Dặm dài gánh Đạo

LÝ HUYỀN NHIỆM CỦA
NGŨ GIỚI CẤM CAO ĐÀI

Là Phật Tử, trước khi nhập môn vào đạo Cao Đài, chúng tôi không quan tâm thực hành nghiêm chỉnh cho lắm ngũ giới cấm của Phật giáo dạy. Sau khi vào đạo Cao Đài và đọc được bài Thánh giáo do Đức Cao Đài Thượng Đế ban ơn đăng trong quyển Kinh Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, tôi mới thấy sự quan trọng của việc giữ gìn ngũ giới cấm. Nếu Ngũ giới cấm không quan trọng thiết yếu đối với người tu hành thì Đức Chí Tôn đã không giữ lại và duy trì để đem vào Tân luật của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, một nền tân tôn giáo do chính Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đứng ra sáng lập để tận độ nhơn loại kỳ ba trong cơn mạt kiếp sảy sàng để chọn lọc nguyên căn tái lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức, đem lại thái bình an cư lạc nghiệp và hạnh phúc cho nhơn loại.
Đức Chí Tôn có phán trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, đàn ngày 24-12-1926, để minh xác việc môn sanh cần phải giữ gìn luật lệ: “Các con ôi! Các con đã chịu khổ não nơi biển trần này… Từ 10.000 năm rồi, đã ở dưới quyền tà quái áp chế, vì vậy mà Thầy phải phế hết Bạch Ngọc Kinh, Huỳnh Kim Khuyết, giáng trần độ rỗi các con, chớ chi Thầy đến mà cho giảm sự khổ não các con chẳng đặng nữa thì thôi, lẽ nào còn lập Tân Luật ràng buộc các con thêm nữa! Vì cớ mà Thầy buồn… Thầy tỏ thật, cái luật lệ Thầy khiến các con hiệp chung trí mà lập thành đây, nó có ảnh hưởng về đạo đức Tiên phong Phật sắc của các con, nên Thầy buộc mình cam chịu vậy. Chẳng luật lệ thì trái phép, mà trái phép thì thế nào vào Bạch Ngọc Kinh cho đặng!"
Quả thật là lời lẽ đầy nhân từ chứa đựng một tình thương yêu vô bờ bến của một Đấng Chí Tôn Đại Từ Phụ, làm chúng ta rất xúc động mà phải vâng lời khuyên dạy.
Chúng ta hãy đi vào từ giới cấm.
Nhứt Bất sát sanh
Điều thứ nhứt là không được sát sanh, tức là giết hại, tiêu diệt sự sống còn của muôn loài vạn vật trên thế gian. Tại sao lại cấm như vậy, vì Đức Chí Tôn đã dạy rằng (TNHT 2, Mậu Thìn 1928):
“Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn linh Thầy mà ra, hễ có sống ắt có Thầy, Thầy là Cha của sự sống, vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy không cùng tận.Cái sống của chúng sanh Thầy phân phát khắp Càn Khôn thế giới,
chẳng khác như một cành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm; nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng, thì sát hại một kiếp sanh không cho biến hóa.
Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu nguyên sanh hay hóa sanh cũng vậy, đến thế này lâu hay mau đều định trước. Nếu ai giết mạng sống đều chịu quả báo không sai; biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên, Phật bị đọa luân hồi mà ra đến đỗi ấy!”
Thầy còn nhấn mạnh: “Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ, các con gắng dạy nhơn sanh điều ấy.”Chúng ta đừng
xem thường lời cảnh cáo quan trọng này của một Đấng Chí Tôn Tạo Hóa toàn năng toàn quyền sanh sát cả vạn vật chúng sanh.
Riêng chúng ta cũng nên suy gẫm, để xử sự với sanh vật như thảo mộc, thú cầm, vì chúng cũng đồng một điểm linh quang với chúng ta là từ nơi Đức Thượng Đế phát ban. Trước khi được làm con người, chúng ta cũng đã từng trải qua muôn vạn kiếp hóa thân làm thảo mộc, thú cầm, phải chịu vô ngần gian khổ hy sinh thân xác phục vụ mới được tiến hóa lên kiếp con người tối linh hơn vạn vật, nên Thánh Nhân bảo là “Vi nhân nan đắc”. (Xem mục “Nhơn vật tấn hóa” trong ĐTCG)
Biết được như vậy, chúng ta nỡ lòng nào sát hại thảo mộc, thú cầm là những đàn em còn chậm tiến hóa. Giết hại chúng là chúng ta làm trễ nải con đường tiến hóa của chúng, chúng ta hãy rủ lòng thương đừng làm chúng rên siết, đau đớn, khổ sở.
Nhờ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời, nhờ chính mình Thầy là Đấng Tạo Hóa soi sáng cho chúng ta được biết chơn lý thì tại sao chúng ta không tin? Chúng ta làm chậm trễ sự tiến hóa của chúng sanh đàn em, là chúng ta phạm Thiên điều, thì phải chịu quả báo không sai, theo luật công bình thiêng liêng.
Nhì bất du đạo
Theo Tân Luật, bất du đạo là cấm gian tham, trộm cướp, lấy ngang lường gạt của người, hoặc mượn vay không trả, hoặc chứa đồ gian, hoặc lượm lấy của rơi, hoặc sanh lòng tham của quấy, để ý hại người mà lợi cho mình, cờ bạc gian lận.
Qua sự giải thích về Du Đạo, Đức Chí Tôn đã giải thích, ân huệ Thầy đã ban cho con người khi đến thế giới này với một Thánh Thể thiêng liêng, y như hình ảnh của Thầy, không ăn mà sống, không mặc mà lành, nhưng chúng ta lại không chịu, nghe điều cám dỗ mê luyến hồng trần, ăn cho phải bị đọa, dâm cho phải bị đày, nên chịu nạn áo cơm, dục quyền cầu lợi (ám chỉ ông Adam và bà Eva trong Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo ăn trái cấm ở vườn địa đàng) (TNHT).Thầy đã ban sẵn thức ăn,
thực vật để chung hưởng cùng nhau, nhưng nhơn loại vì tham lam giành giựt dùng sức mạnh đoạt phần kẻ thế cô để phải chịu đói.
Thầy đã ban cho nhơn loại đủ quyền năng như Thầy đã ban cho chư Thần Thánh Tiên Phật, nhưng nhơn loại dùng quyền ấy để khống chế, trói buộc, đô hộ nhơn sanh trong vòng lợi quyền, cam chịu trong vòng nô lệ khổ đau, cũng vì lòng gian tham không đáy.
Vì cơm áo, lợi lộc, quyền hành, vì muốn nhiều sanh chúng chịu phục quyền thế lợi lộc đó, nên đời trở nên trường hỗn loạn, tranh đấu, giành giựt, giết hại lẫn nhau, trường thảm khổ của thế gian cũng do nơi đó mà ra mất phép công bình thiêng liêng Tạo Hóa.
Nên Thầy dạy: “Tham gian đã lộng toàn thế giới, thì thế giới hết Thánh Thần, Thầy không cần nói sự gian tham có thể giục các con lỗi đạo cùng Thầy mà bị lắm điều tội lỗi. Ấy vậy gian tham là trọng tội.” (TNHT 2, Mậu Thìn 1928)
Tam bất tà dâm
Đức Chí Tôn Thượng Đế có giải thích về tội Tà Dâm rất tường tận trong TNHT, quyển 2. Nếu chúng ta xét kỹ, nhứt là những người có luyện Đạo, sẽ thấy sự hệ trọng vô cùng để bảo tồn tinh khí của mình cho đầy đủ Tam Bửu là Tinh Khí Thần, để tạo Nhị xác thân thiêng liêng hầu linh hồn sau khi lìa xác phàm, nương theo đó mà về hội hiệp cùng Thầy Thượng Đế.Ngoài ra chúng ta
còn phạm tội sát sanh nữa vì xác phàm con người chất chứa muôn vàn vàn sanh vật đều có tánh linh và sự sống cả. Các vật thực chúng ta ăn vào tỳ vị biến ra khí, khí mới biến ra huyết có thể biến huờn ra nhơn hình mới có sanh sanh tử tử của kiếp nhơn loại.
Thầy dạy: “... một giọt máu là một khối chơn linh, như các con dâm quá độ thì sát mạng chơn linh ấy. Khi các con thoát xác thì nó đến tại Nghiệt Cảnh Đài mà kiện các con, các con chẳng hề chối tội đặng. Phải giữ gìn giới cấm ấy cho lắm.” (TNHT 2, Mậu Thìn 1928)
Phép luyện Đạo theo Tiên gia cũng đã được các vị Thiền sư Việt Nam cũng như vị Tổ Đông Y Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông chủ trương là phải bảo tinh, dưỡng khí,
tồn thần mới luyện kim đơn được.Trong Đại Thừa Chơn Giáo,
Thầy cũng đã hé lộ một phần bí truyền luyện Đạo là luyện Tinh hóa Khí,
luyện Khí hóa Thần, luyện Thần hoàn Hư….
Và Thầy cũng có dạy ngay trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, đàn ngày 3 Janvier 1926:
“Cái Chơn Thần ấy của các Thánh Tiên Phật là huyền diệu vô cùng, bất tiêu, bất diệt. Bậc chơn tu khi còn xác phàm nơi mình, như đắc Đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du thiên ngoại. Cái Chơn Thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy.”
Như vậy, nếu không luyện Đạo thì làm sao có được cái Chơn Thần để hiệp với Thầy đặng? Vì vậy Tinh là món bửu bối vô giá cần thiết để luyện Đạo, vì đơn kinh có dạy luyện đơn tức luyện Tinh. Các vị tiền bối quá vãng có về cơ tỏ vẻ than tiếc vì lúc còn tại thế thiếu công phu, khi về cõi vô hình, tam bửu hao hụt, nên việc luyện Đạo rất khó khăn, và khuyên chúng ta khi còn xác phàm hãy sớm lo công phu luyện Đạo trước (đừng để quá 64 tuổi, dương suy).
Người tu hành có 2 con đường được tự do chọn lựa:
Một là thuận hành thì tiếp tục bận bịu gia đình, ái ân, sanh con cái, thì phải chịu trong vòng luân hồi sanh tử không bao giờ dứt.
Hai là cương quyết nghịch hành để luyện Đạo, buộc phải trường trai tuyệt dục, mới bảo tồn đầy đủ nguơn tinh để luyện Đạo.
Nói tóm lại, giữ giới tà dâm là bảo Tinh có hai tác dụng:
Một là tránh sát sanh phạm tội. Hai là luyện tinh để tạo nhị xác thân thiêng liêng.
Tứ bất tửu nhục
Thầy có giải thích trong TNHT, đàn 18-01-1927, yếu chỉ của việc cữ uống rượu là dưỡng khí trong việc luyện Đạo. Thầy có dạy:
“Thầy nói cái Chơn Thần là nhị xác thân các con, là khí chất, nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy, nơi trung tim của nó là óc, nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, gọi tiếng chữ là Vi Hộ. Nơi ấy Hộ Pháp hằng đứng mà gìn giữ Chơn Linh các con. Khi luyện thành Đạo đặng hiệp một với Khí, rồi mới đưa thấu đến Chơn Thần, hiệp Một mà siêu phàm nhập Thánh.
Vậy thì óc là nguồn cội của Khí, mà óc cũng bị huyết vận động vô chừng, làm cho đến đỗi loạn tán đi, thì chơn thần thế nào đặng an tịnh điều khiển, thân thể phải ra ngây dại. Trở lại chất thú hình, mất phẩm nhơn loại rồi, còn mong chi đặng phẩm Thần Thánh Tiên Phật. Lại nữa buổi loạn thần ấy để cửa trống cho tà mị xung đột vào, giục các con làm việc tội tình mà phải chịu phận luân hồi muôn kiếp. Vậy Thầy cấm các con uống rượu, nghe à!”
Nếu chúng ta uống rượu nhiều, rượu vốn là một khí chất có độ cao, chạy vào máu làm cho huyết vận động bất thường tán loạn đi, làm cho Chơn Thần không điều khiển được, thân thể phải ra ngây dại, không làm chủ được lời nói và hành động trở lại thú tánh mất nhơn phẩm làm sao đoạt phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật được.
Người tham thiền luyện đạo cốt phải an thần đừng cho nó vọng động đảo điên, mà ảnh hưởng của rượu rất tai hại, nó thâm nhập vào trái tim, đập mạnh trái tim làm cho thần không an, náo động bất thường, không ổn định điều hòa được, thần không an thì không định được, mà nguyên tắc luyện Đạo là để cho “thần an khí định” vận chuyển điều hòa khí tức (hơi thở), thần có an mới làm chủ được hơi thở mà thần dẫn dắt nó nhịp nhàng theo tiết điệu thiên nhiên. Uống rượu nhiều vào cũng không khác nào ta nổi nóng lên làm cho chơn thần mất bình tĩnh, không làm chủ được Khí thì luyện Đạo sao thành công được.
Ngũ bất vọng ngữ
Tại sao cấm “vọng ngữ”? Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 2, đàn năm Mậu Thìn 1928, Thầy có dạy:
“Thầy đã nói rằng nơi thân phàm các con, mỗi đứa Thầy đều cho một Chơn Linh gìn giữ cái Chơn mạng sanh tồn. Thầy tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng Đấng Chơn Linh ấy vốn vô tư, mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư Thần Thánh Tiên Phật và các Đấng trọn lành nơi Ngọc Hư Cung. Nhứt nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa Phán Xét, bởi vậy nên một mảy không qua, dữ lành đều có trả. Lại nữa, các Chơn linh ấy, tánh Thánh nơi mình đã chẳng phải gìn giữ các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con, thường nghe đời gọi lộn “Lương Tâm” là đó.
Bởi vậy chư Hiền, chư Thánh Nho nói rằng: Khi Nhơn tức khi Thiên; Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo dã.
Như các con nói dối, trước khi chưa dối với người, thì các con đã nói dối với lương tâm, tức là Chơn linh. Thầy đã nói Chơn linh ấy đem nạp vào Tòa Phán Xét từ lời nói của các con; dầu những lời nói ấy không thiệt hành mặc dầu, chớ tội tình cũng đồng một thể.
Nơi Tòa Phán Xét, chẳng một lời nói vô ích mà bỏ, nên Thầy dạy các con phải cẩn ngôn, cẩn hạnh, thà là các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể. Các con khá nhớ!”
Kết luận
Có suy nghiệm mới thấy Ơn Trên buộc người luyện Đạo phải giữ Ngũ Giới Cấm là điều rất cần thiết, nhứt là hai giới cấm tà dâm làm hoang phí chơn tinh và giới cấm tửu nhục làm cho thần kinh tán loạn.
Nếu chúng ta tiếp tục nghiên cứu kinh Đại Thừa Chơn Giáo do Đức Chí Tôn Thượng Đế giáng cơ dạy về Đạo Pháp tiếp theo quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, mà ngay buổi đầu mới khai Đạo năm Bính Dần (1926), Thầy cũng đã ban ơn truyền bửu pháp cho những ai thọ trai được 10 ngày đổ lên, còn muốn luyện Đạo, Thầy buộc phải trường trai tuyệt dục giữ giới cho nghiêm túc, Thầy thố lộ bí pháp luyện Đạo của Tiên gia là hiệp Tinh Khí Thần (Tam bửu) đã có sẵn trong nhơn thân, để tạo Nhị xác thân thiêng liêng mới về hiệp nhứt được với Thầy nơi cõi Hư Vô tinh khiết.
Thầy dạy trong Đại Thừa Chơn Giáo, đàn 5 Novembre 1936, ngày 22 tháng 9 Bính Tý:
“Mà tại sao Thầy lại buộc các con luyện Đạo đều phải giữ tròn Ngũ Giới Cấm? Tại phép luyện đơn là không phải dễ. Nếu các con phạm qui điều, không giữ giới, thì không bao giờ các con tu đắc quả đặng.
Sự ăn chay là bổ Tiên Thiên, còn ăn mặn lại bổ Hậu Thiên. Các con nếu ăn mặn mà luyện Đạo thì chơn Thần bị khí Hậu Thiên làm nhơ bẩn nặng nề mà khó thể xuất ra khỏi vùng trung giới được.
Còn sự dâm dục là một điều quan hệ nhứt cho người tu, Thầy đã nói một nhểu tinh dịch của các con tức là một khối tinh thần. Nên nếu các con để nó chảy lọt ra ngoài chừng trong một nhểu, thì cũng đủ cho các con hư hại đến hình hài thể phách rồi! Huống chi mấy nhểu tinh rớt lọt ra đó là mấy điểm “Tiểu linh quang”. Sau các con chết, chúng nó sẽ kéo đến Nghiệt Đài mà bắt thường Thiên mạng! Cười…Các con phải biết Thiên mạng chớ không phải là nhơn mạng đâu nghe."
Theo đó chúng ta bình tâm nhận xét thấy rõ vì thương nhơn sanh còn đọa lạc, Thầy phải tiếp tục dạy luyện Đạo là cứu cánh giải thoát con người trong cơ tận độ ân xá kỳ ba của Thầy. Nên quyển kinh Đại Thừa Chơn Giáo ra đời sau 10 năm cơ Phổ Độ đã hoàn thành (1926-1936) từ năm Bính Dần đến năm Bính Tý), để Thầy "Minh truyền chơn giáo phục linh căn."

   Trở lại Mục Lục