Dặm dài gánh Đạo

VẤN ĐỀ XUẤT GIA

Theo lệ thường trong các tôn giáo, xuất gia có nghĩa lìa xa gia đình, lìa bỏ nhà cửa sự nghiệp, vợ con, dứt đường ái ân, không còn thiết tha lưu luyến mùi đời thế tục, để vào ở hẳn trong chùa thất hay am tự, chịu thí phát qui y thọ giới, hằng ngày lo tụng niệm kinh sám, siêng học kinh, đọc sách, lo tẩy xú khai thanh để từ tư tưởng, lời nói, hành động đều phải theo giới luật đạo, để tự giác hầu có ngày đạt Đạo để giác tha, thức tỉnh người thế tục và được trở nên hàng cao tăng, Thượng Tọa hay Hòa Thượng… trong tương lai.
Đoàn Trung Còn trong quyển Phật Học Từ Điển, có phân ra ba hạng xuất gia như dưới đây:
“Thân xuất gia mà Tâm không xuất gia, ấy là hạng người dầu là đầu tròn áo vuông, mà tâm còn luyến tục.
Thân Tâm đều xuất gia, ấy là hạng người mộ Tam Bảo, giữ giới thanh tịnh,
quyết dứt các phiền não, quyết đắc quả Bồ Đề.
Thân tại gia mà Tâm xuất gia, ấy hạng người dầu còn ở thế mà tinh tấn tu học,
không say đắm nhiễm trược, ấy cầm bằng xuất gia.”
Hiện nay việc xuất gia gặp nhiều khó khăn nên người tu hành quyết tâm cầu tu giải thoát có thể chọn hàng thứ ba kể trên để tu tiến lên hàng thượng thừa như trong Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi.
Riêng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, được Ơn Trên đặc ân cho phép thọ giới xuất gia theo Đạo Thời Trung, tùy thời độ thế.
Nhơn trước lễ xuất gia của một hiền tỷ Nữ Chung Hòa đã nhiều năm trường trai thọ giới, thâm niên công quả hành đạo và dự nhiều khóa tu thiền định, công phu, Đức An Hòa Thánh Nương có mấy lời khuyên giải:
“Con quyết tâm xuất gia cầu tu giải thoát, trước hết con phải để không lầm lẫn cái nghĩa chung chung là xa gia đình, lìa quyến thuộc vào chùa thất mà ở. Đó chỉ đúng có một phần hình thức bên ngoài để cho hạng sơ học và kẻ chán đời vì cảnh ngộ, chớ như những hàng Thiên ân sứ mạng thì nghĩa xuất gia phải sâu xa thâm diệu hơn.
“Vả lại trong Tân Pháp Đại Đạo thì không gọi là xuất gia, chỉ có hàng giáo hữu phải lập nguyện hiến thân cho Đạo, tách rời gia đình vào Hội Thánh để lãnh trách nhiệm hành đạo mà thôi. Nay Đức Thượng Đế Chí Tôn ban ân cho hàng Thiên ân hướng đạo trong Cơ Quan xuất gia là dụng từ để thánh thiện hóa con người có tâm chí giác ngộ đạo đức, tất yếu hội đủ điều kiện, ngõ hầu chấp trì quyền pháp với sứ mạng hiện tại và xứng đáng với Thiên chức, Thiên phong trong Tam Kỳ Phổ Độ ở tương lai…
“Thế nên, xuất gia có nghĩa là hành giả phải thoát ly ra khỏi nhà phàm tục của nhơn tâm mà vào ở trong ngôi nhà Thánh thiện của Đạo Tâm. Trong ngôi nhà Thánh thiện không có sự chia lìa hay tụ họp, mà chỉ có một Tâm Vô: vô phân biệt, vô nhân, vô ngã, vô chấp trước, vô cảm nhiễm. Các thứ này xưa nay nó ở trong ngôi nhà phàm tục của nhơn tâm, nó đeo đẳng, nó bám víu làm cho nhơn tâm phải nghiêng ngả, vì nó hay phân tách, chia ly, thân sơ, yêu ghét, thân thù; chỉ biết có ta hay, ta phải, ta đúng, ta giỏi, mà không biết cái hay, cái phải, cái đúng, cái giỏi của kẻ khác. Lại sanh lòng chấp trước, chấp sau, chấp còn, chấp mất, chấp hơn thua, phải trái, khôn dại, sang hèn, liền trước ý vào đó để nuôi lớn cái dục vọng, phân tách lựa chọn, tự ái ích kỷ độc tôn. Nhơn cơ hội đó vật chất mới áp đảo, tiền bạc, lợi danh, mọi quyến rủ tình cảm, mọi ràng buộc vào vòng sắc tướng, sự nghiệp tiếng tăm, thích ưa mùi vị cảm xúc, vị kỷ vị thân, do đó liền sanh sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, lạc, cụ bất thường, làm cho nhơn tâm loạn động. Càng loạn động càng bị vô minh che lấp. Khi ấy dầu cho đứng trước cửa Lôi Âm Tự cũng không thấy cửa mà vô chớ còn mong gì hòa hiệp với khối Đại Linh Quang.
Bởi thế, nên hành giả khi được vào hàng Thiên ân hướng đạo phải xuất gia, phải ra khỏi ngôi nhà phàm tục đó. Dùng gươm thần huệ đoạn lìa các đám giặc con tai hại ấy để vào ngôi nhà Thánh thiện của Thánh tâm, hành công cho đến khi nào nguyện lực vững vàng lớn mạnh, thì dùng Đạo tâm để hàng phục chúng nó, hàng ngũ hóa chúng nó, để trở thành những kiện tướng giúp vào việc xây dựng những khối Công Bình, Bác Ái, Từ Bi, hòa Đời hợp Đạo, tận độ nhơn sanh mãi mãi cho đến khi nào không còn tướng, còn tâm, không còn có, còn không, mà chỉ bình đẳng như như. Vậy mới đúng nghĩa xuất gia giải thoát.
Đối với nội tâm thì như vậy, còn ngoại thể thì sao?Nói một cách khác dễ hiểu hơn,
người xuất gia phải sống hòa mình với tập thể, tổ chức, với mọi người, không câu nệ ăn ở cách biệt của người, của ta, dầu thiếu thốn hay đầy đủ vẫn cùng có nhau, vui cùng vui, buồn cùng buồn, quên tiểu tiết mà vì đạo sự lớn lao. Nội tâm Ngoại thể đồng nhứt mới có thể sáng suốt để hài hòa nội bộ và tạo thế nhân hòa mà tận độ chúng sanh, giúp cho Đạo pháp, cho dân tộc, cho nhơn loại.”
Hai chữ Xuất Gia được Đức An Hòa Thánh Nương giải nghĩa thật đầy đủ và rành rẽ kỹ càng mọi khía cạnh nội ngoại, hành giả nào muốn thọ giới xuất gia, trước phải xem xét kỹ lưỡng, liệu sức mình có thể thi hành đúng theo như vậy được hay chưa mới quyết định xuất gia để lãnh sứ mạng Thiên Đạo Đại Thừa trước Thiêng Liêng. Còn đối với hàng tu theo Đại Thừa Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, Đức Cao Đài Thượng Đế đã có dạy trong Kinh Đại Thừa Chơn Giáo trước kia như sau:

“Đại Thừa cắt ái ly gia,
Ly gia chẳng phải bỏ nhà đi đâu.
Đạo đâu? Đạo ở nơi Tâm,
Thì đâu có phải kiếm tầm nơi xa.
Có nhà mà chẳng tưởng nhà,
Gần thương tâm chí chẳng mà thương ai.”
Một đoạn khác, cũng có dạy thêm:
“Vinh hoa phú quý vẫy vùng,
Những đồ sản vật cộng chung quá nhiều.
Bà con thì biết bao nhiêu,
Vợ xinh, hầu đẹp, con nhiều, cháu đông.
Tuy là mình ở vào trong,
Mà tâm chí vẫn không không có cần.
Ái ân trước mắt chẳng gần,
Gia tài chẳng mến, không cần lợi danh.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh,
Ở trần mà chẳng nhiễm danh lợi trần.
Có thân chẳng biết vì thân,
Đủ điều trước mắt, tâm thần chẳng xao.
Đạo đời đi cặp tu chơn,
Bên nào cũng gắng, chớ sờn chí nhân.
Đời lo vẹn, Đạo ân cần,
Trả xong nhơn đạo, thì thân cũng thành.”

Chủ trương của đạo Cao Đài là vừa lo Nhơn Đạo cho tròn, vừa lo tu Thiên Đạo để trau giồi thân tâm và cần chuyên công phu tịnh luyện. Hễ trả xong nợ đời thì đường Thiên Đạo được ung dung, đó là Đời Đạo song tu. Thánh xưa có bảo: “Nhơn Đạo bất tu, Tiên Đạo viễn hỉ”, nếu Nhơn Đạo mà không chịu tu thì đường Tiên Đạo còn xa vời lắm!
Theo lời dạy của Đức Giáo Tông Đại Đạo, người tu hàng Đại Thừa thọ giới xuất gia là phải vong kỷ vị tha, quên mình mà độ người; phải nhớ ra khỏi ngôi nhà của phàm tâm mà vào ở hẳn ngôi nhà của Thánh tâm, không còn tâm phân biệt ta người, chia cách sang hèn, kỳ thị rẽ chia, thân thù, thị phi phải trái, hơn thua tranh chấp ta người nữa mà lo hòa mình độ chúng; xem hạnh phúc của người như hạnh phúc của mình, xem sự đau khổ của tha nhân như sự đau khổ của chính mình, để mưu cầu hạnh phúc chung cho nhơn loại; phải giữ tâm bình đẳng nhứt như thanh tịnh, đừng để lòng xao động, luôn luôn diệt trừ phiền não, chấp trước, để không vui, không buồn, không bạn, không thù, không thị phi, không ân oán. Nói tóm lại, giữ sao cho niệm lự giai vong, vạn duyên đốn tuyệt. Muốn được như vậy, hành giả phải Tánh Mạng song tu, tu tánh luyện mạng cho thuần thục mới có đủ thần lực đương kham trách nhiệm Thiên Đạo Đại Thừa, hoằng Đạo độ đời.Đức Đông Phương Lão Tổ có dạy:
“Người tu học vào hàng Thiên Đạo đại thừa là đã lập tâm giải thoát, mà chỉ những con người biết giải thoát mới thấu hiểu Thiên Đạo để chấp nhận sứ mạng đại thừa. (…)Tôn giáo có nhiều mà chỗ chứng quả vô thượng của con người giải thoát là phật,
thánh, tiên, tuy Tam Tông cũng do chơn tông Vô Cực mà có.
Xét biết như vậy để người tu hành thoát khỏi nhân duyên, dẹp bỏ tam tâm tứ tướng, đồng đi vào chỗ nhứt nguyên trung đạo. Có như vậy Đạo mới thể hiện được sự cứu cánh thực sự cho chúng sanh.”
Trong Tứ Thập Nhị Chơn Kinh, Phật có nói:
“Bậc Xuất Gia làm Sa Môn thì cắt đứt tình dục, lìa bỏ tình ái, thấu hiểu nguồn tự tâm (Tâm vốn không tịch vắng lặng) đạt đến lý thâm diệu của Phật, ngộ được cái pháp vô vi, ở trong thì không thấy đắc cái gì, ở ngoài thì không mong cầu cái gì, lòng chẳng buộc ràng vì Đạo, cũng chẳng kết thành nghiệp, không vọng niệm, không tạo tác, tu nhưkhông tu, chứng như không chứng, không trải qua các quả, mà tự nhiên cao tột bực.
Như vậy mới đáng là bực xuất gia hành đạo”.
Đó là lời của Phật Tổ đã minh định hàng xuất gia thuộc hàng Thân Tâm đều xuất gia.
Riêng đối với hàng Thiên ân Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, thọ giới xuất gia được Ơn Trên dạy đọc bài nguyện sau đây trước Thiên Bàn có sự chứng kiến của chư đạo hữu.

“Trên chín bệ Chí Tôn Từ Phụ,
Giữa Tam Tòa ban phú ân Thiên;
Con xin quỳ trước điện tiền,
Cúi đầu thọ mạng khẩn nguyền xuất gia.
Nguyện thoát khỏi ngôi nhà phàm tục,
Nguyện quay về cội phúc tâm linh;
Đoạn lìa nghiệp chướng vô minh,
Nguyện thâu sáu dục bảy tình về tâm.
Nguyện sám hối mê lầm từ thuở,
Nguyện giải trừ tháo gỡ tiền khiên;
Bấy lâu nghiệp thức di truyền,
Dầu cho vạn pháp cũng tuyền vô minh.
Nguyện hành đúng công trình luyện kỷ,
Chuyển thức thành huệ trí tu công;
Ma Ha rửa sạch ba lòng,
Diệt trừ tứ tướng dị đồng khác sai.
Vào nhà Thánh, Tâm này tịnh lạc,
Chốn huyền môn, ý phát vô trần;
Vẹn gìn một mảnh Thiên Chân,
Thung dung tự tại hang Thần vào ra.
Tung khỏi lưới trần la vây hãm,
Còn dặt dè tình cảm vấn vương;
Rõ ràng là thứ vô thường,
Trong ngoài đều có lắm đường diệt sanh.
Thọ Thiên ân chí thành báo đáp,
Lãnh mạng Trời quyền pháp kỉnh tin;
Nguyện lòng tu chứng viên minh,
Hành tròn sứ mạng nhân sinh tại trần.”

   Trở lại Mục Lục