Dặm dài gánh Đạo

CHƠN DUNG NGƯỜI CHƠN TU

Thế nào là người Chơn Tu?
Người Chơn Tu là người Tu Thiệt chớ không tu giả dối màu mè, tu cho có tiếng tăm, để được người đời khen tặng, chỉ tu cho mình. Đúng theo ý nghĩa thuần túy của chữ Tu là sửa đổi, là trau giồi, sửa xấu ra tốt, hư ra nên, sửa dữ ra hiền, dứt bỏ những thói hư tật xấu mà mình đã lầm lỗi trước, phải biết ăn năn sám hối phục thiện để sửa mình, không còn biếng lười tham lam bỏn xẻn, ích kỷ hại nhơn, biết mở rộng lòng thương người mến vật. Chúng ta hãy xem định nghĩa chữ tu của Đức Hiệp Thiên Đại Đế:
“TU là sửa đổi từ dữ ra hiền, từ hư được nên, sửa đổi từ xấu thành tốt, từ phàm nhân ra Thánh nhân. TU cũng là tu bổ những chỗ hư hỏng thiếu sót để được hoàn mỹ chí thiện, chí nhân vậy. Nếu không sửa đổi cải thiện, khiêm tốn học hỏi điều lành, phục thiện để nhận những chỗ sai hầu chừa cải, thì dầu tu trọn đời mãn kiếp, phàm nhân vẫn là phàm nhân, luân hồi chuyển kiếp vẫn trong vòng chuyển kiếp luân hồi.”
Người Chơn Tu là người đã biết giác ngộ trước cuộc đời giả tạm phù hoa nay đổi mai dời, không có chi là bền bỉ, để nhận ra chỉ có linh hồn là điểm linh quang của Thượng Đế ban cho xuống trần gian, tạm mượn thân xác này một thời gian hữu hạn để học hỏi trui rèn hầu trở nên hàng Hiền nhân, Thánh triết mà giúp đời, giúp Thượng Đế ổn định càn khôn vũ trụ, vì mỗi người là một đơn vị đáng kể đứng trong hàng Tam tài, có nhiệm vụ đóng góp chung với cơ tiến hóa của Tạo Hóa.Người Chơn Tu không
nhứt thiết lìa bỏ gia đình, bỏ bê việc làm ăn chánh đáng, lương thiện đang có. Bổn phận gia đình phải lo cho tròn Nhơn đạo, vì Nhơn đạo tròn mới mong bước lên hàng Tiên đạo. Cũng không ly gia cắt ái vào chùa thất để ẩn tu, cũng không bắt buộc phải cạo râu cắt tóc, ăn mặc nâu sòng, trừ những hàng đã quyết tâm xuất gia tu hạnh Bồ Tát để giác tha hay hàng Đại Thừa hiến thân hành đạo. Trong Đại Thừa Chơn Giáo Đức Chí Tôn có dạy:

“Ở ăn như thể thường tình,
Lo tu luyện đạo sửa mình tinh ba.
Tu không biểu mặc đồ dà,
Cạo râu thí phát, bỏ nhà lìa con!
Ông bà cha mẹ đương còn,
Phải lo báo đáp cho tròn hiếu trung.
Vợ chồng trọn nghĩa thỉ chung,
Giữ như sen mọc dưới bùn không dơ…”

Người Chơn Tu, ai tu như vậy cũng được, không tự bắt buộc mình, không tự gò bó thể xác mình, tu sao cho được phóng khoáng tinh thần tự lòng giác ngộ, tự nguyện cải tạo từ bản thân, bản tánh mình, từ tư tưởng lời nói và hành động hàng ngày cho được càng ngày càng thanh cao, thánh thiện để xứng đáng là hàng tối linh hơn vạn vật, sẽ bước lên hàng Thần Thánh Tiên Phật, vì chính đức Phật Thích Ca đã dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, chỉ vì trước hay sau, chậm hay mau, con người cũng tiến hóa lên mức siêu xuất thế gian.
Người Chơn Tu một khi đã giác ngộ rồi, xem vật chất nhẹ tợ lông hồng, coi đó là những phương tiện để đưa đến cứu cánh, đem lại hạnh phúc chơn thật và thanh cao cho con người, chớ không bám víu ôm chầm giữ lấy mà thụ hưởng riêng tư. Người Chơn Tu không để cho tửu, sắc, tài, khí điều khiển mình để bị sa vào tội lỗi mà phải chịu đọa lạc trầm luân.
Người Chơn Tu hằng lo canh chừng, đừng để cho giác quan ngũ tặc và thất tình lừa dối và xúi giục mình làm cho linh tâm phải bị mờ ám, và phải lo giữ lòng chơn thật, thanh cao, mở rộng lòng bác ái, vị tha, khoan dung tha thứ giúp đỡ mọi người.
Nói tóm lại, người chơn tu là người đã giác ngộ trước giả cảnh của cuộc đời, biết nhận chân sứ mạng con người đến thế gian là để trau giồi rèn luyện bản linh chơn tánh của mình trở nên hàng thánh triết siêu nhân trong cơ tiến hóa của tạo đoan. Hằng lo trau giồi, tác phong đạo hạnh của mình cho nên con người đạo đức thuần thành, lời nói, cử chỉ, hành động phải thể hiện con người khả ái, điềm đạm thanh cao. Đi đứng nằm ngồi phải đoan trang thuần hậu, vui cười buồn giận không để bộc lộ quá mức,

Thánh giáo Đức Chí Tôn có dạy:
“Nên trò đạo đức dễ gì đâu,
Vui chẳng dám vui, sầu chẳng dám sầu.
Cái khổ của đời mình ước vọng,
Cái chê của chúng lại nài cầu.”

Tại sao người chân tu đạo đức không dám vui? Vì chung quanh mình còn biết bao nhiêu cảnh đời đau khổ với vô vàn những con người đói rét, bệnh tật, lâm cảnh thiên tai chiến họa, hạn hán, bão lụt, hỏa hoạn, nhà cửa sự nghiệp tiêu tan, không nơi nương tựa, thân thể xác xơ tan tác, thiếu thốn lương thực, quần áo, thuốc men.
Tại sao người đạo đức không dám sầu? Vì cái sầu lộ diện phát tiết ra ngoài những tiếng thở than phiền não, sẽ làm cho những người chung quanh phải bị cảm lây mà buồn thảm, rầu rĩ như mình, tạo nên không khí buồn thảm gây ảnh hưởng bi quan chán nản không tốt làm mất hạnh phúc của xã hội quanh mình.
Tại sao người chơn tu lại ước vọng cái khổ của đời?
Vì người chơn tu lòng từ huệ đã mở, hay động lòng trắc ẩn thương xót trước cái đau khổ của đời, xem cái khổ của tha nhân như là cái khổ của chính mình, biết thấm thía mà chia sớt và tìm cách giúp đỡ an ủi, chở che đùm bọc.
Cũng vì thế mà Đức Quan Thế Âm Bồ Tát từ vô lượng kiếp hóa thân để độ đời, không chịu an hưởng chốn Bồng Lai Cực Lạc, để giáng trần tầm thinh, tìm kiếm tiếng thở than của người đời, mà ra tay dìu dẫn, cứu vớt nhơn loại trong bể khổ trần gian.
Tại sao cái chê của chúng lại nài cầu? Thường thì người đời ham thụ hưởng vinh hoa phú quí cho sung sướng và không thích cực khổ, chê ăn uống không ngon, ngủ nghỉ không đủ tiện nghi, êm ấm, mà người chơn tu đạo đức lại nài cầu, thế mới nghịch đời làm sao! Đó là vì họ xem thường những tiện nghi vật chất, có cũng được không có cũng chẳng sao, không kén nệm bông hay chiếu cỏ, miễn vừa đủ no, vừa đủ ấm, không đòi hỏi, thèm muốn để khỏi dấn thân chạy đua buông bắt, để khỏi khổ tâm tiêu tứ, lo lắng mất ngày giờ, hao tán sức khỏe, tất cả chỉ dành để lo công ích cho xã hội. Cầu những cái mà người đời chê để trui rèn, thử thách coi mình dễ bị cám dỗ không, có đủ sức kiên trì chiến thắng được nhục dục đòi hỏi níu trì mình không! Thánh xưa thực bất cầu bão, cư bất cầu an (ăn không cần no, ở không cần yên ổn). Người quân tử thà cam chịu cực chớ không để phải lụy thân vì danh lợi sắc tài cám dỗ mê hoặc.
Thực ra người chơn tu phải tự khắc khổ bản thân rất nhiều, muốn thành bực chơn tu đạo đức không phải dễ dàng, huống hồ là muốn thành Thánh Tiên Phật. Con đường còn xa xăm dịu vợi, thiên nan vạn nan, người đời đừng dục vọng tưởng lầm với chút công quả, công phu mà đắc Đạo một sớm một chiều. Chơn dung người chơn tu đã được Đức Như Ý Đạo Thoàn mô tả như sau:
“Hỡi chư hiền đệ hiền muội! Việc thành Đạo trong giới tu hành cũng như việc thành công trên trường đời, cũng tương tự như nhau.
Thử kiểm điểm lại những vị chơn tu đắc Đạo, có phải dễ dàng như món đồ vật từ trong túi lấy ra đâu? Những vị ấy đã trải qua bao phen khắc kỷ để làm chủ bản tâm chơn tánh, điều khiển mọi hoàn cảnh sự vật chung quanh, kiên tâm, can đảm, khắc phục mọi nỗi khó khăn, từ y phục, ẩm thực, cư trụ, danh vị, sự nghiệp, tình cảm chật hẹp đến mọi nỗi lạc thú ở đời. Tuy thấy bên ngoài những vị đó nét mặt trầm ngâm, thân hình đơn giản, một mảnh bô vải che đậy, xem qua thiệt là giản dị, sự thật ra nào ai biết được bên trong nội tâm những vị đó hoạt động rất nhiều, tranh đấu rất gay go với mọi tư tưởng bên ngoài đưa đến mọi sự khảo thí chung quanh rào đón, khó có một điều là tâm vững trơ trơ như đá như trồng, sự vật là sự vật, nội tâm là nội tâm, không vì sự vật mà làm cho lay chuyển nội tâm, đó là một điều bí yếu thành công trong thời kỳ tạo Tiên tác Phật.
Còn như ở trường đời khi được thành công một phương diện nào đó cũng không phải là dễ.
Ngày nay, trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, đã có nhiều phương tiện cho người tín hữu tu hành để đắc quả, nhiều lối quanh đường tắt, nhiều kinh điển Thánh giáo Thánh ngôn, ít ai chịu khó tìm hiểu lý nghĩa sâu sắc và những khía cạnh siêu thoát của nó, mà chỉ vừa tìm hiểu những gì thích hợp với thành kiến sẵn có, thỏa mãn những dục vọng tầm thường, rồi tự cho là đủ. Bởi vậy cho nên, đã hơn bốn mươi năm trời giáo đạo, mà chưa được mấy người tìm hiểu và làm đúng sự mầu nhiệm của lý Đạo. Do đó mới có cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong huynh đệ đồng đạo. Chí đến ngày nay, trước cảnh tang thương bi đát của đời, Thượng Đế không thể kéo dài thời gian, dễ dãi với những đứa con còn lười biếng, chậm chạp, tự ái, ích kỷ, nên đã truyền lịnh các bực Chơn Tiên đem pháp môn thiết thực đến để dạy những ai chịu khó gia công học hỏi và hành để tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời. Còn ai chẳng được làm theo thì cũng tùy theo duyên phước mà thọ hưởng ít nhiều, hoặc bị rơi ra ngoài vòng tiến hóa của vũ trụ trong buổi Hạ Nguơn Mạt Kiếp điêu tàn, để lập lại đời Thượng Nguơn Thánh Đức.”
Thế nhân làm sao nhận định được sự tu chứng hay đắc Đạo của các hàng chơn tu?
Chúng ta có thể nhận định được qua chơn dung của người chơn tu mà chúng tôi vừa mô tả ở trên.
Ta nhìn thấy tác phong đạo hạnh thuần thành của họ thể hiện ra bên ngoài với việc đi đứng nằm ngồi, cử chỉ đoan trang, khoan thai, đằm thắm, không tỏ vẻ bôn chôn hấp tấp, bực bội phiền muộn áo não, lúc nào cũng thấy họ mặt mày vui tươi cởi mở mà không lố lăng, cợt nhã hời hợt, lời nói dịu dàng êm ái dễ cảm. Họ không vào tửu điếm trà đình, không vào nơi hí trường ca nhạc như thường tình thế sự… Lúc nào cũng tỏ ra ung dung tiêu sái, khoan dung tha thứ, không phiền trách, không trước ý chấp nê, không bươi móc việc người, không khoe khoang tỏ vẻ thạo đời, dạy đời, không tỏ vẻ khinh bạc người nghèo khó, không dua nịnh, bưng bợ kẻ giàu sang, quyền thế, vì họ có cần gì đâu, họ có ham muốn gì đâu! Cơm chỉ đủ no, áo vừa che thân, nhà cũng là nơi tạm nghỉ, không cần nhà sang cửa rộng đẹp đẽ. Không hân hoan sung sướng khi được nằm nệm ấm gối êm, không buồn bực, cau có khi phải nằm trên chiếc chiếu rơm đạm bạc vì họ không chịu nô lệ, chiều chuộng xác thân, đòi hỏi thụ hưởng mọi sự sung sướng vật chất thường tình.Ngần chi tiết ấy
cũng tạm đủ cho người thế gian nhận định được hàng chơn tu đắc Đạo tại tiền, còn về phẩm vị thiêng liêng Thần Thánh Tiên của người đó là ngoài phạm vi của người đời, chỉ có Trời Phật điểm hóa ân phong cho họ sau khi linh hồn họ lìa bỏ xác phàm mà thôi     
   

    Trở lại Mục Lục