Dặm dài gánh Đạo

CƠ TẠI MỤC

Giáo chủ của đạo Cao Đài là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, là Đấng vô hình, vô tướng, không mang xác phàm, mở Đạo kỳ Ba bằng huyền diệu cơ bút để truyền bá giáo lý của Ngài cho nhơn sanh giác ngộ mà lo tu hành giải thoát hầu trở lại cố hương là thiên đường cực lạc hay Bạch Ngọc Kinh (hay niết bàn). Vì là Đấng Tạo Hóa Chúa Tể càn khôn vạn loại, không lý lấy hình tượng xác phàm của một dân tộc nào trên thế giới thì mất ý nghĩa của Đại Đạo. Thượng Đế là chơn thần, vô thể, vô danh, là Đại Linh Quang, là ánh sáng chiếu diệu khắp cả càn khôn vũ trụ thế giới muôn loài vạn vật, đức háo sanh vô cùng vô tận, không thể dùng hình tướng, lời nói của thế gian để mô tả được.Thượng Đế là Thần, mà Thần cư tại nhãn, nên thờ Thiên Nhãn tức là thờ Thượng Đế; con mắt cũng chỉ là biểu tượng của Thần, của Thượng Đế mà thôi.
Lúc mới khai Đạo tại Việt Nam, năm Bính Dần (1926), Thầy có dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (bản in 1972, tr. 11) như sau:
Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh Tượng con mắt mà thờ Thầy,
song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh:

Nhãn thị chủ tâm
Lưỡng quang chủ tể
Quang thị Thần
Thần thị Thiên
Thiên giả Ngã dã.
Tạm dịch là:
Con mắt là chủ của tâm
Ánh sáng hai con mắt là chủ tể
Ánh sáng là Thần
Thần là Trời
Trời là Ta đó.

Thầy dạy các vị Tiền Bối lúc mới khai Đạo: “Con hiểu Thần cư tại nhãn, bố trí cho chư đạo hữu con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên Phật do yếu nhiệm là tại đó.”
Thầy dạy bố trí tức là giải thích rõ ràng cho chư đạo hữu hiểu được thế nào là Thần cư tại nhãn hay tại mục và tại sao thờ Thầy là thờ Thiên Nhãn.Cơ tại mục, là cái máy nhiệm mầu của trời đất để
tạo Tiên tác Phật do ở tại đôi mắt (song mâu) của con người. Đạo thơ có câu: “Chơn âm chơn dương kết nên Đạo chỉ ở song mâu chớ viễn tầm.” Nghĩa là hai khí âm dương hiệp nhứt thành Đạo chỉ tại nơi hai con mắt, chớ tìm kiếm đâu xa. Con mắt trái thuộc dương, con mắt mặt thuộc âm. Trong Đại Thừa Chơn Giáo (tr. 66, bài

“Thiên Nhãn”), Thầy có dạy:
“Luyện thuốc kim đơn rõ nhiệm mầu,
Thành Tiên tác Phật tại song mâu;
Âm dương toàn ẩn cơ tại mục,
Thần khí thông linh tại thượng đầu.”

“Hai con mắt của các con là nhục nhãn, tức là âm với dương, thì cũng như Thái Cực là Thiên Nhãn, còn lưỡng quang là nhựt nguyệt hằng soi sáng khắp càn khôn, cứ tuần huờn mãi, hết ngày đến đêm, hết đêm kế ngày, không bao giờ dứt sự hành tàng của Tạo Hóa.”
Trong pháp môn sơ thiền cửu cửu (81 ngày) đến cửu thứ 5 được dạy luyện định thần bằng cách nhìn Thiên Nhãn cho không còn láo liên, để hai mắt không đảo điên khi tọa thiền nhập định, vì thần có vững, có đình trụ được khả dĩ mới dẫn khí nương theo thần mà hô hấp điều tức đúng pháp môn.

“Lưỡng tình thâu nhập phá cung trung,
Nhứt khiếu huyền quang định tánh thông;
Kiến giả thị chi nhi bất kiến,
Nhơn gian thiên thượng hạo tao phùng.”
(Chú hiệp thần)

Thần là chủ nhơn ông rất linh diệu nên mới điều khiển được nhơn thân hài hòa,
đúng theo tiết điệu thiên nhiên Tạo Hóa.
Trong Ngọc Hoàng Tâm Ấn Kinh có dạy về khả năng của thần lực như sau:

“Thần năng nhập thạch (Thần chun qua đá được),
Thần năng phi hình (Thần tàng hình được),
Nhập thủy bất nịch (Xuống nước không chìm),
Nhập hỏa bất phần (Vào lửa không cháy).”

Thế nên, Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn có dạy luyện đạo là luyện tâm, luyện tâm tức là luyện thần, luyện sao không còn tâm mà chỉ còn có thần mà thôi. Luyện đạo không chi ngoài luyện âm dương thần khí cho hiệp nhứt là đắc Đạo. Đó là bí quyết Thần Tiên, cần có minh sư truyền trao chơn pháp, khi hành giả cầu Đạo với tâm chí thành cương quyết cầu tu giải thoát.
Lấy chữ mục để giải sơ về cơ tại mục. Chữ mục 目 có hai ngang = ở trong gọi là âm dương tương hội, một khuôn 囗 ở ngoài gọi là hỗn độn thành hình. Từ khi hỗn độn thành hình thì chia khí âm dương phân ra hai, thanh thăng, trược giáng. Ngang trên gọi là thanh thăng, ngang dưới gọi là trược giáng, mới mở mang vạn vật. Chữ mục mà bớt một ngang dưới là bớt âm thì nên ngôi mặt nhựt 日, có ẩn lửa hỏa thái dương gọi là thuần dương, kêu là hống, bằng bỏ cái ngang gạch đít ở dưới thì nên ngôi mặt nguyệt 月, có ẩn nước (thủy), thái âm, gọi là thuần âm kêu là diên. Nhựt nguyệt là âm dương kết nên trước mắt, cho nên Đạo thơ gọi là cơ tại mục đó.

“Thủy hỏa tương giao vô thượng hạ,
Nhứt đoàn sanh ý tại song mâu.”
Thủy hỏa là âm dương, là nước lửa,
song mâu là hai con mắt,
cho nên Thầy đã dạy:
“Âm dương toàn ẩn cơ tại mục,
Thần Khí thông linh tại thượng đầu.”

Phật Giáo cũng có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm như Cao Đài Giáo dạy thờ Thiên Nhãn cùng một ý nghĩa huyền nhiệm cao siêu. Pháp môn này được Đức Phật Thích Ca tâm truyền cho Nhứt Tổ Ma Ha Ca Diếp và được lưu truyền mãi mãi trong thiền học. Pháp môn này là chánh pháp không hai (pháp môn bất nhị) dạy thiền gia sử dụng tạng con mắt, hiệp ánh sáng lưỡng quang đem về mi gian, giữa hai chơn mày, rồi hồi quang phản chiếu tức là đem ánh sáng của đôi mắt đó chiếu ngược vào trong tâm nội để quán sát tâm mình, Phật Giáo gọi là minh tâm kiến tánh là soi sáng tâm trung để tìm thấy Chơn Tánh hay Phật Tánh, hay Thiên Tâm, Chơn Tâm của Đạo Gia. Cao Đài hay Phật Giáo đều dạy dùng tạng con mắt để soi rọi vào tâm nên Cao Đài dạy nhãn thị chủ tâm là vậy.
Cơ tại mục hiểu vắn tắt là máy nhiệm mầu để tạo Tiên tác Phật đều ở nơi con mắt.

   Trở lại Mục Lục