Dặm dài gánh Đạo

Thuần Chơn vô Ngã

Nhơn dịp đi hành đạo ở Trung Hưng Bửu Tòa tại Hội Thánh Truyền Giáo ở Đà Nẵng, chúng tôi có thấy ghi bốn chữ dưới bửu điện: Thuần chơn vô ngã
Chúng tôi rất tâm đắc, cũng như ở Thánh thất Trung Minh thuộc Hội Thánh Truyền Giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 11 cũng có ghi bốn chữ đó, mục đích Hội Thánh muốn lúc nào người môn sanh của Đức Cao ĐàiThượng Đế cũng phải đề cao cảnh giác và diệt trừ cái phàm ngã;
cái tư tâm trên đường tu thân hành đạo độ đời.

Ơn Trên cũng có khuyến cáo:
“Chi chi cũng cái ta này,
Ta làm ma quỷ, ta tày Phật Tiên.”
Hay:
“Cái ta để lại phía sau,
Phải vì đại cuộc, cùng nhau liệu lường.
Đó là mới thật tình thương,
Của người tín hữu trên đường hoằng dương.”

Chúng ta hãy đi sâu vào lý nghĩa của bốn chữ ấy:
Thuần chơn là gì? Là hoàn toàn chơn thiệt thuần túy, chơn chánh, không giả dối gạt gẫm điêu ngoa, màu mè xảo trá, miệng nói lời lành mà lòng chứa độc ác, trước mặt giả bộ kính vì, sau lưng ganh ghét khinh khi nói hành, nói xấu. Đó là trong việc đối xử với nhau trong đạo cũng như ngoài đời. Hai là giáo lý truyền rao và đạo pháp thực hành cũng phải hoàn toàn chơn chánh, trung thực với chơn truyền chánh pháp của Thầy Thượng Đế và chư Tiên Phật đã chỉ truyền, không được canh cải thêm bớt làm thất chơn truyền.
Vô ngã là không có cái ta phàm tục, ích kỷ độc tôn, kỳ thị phân chia nhân ngã, ta người, phân biệt giai cấp sang hèn, lúc nào cũng tự cho mình hay mình giỏi, mình đúng còn người khác thì sai, thì trật, cống cao ngã mạn không phục thiện nghe theo lời dạy của bạn hiền hay tuân theo Thánh giáo. Vô ngã là không phục vụ cái phàm ngã, để không bị luyến ái tửu sắc tài khí, diệt được tam độc tham sân si. Luôn luôn phải phân biệt cái chơn ngã với cái phàm ngã, đừng để nó nhiễm ô trần tục, phải giữ nó luôn như đứa hài nhi xích tử vô nhiễm vô cấu. Phải diệt phàm tâm thì Thánh tâm mới hiển lộ, chơn như bản thể của mình do Thiên phú mới giữ được hồn nhiên thanh tịnh mà giải quyết việc đạo, việc đời một cách sáng suốt không lầm lạc. Có thể bảo rằng "Đạo bất khả tu du ly dã”, lúc nào cũng không xa lìa cái đạo tự hữu hằng hữu.
Muốn được thuần chơn vô ngã, người tu hành cần phải tu thân khắc kỷ, luyện tánh trước khi xuất sử để hành đạo, phổ độ nhơn sanh cũng như người tu đại thừa Thiên đạo trước khi sang phần luyện đơn, trước phải chịu khó khắc kỷ cho cái tánh được thuần thành đạo đức mới chịu nổi những cuộc khảo đảo thử thách, khổ hạnh gian lao vô vàn xảy đến.
Ta hãy chiêm nghiệm lời dạy của Bát Nhã Thiền Sư để soi mình luyện kỷ trong bài thi:

“Bước đầu luyện kỷ lắm công trình,
Mài dũa, trui rèn, gạn lọc tinh;
Tật xấu, thói hư đều tẩy sạch,
Kiêu căng, tự ái cũng tan tành.
Bảy tình , tám thức đồng siêu hóa,
Ba độc , bốn tường được vãn sanh;
Sàng sảy, giã xay, dê trấu bụi,
Khuôn Thiên đạo đức đã nên hình.”

Trong một khóa tu thiền, Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn có dạy:
“Luyện kỷ là luyện thân tâm cho thuần thành đạo đức, cương nhu trí dũng, khắc được cái thân không cho nó biếng lười giải đãi”, vì có một số thiền sinh hay giải đãi trễ nải giờ giấc công phu. Đức Lý Giáo Tông cũng có khuyên chư tịnh viên: “Niệm lự giai vong, vạn duyên đốn tuyệt”. Vậy ta cần tâm niệm hai lời dạy quí báu trên.
Phật giáo cho Vô ngã là Niết Bàn
Niết bàn theo từ ngữ Pali là Nibbhana, theo Sanscrit là Nirvana tức là không còn nhiễm ái (Nir = không, Vana = diệt ái). Chính cái ái này là sợi dây làm cho đời sống chúng sanh luân hồi nối tiếp mãi mãi, cắt nó đi, dứt nó đi nên gọi là Nirvana. Nibbhana cũng có ý nghĩa tương tợ là vụt tắt lửa tham, sân, si. Nói tóm lại Niết bàn có nghĩa là giải thoát, tịch diệt theo giáo lý nhà Phật.
Người tu thân hành đạo theo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà còn ôm chầm chấp cái ngã, phân biệt so đo hơn thiệt ta, người, còn chấp danh, chấp tướng, chấp đạo,
chấp pháp thì khó dứt tuyệt tham sân si, khó mà trở nên thuần chơn vô ngã để
hiệp nhứt cùng Thầy Thượng Đế nơi Bạch Ngọc Kinh mà đạo Phật gọi là tịch diệt Niết Bàn.   

  Trở lại Mục Lục