LƯỢC SỬ TÁC GIẢ CHÍ TÍN

Dặm dài gánh Đạo

Đạo Trưởng Chí Tín tộc danh là Lê Văn Bá, sanh ngày 10 tháng 10 năm 1918 tại Thành phố Gò Công hiện nay là tỉnh Tiền Giang. Cha là Lê Văn Còn, nguyên Thượng Giáo Sư Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo Bến Tre đắc quả Minh Đức Đạo Nhơn. Mẹ là Phạm Thị Huỳnh, chức việc Ban Cai Quản Nữ phái Thánh thất Bình Hòa (Gia Định). Người hôn phối là bà Phạm Thị Mai (Thánh danh Bạch Đức), có ba người con, hai trai và một gái.
Học trường Trung Học Pétrus Trương Vĩnh Ký với trình độ Trung Học Pháp Việt, cấp bằng Thành Chung (B.E.P.S. Pháp). Đạo trưởng làm việc tại hãng Ba Son ba năm rồi thi đậu vào Quan Thuế làm việc được ba tháng thì bỏ việc.
Từ năm 1942 làm việc cho hãng East Asiatic Đan Mạch cai quản nhà máy cưa và khai thác gỗ ở Đà Lạt đến khi Nhựt đảo chánh năm 1945 về Saigon. Sau đó hãng East Asiatic kêu lại, giao việc trong ngành xuất nhập cảng và vận tải đường biển.
Sau mười một năm làm việc tích lũy nhiều kinh nghiệm, có uy tín và có vốn riêng, đạo trưởng cùng với East Asiatic lập ra hãng Kyxaco nhập cảng độc quyền xe Wolks Wagen ở Việt Nam. Từ năm 1957 đến 1975 Đạo trưởng giữ chức vụ Quản Trị Viên Giám Đốc công ty này.Đời tu hành
Năm 1933, Đạo Trưởng Chí Tín nhập môn tại Thánh Thất Phú Nhuận thuộc Tòa Thánh Tây Ninh. Năm 1935, lúc 17 tuổi, Thánh thất Bình Hòa vừa cất xong thì Đạo Trưởng về hành đạo tại đây, cùng với song thân và anh là ông Lê Văn Non. Hai anh em học qua các lớp huấn luyện Đồng Nhi và Lễ Sĩ, đi lễ các đàn lệ.
Từ buổi sơ khai năm Ất Tỵ 1965, Đạo Trưởng gia nhập vào Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo sau khi đượcĐức Lý Giáo Tông thâu nạp làm đệ tử tại Thiên Lý Đàn,
được Đức Chí Tôn ban Thánh danh Chí Tín để lập công quả:

Thiên Lý Đàn, ngày 29 tháng Chạp Ất Tỵ (20-01-1966):
“Lê Văn Bá thấy con chí nguyện,
Hiệp chung lo điều kiện Cơ Quan;
Dốc đem đem tấm can tràng,
Lập công bồi đức cho ngang bạn hiền.
Nay Thầy ban danh Tiên cho trẻ,
Để con hiền mát mẻ tâm trung;
Tên là Chí Tín lập công,
Bước mau để kịp đại đồng thế gian.”
Năm 1972, Đạo trưởng được Đức Lý Giáo Tông khuyến khích:
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời 20 tháng Chạp Tân Hợi (04-02-1972):
“Chí Tín! Cười!
THI
Thấy trò em út nghĩ mà thương,
Trỗi bước từ lâu vạn dặm trường;
Sức mọn nhưng lòng không quá mọn,
Đỡ nưng còn có Lão Đông Phương.”

Hơn nữa Đạo trưởng và bào huynh là Đạo trưởng Đạt Minh còn được sự âm phò mặc trợ của thân phụ đã đắc vị là Đức Minh Đức Đạo Nhơn, thường giáng đàn dạy đạo như trường hợp sau đây:
Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, mồng 6 tháng 2 năm Quí Sửu (10-3-1973):
“Sau đây với tư cách gia đình, Cha dạy con về nói lại với con Chí Tín rằng đừng thối chí ngã lòng trước một cái vấp chơn vì cây gai nhỏ, hoặc một viên sỏi còn mắc kẹt trong bít tất. Sứ mạng ra khơi của Cơ Quan chỉ mới giai đoạn sơ khởi. Mục tiêu cuối cùng muốn đạt được sẽ còn trải qua nhiều giai đoạn khác nữa.
Hai con nhớ lời Cha đã dạy, đừng làm sai rồi bị khảo mà buồn nghe con! Con an tọa.”
Điểm đặc biệt nhất trong đời hành đạo của Đạo trưởng Chí Tín có lẽ là sứ mạng hi hữu về Đạo pháp do Đức Đông Phương Lão Tổ và Đức Ngô Minh Chiêu giao phó qua Thánh giáo ngày đêm 27 tháng Giêng Canh Thân (13-3-1980) tại Minh Đức Tu Viện (Vũng Tàu):
“ĐÔNG PHƯƠNG LÃO TỔ chào chư hiền đệ hiền muội.
Hôm nay Bần Đạo muốn cùng chư đệ muội đem một giải pháp nhằm vào công việc thống nhất đường lối trì hành đạo pháp phổ độ nhơn sanh trong nội bộ Cao Đài, ngõ hầu hoằng dương cơ cứu độ. Dầu nhơn tâm phân cách là do duyên nghiệp của mỗi người, nhưng sứ mạng Thiên ân có bổn phận giữ tâm trung thực để đem lại thế quân bình với một niềm tin sáng suốt bất phân cho mọi người cho trật tự đúng theo Tân Pháp Đại Đạo.Hôm nay Bần Đạo dành cho hiền đệ Chí Tín
bắt đầu thực hiện sứ mạng trọng đại của hiền đệ, và cùng chia sứ mạng cho chư đệ muội nơi đây. Đây chính là một công quả khá lớn mà Bần Đạo và Ngô Đại Tiên dành cho hiền đệ đến ngày nay không thể trễ được nữa.
Sứ mạng đó Bần Đạo không thể thế được là: từ đây đến tiết Đông Chí, hiền đệ Chí Tín hãy đem công phu pháp thọ được nơi Phái Chiếu Minh truyền lại cho Ch.T, Th.B, H.C và H.M. Riêng hiền muội B.T cũng được tham dự để đến lúc sẽ thực hiện công quả. Phần này chư đệ muội sẽ được nghe giải bày, đừng thắc mắc gì cả.
Vậy sau đàn này, Bần Đạo vẫn hiện có để chứng minh việc làm của chư đệ muội.”
Cuối đời, có lẽ nguồn an ủi lớn lao nhất đối với Đạo trưởng là được Đức Giáo Tông ban ơn trong lúc thọ bệnh đang điều trị trong bệnh viện ở tuổi 88 (năm 2005).

“Dặm dài gánh đạo đã bao năm,
Trải bước phong ba vẫn vững cầm;
Giáo lý phổ truyền ra khắp chốn,
Công phu thiền định hưởng ân thâm.”

Các trách vụ ở CQPTGLĐĐ
1. Nội Chánh Vụ Trưởng ngày 14 tháng 02 Bính Ngọ (05-3-1966) gồm có Nội vụ, Kinh tế, Thông tin báo chí, Văn Hóa và Thanh niên (sau được chia ra 3 vụ là Nội Chánh Vụ, Văn Hóa Vụ và Thanh Niên Vụ).
2. Phó Tổng Thơ Ký ngày 14 tháng 02 Kỷ Dậu (31-3-1969). Sau khi Đạo Trưởng Minh Lý (Đỗ Vạn Lý) Tham Lý Minh Đạo kiêm Tổng Thư Ký Cơ Quan ra đi, đạo trưởng phải đảm nhiệm thêm hai trách nhiệm nầy.
3. Tổng Thơ Ký chính thức ngày 14 tháng 3 năm 1971.
4. Tham Lý Minh Đạo ngày 15 tháng 02 Nhâm Tý (29-3-1972).
5. Phó Tổng Lý Minh Đạo ngày 18 tháng 02 Ất Sửu (07-4-1985) đến ngày xuất ngoại 24-12-1986.
6. Được Ơn Trên phục hồi chức Phó Tổng Lý Minh Đạo năm Kỷ Mão (tháng 4-1999) sau 12 năm hành đạo ở hải ngoại.
7. Từ năm 2005, Đạo trưởng được lịnh Ơn Trên đến ở hẳn tại trụ sở Cơ Quan PTGLĐĐ để tu luyện và hành đạo với chức vụ trên.
Thọ truyền Đạo Pháp
Bắt đầu học Sơ thiền tâm pháp 1966 với Đạo Trưởng Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn rồi học tiếp Thập nhị cẩm đoạn, Nhị cơ rồi Nhị cơ tiến đạo, Nội công hấp Khí I và Nội công hấp khí II, rồi Tam Muội Chánh Định, luyện ngũ hành âm dương, khai thông huyệt đạo ba năm ròng rã. Năm 1970 thọ pháp Chiếu Minh và được Đức Ngô Minh Chiêu giáng cơ dạy bổ túc trong năm 1980. Năm 1978 nhập khóa Bá Nhựt Trúc Cơ 100 ngày tại Vĩnh Nguyên Tự. Năm 1980 nhập khóa Thập Ngoạt Hoài Thai 300 ngày. Năm 1981 nhập khóa Tam Niên Nhũ Bộ ba năm tại Minh Đức Tu viện ở Vũng Tàu.
Công trình biên soạn
A. Ở trong nước:
1. Phụ trách tập san Cao Đài Giáo Lý của Cơ Quan từ lúc khởi sự quay ronéo
2. Vấn đề tịnh luyện đối với môn sinh Cao Đài
3. Thử nêu những yếu điểm giáo lý Cao Đài
4. Đức tin Cao Đài
5. Pythagore (dịch của E.Schuré)
6. Những tiết lộ của Thần Minh (dịch của Allan Kardec)
7. Từ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển đến Đại Thừa Chơn Giáo.
B. Ở nước ngoài:
1. Cao Đài Giáo lý ở hải ngoại đến số 59
2. Sưu tập Thánh giáo Đức Lý Thái Bạch Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo
3. Sưu tập Thánh giáo Đức Vạn Hạnh Thiền Sư
4. Sưu tập Thánh giáo Đức Đông Phương Lão Tổ và Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn
5. Sưu tập Thánh giáo Đức Quan Thế Âm Bồ Tát
6. Lòng Từ Mẫu I và II
7. Huấn Từ Đức Chí Tôn
8. Cao Đài Giáo Lý Đại Cương
9. Căn bản Giáo lý Cao Đài (quyển I và II).
Và nhiều đề tài khác đăng trong Cao Đài Giáo Lý hoặc in riêng trên từng tập nhỏ.Hiện nay
Đạo trưởng đã ngót 90 tuổi, sau thời gian bệnh nặng vào năm 2005, sức khỏe đã giảm sút nhiều. Tuy nhiên, tinh thần Đạo trưởng còn rất minh mẫn, ngoài tứ thời tịnh định, thường đọc kinh sách và viết bài vở giáo lý. Hằng tuần Đạo trưởng vẫn chủ trì các phiên họp Hội Đồng Cơ Quan, ngoài ra còn tham dự một số sinh hoạt nội bộ.
Lược sử trên đây của Đạo trưởng Chí Tín được viết xong vào đầu tháng 9 năm 2007            
 

    Trở lại Mục Lục