Dặm dài gánh Đạo

HỌC HẠNH TỨ VÔ CỦA TAM GIÁO

Thánh Giáo Thiêng Liêng thường nhắc nhở người Thiên ân hướng Đạo, chức sắc, chức việc trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cần phải học hạnh Tứ Vô của Tam Giáo Đạo Tổ truyền dạy.
Chúng ta cố gắng học hỏi cho thấu suốt lý Đạo, hầu thực hành cho đúng Thánh Ý để xứng đáng trở nên hàng môn sanh của Đức Chí Tôn Thượng Đế,
phục vụ trọn vẹn cho cơ phổ độ kỳ ba.
Hai chữ Tứ Vô dịch sát nghĩa là bốn cái KHÔNG. Thử xét qua Tam Giáo Đạo Tổ dạy như thế nào qua tài liệu chúng ta học hỏi được ở kinh điển Thánh Ngôn, Thánh Giáo.
Phật giáo dạy bốn cái Vô, theo thiển kiến của chúng tôi là: vô sắc, vô tướng, vô pháp và vô ngã.
Lão Giáo dạy bốn cái Vô là: vô vi, vô công, vô kỷ, vô danh.
Nho giáo dạy bốn cái Vô là: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã.
Dưới đây chúng tôi xin dẫn chứng từng đoạn:
1. Phật giáo sở dĩ dạy vô sắc là không nên chấp ở hình danh âm thinh sắc tướng,
vì Phật cho rằng thế gian la cõi tạm vô thường không có chi là thật,
là bền bỉ cả, vì sắc tức thị không, mà không tức thị sắc (kinh Kim Cang).
Hữu hình hữu hoại là lẽ hằng thường xưa nay.
Phật cũng đã dạy: Nhược dĩ dụng sắc tướng kiến Ngã, dụng âm thinh cầu Ngã, thị nhơn hành tà Đạo, bất năng kiến Như Lai. Tạm dịch: Nếu dùng âm thinh sắc tướng cầu thấy Ta, đó là tà Đạo, không thấy được Phật Như Lai.
Nói đến Vô Tướng, Phật dạy phải trừ tứ tướng (Kinh Kim Cang) là Ngã tướng, Nhơn tướng, Chúng sanh tướng và Thọ giả tướng. Người tu vào hàng Thượng thừa, cũng như hàng chức sắc đã xuất gia hiến thân hành đạo được khuyên hãy diệt Tam Tâm (Tâm quá khứ, Tâm hiện tại và tâm tương lai) và trừ tứ tướng nói trên.
Nói đến Vô Pháp, ta nhớ lại tâm ấn của Phật Tổ truyền cho đệ Nhứt Tổ Ma Ha Ca Diếp. Trong hội Linh Sơn, khi Ngài cầm cánh hoa sen đưa lên, cả tăng chúng đều ngẩn ngơ, chỉ có Ngài Ca Diếp chúm chím cười (niêm hoa vi tiếu). Phật bảo:
“Ta có Chánh pháp nhãn tạng. Niết Bàn diệu tâm, Pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền riêng, nay Ta giao phó cho ngươi. Ngươi khéo gìn giữ chánh pháp này truyền trao mãi đừng cho dứt, đến sau sẽ truyền cho A Nan” và Ngài ban cho bài kệ pháp này:

“Pháp bổn pháp vô pháp
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phó vô pháp thời
Pháp pháp hà tằng pháp.”
Tạm dịch:
Pháp gốc pháp không pháp
Pháp không pháp cũng pháp
Nay khi trao không pháp
Mỗi pháp đâu từng pháp.

Cái Vô thứ tư của Phật dạy là Vô Ngã. Vô Ngã tức là không chấp cái bản ngã, cái phàm ngã, cái ta giả chớ không phải cái Chơn Ngã, hoặc Phật Tánh hay Thiên Tánh của Trời phó ban cho con người khi vào cõi tục, mượn xác phàm làm nơi tạm trú để học hỏi,
tu luyện nơi cõi phàm trần này, Phật dạy diệt bỏ cái phàm ngã của con người,
chớ không phải cái Chơn Ngã là cái “duy Ngã độc tôn”,
chỉ có cái Chơn Ngã đó mới thật là đáng tôn vinh cao thượng.
Vào cõi tục, cái Chơn Ngã Thiên phú đó, bị lục căn của phàm thế sanh ra lục dục, lục trần để cho thất tình sai khiến nên Chơn Ngã bị muội mê, phàm ngã chế ngự làm cho con người trở nên độc tôn, độc tài, độc đoán, chỉ còn biết có mình là hay, là giỏi, là đúng, không còn biết có người hay hơn, giỏi hơn mình, nên dễ bị sai lầm, lạc lối gây điều tội lỗi. Nên Phật thường dạy phải hồi quang phản chiếu, hướng về nội tâm để quán xét tâm mình, mới thấy được cái Chơn Tâm, Chơn tánh, Chơn ngã (kiến tánh) của mình.
2. Sang qua Tứ Vô của Đạo Lão là: Vô vi, vô công, vô kỷ, vô danh.
Đức Lão Tử là ông Tổ của Đạo Vô Vi “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi”. Đạo của Trời đất thường không làm, mà không có cái gì không làm, nhưng làm một cách tự nhiên, làm một cách vô danh không nêu danh tánh, không cho ai biết mình làm; làm một cách vô công, không kể công ơn, không cần cho ai biết mình làm; làm một cách Vô kỷ, không chịu để lại dấu vết, tiếng tăm, làm một cách âm thầm, không khoe khoang, biểu diễn rình rang. Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị, là hành cái Đạo Vô vi, sự việc gì xảy đến cũng vô tâm, để tâm trống không, an nhiên bất động, nếm cái mùi vị chơn không thanh thoát mà người thường không thể thưởng thức được.
3. Đến Tứ Vô của Nho giáo thì Đức Khổng Tử có dạy: Tử tuyệt tứ là Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã. Đời của Đức Khổng Tử không bao giờ lầm lỗi 4 điều này:
Một là vô ý, nghĩa là không có đặt sẵn trước cái ý riêng của mình vào việc sắp làm.
Hai là vô tất, là không quyết chắc hẳn hoàn tất việc của mình làm là chắc chắn được, bởi vì cái ý chí bất định đó thường hay trái với thời thế và đạo lý tự nhiên.
Ba là vô cố, cái bịnh câu nệ, cố chấp bằng một phương pháp chết cứng, bởi vì cái nết cố chấp ấy thường hay trái với lẽ biến thông viên hoạt.
Bốn là Vô ngã là đừng chấp cái ta của mình. Chỉ biết có một mình ta là tốt là đúng là hay, không chịu cho ai hơn ta, hoặc vì lợi ích riêng ta, thuận theo ý kiến ta thì ta mới chấp thuận, tất nhiên trái với nhơn tình, không thuận nhơn tâm, nghịch thiên lý. Đó là một cái bịnh tai hại nhứt trong 4 cái bịnh mà Đức Khổng Tử triệt đầu, triệt vĩ, quán thỉ quán chung.
Trên đây là sơ lược bốn hạnh tứ vô của Tam Giáo Đạo Tổ, đến Cao Đài Giáo Đức Đại Tiên Lý Thái Bạch, kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có dạy:
“Cao Đài không là Cao Đài, đó chính thị là Cao Đài. Cao Đài không tự nó sinh phát riêng cho Việt Nam hay bất cứ nước nào, không là của người này hay kẻ kia, không là Tây Ninh hay Bến Tre, không là Truyền Giáo hay Tiên Thiên.
Cao Đài là Cao Đài thế thôi. Chân lý tự nó phủ nhận chân lý.”
Tôn chỉ Cao Đài là Tam giáo qui nguyên, (Gia Tô giáo đã nằm trong Thánh Đạo)
Ngũ Chi Phục Nhứt, tức chủ trương vạn giáo nhứt lý.
Những ai còn kỳ thị, rẽ chia là chưa thấu triệt giáo lý Cao Đài, chưa thấm nhuần tôn chỉ cao thượng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là cứu rỗi tất cả toàn thể nhơn loại chí đến đứa hài nhi còn nằm trong bụng mẹ (“Chiêu Kỳ Trung độ dẫn hoài sanh” - TNHT).
Trong bốn cái Vô của Tam Giáo truyền dạy cho môn sanh, cái điểm rốt ráo giống nhau của Tam Giáo là Vô Ngã. Cái phàm ngã của con người nặng tợ núi Thái Sơn. Núi Thái Sơn còn dời được, còn cái phàm ngã, cái ta lại còn nặng gấp hàng muôn vạn lần, muốn diệt trừ nó, thật khó khăn vô cùng. Mà hễ diệt được phàm tâm thì Thánh tâm, Đạo tâm mới phát triển, Thiên lý mới lưu hành được.
Đối với Đạo gia, trên đường luyện Đạo tu đơn, tánh mạng song tu, cái khó khăn nhứt là luyện kỷ, nên thường tâm niệm để dằn lòng câu: “Luyện kỷ tối nan, huờn đan thậm dị”. Tạm dịch: luyện cái Ta cho được thuần thành đạo đức, chơn như thật khó khăn vô cùng, chớ luyện đơn thật quá dễ dàng. Mà luyện kỷ cốt là luyện đơn, luyện đặng kim đơn mà hành giả còn sân si, dục vọng bọc phá thì đơn dược phải tiêu tan theo mây khói, công phu mấy mươi năm đều thành công dã tràng.

“Thái Sơn tuy nặng, nặng còn dời,
Chỉ có xác phàm khổ lắm ôi;
Đến được không tìm ra lối thoát,
Muôn năm linh tánh chịu luân hồi.”

Và đến thời kỳ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ này, Đức Lý Giáo Tông cũng vẫn khuyên hãy luyện sao cho được cái bửu bối “Vong Ngã” mới thực hiện được cơ tận độ kỳ ba của Đức Chí Tôn Thượng Đế.
Ngài dạy: “Muốn thế Thiên hoằng Đạo, phương pháp duy nhứt là phải vong ngã. Có vong ngã mới có vị tha, có vị tha mới hết lòng tận độ. Người sứ mạng Thiên ân chiến thắng được khi nào làm cho kẻ thù trở nên thân, người ghét trở nên bạn. Có như thế thì xuân mới vĩnh cửu trường tồn trong lòng người Thiên ân sứ mạng, phàm nhân trở nên Thánh nhân trên con đường tự độ.”

    Trở lại Mục Lục