hoa như thời nay quá tiến bộ trên mọi phương diện ảo hoa mê hồn dễ xúi giục con người sa ngã vào vòng trụy lạc tội lỗi của tứ đổ tường, tửu khí sắc tài.
Có một số người e rằng đời thượng nguơn tái tạo sẽ đưa con người sống trở lại đời sống mộc mạc thô sơ, thiếu tiện nghi vật chất mà nền văn minh hiện đại đã đem lại như điện tử, viễn thông, truyền hình, điện thoại, xe hơi, tàu thủy, máy bay, tàu lặn.... Tái lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức là đưa nhân loại trở về với nhân bản, đạo đức để xã hội loài người tái xây dựng một cuộc sống thái hòa, thánh thiện trong đó con người đối xử với nhau bằng tình thương, không còn cảnh tranh giành, kỳ thị, tội lỗi như tiêu chí “Nhân Hòa” đặt trên thế chân vạc “Nhân bản - an lạc - tiến bộ”.
Để làm được điều này, mỗi người phải tự tu học rèn luyện như lời dạy của Đức Chí Tôn:
"Trong cuộc lọc Thánh phân phàm, trong cơn sàng sảy chọn lọc giữa thời kỳ Hạ nguơn mạt kiếp, các con hãy bình tĩnh hầu lãnh hội Thiên lý, tu thân tâm, hành chánh đạo, ngõ hầu phục hồi bản tánh chơn như nguyên nhân thánh thiện."
Và Thầy cũng có minh giải:
"Thầy mượn sở dụng Thánh đức ngày xưa mà nhắc nhở ngày nay. Các con muốn có một cõi đời Thánh đức thì phải có Thánh tâm. Chỉ có Thánh tâm mới biết yêu thương nhơn loại. Người hành đạo thương dân mình như con đỏ, xem cái khổ của dân như chính mình khổ, cái vui của thiên hạ như cái vui mà mình có. Dân tựa vào sự thương yêu đó mà sống trong cảnh an lạc thái bình. Thánh tâm làm nên vương đạo, Thánh tâm hay Vương đạo đều ở trong lòng mỗi người, lòng các con. Cõi đời an lạc lâu hay mau đều tùy theo lòng giác ngộ của vạn linh. Biết thế, các con hãy thương yêu dìu dắt nâng đỡ lẫn nhau trên đường Đại Đạo, các con hãy học lòng Tạo hóa bao la vô biên vô lượng mà ở đời."

 Trở lại Mục Lục