Dặm dài gánh Đạo

TU LÀ LÀM CÁCH MẠNG

Để bổ túc ý kiến cho buổi học tập Thánh giáo của Đức Ngô Đại Tiên đêm mùng 2 tháng 11 vừa rồi, đàn cơ 14 tháng 3 Tân Hợi (10-3-1971), chúng tôi xin khai triển câu: Tu là cách mạng bản thân, bản tâm và bản tánh để thực hành cho đúng đạo lý.
Ngoài đời, nói đến làm cách mạng, là làm thế nào để có thể thay đổi một chế độ của một quốc gia, ví dụ như lật đổ một chế độ quân chủ, phong kiến, độc tài hà khắc, bóc lột dân chúng làm cho dân tình thán oán vì lầm than cơ cực khốn cùng, làm cách mạng là lật đổ chế độ thối nát lỗi thời độc ác bất công đó để thay đổi một chế độ dân chủ đem lại tự do bình đẳng, công bình hạnh phúc cho toàn dân. Còn vào đạo là để tu thân hành đạo, là để tự cải tạo lối sống hủ lậu phàm phu xấu xa ích kỷ của mình trước khi tu để sửa đổi lại tánh tình con người cũ trở thành con người mới thiện lương đạo đức thánh thiện.
Nên Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu dạy chúng ta phải luôn luôn nhớ điều này: Tu là cách mạng bản thân, bản tâm và bản tánh. Chúng ta thử khai triển cho sâu thế nào là cách mạng bản thân rồi đến cách mạng bản tâm và bản tánh. Thế nào là cách mạng bản thân? Trước khi chúng ta giác ngộ biết lo tu, chúng ta làm nô lệ cho bản thân thể xác của chúng ta, chiều chuộng phục vụ thỏa mãn dục vọng ham muốn của xác thân như tham ăn món ngon vật lạ, cao lương mỹ vị, tham mặc đẹp trang sức sang trọng, ở nhà cao cửa rộng, tham sắc, tham tiền, tham địa vị quyền thế danh vọng…
Nay giác ngộ biết tu rồi thì làm cách mạng là triệt hạ diệt bỏ hết những thứ ăn uống mặc ở địa vị xa hoa phù phiếm để phục vụ thỏa mãn xác thân, ta lật đổ địa vị làm chủ của nó, sai khiến điều khiển nó làm những việc nghĩa nhân đạo đức, phục vụ hạnh phúc của tha nhân, không còn vị kỷ độc tôn, nay cách mạng phải đổi tính ích kỷ thành vong kỷ vị tha, quên cá nhân bản ngã mình mà nghĩ đến lợi ích hạnh phúc cho tha nhân, tức là thực hiện lòng từ bi của Phật, bác ái của Tiên và công bình của Thánh.
Khi chưa biết tu, thì ta chiều theo thân ta lười biếng không chịu khó nhọc làm điều thiện, ích lợi mà chỉ biết có hưởng thụ, rong chơi ham mê đàn hát, thả theo đàng điếm. Tu rồi phải cách mạng, làm trái ngược lại, đổi biếng nhác ra siêng năng, đổi ươn hèn nhu nhược ra dũng cảm đại hùng đại lực vượt mọi gian lao khổ cực để hoàn thành nhiệm vụ vi nhân, xứng đáng là con người nhân bản có nguồn gốc Thiên chân, là đứa con ngoan hiếu hạnh của Đại Từ Phụ Cao Đài Thượng Đế, xứng đáng là con của Thầy

(Thầy là các con, các con là Thầy).
Đức Đông Phương Lão Tổ nhắc nhở chúng ta:

“Mình biết mình bẩm sinh Thiên Địa,
Sao làm sao đúng nghĩa vi nhân,
Vào trần thôi chớ lụy trần,
Nhớ bao nhiêu kiếp kim thân lạc loài.”

Và khuyên chúng ta phải lo phản bổn huờn nguyên trở về nguồn gốc Thiên chân của mình qua con đường Đại Đạo để giải thoát kiếp luân hồi đọa lạc trần ai của mình. Đức Tôn Sư khuyên:

“Tâm trần vướng mắc rộn ràng,
Rút gươm thần huệ đoạn phăng cho rồi.”

Làm cách mạng bản thân là phải dùng gươm thần huệ chặt đứt diệt trừ:

“Trừ hết những thói hư tật xấu,
Trừ cho xong hủ lậu phàm phu;
Thoát ra bốn vách trần tù,
Tham, sân, si, dục, mịt mù bốn bên.”

Cách mạng bản thân cũng là giải thoát bản thân khỏi bốn vách ngục tù giam hãm là Tửu, Khí, Sắc, Tài: nó nhốt, nó mê hoặc con người tối tăm ngu muội, quên hẳn đường đi lối về của bổn nguyên.
Thế nào là cách mạng bản tâm, bản tánh?
Sách Dưỡng Chơn Tập có giải thích chữ Tâm như sau:
“Người ta chỉ có một chữ Tâm: ra ngoài là tình, vào trong là tánh, đi xuôi là thức, trở ngược là Trí. Người tu làm cách mạng bản tâm là làm cho cái tình, thất tình mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ phát hiện ra ngoài, đem chúng trở lại vào trong tâm trung thành ra tánh”. Đúng theo lời dạy: “Đem tình hợp tánh chơn tâm sáng ngời” của Đức Lão Tổ Đông Phương.
Cách mạng bản tâm cũng là “chuyển thức thành huệ trí” bằng cách phản quán vào nội tâm hay hồi quang phản chiếu của các thiền gia khi thiền định. Phản quán hay ngó ngược trở vào tâm hay Hồi quang phản chiếu là đem ánh sáng của đôi mắt chiếu ngược vào trong tâm nội. Để chi? Để giữ tâm thanh tịnh mà quán xét, chiếu soi rọi trong khắp tâm mình, để nhận định mà bỏ, diệt trừ những ý nghĩ tư tưởng quấy quá xằng bậy không cho chúng biến thành tình thức để chúng không gây ảnh hưởng làm xáo động tâm tư trở thành vọng tâm. Phương pháp quán tâm phải dùng hai mắt ngó vào tâm vì hai mắt có lưỡng quang tức hai luồng ánh sáng như ánh đèn pin ta rọi nơi tối tăm để thấy cho rõ vật gì ở trước mắt ta. Còn tâm thì vô vi, muốn nhận được tình thức phát hiện ta phải giữ tâm thật yên lặng, thanh tịnh nó có phóng ra phải thâu về, định chúng lại vào tâm, chừng đó tình thức, mừng vui phiền não giận hờn.v.v… nổi lên ta nhận thấy lũ quỉ ma thất tình đó phát hiện, tức thì ta cương quyết diệt trừ thủ tiêu không cho chúng nổi dậy, đó là chuyển thức thành huệ trí tu công.
Tu công tức là cách mạng bản tâm bản tánh. Nhà Phật gọi Minh tâm kiến tánh, dịch tắt là sáng lòng thấy tánh, thấy được Như Lai, được Phật thì chứng quả đắc Đạo theo Tiên gia.

Đức Lão Tổ có dạy các thiền sinh:
“Muốn bỏ dữ theo lành không khó,
Thánh với phàm nào có xa đâu;
Do tâm biết chỗ sở cầu,
Cầu tâm phóng ngoại mà thâu trở về.
Pháp thâu tâm không hề rắc rối,
Quay về tâm là lối tâm về;
Ra vào hô hấp tỉnh mê,
Âm dương đóng mở đều về bổn căn.
Đạo là một cơ năng giản dị,
Người chỉ cần đại chí, đại tâm;
Giữ lòng chuyên nhứt hành thâm,
Đem tình hợp tánh chơn tâm sáng ngời.”

Để kết luận, xin tiếp nhận lời dạy của Đức Ngô Đại Tiên trong bài Thánh giáo: Nếu vào Đạo rồi mà không sửa đổi được tánh ác ra thiện, tánh ngu thành hiền, phàm tâm ra thánh tâm, những ngôn ngữ thất đức thất nhân tâm ra thànhlời khuyên thánh thiện, thì không thể nào gọi rằng tu,
rằng cách mạng bản thân được…Hai chữ cách mạng là sửa đổi,.
Đức Ngô Đại Tiên lại nhấn mạnh thêm hai chữ nghịch hành là đi ngược trở lại chớ không đi suốt theo thế tục thường hành để phản bổn huờn nguyên tức là để trở về nguồn gốc thiên chân của mình là từ khối Đại linh quang của Thầy Thượng Đế, hằng ngày phải chuyên cần tu sửa tánh tình của mình cho trở nên mới, càng mới thêm mãi mãi (do câu nhựt nhựt tân, hựu nhựt tân của Nho giáo).  
   

  Trở lại Mục Lục