Dặm dài gánh Đạo

PHẢN TỈNH NỘI CẦU

Người giác ngộ tu hành vào đạo tìm phương tu học là cốt để hàng ngày trau tâm luyện tánh, gột rửa những thói hư tật xấu còn ẩn áo trong tâm nội để trở nên những người chí thiện chí mỹ, hầu giúp ích cho đời và cho đạo. Người chiến sĩ anh hùng có thể điều binh khiển tướng dễ dàng chiến thắng trăm trận, xây thành đắp lũy, kiến quốc tạo nghiệp cũng chưa hẳn làm được anh hùng chiến thắng những trận giặc bất chính ở nội tâm cá nhân. Vì những trận giặc nội tâm không chiến tuyến, không có binh hùng, vũ lực trước mắt để có thể nhìn thấy ma đánh đuổi được. Vì chúng là những kẻ thù vô hình, vô ảnh nên khó khăn vô cùng, đòi hỏi hành giả phải có một ý chí kiên trì, một tâm chuyên nhứt bất thối chuyển, để không bị khuất phục trên con đường thánh thiện hóa bản thân.
Các Giáo Tổ, Đạo gia xưa kia sở dĩ thành công đạt Đạo là nhờ phương pháp phản tỉnh nội cầu. Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy: “Phương pháp phản tỉnh nội cầu rất cần thiết cho hàng chính nhân quân tử lãnh đạo thời xưa và cũng rất cần thiết cho hàng Thiên ân sứ mạng ngày nay.” Như thế, phản tỉnh nội cầu là phương pháp
rất cần thiết cho tất cả mọi người muốn tiến hóa lên hàng hiền nhân thánh triết xưa cũng như nay. Những bực tu hành chơn chánh cầu tiến cần phải học hỏi, nghiên cứu tận tường để áp dụng thực hành vào đời sống hàng ngày của mình.
I. ĐỊNH NGHĨA PHẢN TỈNH NỘI CẦU
Phản: quay lại. Tỉnh: xét kỹ. Nội: bên trong. Cầu: tìm. Phản tỉnh nội cầu: quay vào xem xét bên trong cái tâm của mình để tìm thấy cái Thiên tánh, cái Chơn tâm hằng ngự trong lòng mỗi chúng ta; nhà Phật gọi là minh tâm kiến tánh hay sáng lòng để thấy tánh. Quán xét một cách tinh tường để phát hiện được cái bản linh chơn tánh của mình, vốn minh linh sáng suốt, giúp ta hiểu rõ được cái chơn giả, hư thiệt, chánh tà hay lành dữ để biết đường ngay mà đi, đường tà vạy mà tránh, cho khỏi vương mang những điều lầm lạc tội lỗi.
Đức Đông Lâm Tiên Trưởng dạy: “Phương pháp thành công của các bậc Giáo Tổ, đạo gia khi xưa, trước tiên là phản tỉnh nội cầu, hồi quang phản chiếu. Có nhìn vào trong, xem xét bên trong mới giảm bớt được sự thâu nạp vô tiết độ, khoát vén, tảo trừ lớp vô minh che lấp, bịnh hoạn chấp trước, phân biệt, ích kỷ, độc tôn, phiền não, v.v… Tóm lại là những thứ vật tác hại tâm linh mà ta nhận lầm là con, là quyến thuộc!”
Đức Tiên Trưởng có thêm cụm từ hồi quang phản chiếu sau cụm từ phản tỉnh nội cầu, hai cụm từ này bổ túc cho nhau. Nhưng nói rõ hơn, hồi quang phản chiếu là đem ánh sáng của đôi mắt chiếu ngược trở vào trong tâm nội, để nhìn vào trong mà xem xét bên trong hầu khoát vén tấm màn vô minh đang che lấp để nhận ra những thói hư tật xấu còn tồn tại, những tánh ích kỷ độc tôn, chấp trước… hầu tảo trừ tiêu diệt những tai hại đó cho thân tâm được trong sạch, trọn lành cũng ví như một căn phòng bị che phủ bởi tấm màn đen tối, hồi quang phản chiếu là để vén tấm màn đen che phủ cho ánh sáng bên ngoài ùa vào căn phòng tối om đang làm nơi ẩn náu của những loài rắn rít, chuột bọ, muỗi mòng, nhện giăng tứ phía… là những thói hư tật xấu, tham dục lợi quyền... Đại khái hồi quang phản chiếu, phản tỉnh nội cầu là như vậy.
II. CÁC BẬC THÁNH NHÂN XƯA KIA PHẢN TỈNH NỘI CẦU NHƯ THẾ NÀO?
Giờ nay hãy giở chồng sách cũ, xem các bậc Thánh nhân quân tử xưa kia phản tỉnh nội cầu như thế nào để chúng ta cố gắng noi theo gương tốt của người xưa. Thánh nhân nói: “Nhứt nhựt tam tỉnh ngô thân” nghĩa là mỗi ngày xét mình đến ba lần. Thế mới biết các hàng quân tử thánh nhân xem việc phản tỉnh nội cầu là quan trọng, cần thiết cho việc tu thân xử thế là dường nào.
Sách Trung Dung, chương đầu, chép lại lời của Đức Khổng Tử về khoa xét nghiệm nội tâm, mục đích là để thấu triệt được tiếng nói của lương tâm và định rõ phương hướng của thiên tính. Lời ấy như sau: “Đạo bất khả tu du ly dã, khả ly phi Đạo dã, thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn, mạc hiện hồ ẩn, mạc hiện hồ vi, cố quân tử thận kỳ độc dã”. Đại ý nói rằng: Đạo là cái mà người ta không thể xa rời trong một giây phút nào. Nếu người ta có thể xa rời được, thì đó lại không phải là Đạo nữa. Vậy cho nên người quân tử càng phải tự răn mình và cẩn thận đối với những cái mà mình không thấy và phải lo sợ từ những chỗ mà mình chưa nghe thấy. Bởi vì tất cả các sự vật càng kín đáo lại càng tỏ rõ, càng nhỏ nhít lại càng sáng tỏ hiện bày ra hết. Cho nên người quân tử luôn luôn phải thận trọng, giữ gìn cẩn thận mỗi khi ở một mình (nhà vắng).
Các môn đồ nổi tiếng của Đức Khổng Tử như Mạnh Tử và sau này là Trình Hạo, Lục Tượng Sơn chí đến Vương Dương Minh đều áp dụng phương pháp phản tỉnh nội cầu. Sách Mạnh Tử, chương Tận Tâm, có câu: “Tận kỳ tâm dã, tri kỳ tánh dã, tri kỳ tánh dã tri thiên hỉ”. Đại ý nói rằng: Phát huy đến cùng cực tâm của mình, vận dụng hết cơ năng của tâm, thì biết được cái tánh của mình, tức nhiên biết được trời rồi đó! Đó là phương pháp trực giác, chú trọng dùng tâm làm cơ năng để suy nghĩ, chớ không dùng cảm quan hay lý trí, mới mong đạt được cái chân tri, là sự hiểu biết chơn chánh thấu suốt cùng lý tận tánh của sự sự vật vật.
Đức Mạnh Tử cho rằng suy nghĩ tức là nội cầu, nội cầu là đường lối chủ yếu đưa ta đến chân lý. Câu nói này của Ngài trong chương Cáo Tử đại ý như sau: Tai mắt là những cơ quan không suy nghĩ được vì bị sự vật ở ngoài che lấp, vật tiếp xúc với sự vật thì dễ bị sự vật đưa đi lạc hướng. Tâm là cơ quan có suy nghĩ thì hiểu được lẽ phải, không suy nghĩ thì không hiểu được.
Đến Vương Dương Minh cũng tán đồng việc phải dùng tâm cầu lý qua câu nói: “Vật lý bất ngoại vu ngô tâm, ngoại ngô tâm nhi cầu vật lý, vô vật lý hỉ”. Nghĩa là: Lý ở sự vật không ngoài tâm ta, ngoài tâm ta mà cầu lý ở sự vật thì không có lý ở sự vật.
Đức Jésus cũng phải nhờ thời gian tĩnh tâm 40 ngày trên núi mà giảng được bài giảng chứa đựng giáo lý bất hủ làm căn bản cho Thiên Chúa Giáo tồn tại trên 2000 năm.
Xưa kia, Thái Tử Sĩ Đạt Ta muốn tìm được đạo mầu để giải thoát cho nhơn loại khỏi bốn đường sanh, lão, bệnh, tử của kiếp luân hồi, dám can đảm lìa bỏ ngai vàng điện ngọc, khước từ bả vinh hoa phú quí, vào rừng sâu để tìm cầu cái đạo bằng phương pháp khổ hạnh đầu đà cùng với các thầy trò Kiều Trần Như, mà không thấy kết quả. Nên cuối cùng Ngài quyết định từ bỏ hạnh đầu đà, mà tọa thiền nhập định; dùng phép phản tỉnh nội cầu nhìn vào nội tâm để quán xét cho cùng lý tận tánh sự sự vật vật với lời thề nếu không đạt đạo thì chịu chết dưới cội cây bồ đề chớ không chịu đi đâu nữa. Nhờ lời thề cương quyết, với sức kiên trì nhẫn nại bat thối chuyển mà Ngài đã giác ngộ tìm thấy được chân lý, thấu suốt được nguồn gốc sự đau khổ của nhơn loại với Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên và tìm được con đường giải thoát là Bát Chính Đạo.
Còn ngày nay, các hàng lãnh đạo quốc gia hay tôn giáo và các nhà tu hành, muốn chánh kỷ hóa nhơn, muốn phục vụ nhơn loại cũng cần phải áp dụng phương pháp mà các Đấng Giáo Tổ hay các bậc hiền nhân thánh triết đã sử dụng có kết quả để tìm những giải pháp quốc kế dân sinh hữu hiệu đem lại hạnh phúc cho nhơn loại; đó chính là phương pháp phản tỉnh nội cầu. Các nhà tu hành muốn hoàn thiện hóa bản tâm, bổn tánh; các bậc tu chơn đại thừa, tu tánh luyện mạng để tự giác, giác tha cũng cần thực hành pháp môn phản tỉnh nội cầu này để chóng đạt được kết quả mỹ mãn, chớ không cần phải lên non cao rừng thẳm cầu sư học Đạo. Cái Đạo vốn thường hằng hữu có sẵn nơi tâm mình gọi là Thiên tánh hay Phật tánh, nếu ta tìm thấy thì sẽ sáng suốt mà thấu đáo hết mọi lẽ hư thật, chơn giả của cuộc đời. Điều cần nhất của phương pháp này là phải giữ cho cái tâm được thanh tịnh, không được vọng động lo lắng nghĩ ngợi mông lung; phải kềm nó lại không cho bay nhảy như con khỉ, chuyền cây này qua cây kia; như con ngựa mất dây cương phóng đại; dứt bỏ những tư tưởng nhớ lại những chuyện đã qua; suy nghĩ những việc hiện tại hay sẽ đến, mà Phật Tiên gọi là giữ lòng vô niệm. Có giữ được vô niệm, tâm sẽ được thanh tịnh thì ánh sáng nội tâm mới phát hiện cho lẽ huyền vi hiển lộ, ví như nước khi lặng lóng được thì cặn cáu sẽ chìm xuống đáy để nước trong vắt.Bạch Tẫn lão nhân có đưa ra một phương pháp
dễ dàng thực hiện. Đương lúc vọng niệm dấy lên lăng xăng, chẳng cần phải dứt tuyệt. Cứ đem trở ngược vào tâm hay coi nó tưởng là tưởng cái chi, rồi hồi quang mà chiếu vào cho nhằm chỗ, thì nó liền lặng lẽ. Học đạo không có phép nào khác, tâm vừa phóng thì tưởng rằng: “Cái tâm này là tâm của ta, nó phải do theo mạng lịnh ta, ta chẳng đặng tin mà cho nó đi dông dài ra ngoài, tuy nó bị che lấp đã lâu ta rán sức cũng kêu tỉnh nó được. Hét lớn một tiếng, trăm tà đều lui, rồi kế xem vào tâm.”
III. NHỮNG CHƯỚNG NGẠI CHO VIỆC PHẢN TỈNH NỘI CẦU
1. Điều ngăn ngại thứ nhứt là bệnh hay chấp trước
Đức Đông Lâm Tiên Trưởng đã lưu ý chúng ta, một trong những trở ngại lớn nhất là bệnh hay chấp trước, chấp nhân, chấp ngã, chấp danh, chấp tướng do tánh ích kỷ, tự phụ độc tôn, trọng mình khinh người mà ra. Tuân tử cho rằng sở dĩ người ta không tới được chân tri, sở dĩ có lầm lẫn là vì nó bị che lấp không cho mình thấy rõ. Nếu muốn tới được cái chân tri thì chỉ có cách là trừ khử cái chướng vật ấy, là cái bệnh chấp trước đi. Ông lại giãi bày trong chương Giải Tế: “Thánh nhân biết mối lo của tâm thuật, thấy mối họa của những cái làm che lấp, cho nên dễ thiên về một phía, mới không có ưa ghét, không chấp trước, chấp sau, không chấp trước rộng hẹp, nông cạn, không chấp trước xưa nay. Coi muôn vật đồng đều, cầm thẳng cán cân mà cân nhắc sự vật, cho nên những sự vật khác nhau không che lấp lẫn nhau mà làm rối lý.” Cán cân đó là cái gì? Là Đạo. Muốn thấy rõ Đạo, nghĩa là tới được chân tri thì điều kiện tối yếu là giữ cho tâm không bị che lấp, không thiên lệch. Muốn như vậy phải giữ cho tâm có được ba trạng thái: trống không, tinh thần chuyên nhứt và định tĩnh.
a. Điểm thứ nhứt là tâm trống không (tâm vô hay tâm hư)
Là đừng để cho cái ý đến trước, cái ý sẵn có trong tâm lấn lướt cái ý đến sau hay ngăn cản cái ý sắp tới, nghĩa là đừng cố chấp, đừng định kiến, phải hết sức khai thông cởi mở. Cái ý tới sau dầu cho có trái ngược với cái ý tới trước sẵn có thì vẫn phải hư tâm mà tiếp nhận nó.

“Lặng lẽ tìm ra chỗ trống không,
Cơ vi Tạo Hóa đủ huyền công;
Ngời như xá lợi, trong như ngọc,
Vốn chỗ nguyên nhân thiên địa đồng.”

b. Điều thứ hai là tinh thuần (tinh ròng) chuyên nhứt
Nghĩa là chú ý tập trung tư tưởng, tuy cùng một lúc biết được hai hay nhiều việc, mà vẫn không để cho việc nọ phương hại đến việc kia, dầu cho là những việc tương phản. Khi nghiên cứu một việc gì, phải tập trung chú ý vào việc đó, không để cho việc thứ hai ảnh hưởng đến công việc đang nghĩ ngợi đó. Chuyên ròng thuần nhứt chỉ nghĩ một việc mà thôi là tinh thần chuyên nhứt:

“Đạt Đạo nhờ tâm chẳng vọng tâm,
Muôn đường ngàn nẻo cũng do tâm;
Hỡi ai giữ được tâm chuyên nhứt,
Sẽ dứt phàm tâm lộ thánh tâm.”
“Thông suốt hành tàng đạo lý thâm,
Đều do chuyên nhứt của linh tâm,
Tâm linh thì tánh linh quang hiện,
Một khiếu linh rồi sống vạn năm.”

c. Điều thứ ba là định tĩnh
Tức là ngừng lại tất cả mọi ý nghĩ, mà Đạo gia gọi là định thần, tức là không để cho những tư tưởng viển vông lo nghĩ buồn phiền xâm nhập vào tâm mình, làm cho tâm phải xáo trộn đảo điên. Cũng không để cho tiếng động bên ngoài lọt vào
tai làm rối loạn tâm trí mình, phân tán tri thức mình.

“Tâm có định rồi thân mới an,
Tâm còn điên đảo ắt nguy nàn;
Công phu là để tâm an định,
Nên Đạo nên người chốn thế gian.”

Tâm có ổn định rồi thì huệ phát sanh, thần linh hoạt, trước bao nhiêu sự việc hồng trần rất dễ dàng điều hành giải quyết. Kinh nghiệm công phu chứng minh là khi cái tâm đã định rồi thì tâm hỏa hạ giáng, thận thủy thượng thăng, miệng nếm cam tân (nước miếng ngọt) huyền diệu khó mà tả cùng tận, ta sẽ nuốt từ từ để nó nhuận tỏa mà tẩm bổ khắp châu thân.Khi chúng ta giữ
được ba trạng thái trống không, thuần nhứt và định tĩnh đó rồi, như vừa kể trên thì con người vượt được lên trên những mối tương quan mâu thuẫn của sự vật, thoát ra ngoài vòng lẩn quẩn của những đối lập mà không còn bị che lấp, không còn thiên kiến nữa, không còn chỉ thấy biết phía này mà bỏ sót phía kia nữa. Cái biết lúc đó là cái biết phổ biến toàn diện, là cái sáng suốt của tâm đó. Muôn vật không có vật nào có hình mà không thấy, không có vật nào thấy mà không biện luận được, không có lời biện luận nào mà không đúng lý. Ngồi ở nhà mà biết khắp bốn biển, ở đời nay mà luận được việc lâu dài, mà thấy biết việc quá khứ vị lai của các hàng Thánh nhân như Vạn Hạnh Thiền Sư và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm của nước Việt Nam cũng đã thực hiện được những điều đó.
2. Điều ngăn ngại thứ hai là tính tự ái, tự cao, tự tôn, tự đại
Tánh tự cao tự đại, kiêu căng kiêu hãnh khiến cho hành giả lúc nào cũng tự nghĩ cho mình là cao, là giỏi, là phải, là đúng hơn hết và hoàn toàn có lý hơn ai hết, không chịu hòa mình với tập thể nên bị cô đơn lẻ loi không có người hợp tác, không có được cộng sự chân thành và sẽ tối tăm ám muội mà nhận những lời nịnh hót tâng bốc dễ dàng dẫn dắt mình đến chỗ thất bại. Cho nên Thánh nhân dạy chúng ta phải tạo thế nhân hòa để làm nên việc cả là vậy.
Ơn Trên dạy: “Ngày nay muốn tạo được thế nhân hòa, đoàn kết thì người lớn phải tỏ ra có đức độ, phải chịu hy sinh cái ý kiến tư hữu của mình cũng là điều quan trọng không kém sự hy sinh tánh mạng.” Đó chính là lời dạy của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, người đã thực hiện được tinh thần đoàn kết toàn dân mà đã hai phen thắng được quân Nguyên trong thế mạnh như nước tràn đê vỡ. Hội nghị Diên Hồng đời nhà Trần cũng nói lên thế nhân hòa và sự đoàn kết của toàn dân mới cứu nguy được dân tộc ta khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Người tu lại càng nên từ tốn hạ mình lấy tánh của nước làm gương. Biết khiêm nhượng nghe lời khuyên giải của người trên kẻ dưới, không nặng óc kỳ thị, dẹp lòng tự ái mà lắng nghe và suy tư. Chính những giây phút hồi quang phản chiếu đó chân tri sẽ đến với ta, minh triết sẽ đến với ta, giúp ta giải quyết những bài toán khó khăn. Đức Hiệp Thiên Đại Đế đã nhắc nhở: “Nếu không sửa đổi cải thiện, khiêm tốn học hỏi điều lành, phục thiện để nhận những chỗ sai hầu chừa cải, thì dầu tu trọn đời mãn kiếp, phàm nhân vẫn là phàm nhân, luân hồi chuyển kiếp vẫn trong vòng chuyển kiếp luân hồi.”
3. Những trở ngại khác
Phản tỉnh nội cầu còn gặp những trở ngại khác là những thể phụ thuộc con người như lục căn (nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý) vì chúng nó hoạt động thì sanh ra lục thức khiến xui con người bị nhiễm lục trần. Nếu chúng ta không biết tự chủ kiềm chế thì chúng nó sẽ dẫn dắt ta vào con đường tội lỗi. Cho nên trong lúc phản tỉnh nội cầu chúng ta cần phải bế ngũ quan lại.
Mắt không mở để không thấy những ngoại cảnh làm xúc động tâm tư. Tai không nghe ngóng làm sao biết được tiếng nói dữ lành, giọng đờn uyển chuyển để làm say đắm lòng người. Mũi không hít mùi hương thơm ngào ngạt kích thích. Lưỡi không nếm mùi ngon vị lạ làm sao mà thèm thuồng. Ý bị nhốt trong chuồng làm sao buông lung phóng túng mà sanh sự, sự sanh được.
Cho nên người quân tử hay bậc chơn tu phải làm chủ cho được lục căn. Mình phải là chủ nhân ông của chúng, phải sai khiến, điều khiển chúng làm những điều lễ nghĩa đạo đức chớ không để chúng xúi giục sa vào con đường đọa lạc tội lỗi, phải làm sao biến lục thức trở thành lục thông như các tiên gia đã luyện được.

“Chủ tình thức tâm linh chiếu diệu,
Thấu suốt điều thọ yểu cùng thông;
Tự do, tự tại, thong dong,
Vào ra thấy tánh chơn không hiện bày.”
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
Biết tự chủ là người giác ngộ,
Sống tinh tường thấu chỗ huyền vi;
Vững vàng một ánh linh tri,
Vô vi cùng với hữu vi nơi mình.
Chính mình luyện cường binh chiến thắng,
Chính mình làm cho đặng chủ nhân;
Trong tay nắm giữ thời thần,
Sáu căn chớ để sáu trần nhiễm ô.
Sáu căn ấy ra vô đúng tiết,
Là tướng hùng oanh liệt sáu phương,
Dưới trên ngăn lũ ma vương;
Đông tây nam bắc biên cương giữ gìn.
Không dấy động vì tình vì cảnh,
Không đảo điên bổn tánh chơn tâm;
Vọng duyên vừa mới khởi mầm,
Cường binh quét sạch khỏi lâm nghiệp trần.”

Đại ý Ngài dạy chúng ta phải biết tự chủ, nếu là người đã giác ngộ làm chủ được sáu căn thì không nhiễm sáu trần. Hễ vọng duyên vừa mới khởi mầm, trong tay đã nắm sẵn thời thần hãy dụng cường binh mà chiến thắng lũ lục tặc ma vương quấy nhiễu bổn linh chơn tánh của mình, thì mình khỏi lâm vào nghiệp lực của trần la mà phải chịu trong vòng luân hồi đọa lạc nữa. Cái tai hại là ta thường lầm chúng là những người thân thích mà nghe theo lời dụ dỗ của chúng, nên phản tỉnh nội cầu là phải lắng nhìn vào trong để nghe tiếng nói của chơn tâm mà đời thường gọi là lương tâm, mới khoát vén được màn vô minh che lấp những bịnh hoạn chấp trước, những lòng tự ái độc tôn, những bất mãn phiền não, những biếng lười dãi đãi, những dục vọng thấp hèn, v.v… tóm lại là những thứ tác hại tâm linh của ta. Có nhìn vào trong để theo dõi phán xét phân tách từ những tư tưởng phát động, những ý nghĩ, lời nói việc làm để phân biệt phần nào thuộc về chơn ngã, chơn tâm hay thiên tánh và phần nào thuộc về giả ngã, phàm tâm tục tánh mà ngăn ngừa chận đứng kịp thời trước khi chúng phát động. Những giờ thuận lợi cho hành giả để hồi quang phản chiếu là những giờ tịnh tọa tham thiền và những giờ trước khi ngủ hoặc sáng sớm mới thức dậy.
Xưa vua Thang khắc nơi bồn tắm hàng chữ: “Cẩu nhựt tân, nhựt nhựt tân, hựu nhựt tân” để lúc nào vào tắm gội sạch sẽ thân thể không quên tự cảnh tỉnh ông mỗi ngày phải gội rửa tâm hồn cho sạch sẽ như thân thể vậy, ngày ngày phải tự canh tân đổi mới luôn luôn không lúc nào ngừng nghỉ.Còn Tăng Tử “Nhứt nhựt tam tỉnh ngô thân”,
mỗi ngày xét mình ít nhất ba lần. Đời nay vật chất xa hoa tiến bộ và lũ quỷ ma vô thường do cái nghe cái thấy vô thường mà chúng dàn cảnh lúc nào cũng chực chờ chúng ta có kẽ hở là tấn công liền để chúng ta trở tay không kịp. Cho nên lúc nào chúng ta cũng phải thận trọng dặt dè, quán xét nội tâm lúc nào cũng thấy cần, không cần phải đợi tới giờ tham thiền.
Phương pháp vô tư tự kiểm sau khi hồi quang phản chiếu để ghi vào một cuốn sổ nhật ký những tư tưởng, lời nói hay việc làm phải quấy hàng ngày giúp cho hành giả sửa lần lần những thói hư tật xấu mà đi đến chỗ hoàn thiện bản thân, bản tánh gọi là tờ vô ngã kiểm cũng là một phương pháp rất tích cực cho việc tu thân khắc kỷ.
Để kết thúc, chúng tôi xin tóm lược đề tài “Phản tỉnh nội cầu” với những điểm đại cương sau đây:
1. Hồi quang phản chiếu phản tỉnh nội cầu có nghĩa là nhìn vào tâm nội để quán xét tinh tường mà khoát vén màn vô minh che lấp những mê lầm, thói hư tật xấu còn tồn tại, hầu sửa chữa và tránh khỏi phải gây thêm nghiệp quả để khỏi mắc trong bánh xe luân hồi chuyển kiếp mà tiến hóa lên hàng thánh thiện chí nhân chí mỹ.
2. Những chướng ngại của việc phản tỉnh nội cầu là những bệnh hoạn chấp trước do lòng tự ái, ích kỷ độc tôn, chấp ngã, chấp nhơn, chấp danh, chấp tướng, chấp đạo, chấp pháp. Phải dùng phương pháp trừ tuyệt mà Thánh nhơn đã áp dụng. Muốn đạt kết quả tốt đẹp phải giữ cái tâm cho được ba điều là: trống không (tâm hư), tinh thuần (ròng) chuyên nhứt và định tĩnh như đã trình bày ở trên.
3. Phải biết làm chủ bản thân, bản tánh của mình mà điều khiển ngũ tặc, lục căn để chế ngự thất tình lục dục là mười ba con ma nó chực chờ để ám hại ta, đừng để sơ hở dể duôi. Phải điều khiển cường binh để chiến thắng lũ quần ma rất nguy hiểm vì chúng vô hình vô ảnh và không có chiến tuyến. Thế mới biết anh hùng chiến thắng giặc dễ dàng trên mặt trận mà không dễ gì làm anh hùng chiến thắng được trận giặc ở nội tâm mình.
Trong bài Khẩu khuyết dự bị sơ thiền, Đức Hà Tiên Cô dạy:
“Luôn luôn phản tỉnh nội cầu,
Chánh tâm diệt dục nhiệm mầu thấy ngay.”
Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
“Những chướng ngại dặm trường là những cánh sen vàng đang chớm nở trong kim thân của hành giả. (...)
Muốn được như ý, con phải có một tâm đạo chí thành, một tinh thần bất biến, một ý chí kiên trì chuyên nhứt, siêng tu siêng học, dầu đời hay đạo, trong mọi hoàn cảnh nào con cũng không bị bối rối.”
IV. KẾT LUẬN
Người tu hành chung quy chỉ có một cái tâm mà thôi, phương pháp phản tỉnh nội cầu là để cầu tâm, tìm tâm. Vì tâm làm chủ sử muôn việc, tâm là quân điều hành các tướng. Nếu tâm định thì quân minh, quân minh thì thần định, quân ám thì thần loạn. Từ vạn cổ, Phật Tiên Thánh thần cũng do tâm mà thành đạo.
Ngày xưa Đức Thích Ca ngồi dưới cội bồ đề cũng minh được tâm mới kiến được tánh, dụng hỏa thần tiêu diệt âm khí, dứt đoạn nhân duyên, tuyệt trừ ngũ lậu mới chứng quả Chánh Đẳng Chánh Giác Như Lai.
Đức Khổng Tử cũng quán tâm, tồn tâm dưỡng tánh, đắc nhứt bảo trung mà thành Đạo. Ngày nay, người học đạo tu hành chúng ta cũng phải noi gương theo con đường đó mà tiến bước mới có thể thành công đắc quả như các Đấng ấy.


Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
“Con hỡi đường nào đạt đạo cơ?
Chỉ đường trung nhứt phục nguyên sơ;
Ngàn xưa Giáo Tổ đều do đó,
Chứng quả độ đời tỉnh giấc mơ.”

Và Ngài cũng đã khẳng định rằng: “Lẽ tất yếu thành công tu chứng của các con là phản tỉnh nội cầu khắc phục cho đến khi nào con thấy được thuần chơn vô ngã thì kết quả sẽ đến với các con.”     

  Trở lại Mục Lục