Dặm dài gánh Đạo

NHÂN BẢN TRONG GIÁO LÝ CAO ĐAI

Trước hết, thử định nghĩa hai chữ NHÂN BẢN.
Nhân là người, sinh vật khôn nhứt trong các loài động vật, là hàng tối linh trong vũ trụ, được đứng vào địa vị Tam tài: Thiên – Địa - Nhân ngang hàng cùng Trời Đất.
Nhân cũng có nghĩa là đạo lý làm người: nhân đạo; lòng yêu thương người: nhân ái.
Bản là cội rễ, nguồn gốc.Nhân Bản tức là cội rễ, nguồn gốc con người.
Nguồn gốc của con người là gì? Con người từ đâu đến? Đến để làm gì? Rồi sẽ đi về đâu?Theo giáo lý Cao Đài, con người là điểm tiểu linh quang của Thượng Đế-Đại Linh Quang-Chúa tể
càn khôn vũ trụ sanh hóa và dưỡng nuôi vạn vật. Điểm Tiểu linh quang con người được Thượng Đế cho xuống trần gian tạm mượn xác thân tứ đại một thời gian để học hỏi, trau giồi, trui rèn hầu trở nên hàng chí thiện, chí mỹ siêu xuất thế gian, trở lại ngôi Thánh Thần Tiên Phật, làm tiền đề quay về với khối Đại Linh Quang mà Đạo gia gọi là phản bổn huờn nguyên, chớ không phải mãi mãi triền miên ở trong vòng cõi tạm vô thường hệ lụy này.
Lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thượng Đế đến trần gian bằng huyền linh diệu điển, để kêu gọi, đánh thức con người nhớ lại nguồn cội Thiên chân của mình. Ngài đã chính thức xác nhận con người cùng một bản thể với Ngài:

“Con là một thiêng liêng tại thế,
Cùng với Thầy đồng thể linh quang.”

Ngài cũng long trọng nhìn nhận: “Thầy là các con, các con tức là Thầy. Có Thầy mới có các con, mà có các con rồi mới có chư Tiên Phật Thánh Thần.”(Đại Thừa Chơn Giáo, đàn ngày 05-8 Bính Tý, 20-9-1936, bài “Luận về Đại Đạo tâm truyền”)
Với Cao Đài giáo, tất cả nhân sanh đều là con cái của Đức Đại Từ Phụ Chí Tôn, đều là anh em cùng một cha chung Thượng Đế. Và diễm phúc cho đất nước Việt Nam được chọn làm nơi khai mở mối đạo Trời.
Nhân Bản là chơn như bổn thể, là bản linh chơn tánh, là Thiên tánh, Phật tánh, cũng là chơn tâm hay chơn ngã nơi con người. Do bởi nhục thể bị lục căn chủ sử, bảy dục sáu tình chi phối nên bản linh chơn tánh (nhân bản) bị tối tăm mờ mịt gây nên bao điều tội lỗi, nên đành phải chịu đọa lạc, trầm luân nơi cõi trần ai oan trái.
Động lòng thương xót đàn con bị đọa đày không phương thoát khỏi, Đức Thượng Đế không quản ô trược của chốn phàm trần, giáng trần khai Đạo, mở cơ cứu rỗi, dẫn đưa nhân loại tìm đường phục hồi cựu vị. Hiểu được như thế, con người phải lánh xa điều tội lỗi, quay về với nhân bản, tu thân hành đạo để tự cứu mình.
Con người phải ý thức mình có cùng điểm linh quang với Thượng Đế, được ban trao quyền năng siêu việt từ buổi tách rời bến khởi nguyên để chọn lựa con đường đi cho chính mình hầu thoát khỏi biển trần đầy phong ba khổ lụy như lời dạy của Đức Lê Đại Tiên:

"Tu là học để làm Trời,
Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian."

     Trở lại Mục Lục