Dặm dài gánh Đạo

TAM GIÁO ĐẠO TỔ ĐỀU ĐỒNG QUYỀN DƯỚI ĐỨC CAO ĐÀI THƯỢNG ĐẾ

Người tín đồ Cao Đài vào Tòa Thánh hay tại tư gia đều thấy có thờ y như sau:
Trên cao thờ Thiên Nhãn, tượng trưng cho Đức Cao Đài Thượng Đế.
Dưới có 3 bức tượng của Tam Giáo Đạo Tổ là Đức Lão Tử, Thích Ca và Khổng Tử.
Dưới có 3 tượng của Tam Trấn Oai Nghiêm là Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Lý Thái Bạch và Đức Quan Thánh Đế Quân.Dưới nữa là tượng của Đức Chúa Jésus Christ và Đức Khương Thái Công.
Thiên ý đã đặt để Tam Giáo Đạo Tổ ngang hàng đồng vị đồng quyền trước Tòa Tam Giáo. Như vậy chúng ta không thể thắc mắc là vị này thấp hơn vị kia, vì quyền năng của các Ngài đồng nhau cả.
Nếu chúng ta đi sâu vào giáo lý do Tam Giáo Đạo Tổ truyền lại thế gian thì chúng ta nhận thấy rõ giáo lý của các Ngài gồm có hai phần:
Ngoại giáo Công truyền cho đại chúng Tiểu thừa và Trung thừa để dẫn dắt tuyển chọn các hàng nguyên căn tiến lên hàng Thánh, Tiên, Phật qua Nội Giáo Tâm Truyền với khoa Đại Thừa Tâm Pháp như Phật giáo và Khổng Giáo mà kinh sách truyền lại đã chứng minh rất rõ ràng minh bạch.
Riêng về Khổng Giáo có nhiều tín hữu Cao Đài thắc mắc cho rằng Đức Khổng Tử chỉ truyền Nhơn Đạo dạy tu thân trở nên hiền nhân quân tử, biết tề gia và bình thiên hạ mà thôi, chớ không có truyền phần Thiên Đạo để giải thoát luân hồi sanh tử như Phật và Lão giáo.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ cũng đã nhận định trong "Lời nói đầu" của quyển "Khổng Học Tinh Hoa" như sau: "Nhiều người nghĩ rằng Khổng giáo chỉ dạy con người trở nên hiền nhân quân tử, chứ không làm cho con người siêu phàm thoát tục như Phật giáo, Lão giáo. Đó là một sự ngộ nhận đáng tiếc. Thực ra Khổng Giáo có mục đích thâm viễn là thánh hóa con người tiến đến cực điểm tinh hoa, sống cuộc đời hoàn thiện, phối hợp cùng Thượng Đế...."
Chúng ta hãy trở về với giáo lý Cao Đài. Đại Thừa Chơn Giáo, đàn ngày 09-8 Bính Tý, 24-9-1936, bài "Trung tâm Đạo Đại Thừa", Đức Chí Tôn dạy:"Người muốn làm Tiên Phật hay là các vị Tiên Phật đã đại giác, đại ngộ,
thành đạo đều phải tu từ bực Tiểu Thừa rồi mới đến Đại Thừa.
Tiểu thừa là nhơn đạo. Người tu theo bực tiểu thừa phải chịu dấn thân vào khuôn khổ tôn giáo. Tiểu thừa thì chỉ dạy về hữu hình. Con người giữ cho trọn theo giới luật đó tất cũng như mượn con đường hẹp ấy mà nương chân đi lần đến con đường rộng lớn mênh mông là Đại Thừa vậy. Người mới tu, đạo hạnh phải giữ cho hoàn toàn, trước nhân đạo cho xong, rồi sau bèn học đến Thiên Đạo là tầm cơ siêu thoát ra khỏi thế giới vật chất mà đến cõi thế giới tinh thần.Bực Đại Thừa dạy về vô hình,
nên cần tu tánh luyện mạng, muôn việc có như không có. Xưa kia Khổng Thánh cũng đã rõ thông chí lý về Đại Thừa trong lúc Hạng Thác truyền trao, nên sau mới thành đến bực "Đại thành chí thánh". Nhưng phần nhiều truyền dạy cho đời là chỉ về đường nhơn đạo, cứ lo rộng mở cho con người biết luân thường đạo lý. Còn về tâm pháp thì dạy cho có một phần rất ít trong đệ tử thôi.
Cho nên đời sau tưởng lầm rằng Khổng Thánh không hề tu luyện đến Thiên Đạo, chớ kỳ trung sao sao cũng phải rõ thông cơ Tạo Hóa, hòa hiệp máy âm dương mà luyện thành kim đơn thì mới thành Đạo đặng. Vậy Đại Thừa tức là “Đại Học Chi Đạo, tại Minh minh đức, tại Tân dân, tại chỉ ư chí thiện.
Thiên Đạo này Nho giáo gọi là: Chấp trung quán nhứt.
Thích Giáo gọi là: Bảo trung qui nhứt.
Đạo giáo gọi là: Thủ trung đắc nhứt.”
Đọc tiếp Đại Thừa Chơn Giáo, đàn ngày 28-8 Bính Tý, 13-10-1936:
"Trời có ba báu là Nhựt, Nguyệt, Tinh, hay là Tam Nguơn: thượng, trung, hạ.
Đất có ba báu là Thủy, Hỏa, Phong.
Người có ba báu là Tinh, Khí, Thần.
Trời nhờ ba báu ấy mà dưỡng dục muôn loài, hóa sanh vạn vật, luân chuyển Càn Khôn,
mới chia ra ngày đêm, sáng tối.
Đất nhờ ba báu đó mà phong võ điều hòa, cỏ cây tươi nhuận, phân ra thời tiết: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Người nhờ ba báu đó mà tạo Tiên tác Phật.
Theo Tam Giáo (Nho, Thích, Đạo) thì ba báu ấy như vầy:
1. Nho thì có tam cang: Quân thần cang là Nguơn Thần. Phụ tử cang là Nguơn Khí. Phu Thê cang là Nguơn Tinh.
Tại sao Quân thần cang là Nguơn Thần? Thần ở trong mình con người như vị Đế Vương cai quản một quốc gia, Khí cũng như Lục Hầu Tể tướng; Tinh như con dân.
Hễ vị Đế Vương hôn muội, thì quốc dân bất minh,
chư hầu bất phục làm sao mà bình trị quốc gia.
2. Thích thì Tam qui: Qui y Phật là tịnh dưỡng Nguơn Thần, Qui y Pháp là gìn giữ Nguơn Khí, Qui y Tăng là bảo tồn Nguơn Tinh.
3. Đạo thì Tam Thanh: Chơn Thanh là Nguơn Khí, Thượng Thanh là Nguơn Thần,
Ngọc Thanh là Nguơn Tinh.Đó là Đạo các con phải biết. "
Thầy Thượng Đế đã dạy: "Đại Thừa tức là Đại học chi Đạo,
tại Minh minh đức, tại Tân dân, tại chỉ ư chí thiện" là của Nho giáo.
Chúng ta hãy lật cuốn "Đại Học" của Tăng Tử, môn đồ của Đức Khổng Tử thì hiểu ý Thầy phân, cũng như chúng ta đọc quyển "Trung Dung" của Khổng Cấp, thì rõ Đại Học chi Đạo, học được cách Phối Thiên của Nho Giáo, Đắc Nhứt của Lão giáo và Tịch Diệt của Phật giáo không chi khác.Xin kết luận với đoạn thi của Đức Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu trong một lễ Trung thu Hội Yến Bàn Đào để người tu hành suy gẫm thấm thía Đạo Pháp:

“Tu cho đạt huyền đồng đại thể,
Tu cho thành từ huệ phối Thiên;
Tu cho đắc nhứt tẫn huyền,
Tu cho tịch diệt thiên niên niết bàn."
Và Đức Mẹ dạy tiếp phương pháp đắc Đạo là:
“Muốn tịch diệt liên đài Phật giáo,
Muốn phối Thiên Nho, Lão huyền đồng;
Trước con giữ dạ sạch trong,
Phối đời, tịch Đạo, huyền cùng chúng dân.
Tâm mà được chí chơn, chí chánh,
Tâm hòa quang mọi cảnh sẽ vui;
Ớt chanh nghe cũng ngọt bùi,
Tâm tư, đường mật cũng mùi đắng cay.”
Người biết tu luyện cướp đặng cơ mầu nhiệm của Tạo Công thì là đắc nhứt.
Nhơn đắc nhứt, chữ nhơn thêm chữ nhứt là chữ đại,
thì vĩnh viễn kiếp trường tồn, diên niên bất hoại.

  Trở lại Mục Lục