Dặm dài gánh Đạo

NGƯỜI TU HÀNH CẦN PHẢI
BỒI CÔNG LẬP ĐỨC

Tại sao người tu hành nhứt là người tịnh luyện cần phải bồi công lập đức? Công viên quả mãn đầy đủ mới dễ dàng tu chứng đạt đạo giải thoát được cõi trần ai hệ lụy này để về an hưởng nơi thế giới cực lạc trường tồn vĩnh cửu.
Bởi vì Thánh Nhơn có dạy: “Đạo như thuyền, nước như thủy” nghĩa là đạo ví như nước, nếu không có nước, thì thuyền không thể trôi chảy được dễ dàng suôn sẻ. Mặc dầu đã dày công gian lao khổ nhọc nhiều năm công phu tu tập, nếu có đắc quả về cõi thượng giới chỉ được hưởng thụ một thời gian tương xứng rồi cũng phải trở lại cõi trần gian mà tiếp tục bồi công lập đức cho viên mãn mới được vĩnh viễn giải thoát luân hồi sanh tử về cõi thiêng liêng hằng sống, Thánh giáo Cao Đài thường nhắc nhở như vậy, tức là công phu - công quả - công trình phải trọn vẹn.
Thật ra đúng theo lý đạo, bồi phước lập công, tạo âm đức chỉ là để giải nghiệp tiền khiên mà ta đã vì vô minh, tạo nên nghiệp lực từ vô lượng kiếp trước nên kiếp này bị chúng đeo đẳng đòi nợ khó bề giải thoát. Đó là những món nợ tiền khiên mà chúng ta đã tạo gây nên vương mang nặng nề. Bồi công lập đức là một phương tiện để trả nợ, giải nghiệp lực kéo trì, để chúng không còn đeo đẳng, đòi nợ mà tu luyện cho dễ dàng bớt phần khảo đảo đó thôi! Ơn Trên thường bảo làm âm chất là tạo nền móng vững vàng cho việc công phu luyện đạo nên ví đạo như thuyền, đức như nước.Trong một đàn dạy pháp,
Đức Ngọc Lịch Đại Tiên sau khi giảng xong về đạo pháp, có khuyên chư tịnh viên như sau:
“Thứ đến là chư hành giả phải bồi công lập đức. Đạo như cái thuyền, đức như nước, nước có thì thuyền mới trẩy sang. Nên việc thứ đến là hành giả phải bồi công lập đức để tạo được móng nền khả dĩ xây cất được ngôi nhà đạo pháp vững vàng. Công đức rất dễ làm nếu chư hành giả quyết tâm tu chứng. Cái vốn của công đức là tâm từ huệ, bác ái vị tha, giúp người quên mình trong lúc người hoạn nạn khổ đau. Những việc làm do tâm từ huệ, bác ái, vị tha dầu lớn dầu nhỏ cũng đều là công đức.”
Theo Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh, khi môn sanh muốn thọ pháp phải xin keo đốt hồng thệ quyết tâm cầu tu giải thoát, dứt nợ trần ai không còn trở lại thế gian nữa. Đốt hồng thệ để Thiêng Liêng chứng minh và thông tri cho tất cả chủ nợ của đương sự ở cả hai cõi vô hình và hữu hình biết để đến đòi nợ mà không khiếu nại với Ơn Trên sau này. Thế nên hành giả phải cam chịu chúng áp nhau dồn dập khảo đảo, kéo níu đủ mọi khía cạnh, nên nói tu Đại Thừa là phải chịu để cho ma khảo là vậy, vì vô ma khảo bất thành Đại Đạo.
Ngay như buổi mới Khai Đạo năm Bính Dần 1926, Đức Chí Tôn đã dạy trước: Mở Đạo Kỳ Ba này Thầy mở cuộc khảo thí để tuyển chọn những con xứng đáng đưa về Bạch Ngọc Kinh cùng Thầy.
“Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con, Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cấu xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng, là đạo đức của các con.”
Lập đức, ngoài việc để giải trừ nghiệp lực trần ai, người tu chơn mở lòng bác ái vị tha giúp đời độ chúng không vì danh, lợi, không chịu lưu lại dấu vết, coi đó là bổn phận cần thiết như hơi thở, cơm ăn nước uống của mình.
Người đạo cao đức trọng không chấp đức, còn người hạ lưu lại chấp đức.
Đức Lão Tử (Đạo Đức Kinh, chương 38 - Thượng đức) có viết như sau:
“Người đức cao không tự thị về đức của mình, do đó là người có thật đức.
Người đức thấp chấp chặt vào đức nên không có thật đức.
Người đức cao thì tịch lặng, cho nên không còn gì để hành động.
Người có lòng nhân cao hành động mà không có điều gì để hành động.
Người có đạo nghĩa cao hành động nên còn có điều để hành động.”
Vua Lương Võ Đế có hỏi đức Bồ Đề Đạt Ma vậy chớ cả đời ông cất chùa chiền, nuôi tăng, in kinh, bố thí người nghèo khổ có công đức chăng? Tổ Bồ Đề Đạt Ma đáp: “Không có công đức”. Là vì sao? Theo chúng tôi nghĩ vì Vua Lương Võ Đế quá chấp đức, tự suy tôn bản ngã, khoe khoang việc làm của mình nên không có chơn công đức mà chỉ có tu phước, bố thí trụ tướng mà thôi. Theo kinh Kim Cang, bố thí trụ tướng chẳng khác chi vào chỗ tối, không trông thấy chi cả. Trái lại bố thí ly tướng ví như có được mắt sáng lại còn nhờ thêm ánh sáng mặt trời chiếu soi tỏ rạng, trông thấy rõ rệt mọi vật.
Theo Phật pháp đúng nghĩa bố thí hay bố thí trong Lục độ Ba La Mật, phải có ba điều dưới đây:
Không nghĩ mình là người năng thí (thi ân)
Không nghĩ người nhận là kẻ thọ thí (thọ ân)
Không nghĩ vật ban cho là vật sở thí.
Vua Lương Võ Đế thi hành bố thí như vậy là tạo nhân phước để hưởng quả phước tuyệt nhiên còn dụng lợi không phải là chơn công đức vô lậu giải thoất     

  Trở lại Mục Lục