Dặm dài gánh Đạo

THƯỢNG ĐỨC BẤT ĐỨC, THỊ DĨ HỮU ĐỨC, HẠ ĐỨC BẤT THẤT ĐỨC, THỊ DĨ VÔ ĐỨC"

Trong một đàn cơ trước đây, Ơn Trên dạy Đạo trưởng Huệ Lương giải nghĩa hai câu trên trích trong Đạo Đức Kinh (chương 38). Đạo trưởng trình bày thông suốt nhưng chúng tôi lúc đó không lãnh hội kịp ý nghĩa phải về nhà tìm đọc và suy gẫm mới thấu lý cao diệu của câu kinh.
"Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức. Hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức."
Xin tạm dịch:
“Người có đức cao, không cố ý cầu đức cho nên có đức. Người có đức thấp, cố ý cầu đức nên không có đức."
Tiếp theo câu trên, Đạo Đức Kinh viết:
"Thượng đức vô vi nhi vô dĩ vi. Hạ đức vi chi nhi hữu dĩ vi."
Tạm dịch:
Người có đức cao không làm nên không có gì để làm. Người có đức thấp làm nên mới có cái để làm.
Giải rộng cho dễ hiểu hơn: Người có đức cao dày, không có ý cầu có đức cho mình, không tạo phước đức quả công cho riêng mình để được danh vọng, tiếng khen. Họ chỉ làm một cách tự nhiện đương nhiên với tinh thần vô kỷ, vô danh, vô công với Thiên Địa chi tâm; giống như Trời Đất sinh muôn vật, đức lớn rất mực mà Trời Đất chưa từng nhận lấy làm có đức, muôn vật cũng không hề biết đến Đức của Trời Đất, ấy chính là không cần Đức, không nhận, không biết Đức, mới là có Đức siêu việt hoàn toàn.
Trái lại, người hạ đức thì chấp đức, muốn cho có đức để được tiếng có đức, tức là không có đức. Như ông Đế, ông Hoàng cai trị thiên hạ lo ban ơn bố đức trong dân chúng, khiến trăm họ gội nhuần ơn mưa móc mà kính yêu ca ngợi, ấy chỉ là thuật lợi dụng trong khoảng dưới trên giao dịch. Chứ không phải Đức thực.
Ban ơn bố đức để mua chuộc lòng yêu mến của người đời, tuy có vẻ vì người nhưng vốn thực vì mình, vả lại, làm đức làm ơn không lan đều khắp mọi nơi, luôn luôn có chỗ, có cái phải làm.
Tóm lại, bậc Đức cao không làm, cũng không có cái để làm vì sánh với Đạo đã cùng một thể như nhau; trái lại, bậc Đức thấp chưa đạt tới Đạo thể hoàn toàn nếu càng làm, càng cố ý gắng công, càng nảy ra nhiều cái phải làm hơn nữa.
Ngài Huỳnh Nguơn Kiệt có giải thích đoạn nầy cho đệ tử như sau: "Đức Thái Thượng muốn con người phản bổn hoàn nguyên, mới vì họ than rằng: Người bực thượng đức vô vi chỉ suất tánh (nói theo tánh) mà thôi chẳng biết có đức thế nên đức đó thường còn. Người bực hạ đức hữu vi, biết cái hay đẹp của đức, nhân ưa cái danh đó, ham hành cái đức đó, chỉ lo sợ mất đức đó thì mất luôn danh đó. Hai thứ quan niệm này tranh nhau âm thầm, đốn phá chẳng còn, giống như một lòng thành bất nhị của bực thượng đức, một mảy niệm tưởng chẳng còn, do hữu đức mà trở thành vô đức vậy. "
Để hiểu rõ hơn, ta nghe câu chuyện Lương Võ Đế hỏi Đức Đạt Ma Tổ Sư: “Suốt đời trẫm làm những việc lập chùa, cúng tăng, bố thí trai diên; như vậy có công đức chi không?”
Đức Đạt Ma Tổ Sư trả lời “Thật không có công đức.”
Đức Lục Tổ Huệ Năng giải thích trong “Pháp Bửu Đàn Kinh” như sau:“Thật không có công đức.
Đừng nghi lời nói của Tiên Thánh, bởi vì vua Võ Đế còn tâm vọng, chưa rõ pháp chơn. Việc lập chùa cúng tăng, bố thí trai diên là tu phước, chẳng nên nhận phước là làm công đức, vì công đức ở trong pháp thân chớ không phải ở chỗ tu phước”Ngài dạy tiếp:.
“Kiến tánh là công, bình đẳng là đức, niệm niệm không ngăn ngại, hằng thấy diệu dụng chơn thật của bổn tánh gọi là công đức. Trong tâm khiêm tốn là công; ngoài, làm đúng theo lễ là đức. Tự tánh xây dựng muôn pháp là công, tâm thể lìa vọng là đức.
Không ly tự tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức, nếu tìm công đức trong pháp thân thì y theo đó mà làm, mới phải chơn công đức. Muốn tu chơn công đức thì giữ tâm chẳng khinh thị, lại còn biết khiêm tốn kính nhường. Như tâm hay khinh thị người, thì tật chấp ngã chẳng dứt, tức là không có công; như tánh xảo trá chẳng ngay thẳng tức là không có đức. Vì tật chấp ngã, tự tôn, tự đại thường chê bai, giả dối mà tổn công đức.
Niệm niệm không gián đoạn là công, tâm giữ bình trực là đức.”
Ngài luận về công đức như sau: “Công đức tu hành phải thấu triệt trong tự tánh, chẳng phải do sự bố thí cúng dường mà cầu được. Bởi nên, phước đức với công đức khác nhau. Đó là vua Võ Đế chưa đạt chơn lý, chớ không phải Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói sai.”
Theo giáo lý Cao Đài, công đức là công quả âm chất làm một cách lặng lẽ âm thầm,
kín đáo không cho biết, đúng theo câu “Thiên hành vô triệt tích,
thiện ngôn vô hà tích” (ĐĐK chương 27) nghĩa là làm việc lành không để lộ dấu vết,
khéo nói không để bị chê trích bắt bẻ.
Đức An Hòa Thánh Nương dạy: “Công quả muốn được chánh danh và đúng nghĩa của nó, đúng giá trị của nó và đáng được ghi phần âm chất phải là công quả xuất phát từ lòng tự giác, tự nguyện và thiết tha với nó, xem nó là nguồn sống của đời người như cơm ăn, nước uống, hơi thở, áo mặc, nhà ở và như lương dược trị bịnh."

  Trở lại Mục Lục